Cụ bà T . T. H (100 tuổi, ngụ tại tp HCM) bị hẹp và tắc động mạch mạc treo tràng trên gây hoại tử gần như toàn ruột non đã được các bác sĩ Bệnh viện FV phẫu thuật cấp cứu kịp thời nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng liên chuyên khoa giữa khoa Ngoại Tổng quát, Chẩn đoán Hình ảnh và Phẫu thuật Mạch máu Bệnh viện FV.
Đến khoa Cấp cứu FV trong tình trạng đau bụng dữ dội, bệnh nhân được Bác sĩ Lê Đức Tuấn – khoa Ngoại Tổng quát FV khám và chỉ định chụp CT ổ bụng. Tuy nhiên, do bệnh nhân tuổi cao sức yếu lại có tiền sử bệnh tim và suy thận nặng nên bác sĩ đã cân nhắc không tiêm chất cản quang tránh ảnh hưởng đến thận. Mặc dù hình ảnh không cản quang nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trong việc chẩn đoán qua hình ảnh, bác sĩ Phạm Đình Khương – khoa Chẩn đoán Hình ảnh FV đã nhìn ra những dấu hiệu và nghi ngờ bệnh nhân bị tắc động mạch mạc treo tràng trên do lòng động mạch bị vôi hóa và xơ vữa.
Đánh giá đây là trường hợp khá nặng và bệnh nhân tuổi đã cao lại mắc nhiều bệnh lý mãn tính kèm theo, bác sĩ Lê Đức Tuấn đã tiến hành nội soi để xác định đoạn ruột bị hoại tử và mời bác sĩ Lương Ngọc Trung – khoa Phẫu thuật Mạch máu cùng hội chẩn ngay trên bàn mổ để nhanh chóng đưa ra quyết định phẫu thuật cắt đoạn ruột hoại tử. Quyết định dứt khoát và kịp thời này đã cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân được gây mê, sau khi nội soi thám sát thấy phần lớn ruột non đã bị tím do thiếu máu và có chỗ đã hoại tử bác sĩ Lê Đức Tuấn đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ trên 1.5m ruột. Đến lúc này, bác sĩ đã đắn đo một lúc để lựa chọn nối phần ruột còn lại và chấp nhận nguy cơ xì rò thay vì đưa ruột ra ngoài và làm hậu môn nhân tạo. Theo bác sĩ Tuấn giải thích: “Nếu đặt hậu môn nhân tạo, phần ruột bị cắt quá gần với dạ dày nên thức ăn sẽ không kịp tiêu hóa gây bỏng da và cơ thể cũng không hấp thụ dinh dưỡng. Rất may sau 2 giờ, ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp và sau mổ đoạn ruột được nối cũng lành tốt”.
Sau mổ, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị hồi sức tích cực trong 10 ngày tại khoa Ngoại với các triệu chứng được cải thiện và hết đau bụng.
Hiện tại, bệnh nhân được tiếp tục điều trị nội khoa và sử dụng thuốc chống đông để hạn chế tình trạng huyết khối gây tắc mạch. Sức khỏe bệnh nhân cũng tiến triển tốt, các chỉ số ổn định, đã đi vệ sinh, ngồi dậy đi lại và ăn uống bình thường.
Dù cuộc phẫu thuật diễn ra cực kì căng thẳng và nhiều thử thách, nhưng với kinh nghiệm phẫu thuật nối ruột lâu năm, sự quyết đoán cùng sự giúp sức của bác sĩ Lương Ngọc Trung, bác sĩ Lê Đức Tuấn đã xử lí nhanh chóng và giúp bệnh nhân thoát khỏi án tử thần.
Theo Bác sĩ Lê Đức Tuấn, khoa Ngoại Tổng quát FV: “Tắc động mạch mạc treo tràng trên là tình trạng tắc nghẽn động mạch nuôi ruột khiến máu không đến được ruột non, gây ra hoại tử. Đây là bệnh rất hiếm gặp với tỉ lệ tử vong cao, có triệu chứng đa dạng, khó chẩn đoán, dễ bị bỏ qua. Có nhiều nguyên nhân gây tắc mạch mạc treo như: xơ vữa động mạch, cục huyết khối đến từ tim, viêm mạch máu… sẽ làm cho cục máu đông kẹt lại ở những động mạch nuôi ruột. Bệnh thường hay khởi phát với tình trạng đau bụng không điển hình, có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa khiến bệnh nhân chủ quan”.
Lí giải cho việc không phẫu thuật đặt Stent để làm lưu thông lòng mạch, bác sĩ Lương Ngọc Trung cho biết: “Đối với người 100 tuổi thì ca mổ càng kéo dài sẽ gây nguy cơ tử vong nhiều hơn cộng thêm bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng như tim mạch, hen suyễn, suy thận,… nên quyết định chỉ cắt đoạn ruột hoại tử kết hợp cho bệnh nhân dùng thuốc chống đông, ổn định huyết áp ngừa thiếu máu là lựa chọn ưu tiên”.
Tại Bệnh viện FV, ngoài hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và tận tâm thì sự phối hợp liên chuyên khoa cũng là một điểm nổi bật trong việc chẩn đoán và điều trị. Sự phối hợp này cùng với chiến thuật điều trị đúng đắn sẽ mang đến cho bệnh nhân những chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị hiệu quả nhất.