Giảm đau ngoài màng cứng sau phẫu thuật

Tài liệu này do bác sĩ gây mê biên soạn nhằm giải thích rõ thông tin cho bệnh nhân về phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong và sau khi phẫu thuật.

GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG LÀ GÌ?

Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp giảm đau, có thể được sử dụng trong quá trình phẫu thuật cùng với gây mê và tiếp tục được sử dụng sau khi phẫu thuật để kiểm soát đau. Các dây thần kinh từ vùng lưng dưới đi qua phần lưng gần tủy sống, được gọi là “khoang ngoài màng cứng”. Khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ gây mê sẽ dùng một loại kim chuyên biệt để luồn một ống thông nhựa rất mỏng và nhỏ vào khoang ngoài màng cứng của bệnh nhân (ống thông ngoài màng cứng).

Thuốc tê, và đôi khi là các loại thuốc giảm đau khác, sẽ được đưa vào ống thông ngoài màng cứng nằm gần các dây thần kinh ở vùng lưng bệnh nhân. Kết quả là sự dẫn truyền thần kinh sẽ bị phong bế. Điều này sẽ làm cho bệnh nhân được giảm đau và việc giảm đau này tùy thuộc vào lượng thuốc và loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Các thuốc tê sẽ gây cảm giác tê cứng đồng thời giảm đau cho bệnh nhân. Máy bơm tiêm ngoài màng cứng được dùng để đưa liên tục thuốc giảm đau qua ống thông ngoài màng cứng. Máy bơm tiêm sẽ được bác sĩ gây mê cài đặt sẵn nhằm tránh xảy ra hiện tượng quá liều. Hiệu quả giảm đau được kéo dài trong suốt quá trình máy bơm tiêm hoạt động. Khi ngưng sử dụng, cảm giác của bệnh nhân sẽ được hồi phục trong vài giờ.

LỢI ÍCH CỦA GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG LÀ GÌ?

Nếu gây tê ngoài màng cứng hoạt động hiệu quả, bệnh nhân sẽ được giảm đau tốt hơn các phương pháp giảm đau khác, đặc biệt là khi bệnh nhân hít thở sâu, ho hoặc di chuyển trên giường mà không sợ đau. Bệnh nhân sẽ không cần sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau mạnh khác. Điều này có nghĩa là khả năng hô hấp của bệnh nhân sẽ tốt hơn, bệnh nhân ít bị buồn nôn, ói mửa sau khi phẫu thuật, và sẽ tỉnh táo hơn. Một số bằng chứng cho thấy các biến chứng sau khi phẫu thuật có thể được giảm, bao gồm cả việc hình thành huyết khối ở chi dưới hoặc viêm phổi. Cũng có một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân có thể giảm nguy cơ mất máu và nhu cầu cần truyền máu khi áp dụng phương pháp này.

ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU BỆNH NHÂN KHÔNG THỰC HIỆN GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG?

Đây là sự lựa chọn của bệnh nhân. Bác sĩ gây mê sẽ khuyến cáo cho bệnh nhân biết có nên sử dụng phương pháp này hay không và những phương pháp giảm đau thay thế khác. Phương pháp giảm đau khác sẽ sử dụng morphine hoặc các loại thuốc tương tự. Đây là những loại thuốc giảm đau mạnh. Những loại thuốc này có một số tác dụng phụ gây buồn nôn và táo bón. Một số người trở nên lú lẫn sau khi sử dụng morphine.

Morphine, hoặc những loại thuốc tương tự, có thể sử dụng bằng đường uống, tiêm bắp, hoặc bơm tiêm tĩnh mạch để kiểm soát đau (Phương Pháp Bệnh Nhân Tự Kiểm Soát Đau, thường được gọi là PCA). Ngoài ra cũng có những phương pháp gây tê thay thế khác, ví dụ, phương pháp phong bế thần kinh. Bác sĩ gây mê sẽ luôn nỗ lực thực hiện các phương pháp giảm đau để mang lại cho bệnh nhân trạng thái thoải mái nhất có thể.

TẤT CẢ BỆNH NHÂN ĐỀU CÓ THỂ SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP NÀY?

Không hẳn vậy. Phương pháp này không được sử dụng cho một số người.

Bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ gây mê nếu:

  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng đông máu, như là warfarin;
  • Bệnh nhân có vấn đề về đông máu;
  • Bệnh nhân dị ứng với các loại thuốc tê;
  • Bệnh nhân có cột sống bất thường;
  • Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng vùng lưng;
  • Bệnh nhân đã phẫu thuật cột sống lưng có đặt dụng cụ kim loại trước đó;
  • Bệnh nhân gặp vấn đề về gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng trước đó.

GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Phương pháp này có thể được thực hiện khi:

  • Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo;
  • Bệnh nhân đã dùng thuốc an thần (loại thuốc làm cho bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ và thư giãn);
  • Bệnh nhân đã được gây mê.

Bác sĩ gây mê sẽ thảo luận với bệnh nhân thời điểm thực hiện thích hợp nhất.

Các bước thực hiện:

  • Một ống thông tĩnh mạch được đặt vào cánh tay của bệnh nhân để truyền dịch;
  • Bệnh nhân sẽ ngồi hoặc nằm nghiêng một bên. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn hoặc được giúp đỡ để uốn cong phần lưng nhiều nhất có thể;
  • Một lượng nhỏ thuốc tê được sử dụng để gây tê ngoài da tại vị trí đâm kim;
  • Một loại kim chuyên biệt được sử dụng để luồn một ống thông nhựa mỏng vào khoang ngoài màng cứng ở phần lưng bệnh nhân. Sau đó, rút kim ra và chỉ lưu lại ống thông ở lưng.

BỆNH NHÂN SẼ CÓ CẢM GIÁC NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh nhân sẽ có cảm giác rát buốt ngắn ở da khi tiêm thuốc tê. Sau đó, bệnh nhân có cảm giác kim và ống thông nhỏ được luồn vào lưng nhưng không quá khó chịu. Thỉnh thoảng, bệnh nhân có cảm giác đau nhói như điện giật. Nếu điều này xảy ra, bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ gây mê. Bác sĩ có thể sẽ hỏi bệnh nhân vị trí cảm thấy đau . Một cảm giác ấm và tê cứng dần dần xuất hiện. Đối với một vài loại gây tê ngoài màng cứng, hai chân của bệnh nhân sẽ trở nên nặng và khó cử động. Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân đều không cảm thấy khó chịu, mà chỉ có một chút cảm giác khác lạ. Cảm giác và vận động sẽ trở lại bình thường sau khi ngưng gây tê ngoài màng cứng.

CÁC TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP NHẤT

  • Hạ huyết áp: huyết áp hạ một chút là điều bình thường khi sử dụng phương pháp này. Bác sĩ gây mê sẽ truyền dịch và thuốc để nâng huyết áp về bình thường.
  • Bí tiểu: các sợi thần kinh chi phối hoạt động của bàng quang sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng phương pháp này. Một ống thông sẽ được đặt vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu. Điều này thường cần thiết sau ca đại phẫu có hoặc không có gây tê ngoài màng cứng.
  • Ngứa: đây là tác dụng phụ của các loại thuốc giảm đau có thể được dùng khi gây tê ngoài màng cứng. Các thuốc kháng histamine được sử dụng để điều trị tác dụng phụ này hoặc có thể thay đổi loại thuốc dùng gây tê ngoài màng cứng.
  • Buồn nôn: ít xảy ra so với các phương pháp giảm đau khác. Tình trạng này được điều trị bằng các thuốc kháng nôn.
  • Không đủ giảm đau: phương pháp này có thể không giảm đau hoàn toàn cho bệnh nhân. Bác sĩ gây mê sẽ quyết định có nên tiếp tục sử dụng hay cần phải thay thế bằng một phương pháp giảm đau khác.

CÁC TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP KHÁC

Đau đầu: đau đầu khá thường gặp sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân có thể bị đau đầu dữ dội sau khi gây tê ngoài màng cứng. Điều này xảy ra khi dùng kim đặt vào khoang ngoài màng cứng đã vô tình đâm thủng màng cứng vào túi dịch tủy sống. Một lượng nhỏ dịch tủy sống thoát ra ngoài là nguyên nhân gây đau đầu. Cơn đau đầu sẽ trầm trọng hơn khi bệnh nhân ngồi dậy và giảm đi khi nằm thẳng. Nhân viên chăm sóc cho bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ gây mê ngay lập tức. Cơn đau đầu của bệnh nhân có thể được điều trị bằng một phương pháp chuyên biệt.

CÁC BIẾN CHỨNG ÍT GẶP

  • Nhịp thở chậm: Một vài loại thuốc được sử dụng khi gây tê ngoài màng cứng có thể gây nhịp thở chậm hoặc buồn ngủ cần phải điều trị.
  • Tổn thương thần kinh tạm thời: ít khi kim gây tê ngoài màng cứng có thể làm tổn thương thần kinh. Tổn thương này có thể làm mất cảm giác hoặc vận động ở một vùng lớn hay nhỏ của nửa phần dưới cơ thể. Hầu hết bệnh nhân sẽ ổn định hơn sau vài ngày, vài tuần hay vài tháng.

CÁC BIẾN CHỨNG HIẾM HOẶC RẤT HIẾM GẶP

  • Tổn thương thần kinh vĩnh viễn: Hiếm khi tổn thương thần kinh vĩnh viễn do kim gây tê hoặc ống thông ngoài màng cứng. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc phải là từ 1/6.000 đến 1/12.000 số trường hợp gây tê ngoài màng cứng cho phẫu thuật. Cũng như rất hiếm xảy ra do các nguyên nhân khác, thường nguyên nhân liên quan đến phẫu thuật hoặc các vấn đề nội khoa khác chứ không liên quan đến gây tê ngoài màng cứng.
  • Nhiễm trùng ống thông ngoài màng cứng: Nhiễm trùng đôi khi xảy ra quanh ống thông ngoài màng cứng. Ống thông sẽ được rút ra khi có tình trạng nhiễm trùng. Hiếm khi nhiễm trùng lan sâu hơn vào da. Có thể cần dùng kháng sinh hoặc rất ít khi phải phẫu thuật cấp cứu. Tổn thương thần kinh gây ra bởi áp xe ngoài màng cứng đặc biệt là rất hiếm.

CÁC BIẾN CHỨNG KHÁC

  • Co giật, khó thở nặng, liệt chi dưới vĩnh viễn (mất vận động một hoặc hai chân) hoặc tử vong là những trường hợp rất hiếm xảy ra. Nguy cơ của các biến chứng phải được cân nhắc với những lợi ích của phương pháp và so sánh với các phương pháp giảm đau khác. Bác sĩ gây mê sẽ cung cấp cho bệnh nhân nhiều thông tin hơn và giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về những nguy cơ có liên quan.
  • Khối máu tụ: Đây là hiện tượng tụ máu gần các dây thần kinh do các mạch máu bị kim gây tê hoặc ống thông ngoài màng cứng làm tổn thương. Thông thường chỉ chảy một ít máu hoặc có vết bầm và không gây tổn thương thần kinh. Khối máu tụ lớn có thể chèn ép thần kinh hoặc tủy sống và gây tổn thương thần kinh. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp, có thể cần phải phẫu thuật cấp cứu để lấy khối máu tụ và giảm chèn ép. Nếu bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng các loại thuốc làm loãng máu như warfarin, heparin hay clopidogrel, thì bệnh nhân rất có khả năng hình thành khối máu tụ. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngưng sử dụng những loại thuốc này trước khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng hay tủy sống. Nếu máu không đông vì những lý do khác (ví dụ, haemophilia), thì nguy cơ gặp biến chứng này cũng sẽ tăng. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ gây mê về bất kỳ vấn đề rối loạn đông máu nào đã gặp phải trước đây vì điều này có thể làm cho bệnh nhân không thể thực hiện gây tê ngoài màng cứng hay tủy sống.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý MÀ BỆNH NHÂN NÊN HỎI BÁC SĨ GÂY MÊ

1. Lý do bác sĩ đề nghị thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng cho tôi?

2. Những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp gây tê ngoài màng cứng đối với tôi?

3. Có những phương pháp giảm đau nào thay thế không?

4. Ai sẽ là người thực hiện gây tê ngoài màng cứng cho tôi?

5. Bác sĩ có thường thực hiện phương pháp giảm đau này không?

6. Tôi có bất kỳ nguy cơ đặc biệt nào không?

7. Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau khi gây tê ngoài màng cứng?

8. Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau khi tôi không được gây tê ngoài màng cứng?