Hướng dẫn tiêm chủng Covid-19 cho bệnh nhân điều trị ung thư

Những bệnh nhân ung thư – đặc biệt là những người đang điều trị ung thư – có nguy cơ cao bị biến chứng do Covid-19. Vì vậy, đừng chờ đợi để được tiêm chủng. Bây giờ là lúc…’Hãy tiêm chủng!’.

Bài viết do đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV – Bệnh viện đa khoa quốc tế (thuộc Tập đoàn Y tế Thomson) biên soạn

  • Đừng chờ đợi để tiêm vắc xin phòng Covid-19. Hãy tiêm ngay bây giờ.
  • Hầu hết bệnh nhân đang hóa trị, sử dụng liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch, hoặc xạ trị nên tiêm càng sớm càng tốt.
  • Ngoại trừ … những người đang ghép tế bào gốc hoặc thực hiện liệu pháp tế bào CAR-T nên đợi ít nhất 3 tháng sau khi điều trị để tiêm chủng.
  • Bệnh nhân ung thư và những người đang điều trị nên tiêm mũi thứ 3 sớm nhất là 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2*.
  • Yêu cầu những người chăm sóc, gia đình và người tiếp xúc gần cũng nên tiêm chủng.
  • Tiếp tục đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người, ngay cả khi đã được tiêm chủng. Đảm bảo những người tiếp xúc gần và người chăm sóc cũng nên tuân thủ.

Nhiều người bị bệnh ung thư (đang điều trị ung thư) thường có hệ miễn dịch suy yếu. Những người có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị tổn thương hơn với Covid-19.

Một nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ từ Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia® (NCCN®) của Hoa Kỳ khuyến cáo rằng bệnh nhân ung thư nên tiêm bất kỳ một trong 3 loại vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson càng sớm càng tốt, thay vì chờ đợi một loại vắc xin cụ thể.

Ba loại vắc xin này đều an toàn cho toàn bộ người dân. Các nhà nghiên cứu hiện đang điều tra mức độ an toàn và hiệu quả của những loại vắc xin này đối với bệnh nhân ung thư.

Bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19. Đây là lý do vì sao bệnh nhân ung thư cần phải tiêm vắc xin để chống lại vi rút.

Ở dân số chung, những người đã tiêm chủng ít có nguy cơ mắc bệnh với Covid-19. Ngoài ra, những người đã tiêm chủng nếu nhiễm Covid-19 thì ít có nguy cơ diễn tiến nặng.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư (đang điều trị ung thư) có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19 nặng vì họ bị suy giảm miễn dịch. Suy giảm miễn dịch nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể ít có khả năng chống lại bệnh tật và nhiễm trùng — bao gồm cả vi rút gây Covid-19. Ức chế miễn dịch bắt nguồn từ chính bệnh ung thư hoặc do tác dụng phụ của việc điều trị ung thư. Một số bệnh nhân ung thư vẫn bị suy giảm miễn dịch sau khi kết thúc điều trị. Nhiều người bị ung thư cũng có nguy cơ cao mắc Covid-19 diễn tiến nặng do các yếu tố khác như tuổi già và các bệnh nền khác ở phổi hoặc tim .

Dữ liệu ban đầu cho thấy liều thứ 3 của vắc-xin* giúp tăng cường đáng kể hệ miễn dịch ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Bệnh-nhân-điều trị-ung-thư-cần-được-ưu-tiên-tiêm-chủng
Bệnh nhân điều trị ung thư cần được tiêm chủng

* Chỉ áp dụng đối với vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna

TÔI CÓ NÊN TIÊM CHỦNG NẾU BỊ UNG THƯ?

CÓ. Tất cả những người bị ung thư nên tiêm vắc xin Covid-19. Các chuyên gia của NCCN® khuyến cáo những người bị ung thư nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt.

Những người sống cùng nhà với bệnh nhân ung thư cũng nên tiêm chủng ngay khi họ có thể. Tất cả người chăm sóc hoặc người tiếp xúc gần với bệnh nhân ung thư cũng nên tiêm chủng. Hãy lên tiếng và yêu cầu người khác ‘tiêm chủng’.

TÔI CÓ THỂ NGỪNG MANG KHẨU TRANG SAU KHI TIÊM CHỦNG KHÔNG?

KHÔNG. Hãy tiếp tục mang khẩu trang. Nhiều bệnh nhân ung thư gặp khó khăn hơn trong việc chống lại nhiễm trùng và có thể không đáp ứng tốt với vắc xin. Dữ liệu ban đầu cho thấy hệ miễn dịch có thể không hoạt động mạnh mẽ ở bệnh nhân ung thư như với người dân nói chung.

Vì vậy, bệnh nhân ung thư nên tiêm chủng và tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo để phòng ngừa Covid-19. Những người chăm sóc, gia đình và người tiếp xúc gần cũng nên tiêm chủng và tuân thủ các khuyến cáo. Bao gồm mang khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay, tránh tụ tập đông người, hạn chế đi lại và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác.

BỆNH NHÂN UNG THƯ CÓ NÊN ĐỢI ĐỂ ĐƯỢC TIÊM VẮC XIN COVID-19?

KHÔNG. Theo các chuyên gia của NCCN®, hầu hết bệnh nhân ung thư nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt – chỉ có một số ít trường hợp ngoại lệ.

Những người đang thực hiện các liệu pháp dưới đây nên đợi ít nhất 3 tháng sau khi kết thúc điều trị để tiêm vắc xin:

  • Ghép tế bào gốc, hoặc ghép tế bào gốc đồng loài hoặc tự thân. Những người được ghép tế bào gốc nên trì hoãn việc tiêm chủng;
  • Liệu pháp tế bào, như liệu pháp CAR-T hoặc liệu pháp tế bào giết tự nhiên (NK). Những người được điều trị bằng liệu pháp tế bào này có hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi điều trị.

Bệnh nhân ung thư vừa trải qua phẫu thuật lớn nên đợi vài ngày đến tối đa 2 tuần để tiêm chủng. Khoảng thời gian ngắn này giúp bác sĩ có thể xác định các triệu chứng xảy ra là do phẫu thuật hay do vắc xin. Hãy hỏi bác sĩ thời điểm an toàn để tiêm vắc xin sau phẫu thuật.

Những người mắc các bệnh bạch cầu cấp tính nên đợi một vài tuần sau khi sử dụng liệu pháp điều trị ung thư ban đầu để tiêm chủng. Hệ thống miễn dịch bị suy giảm của bệnh nhân cần thời gian hồi phục để vắc xin có thể phát huy tác dụng.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, như chụp PET hoặc MRI, cũng nên được cân nhắc. Các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh cho biết vắc xin phòng Covid-19, giống như các loại vắc xin khác, có thể gây sưng hạch bạch huyết. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp X-quang tuyến vú. Vì vậy, nên trì hoãn việc chẩn đoán hình ảnh từ 4 đến 6 tuần sau khi tiêm chủng, miễn là việc trì hoãn này không gây ra bất kỳ tác hại nào.

Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu cách thức các liệu pháp điều trị ung thư khác nhau ảnh hưởng đến quá trình tạo phản ứng miễn dịch của cơ thể với vắc xin Covid. Hầu hết bệnh nhân ung thư sẽ có phản ứng miễn dịch với vắc xin, nhưng có thể không mạnh hoặc kéo dài bằng phản ứng miễn dịch ở những người có hệ miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng những người đang hóa trị nên tiêm ngừa bất cứ khi nào có thể.

Những người đang điều trị bằng các phương pháp khác – như liệu pháp miễn dịch hoặc xạ trị – cũng nên tiêm ngừa bất cứ khi nào có thể.

TÔI CÓ CẦN TIÊM MŨI THỨ 3 KHÔNG?

CÓ, nếu bạn có ung thư đang hoạt động hoặc nếu bị suy giảm miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên tiêm liều thứ 3 của vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho những người bị suy giảm miễn dịch. (Hiện tại, khuyến cáo này không bao gồm vắc xin 1 mũi của Janssen/Johnson & Johnson.)

Đối với liều thứ 3, cố gắng tiêm cùng loại vắc xin mà bạn đã nhận 2 liều đầu tiên. Hãy chờ ít nhất 4 tuần sau khi tiêm liều thứ 2 để tiêm liều thứ 3.

Các chuyên gia của NCCN® khuyến cáo nên tiêm liều thứ 3 cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là đối với:

  • Những người đã điều trị ung thư trong vòng 1 năm kể từ liều vắc xin Covid-19 đầu tiên;
  • Những người mới được chẩn đoán hoặc tái phát ung thư và sắp tới sẽ được điều trị ung thư;
  • Những người bị ung thư huyết học (ví dụ: bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào Lympho, đa u tủy, hội chứng loạn sinh tủy hoặc bệnh tăng sinh tủy mãn tính) cho dù có đang điều trị ung thư hay không;
  • Những người đã ghép tế bào gốc hoặc thực hiện liệu pháp tế bào khác (ví dụ: tế bào CAR T);
  • Những người bị ung thư và bệnh lý khác làm suy giảm hệ miễn dịch (ví dụ: nhiễm HIV hoặc dùng steroid hay các loại thuốc khác làm suy giảm hệ miễn dịch). 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT TÔI CÓ BỊ SUY GIẢM MIỄN DỊCH HAY KHÔNG?

Theo CDC, bạn nên tiêm liều thứ 3 của vắc-xin * nếu bạn:

  • Đang điều trị khối ung thư đặc hoặc ung thư máu, hoặc đã được điều trị ung thư trong năm qua;
  • Đã ghép tạng hoặc tế bào gốc, hoặc dùng thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch để điều trị bệnh lý khác;
  • Có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc chưa được điều trị;
  • Dùng corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác làm suy giảm phản ứng miễn dịch;
  • Đã nhiễm Covid-19 sau khi tiêm 2 liều vắc xin.

* Chỉ áp dụng đối với vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna

Trên đây là bài viết về tiêm chủng phòng bệnh Covid-19 cho người đang điều trị ung thư (bệnh nhân ung thư) do bác sĩ khoa ung bướu Bệnh viện FV biên soạn.  Khi có nhu cầu thăm khám và tầm soát ung thư, vui lòng liên hệ Khoa Ung bướu Bệnh viện FV để được tư vấn (028) 54 11 33 33.