Người ta thường nói bác sĩ là chiến sĩ trên mặt trận sức khỏe. Mỗi một liều thuốc được chỉ định hoặc một quyết định được bác sĩ đưa ra đều góp phần cứu sống bệnh nhân. Như thế, một ca bệnh tim nặng, phức tạp, cận kề với cái chết được ví là trận chiến khó mà tạo hóa đã tạo ra. Khi đó bác sĩ chính là vị tướng có nhiệm vụ chỉ huy, đề ra chiến thuật, chiến lược và phối hợp với nhiều đơn vị tác chiến để giành lấy mạng sống của bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Cụ bà Lê Thị Hết (Quận 7, HCM) năm nay 67 tuổi. Cụ vốn có tiền sử nhiều loại bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, chức năng co bóp cơ tim kém một nửa so với người bình thường. Dù vậy, cụ vẫn rất tự tin vào sức khỏe của mình nên không quá để tâm chăm sóc bản thân và cũng không dùng thuốc đều đặn để phòng ngừa bệnh. Bất thình lình, đêm 20/7/2018 cụ bị tụt huyết áp và rơi vào trạng thái “mệt đến không thở nổi”. Sau vài giờ cầm cự, đến 23h30’ gia đình đưa cụ Lê Thị Hết đến Bệnh viện FV trong tình trạng thoi thóp, rối loạn nhịp thở. Con gái của cụ khóc hết nước mắt, gọi điện báo tin cho tất cả bạn bè thân hữu chuẩn bị tâm lý đón chuyện chẳng lành. Các bác sĩ bệnh viện FV ngay lập tức trấn an người nhà, đồng thời giúp cụ ổn định về nội khoa để duy trì thể trạng. Chẩn đoán ban đầu cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên, có dấu hiệu suy tim nặng vì khả năng co bóp cơ tim rất yếu. Động mạch vành tim bị tổn thương và hẹp cả 3 nhánh chính, trong đó nhánh lớn nhất hẹp lan tỏa suốt từ đầu đến cuối “mong manh như sợi chỉ”, dòng chảy chậm, sắp tắc hoàn toàn và hai nhánh còn lại hẹp trên 90%. Tình cảnh lúc này được ví như “chỉ mành treo chuông”.
Lúc bấy giờ, Trưởng khoa Tim mạch, Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long là người phụ trách ca cấp cứu của cụ bà Lê Thị Hết. Từng trải qua hơn 10 nghìn ca thông tim can thiệp thành công nhưng dù đứng trước bất kỳ trường hợp bệnh nào, bác sĩ Ngọc Long cũng không cho mình được phép chủ quan. Ông đánh giá nhanh tình trạng của cụ Hết như một bàn cờ thế, vô cùng phức tạp. Cả 3 nhánh động mạch vành đều bị tổn thương, mà nhánh nào cũng hẹp nặng, giống bị “quân địch bao vây” từ 3 phía. Nhận thấy nhánh lớn nhất sắp tắc hoàn toàn, có thể là thủ phạm chính gây nhồi máu lần này. Ông quan sát thấy tổn thương lan tỏa từ đầu đến cuối, mạch máu hiện tại quá mỏng manh không thể dùng phương pháp phẫu thuật bắc cầu, cũng không thể nong ngay lúc này vì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long hội ý nhanh cùng ê-kip bác sĩ, định ra chiến lược “phá thế bao vây” phải thật tinh tế và nhẹ nhàng. Bệnh nhân được lập hai đường truyền tĩnh mạch kết hợp thuốc hồi sức để nâng huyết áp và dùng phương pháp can thiệp mạch vành, khai thông 2 nhánh tương đối dễ nhất trước để mở đường cung cấp oxy cho tim. Sau gần 1 giờ tiến hành can thiệp “nghẹt thở”, có lúc huyết áp tụt xuống nhưng được ê-kip ca mổ nâng lên kịp thời. Sau cùng, hai nhánh động mạnh hẹp nặng đã được khai thông và đặt 2 stent để tránh tái hẹp. Huyết áp bệnh nhân dần dần tăng lên và ổn định hơn trước. Người bệnh tạm thời vượt qua giai đoạn nguy hiểm tính mạng, nhưng sức khỏe vẫn còn rất yếu nên cần được nghỉ ngơi và theo dõi trước khi tiến hành can thiệp lần 2 vào nhánh động mạch lớn nhất còn lại.
Một tuần sau, sức khỏe của cụ bà Lê Thị Hết đã được cải thiện nhiều so với ngày nhập viện. Cụ hoàn toàn tỉnh táo khi được đưa vào phòng Cath lab. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long và các cộng sự một lần nữa lên phương án để tiếp tục trận chiến còn dang dở. Tuy chỉ còn 1 nhánh hẹp, nhưng đây là nhánh lớn nhất, hẹp lan tỏa suốt từ đầu đến cuối “mong manh và yếu ớt”, dòng chảy chậm sắp tắc hoàn toàn. Với tư cách vị “chỉ huy trưởng” dày dặn kinh nghiệm, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã điềm tĩnh hoạch định chiến lược cùng ê-kip và giải thích tỉ mỉ để mọi người cùng hiểu rõ ý đồ, vụng vàng thao tác: Nhánh hẹp rất nặng kéo dài từ đầu nhánh đến cuối nhánh, nếu tiến hành can thiệp bằng cách đặt stent sẽ dẫn đến các nguy cơ cho bệnh nhân về sau như: tắc cấp do huyết khối trong stent, tỉ lệ tái hẹp cao và nguy hiểm nhất chính là stent phủ suốt từ đầu đến cuối sẽ gây tắc nhiều nhánh bên xuất phát từ nhánh chính này, chứng suy tim sẽ càng thêm nặng. Do đó, nong bằng bóng phủ thuốc vừa đủ từ đoạn giữa đến đoạn xa và chỉ đặt một stent lớn ở đoạn gần là hướng đi mà đội ngủ các bác sĩ vạch ra. Với đặc tính chống tăng sinh tế bào, bóng phủ thuốc là sự lựa chọn tốt để giữ cho mạch máu không tái hẹp lại, vừa giúp mạch máu chính được rộng ra, vừa không làm tắc các nhánh bên. Nắm vững phương pháp, cả ê-kip bắt đầu vào cuộc chiến. Lúc này, trên màn hình monitor động mạch hẹp rất nặng hiển thị mỏng manh như sợi tóc, có nhiều đoạn hẹp như đứt quãng khiến việc cho dụng cụ đưa vào gian nan gấp bội. Thiết bị vẫn kiên trì tiến lên từng chút một. Sau cùng, bóng được bơm và giữ áp sát thành mạch máu trong một phút để thấm thuốc. Trong một phút đó có khả năng gây tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, ngưng tim… Huyết áp liên tục giảm khiến cho những người quan sát thót tim nín thở dõi theo. Tuy nhiên, điều này đã nằm trong suy tính của bác sĩ Huỳnh Ngọc Long, bởi trước đó ông đã cho khai thông 2 động mạch lớn khác trong lần nong đầu tiên, để giảm đi gánh nặng cho động mạch lớn nhất này. Thời gian chầm chậm trôi qua, cuối cùng dòng chảy của toàn bộ mạch máu lớn nhất từ đầu đến cuối và rất nhiều nhánh bên đã được khôi phục hoàn toàn. Ca phẫu thuật thành công! Hai ngày sau, cụ Hết hồi phục hoàn toàn, tự đi lại và xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình.
Trường hợp bệnh của cụ bà Lê Thị Hết là một trong nhiều ca phức tạp mà các bác sĩ Bệnh viện FV từng tiếp nhận. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của tập thể bác sĩ, kỹ thuật viên; bác sĩ có chiến thuật và chiến lược hợp lý cùng với việc thao tác tinh tế và nhẹ nhàng giúp vừa tiết kiệm, vừa đạt hiệu quả cao nhất. Yếu tố cuối cùng không thể phủ nhận chính là hệ thống trang thiết bị của bệnh viện được ví như các “vũ khí” hữu hiệu để chiến đấu.
Mỗi chứng bệnh của bệnh nhân như một trận chiến phức tạp, biến hóa khó lường, nhưng tất cả vì bệnh nhân, tập thể bác sĩ FV đã tạo nên nhiều kỳ tích: chiến thắng được tử thần, và cứu sống bệnh nhân.