Nhiều người nam khỏe mạnh, sinh lý bình thường, nhưng hai vợ chồng mãi chưa có con. Theo BS Lê Anh Tuấn, khoa Tiết niệu và Nam khoa Bệnh viện FV, khi người vợ không gặp vấn đề về khả năng sinh sản thì người chồng cần khám nam khoa tầm soát hiếm muộn.
Nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn
Áp lực “canh trứng” và nguyên nhân bất ngờ gây hiếm muộn
Anh M. (36 tuổi, người Bỉ) làm việc tại Việt Nam hơn 4 năm nay. M. khỏe mạnh cả về sức khỏe thể chất và sinh lý, thế nhưng gần 2 năm qua, vợ chồng anh dù nỗ lực mà vợ anh vẫn không có thai. Vợ anh đã đi bác sĩ sản kiểm tra kỹ, thậm chí cô còn theo chương trình canh ngày thụ thai. Hằng tháng, anh tuân thủ đúng lịch mà bác sĩ đã chỉ dẫn, dần khiến anh căng thẳng đến mức nhiều lúc rơi vào tình trạng không thể “vươn nòng”…
Áp lực sinh con khiến tình cảm vợ chồng cũng bị ảnh hưởng, anh có tâm lý ngán ngẩm chuyện phòng the… Theo lời khuyên của bạn bè, anh đến Bệnh viện FV khám sức khỏe sinh lý. Tại khoa Tiết niệu và Nam khoa, các xét nghiệm cho thấy anh bị giãn tĩnh mạch tinh gây hiếm muộn.
Theo BS Lê Anh Tuấn, giãn tĩnh mạch tinh là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam
BS Lê Anh Tuấn, khoa Tiết niệu và Nam khoa Bệnh viện FV giải thích, giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân gây 40% trường hợp vô sinh ở nam giới. Các nghiên cứu về giãn tĩnh mạch tinh ở Mỹ cho thấy, 10% những người bị giãn tĩnh mạch tinh vẫn có khả năng có con; sau phẫu thuật điều trị thì tỷ lệ có con lên tới 43% trong năm đầu tiên; và trong 2 năm cộng dồn thì tỷ lệ có con tăng lên 69%.
Anh M. được các bác sĩ Bệnh viện FV thực hiện phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh để điều trị hiếm muộn. Sau phẫu thuật, vợ chồng anh M. còn được bác sĩ Tuấn tư vấn quan hệ đúng cách: quan hệ đều đặn, giữ cho cuộc yêu diễn ra trong tâm trạng thoải mái, không nên để tình trạng vì canh ngày trứng mà căng thẳng, ức chế đến nỗi người nam không cương được. Thay vì căng thẳng canh ngày rụng trứng thì việc sinh hoạt tình dục đều đặn sẽ giúp tăng cơ hội thụ thai.
6 tháng sau phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh bị giãn, vợ chồng M. vui mừng khi được các bác sĩ khoa Sản Bệnh viện FV báo tin vui: vợ anh đã có thai. “M. là một trong những trường hợp khó có con mà chúng tôi đã điều trị thành công sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh cho anh”, BS Tuấn cho biết.
Những nguyên nhân hiếm muộn ít ai ngờ từ nam giới
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, nếu cặp vợ chồng quan hệ bình thường, đều đặn trong 12 tháng không ngừa thai, mà vẫn không có thai thì cần nghĩ tới khả năng vô sinh. Có một thực tế, các vợ chồng khi chậm có con thì phụ nữ thường là đối tượng bị quy chụp nguyên nhân. Vì quan niệm này mà nhiều người chồng không đi khám sức khỏe sinh sản khi hai vợ chồng muộn con, nhất là trong trường hợp người chồng sức khỏe tốt, tần suất “yêu” đều đặn.
BS Lê Anh Tuấn cho biết: “Nguyên nhân hiếm muộn chia đều cho cả nam và nữ, mỗi bên 30%; phần còn lại có thể cả hai cùng có vấn đề, thậm chí rơi vào trường hợp không có nguyên nhân gì cả. Và vì vậy, thay vì trách móc, đổ lỗi, cả hai cần đi khám hiếm muộn”.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn tư vấn cho một cặp vợ chồng về vấn đề hiếm muộn
Cũng theo BS Lê Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới. Để thụ tinh thành công, người đàn ông cần khoảng tối thiểu 15 triệu tinh trùng/ml trong lần xuất tinh, với đủ khả năng di chuyển và sức mạnh để bơi trong hành trình đến ống dẫn trứng. Không kể các trường hợp rối loạn cương, ngay cả khi các ông chồng có thể “vận hành” tốt chuyện chăn gối thì hiếm muộn vẫn có thể xảy ra, do các nguyên nhân như: giãn tĩnh mạch tinh, chất lượng tinh trùng kém, số lượng tinh trùng không đủ, tắc nghẽn trong các ống của hệ thống sinh sản (tinh hoàn mất chức năng). Thậm chí một đoạn “gãy” nào đó trong chu trình “chiến binh” gặp trứng cũng là vấn đề gây khó có con.
Khám và điều trị hiếm muộn ở nam giới: không nên dựa vào “bác sĩ Google”
Bs Lê Anh Tuấn cho biết, có một thực tế là với sự tiện lợi của internet, hiện nay rất nhiều người tự khám và điều trị bệnh qua “bác sĩ Google”. Nhiều nam giới tự tìm hiểu trên internet rồi đi làm xét nghiệm kiểm tra tinh trùng, sau đó tự điều trị nhưng không hiệu quả. Việc này sẽ khiến họ càng hoang mang hơn.
Google chỉ là kho thông tin chung, không thể là bác sĩ điều trị cho từng cá thể. Do vậy, theo bác sĩ Tuấn, khi có nghi ngờ gặp trục trặc về hiếm muộn, vô sinh, nam giới nên đi khám tại khoa Nam khoa ở các bệnh viện. “Nếu nam giới đã được chẩn đoán bị vô sinh hoặc lo sợ rằng mình có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai, cũng đừng quá lo lắng. Với sự tiến bộ của khoa học, rất nhiều trường hợp ngay cả khi được chẩn đoán là vô sinh, hai vợ chồng vẫn có thể có con”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bệnh nhân đăng ký khám hiếm muộn tại Bệnh viện FV
Để xác định nghi ngờ vô sinh, người chồng cần đến chuyên khoa nam khám thực thể (bao gồm tiền sử bệnh). Bác sĩ sẽ chỉ định nam giới làm các xét nghiệm phân tích tinh dịch nhằm kiểm tra các bất thường cũng như sự hiện diện của các kháng thể, làm xét nghiệm máu để đánh giá mức độ hormone. Thậm chí nam giới cần sinh thiết tinh hoàn để kiểm tra mạng lưới các ống trong tinh hoàn xem chúng có chứa tinh trùng hay không, siêu âm các cơ quan sinh sản, chẳng hạn như tuyến tiền liệt…
“Đánh giá lâm sàng để khám tinh hoàn là khâu quan trọng. Ngay cả những dị tật của tinh trùng có thể ảnh hưởng chất lượng bào thai, rồi nguyên nhân có thể tạo ra từ não, cho tới kiểm tra hệ thống nội tiết… Từ tất cả con số về nội tiết chúng tôi có thể hình dung được vấn đề nằm ở đâu”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Khoảng 30% bệnh nhân của Khoa Tiết niệu và Nam khoa bệnh viện FV là khám và điều trị hiếm muộn
Mỗi tháng có khoảng 30% bệnh nhân của Khoa Tiết niệu và Nam khoa Bệnh viện FV khám và điều trị bệnh hiếm muộn. Khoa có đầy đủ các phương pháp chữa trị như sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý, bổ sung hormone, phẫu thuật, vi phẫu, vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng… Mỗi bệnh nhân sẽ được đội ngũ bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm của khoa Niệu, bệnh viện FV kiểm tra kỹ lưỡng và lập kế hoạch điều trị riêng. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã vui mừng chào đón thiên thần nhỏ ra đời sau một thời gian người chồng điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện FV.
Để được tư vấn hoặc thăm khám các vấn đề hiếm muộn tại Khoa Tiết niệu và Nam Khoa, Bệnh viện FV, bạn đọc có thể liên hệ qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.