Kích thích từ xuyên sọ lặp lại trong điều trị đau mãn tính

KÍCH THÍCH TỪ XUYÊN SỌ LẶP LẠI (rTMS) LÀ GÌ?

rTMS là một phương pháp điều trị kích thích não bộ không xâm lấn. Từ trường, tạo ra bởi cuộn cảm từ tính đơn giản (một loại điện cực) đặt trên da đầu, dùng để kích thích một vùng nhỏ trên bề mặt não. Khi thực hiện rTMS, các xung từ được lặp đi lặp lại giúp đạt hiệu quả điều trị, với mục đích là chuyển đổi từ một “não bộ mất cân bằng” sang tình trạng bình thường hơn. Để điều trị chứng đau mạn tính, việc kích thích được thực hiện trên vùng vỏ não vận động.

KHI NÀO CẦN ÁP DỤNG rTMS?

rTMS đã được áp dụng thường xuyên từ năm 1985 để điều trị một số dạng trầm cảm nặng. Phương pháp này cũng đã được giới thiệu vào những năm 1990 để điều trị cho bệnh nhân có bệnh lý đau thần kinh kháng trị, sau đó áp dụng cho các bệnh nhân bị chứng đau mạn tính khác như đau xơ cơ, hội chứng đau vùng phức hợp, đau thắt lưng, đau nửa đầu và các hội chứng đau khác.
rTMS phải do bác sĩ có kinh nghiệm chỉ định và theo dõi.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN?

rTMS là phương pháp điều trị không xâm lấn và bệnh nhân sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình điều trị. Bệnh nhân sẽ nằm trên một chiếc ghế dựa thoải mái và đeo tai nghe hoặc nút bịt tai để bảo vệ thính giác. Điều dưỡng sẽ đặt một cuộn dây điện từ lên trên đầu gần vùng não cần kích thích. Khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân có thể nghe thấy tiếng lách lách nhỏ và cảm nhận được sự gõ nhẹ trên da đầu. Mỗi buổi điều trị rTMS thường mất từ 20 phút đến 40 phút để đạt hiệu quả kích thích. Sau đó bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động thường ngày bao gồm lái xe về nhà sau buổi điều trị.

ĐIỀU TRỊ KÉO DÀI TRONG BAO LÂU?

Việc điều trị bắt đầu mỗi ngày một buổi trong vòng năm ngày ở tuần đầu tiên, sau đó là một hoặc ba buổi trong tuần tiếp theo. Sau đó, bệnh nhân sẽ được đánh giá về hiệu quả (giảm đau) và nếu đạt yêu cầu thì sẽ tiến hành điều trị giai đoạn thứ hai với mỗi tuần một buổi trong vòng một tháng, sau đó là ba tuần một buổi trong vòng sáu tháng. Nếu không cải thiện, bệnh nhân phải ngưng điều trị và có thể cần thảo luận các phác đồ điều trị khác.

Thông báo cho bác sĩ nếu:
  • Bệnh nhân đang mang thai hoặc dự định có thai;
  • Bệnh nhân có bất kỳ thiết bị kim loại hoặc thiết bị cấy ghép nào trong cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện rTMS dù có mang các thiết bị này. Tuy nhiên, do từ trường tạo ra trong quá trình rTMS rất mạnh nên khuyến cáo không thực hiện cho bệnh nhân có mang các thiết bị sau:
    • Kẹp (clip) hay cuộn dây (coil) điều trị túi phình
    • Ống đỡ động mạch (stent)
    • Thiết bị kích thích cấy ghép
    • Thiết bị cấy ghép kích thích não sâu hoặc dây thần kinh phế vị
    • Thiết bị cấy ghép điện tử, như máy tạo nhịp tim hoặc máy bơm thuốc
    • Điện cực theo dõi hoạt động não bộ
    • Vật liệu cấy ghép ốc tai điện tử
    • Các vật liệu cấy ghép từ trường
    • Các mảnh vụn tròn
    • Bất kỳ vật dụng hoặc thiết bị nào khác được cấy ghép trong cơ thể.
  • Bệnh nhân đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, bao gồm thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược, vitamins hoặc các loại thực phẩm chức năng khác, và liều dùng;
  • Bệnh nhân có tiền sử bị co giật hoặc tiền sử gia đình bị động kinh;
  • Bệnh nhân bị các chứng rối loạn tâm thần khác, như lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn tâm thần;
  • Bệnh nhân bị tổn thương não do bệnh lý hoặc chấn thương, như u não, đột quỵ hoặc chấn thương sọ não;
  • Bệnh nhân bị đau đầu nhiều hoặc thường xuyên;

TÁC DỤNG PHỤ LÀ GÌ?

rTMS thường được dung nạp tốt và có rất ít tác dụng phụ. Phương pháp này không cần gây mê, gây tê hoặc an thần và không gây tác dụng không mong muốn đến trí nhớ hoặc khả năng tư duy. Các tác dụng phụ thường ít gặp và không đáng kể như: khó chịu vùng da đầu, co giật cơ mặt, đau đầu nhẹ, cảm thấy đầu lâng lâng. Phần lớn bệnh nhân sẽ thấy cường độ và tần suất của tác dụng phụ giảm dần theo tiến trình thực hiện rTMS. Tuy hiếm gặp, nhưng rTMS có nguy cơ thấp gây co giật.