Ngày 4.11, Bệnh viện FV tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản lý rủi ro trong cơ sở y tế” nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro về vận hành hạ tầng trong y tế.
Đây là lần đầu tiên một hội thảo về quản lý rủi ro trong cơ sở y tế được tổ chức với quy mô lớn ở Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến quản lý rủi ro của cơ sở y tế đã được đề cập và thảo luận, qua đó các lãnh đạo bệnh viện có những góc nhìn khác nhau về việc quản lý cơ sở y tế.
Ông Monojit Mitra – Giám đốc phòng Kỹ thuật và Thiết bị Y tế bệnh viện FV đã trình bày về Quản lý rủi ro kỹ thuật và thiết bị y tế trong một bệnh viện đạt chứng nhận JCI
Hội thảo thu hút hơn 150 khách mời tham dự, gồm đại diện của Sở y tế, đại diện bộ phận vận hành bảo trì trang thiết bị y tế ở các bệnh viện; các chuyên gia, ban lãnh đạo cấp cao của bệnh viện FV; đại diện của nhiều nhà sản xuất thiết bị y tế trên thế giới, các nhà tư vấn thiết kế chăm sóc sức khỏe và cơ quan quản lý như ECRI.
Các diễn giả cung cấp thông tin về cách nhận diện và đánh giá rủi ro của cơ sở y tế cũng như hoạt động an toàn của bệnh viện theo tiêu chuẩn y tế JCI. Khách mời tham gia hội thảo có thể hiểu được các quy trình được các bệnh viện như FV sử dụng để đánh giá rủi ro cơ sở y tế trong quản lý cơ sở vật chất, an toàn phòng cháy chữa cháy, vật liệu nguy hiểm, quản lý thiết bị y tế, phòng ngừa thiên tai và quản lý rủi ro trước khi xây dựng; sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả của các giải pháp hình ảnh kỹ thuật số và nhận diện những rủi ro vốn có liên quan đến việc quản lý trang thiết bị y tế trong bệnh viện.
Ông Sam W. Stevenson đại diện Công ty Quản lý Dự Án HPB, Việt Nam, trình bày đề tài Giảm thiểu rủi ro thông qua sự thấu hiểu thiết kế các dịch vụ tòa nhà
Thông thường, bệnh nhân khó nhận ra các hoạt động phía sau công tác điều trị bệnh, tuy nhiên những tác động của các sự cố tòa nhà, ảnh hưởng rất lớn môi trường, an toàn và hiệu quả của cả một quá trình trị liệu. Do đó, hội thảo không chỉ hữu ích cho các nhà quản lý cơ sở y tế mà còn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiểm soát rủi ro trong bệnh viện cho cộng đồng y khoa cũng như cộng đồng chung. Đặc biệt, phần trình bày về quản lý rủi ro kỹ thuật hạ tầng và thiết bị y tế trong một bệnh viện đạt chứng nhận JCI thông qua kinh nghiệm của bệnh viện FV của ông Monojit Mitra – Giám đốc phòng Kỹ thuật và Thiết bị Y tế bệnh viện FV – được đánh giá cao.
Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả
Nhận diện và quản lý các rủi ro trong môi trường bệnh viện
Khi nói về rủi ro y khoa, mọi người thường nghĩ tới các rủi ro trong điều trị lâm sàng chứ chưa thực sự để ý tới các rủi ro trong cơ sở hạ tầng – những yếu tố có tác động đáng kể đến an toàn của bệnh nhân. Trong phần trình bày của mình, đại diện Bệnh viện FV nhấn mạnh, để cơ sở y tế hoạt động trơn tru cần được nhận diện và kiểm soát 5 yếu tố chính là điện, nước, hệ thống điều hòa không khí (HVAC), khí y tế và sự di chuyển của bệnh nhân (thang máy và xe cứu thương); hiểu và quản lý rủi ro với thiết bị y tế, xác định và đào tạo nhân viên bệnh viện quản lý rủi ro liên quan đến an toàn cháy nổ, vật liệu nguy hiểm và quản lý thảm họa.
Điển hình như hệ thống điện, cần hoạt động 24/7 trong toàn bệnh viện, được hỗ trợ bởi các máy phát điện dự phòng. Ngoài ra, bệnh viện phải xác định vị trí dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như phòng mổ, phòng ICU, phòng xét nghiệm, phòng công nghệ thông tin – những nơi này nguồn điện không thể bị ngắt bất cứ lúc nào. Vì vậy bệnh viện cần trang bị hệ thống tích điện dự phòng UPS tại các khu vực trên.
Chất lượng nước trong cơ sở y tế liên quan chặt chẽ đến sự an toàn của bệnh nhân. Nước kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến việc lấy mẫu, thanh trùng và tiệt trùng thiết bị phòng mổ, chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân nội trú, quá trình chạy thận nhân tạo và phòng khám nha khoa. Các hệ thống phải được xây dựng và giám sát để đảm bảo chất lượng nước phù hợp với các khu vực trong bệnh viện và các nhu cầu sử dụng khác nhau.
Theo ông Monojit Mitra, hệ thống không khí trong bệnh viện cần được kiểm soát tốt, đảm bảo duy trì áp suất, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp trong toàn bệnh viện với tỷ lệ trao đổi không khí và hệ thống lọc phù hợp. Sự chênh lệch áp suất đảm bảo cho việc kiểm soát nhiễm trùng. Bên cạnh đó, khí y tế (ví dụ như oxy) cần được cung cấp theo nhu cầu của từng bệnh nhân nhân trong toàn bệnh viện. Đặc biệt, trong dịch Covid-19, lượng oxy bệnh nhân cần cao gấp nhiều lần thông thường, đội ngũ kỹ thuật FV đã nhanh chóng lắp một bồn oxy lỏng làm hệ thống dự phòng để đảm bảo không bị thiếu. oxy cho bệnh nhân, trong khi đại dịch và sau đó.
Bệnh viện là nơi có nguy cơ hoả hoạn cao, đặc biệt nguy hiểm với các khu vực chăm sóc bệnh nhân, khi bệnh nhân không thể di được. Bộ phận chịu trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy phải liên tục phân tích đánh giá nơi có nguy cơ cháy cao để có các phương án kiểm soát. Đội ngũ quản lý cơ sở hạ tầng cần hiểu các nguy cơ cháy nổ trong bệnh viện, có phương án phòng cháy chữa cháy cũng như đào tạo nhân viên kiến thừc vể phòng cháy chữa cháy, để đảm bảo một môi trường an toàn.
Về thiết bị y tế, cần có quy trình quản lý từ lúc mua sắm, đánh giá, chạy thử nghiệm, đưa vào vận hành, bảo trì cho đến lúc ngừng sử dụng, thanh lý hoặc thay thế bằng thiết bị khác. Bên cạnh đó, công tác đào tạo người dùng thiết bị mới, các kỹ sư bảo dưỡng cũng cần được xây dựng cụ thể, dựa trên nhu cầu bệnh viện. Theo ông Monojit Mitra: “Các trang thiết bị y khoa dùng để cứu sống con người, nhưng nếu chúng không được vận hành đúng và hư hỏng đột ngột thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Do vậy, những trang thiết bị y khoa cần được sử dụng đúng và bảo trì thường xuyên. Người sử dụng được huấn luyện, đào tạo, thậm chí phần quản lý vận hành máy được quan tâm tới từng chi tiết.”
Vật liệu nguy hiểm là một mối nguy tiềm ẩn khác, vì vậy việc lựa chọn và sử dụng vật liệu trong môi trường chăm sóc sức khỏe phải tuân theo các quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Mitra nhấn mạnh, mọi vật liệu nguy hiểm sử dụng trong bệnh viện phải được đánh giá tính năng an toàn, có bảng thông tin an toàn của vật liệu để có các đánh giá tính an toàn, mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ, nguy cơ cháy nổ và những bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với các vật liệu đó….
An toàn bệnh viện – cần ý thức và chung tay của tập thể
Để quản lý rủi ro trong bệnh viện cần sự phối hợp của các phòng ban, cũng như nhận thức của toàn bộ nhân viên về rủi ro và vận hành an toàn. Tại FV, các nhân viên đều được tham gia các hóa huấn luyện và kiểm tra về an toàn thường xuyên, đặc biệt các chương trình diễn tập ứng phó với các sự cố như cháy nổ hoặc an ninh cũng được tổ chức định kỳ. Hơn nữa, các nhân viên FV đều có thể báo cáo các sự cố hoặc các rủi ro gây ảnh hưởng đến an toàn của bệnh nhân trên hệ hống báo cáo trực tuyến của bệnh viện mọi lúc, mọi nơi. Các báo cáo này được đưa ra hội đồng để đánh giá và xử lý nhằm cải tiến quy trình vận hành an toàn hơn.
“Tại FV, bộ phận kỹ thuật thường xuyên có buổi đánh giá, thu thập dữ liệu, kiểm tra kiến thức nhân viên, từ đó cải thiện lỗ hổng, kiểm soát rủi ro tốt hơn. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên hạ tầng tại FV đều có kinh nghiệm lâu năm và hiểu rõ từng chi tiết trong bệnh viện để kịp thời xử lý khi có sự cố về vận hành. Chúng tôi ý thức được rằng an toàn là điều tiên quyết trong vận hành bệnh viện”, ông Monojit Mitra chia sẻ. Chính sự đáp ứng và tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt mà bệnh viện FV đã khống chế, giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất trong suốt 20 năm qua, cũng như 3 lần liên tiếp đạt được chứng nhận y tế JCI”.Các khách mời đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo “Quản lý rủi ro trong cơ sở y tế”. Trong đó, những kinh nghiệm quản lý rủi ro của FV rất đáng để làm hình mẫu cho nhiều bệnh viện tham khảo.