Ở lứa tuổi tràn đầy sức sống, song V.M.B phải đối diện với căn bệnh ung thư máu ác tính. Chính khao khát được sống của cậu bé 17 tuổi đã thúc đẩy mọi nỗ lực của ekip y bác sĩ tại nhiều bệnh viện cùng hợp tác. Và lần đầu tiên phương pháp xạ trị toàn thân (TBI) được áp dụng tại Việt Nam để giúp B. giành lấy sự sống.
Khát khao được sống của cậu bé 17 tuổi
Tháng 3/2019, V.M.B (sinh năm 2005, Q.Gò Vấp, TP.HCM) thường xuyên bị các cơn đau đầu, đau bụng hành hạ. B. bị sốt và luôn có cảm giác lạnh vào mỗi chiều. Sau một thời gian, các cơn đau lan từ đầu và bụng sang các khớp xương và ngày càng đau nhức. Các xét nghiệm tại một bệnh viện ở TP.HCM cho biết B. bị ung thư máu.
M.B và mẹ kể lại hành trình chiến đấu với bệnh ung thư máu
Chị T.D., mẹ B., kể gia đình chị bàng hoàng khi con trai mắc bệnh nan y. Song khi tìm hiểu và biết ung thư máu có tỷ lệ chữa khỏi cao đáng kể, mẹ con chị bớt hoảng loạn. B. được chuyển đến một Bệnh viện chuyên khoa huyết học đầu ngành khu vực phía Nam để bắt đầu hành trình điều trị ung thư máu.
Được các bác sĩ tại đây tận tình cứu chữa trong 1 năm, B. được xuất viện và trở lại với trường học. Song, sau một thời gian, các cơn đau đầu, đau xương bất ngờ quay trở lại. Bệnh ung thư máu đã tái phát ở khu vực thần kinh trung ương của B.. Hai mẹ con tiếp tục kiên cường vượt qua cú sốc bệnh tật này để bắt đầu lại từ vạch xuất phát.
Trong quá trình điều trị, B. phải chịu những cơn đau hành hạ không ngớt, thậm chí chỉ cần khẽ cử động cũng khiến em đau đến phát khóc. Bi đát hơn, B. còn phải trải qua ca phẫu thuật thay khớp háng do bị hoại tử. May mắn là ca phẫu thuật thành công, giúp em đi lại bình thường. Khao khát được sống, em đã cố gắng vượt qua mọi đau đớn, sợ hãi để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ác tính.
Bệnh nhân Việt Nam đầu tiên thực hiện kỹ thuật xạ trị toàn thân
Hành trình giành giật cơ hội sống đầy gian nan của B. chưa dừng ở đó. Bác sĩ trưởng khoa nhi tại bệnh viện trên cho biết, B. cần ghép tủy. Tuy nhiên, do em bị ung thư bạch cầu cấp dòng lymphôm, nếu không xạ trị bằng phương pháp xạ trị toàn thân (Total Body Irradiation – TBI) trước thì không đảm bảo cho việc ghép tủy.
Mẹ B. nhớ lại: “Ở Việt Nam thời điểm đó chưa có kỹ thuật TBI Được biết Bệnh viện FV có thể làm được kỹ thuật này nhưng quá trình xin triển khai hoạt động chưa xong. Sắp làm thủ tục cho con sang Đài Loan điều trị thì cả hai mẹ con đều nhiễm Covid, việc đi điều trị ở nước ngoài không thể thực hiện được. May mắn khi điều trị Covid xong cũng là lúc kỹ thuật TBI tại Bệnh viện FV được thực hiện’’.
Thiết bị xạ trị hiện đại tại FV có thể triển khai kỹ thuật xạ trị toàn thân (Ảnh: FV)
Hai mẹ con B. gặp bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng Bệnh viện FV, được bác sĩ tư vấn rất kỹ lưỡng liệu pháp TBI. Đây là phương pháp xạ trị kỹ thuật cao, khi toàn bộ cơ thể được điều trị bằng bức xạ ở liều lượng thấp, vừa đủ để có thể tiêu diệt tế bào tủy xương và các tế bào ung thư còn sót lại, đồng thời hạn chế tổn hại đến các mô bình thường khác để có thể tự chữa lành. Để việc ghép tủy được diễn ra thuận lợi, bệnh nhân ghép tủy cần phải được ức chế các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Nếu không được kết hợp với xạ trị toàn thân, thông thường bệnh nhân ghép tủy phải sử dụng hóa trị liều cao để tiêu diệt tế bào và ức chế miễn dịch, tuy nhiên trong một số trường hợp, hiệu quả không được như mong đợi. Do vậy xạ trị toàn thân tăng hiệu quả tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể và ức chế miễn dịch giúp chống thải ghép tủy sau này đồng thời, ít tác dụng phụ hơn. Được sự tư vấn kỹ của bác sĩ, hai mẹ con hiểu rằng đây là lựa chọn tốt nhất để mở ra con đường sống cho B..
Cuối tháng 3/2022, bác sĩ Basma cùng ê kíp của Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng tiến hành xạ trị toàn thân cho B.. Liệu trình kéo dài 3 ngày, mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ, B. được xạ trị từ móng tay đến chân tóc để đảm bảo không còn tế bào ung thư nào tồn tại. Bệnh nhân đáp ứng tốt phác đồ, các tế bào ung thư được quét sạch.
Ngày 11/4, B. trở về bệnh viện đã điều trị cho em trước đó để các bác sĩ tiến hành thủ thuật ghép tủy. Ngày 30/5, B. được xuất viện. Hơn 6 tháng trôi qua, sức khỏe của B. ổn định, các xét nghiệm gần đây cho thấy không có sự xuất hiện của tế bào ung thư trong cơ thể.
Theo chị D., chính sự hợp tác giữa FV và bệnh viện điều trị từ đầu cho B. đã giúp B. chiến thắng căn bệnh nan y. “B. được tiếp cận kỹ thuật xạ trị toàn thân tại Việt Nam là may mắn lớn. Chi phí điều trị cho B. thấp so với việc phải ra nước ngoài đồng thời mẹ con không bị bỡ ngỡ ở một môi trường xa lạ, bất đồng ngôn ngữ. Và tình cảm của các bác sĩ ở hai bệnh viện khiến mẹ con tôi thực sự ấm lòng”, chị D. chia sẻ thêm.
B. cùng ekip bác sĩ tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV sau khi kết thúc liệu trình xạ trị
Xạ trị toàn thân: vũ khí mới trong điều trị ung thư
Ngày 21 và 22/10/2022 vừa qua, bác sĩ Basma M’Barek cũng đã có bài báo cáo chia sẻ về trường hợp của M.B. tại Hội nghị Truyền máu – Ghép Tủy xương và Tế bào gốc Tạo máu Việt-Pháp lần 6, được tổ chức ở Quy Nhơn (Bình Định). Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đầu ngành… đến từ các bệnh viện trên toàn quốc, cùng hơn 30 báo cáo viên là giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về ghép tế bào gốc uy tín trên thế giới. Các chuyên gia đã đánh giá cao sự đóng góp của Bệnh viện FV vào thành công của ca ghép tủy này, đặc biệt nhấn mạnh việc hầu như không có tác dụng phụ trong quá trình thực hiện xạ trị bằng kỹ thuật TBI.
Bác sĩ Basma M’Barek (giữa) tham gia báo cáo tại Hội nghị Truyền máu – Ghép Tủy xương và Tế bào gốc Tạo máu Việt-Pháp lần 6
Tại hội nghị, bác sĩ Basma cũng chỉ ra những thách thức khi thực hiện kỹ thuật TBI ở Việt Nam. Đây là một kỹ thuật cao, còn khá mới trong nước, muốn thực hiện tốt thì cần một đội ngũ bác sĩ ung bướu chuyên về xạ trị, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư vật lý… được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này. Ở châu Âu và một số quốc gia khác hiện nay đang tập trung kỹ thuật xạ trị TBI tại một số ít trung tâm, do đặc điểm điều trị tốn nhiều thời gian và cần đội ngũ chuyên môn sâu. Đây cũng là hướng đi rất đáng cân nhắc tại Việt Nam. “Tại Bệnh viện FV, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các ekip ghép tủy, các bác sĩ chuyên khoa huyết học, để thu hẹp khoảng cách về công nghệ và mang đến cho bệnh nhân Việt Nam những phương thức điều trị tốt nhất”, bác sĩ Basma chia sẻ tại hội nghị.
“Ca điều trị thành công này có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là cứu sống một bệnh nhân trẻ tuổi mà còn đánh dấu sự kiện chúng ta cập nhật thêm một vũ khí chống ung thư tiên tiến của thế giới cho bệnh nhân trong nước”, bác sĩ Basma nhấn mạnh. Đồng thời, đây cũng là kết quả tốt đẹp từ sự hợp tác thành công giữa các bác sĩ của hai bệnh viện tại TP.HCM.