VĂN HÓA AN TOÀN LÀ HÀNH TRÌNH KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG
Bảo đảm an toàn cho bệnh nhân là mục tiêu cao nhất của FV, và điều này cũng trùng hợp với mục đích của chứng nhận quốc tế JCI dành cho bệnh viện. Báo Dân Trí gần đây có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, TGĐ Bệnh viện FV, về bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Dưới đây là trích đoạn phỏng vấn.
Xây dựng văn hóa an toàn là một trong những tiêu chí đầu tiên của ông khi xây dựng bệnh viện FV. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng chút nào trong bối cảnh y tế Việt Nam thời điểm đó khi mà chỉ riêng việc đáp ứng điều trị đủ cho số lượng bệnh nhân đã là bài toàn khó, chưa kể đến việc đáp ứng chất lượng bệnh viện. Đặc biệt là văn hóa bác sĩ là trung tâm được cho là đã ăn sâu vào suy nghĩ của cả bác sĩ và bệnh nhân, nên việc thuyết phục bác sĩ, nhân viên y tế thay đổi văn hóa để đảm bảo an toàn trong bệnh viện càng khó hơn. Làm sao ông có thể thuyết phục cả một đội ngũ của mình thay đổi và xây dựng văn hóa an toàn trong từng ngõ ngách bệnh viện, từng nhân viên như hiện nay?
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc bệnh viện FV
BS Jean-Marcel Guillon: Văn hóa bác sĩ là trung tâm và văn hóa an toàn cho bệnh nhân là những vấn đề khác nhau.
Văn hóa bác sĩ là trung tâm đã từng rất phổ biến ở nhiều nước trong đó có Pháp trong nhiều năm. Tuy nhiên, bệnh nhân, đặc biệt là tại các bệnh viện tư nhân, đang đòi hỏi ngày càng nhiều quyền lợi hơn và cũng muốn được bác sĩ đồng hành cùng mình. Đó thực sự là những quyền của bệnh nhân, như quyền được giải thích, quyền đồng ý, quyền từ chối, vv,…
Ngay từ đầu bệnh viện FV đã áp dụng khái niệm lấy dịch vụ bệnh nhân làm trung tâm, và tất cả mọi công tác đều quán triệt tinh thần bệnh nhân là tất cả, từ thiết kế bệnh viện đến cả quá trình phục vụ bệnh nhân, từ nhập viện đến xuất viện. Ban đầu, đó là một thách thức thật sự vì bắt bác sĩ phải theo tinh thần ấy. Tuy nhiên, chúng tôi đã thành công nhờ kiên trì giải thích những ích lợi nhờ làm như vậy. Một phần cũng nhờ bác sĩ ở FV không phải khám quá nhiều bệnh nhân như tình hình tại các bệnh viện công, do đó, bác sĩ FV có thời gian nhiều hơn cho từng bệnh nhân một.
Văn hóa an toàn không chỉ cần được xây dựng từ phía nhân viên mà còn ngay với chính các bệnh nhân. Được biết, trong thời gian đầu mở cửa FV, ông đã phải tìm mọi cách để thay đổi thói quen “một người nằm viện, cả nhà đi nuôi” của nhiều người, thuyết phục người nhà bệnh nhân không giặt giũ phơi phóng trong phòng bệnh, từ chối cho người nhà ở lại quá 1 người. Lúc bắt đầu áp dụng ông có gặp phản ứng từ phía bệnh nhân và người nhà? Làm sao ông thay đổi được họ?
BS Jean-Marcel Guillon: Văn hóa an toàn cho bệnh nhân khó thực hiện hơn vì phải thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho người bệnh, và điều này hoàn toàn khác với vấn đề thói quen ấy, vì phải cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để thực hiện, và tất cả mọi thứ phải được thực hiện đúng. Ví dụ, đối với bệnh nhân cần phẫu thuật, quy trình đánh dấu phải được tuân thủ. Trong phòng mổ, phiếu kiểm tra an toàn phẫu thuật phải được đọc to để và cả ê-kíp cùng kiểm tra và xác nhận. Văn hóa an toàn cho bệnh nhân phải được thực hiện ở mọi lúc mọi nơi khi chăm sóc bệnh nhân để tránh những sai lầm y khoa, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện, tránh bệnh nhân té ngã, tránh sai sót thuốc …. Đây là cả một quá trình khó khăn trong đó chúng tôi liên tục nhắc nhở, giám sát bác sĩ và các nhân viên y khoa thực hiện. Bên cạnh đó là hỗ trợ của Phòng Quản lý Chất lượng, Ban Kiểm soát Nhiễm khuẩn, và của những người khác.
Chúng tôi kiên quyết thực hiện vấn đề bạn đã hỏi nhằm tạo sự thoải mái cho bệnh nhân vì tại bệnh viện, chúng tôi cung cấp đầy đủ tất cả các dịch vụ mà bệnh nhân cần. FV cung cấp các bữa ăn thích hợp cho bệnh nhân, chúng tôi có đủ điều dưỡng và hộ lý để chăm sóc chuyên biệt, chúng tôi biết cách chăm sóc đặc biệt cho những bệnh nhân nặng. Chúng tôi hiểu và tôn trọng nhu cầu tinh thần của bệnh nhân khi có người nhà hay bạn bè tại bệnh viện. Tuy nhiên, quyền được có thân nhân và bạn bè xung quanh phải phù hợp với các yêu cầu an toàn và chữa bệnh để giúp bệnh nhân nghỉ ngơi và hồi phục, bảo đảm phòng chống nhiễm khuẩn cũng như tạo một môi trường yên lặng và phù hợp cho tất cả bệnh nhân và nhân viện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ như bố mẹ hay người chăm sóc được luôn ở cạnh bệnh nhân dưới 16 tuổi, hoặc tương tự cho những bệnh nhân không thể qua khỏi. Bệnh nhân và thân nhân cũng đã chấp nhận các quy định về thăm bệnh của chúng tôi vì chúng tôi cung cấp dịch vụ như mọi người mong đợi từ một bệnh viện hiện đại.
Ông đánh giá như thế nào về văn hóa an toàn tại FV? Và có phải hiện nay với việc đạt chứng nhận JCI, văn hóa an toàn của FV đã “đủ điểm an toàn” và không cần thay đổi, hoàn thiện nữa?
BS Jean-Marcel Guillon: Văn hóa an toàn cho bệnh nhân luôn đòi hỏi sự theo dõi và đánh giá kỹ càng và liên tục, và luôn cần phải cải tiến. Chúng tôi có hệ thống báo cáo các sự cố, và rồi sẽ điều tra kỹ sự cố. Hàng năm, chúng tôi làm khảo sát cho nhân viên để đánh giá tình hình thực hiện văn hóa an toàn cho bệnh nhân. Chúng tôi tổ chức đều đặn các khóa học đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ. Phòng Quản lý Chất lượng theo dõi nhiều chỉ số chất lượng và báo cáo hàng quý cho lãnh đạo bệnh viện cũng như Hội đồng Quản trị. Nói tóm lại, an toàn cho bệnh nhân luôn được theo dõi và hoàn thiện không ngừng. Không phải đã đạt JCI là dừng lại, FV chưa bao giờ dừng lại trên con đường làm chất lượng vì an toàn cho bệnh nhân và cả những nhân viên y tế đang làm việc tại FV.
Phòng mổ tại bệnh viện FV