Một trong 6 tiêu chí quốc tế về an toàn người bệnh đó là giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện. Đó cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của FV – Bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI về an toàn bệnh nhân. Chính vì vậy, tỉ lệ nhiễm trùng bệnh viện tại FV luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn 0.5%, ít hơn 20 lần so với các bệnh viện tại Việt Nam. Đây cũng là tỉ lệ tương đồng so với các bệnh viện ở Mỹ.
Để đảm bảo tiêu chí này luôn được duy trì tốt, FV có một đội ngũ y bác sĩ chuyên trách công việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện được nhiều người gọi là “Biệt đội Kiểm Soát Nhiễm Khuẩn – (KSNK)”. Trọng trách của họ là bảo hộ tối đa cho tất cả mọi người, bao gồm cả khách hàng và bệnh nhân khỏi các vấn đề lây bệnh hoặc truyền nhiễm.
BIỆT ĐỘI KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN TẠI FV
“Biệt đội” hiện nay bao gồm Bác sĩ Vũ Trường Sơn – Bác sĩ chuyên khoa Bệnh truyền nhiễm và Y học nhiệt đới và hai điều dưỡng viên dày dặn kinh nghiệm là chị Nguyễn Thị Thu Anh và chị Phạm Thị Giáng Hương. Kể từ khi thành lập bệnh viện đến nay, mọi vấn đề trong bệnh viện đều được “biệt đội” KSNK theo dõi và đánh giá các nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.
Bạn hãy hình dung một bệnh nhân sau khi đi du lịch nước ngoài về đột nhiên bị sốt cao phải nhập viện tại FV, bên cạnh việc khám và điều trị cho bệnh nhân ngay lập tức, “biệt đội” KSNK cũng sẽ có mặt để nhận định tình hình. Nếu xác định có yếu tố lây nhiễm, bệnh nhân sẽ được cách ly phòng ngừa để điều trị đặc biệt và bảo vệ cộng đồng không bị lây nhiễm. Và FV là một trong số ít các bệnh viện tại Việt Nam có phòng cách ly đạt chuẩn (phòng áp lực âm) với đầy đủ với trang thiết bị hiện đại.
“Một mũi kim tiêm có thể cứu người nhưng cũng có thể hại người” hay “một bác sĩ quên rửa tay sẽ hủy hoại toàn bộ ca mổ”, trọng trách của “biệt đội” KSNK chính là giăng một “tấm lưới khổng lồ” bao phủ toàn bộ các hoạt động trong bệnh viện, từ việc nhỏ như mũi kim tiêm, lớn hơn chút nữa là việc vệ sinh tay của mỗi người cho đến việc phòng ngừa thảm họa và các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới. Tất cả đều chung một mục đích nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho toàn thể cộng đồng.
KIỂM SOÁT NHIỄM TRÙNG TỪ VIỆC VỆ SINH TAY
Một trong những quy trình đã trở thành nét đặc trung tại Bệnh viện FV đó chính là quy trình rửa tay. Khách hàng đến FV ấn tượng với Bảng hướng dẫn và dụng cụ rửa tay luôn hiện diện ở nhiều nơi, cùng với sự xuất hiện bất ngờ của “biệt đội” KSNK để nhắc nhở mọi người rửa tay thường xuyên và đúng cách. Hàng ngày, họ có mặt ở từng khoa phòng “soi kỹ” mọi hoạt động của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên vật lý trị liệu,… để kiểm tra việc rửa tay. Thông tin chi tiết được ghi nhận trong bảng đánh giá đầy đủ thông tin nhân viên, khoa phòng, ngày giờ, các bước và các thời điểm rửa tay. Nhờ đó, việc rửa tay đã trở thành thói quen hàng ngày của mỗi nhân viên trong bệnh viện.
Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại FV luôn được đánh giá đạt chuẩn quốc tế. Hàng năm, FV đều có những cuộc họp cấp cao để cập nhật tình hình thực tế, đánh giá nguy cơ có thể xảy ra và hoạch định những chiến lược kiểm soát nhiễm khuẩn trong tương lai.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng này mà bác sĩ Vũ Trường Sơn – Đội trưởng “biệt đội” KSNK rất tự tin khi tiếp đón các khảo sát viên tổ chức JCI: “JCI đến FV ngày nào cũng được. Vì công việc kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo an toàn bệnh nhân luôn được thực hiện hằng ngày, chưa bao giờ dừng lại. Điều đó cũng giống như ngày nào bạn cũng dọn nhà sạch sẽ nên sẵn sàng đón khách!” – Và việc Bệnh viện FV lần thứ hai liên tiếp đạt chứng nhận JCI là một minh chứng rõ ràng nhất.
Biệt đội kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện FV: Chị Nguyễn Thị Thu Anh,
Bác sĩ Vũ Trường Sơn, Chị Phạm Thị Giáng Hương
Bệnh viện FV là một trong số ít các bệnh viện tại Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng JCI (Joint Commission International), lần gần nhất vào ngày 18-1-2019. Chứng nhận chất lượng này thể hiện sự xuất sắc trong việc cam kết và đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về chăm sóc bệnh nhân.
Chứng nhận này được khảo sát và đánh giá dựa trên hơn 1000 yếu tố đo lường theo nhiều lĩnh vực, trong đó có hai tiêu chí cực kỳ quan trọng là An toàn cho Bệnh nhân và Phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn.