Trung tâm Điều trị Đau Bệnh viện FV ứng dụng phương pháp phong bế thần kinh để điều trị đau khớp vai, khớp gối, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau sau zona, đau dây thần kinh tam thoa.
Chất lượng cuộc sống suy giảm vì những cơn đau dai dẳng
Trong chuyến công tác tại Hà Nội năm 2020, anh Phan Thanh Tân (TPHCM) gặp tai nạn, phải cấp cứu tại một bệnh viện lớn của Thủ đô. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, anh bị chấn thương ở 2 tầng đốt cột sống cuối vùng thắt lưng, làm rách bao xơ của đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh. Bệnh nhân phải điều trị tại Hà Nội một tháng.
Chuẩn bị bệnh nhân trước khi làm thủ thuật phong bế thần kinh tại Bệnh viện FV – (Ảnh: FV).
Trở về TPHCM, khả năng cử động của anh khá hạn chế, lại thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau rất kinh khủng khiến anh luôn phải ngồi nghiêng một bên. Do phải sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm liên tục, những tác dụng phụ của thuốc lên dạ dày, gan, thận… khiến sức khỏe anh Tân giảm sút nghiêm trọng.
Anh tìm đến Bệnh viện FV để được thăm khám và tư vấn điều trị đau tại Trung tâm Điều trị Đau của Bệnh viện FV. Tại đây, anh được bác sĩ Louis Brasseur và bác sĩ Nguyễn Nam Bình chỉ định thực hiện tiêm thấm ngoài màng cứng – một thủ thuật phong bế thần kinh, hay còn gọi là “block” thần kinh.
“Sau một tuần, tôi thấy hoàn toàn bình thường nếu ngồi hoặc đi đứng đúng tư thế. Đến giờ, đã hơn một năm, tôi tiếp tục duy trì vật lý trị liệu nhưng tôi có thể sinh hoạt bình thường, bơi lội hoặc đi bộ 2-3 km không đau đớn và cũng không cần dùng thuốc giảm đau nữa”, anh Tân cho biết.
Tương tự như anh Tân, chị Hoa (tên bệnh nhân đã được thay đổi) cũng bị cơn đau lưng hành hạ suốt thời gian dài do chứng thoát vị đĩa đệm. Chị đã điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không thuyên giảm. Cơn đau thậm chí lan xuống chân khiến chị đi lại khập khiễng, đi một đoạn phải dừng lại vì quá đau. Làm kinh doanh, việc đi lại khó khăn ảnh hưởng đến công việc nhiều và khiến bệnh nhân cảm thấy căng thẳng.
Bác sĩ Nguyễn Nam Bình nhớ lại, ngày đến khám bệnh tại FV, bệnh nhân khóc rất nhiều vì đau và bị khủng hoảng tâm lý. Bác sĩ phải vừa xoa dịu tâm lý vừa điều trị cho bệnh nhân. Một tuần sau khi tiêm thấm ngoài màng cứng, chị Hoa vẫn thấy đau nhưng sau đó thì dứt hẳn. Hơn một năm sau, cơn đau không quay trở lại, chị tin tưởng phương pháp này nên đã đưa mẹ (bị đau do thoát vị đĩa đệm) đến gặp bác sĩ Bình để được điều trị bằng phương pháp phong bế thần kinh.
“Theo lý thuyết, tiêm thấm ngoài màng cứng chỉ có tác dụng trong vài tháng. Nhưng các trường hợp này đều đã trên một năm mà vẫn chưa bị đau tái lại. Điều đó cho thấy hiệu quả tích cực trong việc giảm đau bằng phương pháp phong bế thần kinh kết hợp với các liệu pháp không dùng thuốc khác như vật lý trị liệu, đông y…”, bác sĩ Nam Bình đánh giá.
Phong bế thần kinh là kỹ thuật tác động trên thần kinh, bao gồm thần kinh ngoại vi và thần kinh trung ương, để ngăn chặn sự truyền dẫn tín hiệu đau gửi về não, nhằm đạt hiệu quả điều trị đau tức thời và/hay kéo dài cho bệnh nhân. Hoạt chất được sử dụng cho quá trình phong bế là thuốc tê tác dụng dài và thuốc kháng viêm steroid.
Phong bế thần kinh giúp kiểm soát hiệu quả các cơn đau mạn tính, đặc biệt liên quan đến bệnh lý xương khớp, cột sống (Ảnh: FV).
Kỹ thuật này cũng thường được áp dụng trong điều trị các cơn đau liên quan đến xương khớp như đau khớp vai, khớp gối, thoái hóa cột sống, hay đau do thần kinh như đau sau zona, đau dây thần kinh tam thoa… Một số bệnh nhân bị đau vết mổ hay vùng gần vết mổ sau phẫu thuật do dây thần kinh bị “kẹt” trong vết mổ hoặc những cấu trúc gần đó như dây chằng, cơ khiến bệnh nhân bị đau dạng châm chích, tê bì, nóng rát… cũng có thể được chỉ định phong bế thần kinh ở vị trí đó để giảm đau.
Một trường hợp khác cũng được ứng dụng khá phổ biến là phong bế thần kinh chẩm để điều trị đau đầu do căng thẳng, đau nửa đầu (Migraine)… Ngoài ra, đây cũng là một trong những phương pháp điều trị đau ung thư hiệu quả. Với những cơn đau khó trị bởi morphine, bác sĩ sẽ phong bế thần kinh cho bệnh nhân bằng cách đốt những hạch thần kinh gây nên cơn đau. Kỹ thuật này rất cao cấp và được thực hiện trong phòng mổ với độ an toàn cao.
“Trong nhiều trường hợp, phong bế thần kinh là liệu pháp điều trị cho hiệu quả tốt, cho hiệu quả giảm đau kéo dài nhất là với những bệnh nhân không thể phẫu thuật vì bệnh lý tim mạch, bệnh nhân quá lớn tuổi, bệnh nhân không muốn sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên hoặc e ngại tác dụng phụ của thuốc giảm đau… Tuy nhiên, vẫn cần phải nhấn mạnh rằng điều trị đau mạn tính, sự phối hợp nhiều liệu pháp điều trị và phối hợp đa chuyên khoa là cực kỳ quan trọng”, bác sĩ Nam Bình cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Nam Bình – Trung tâm điều trị Đau, Bệnh viện FV – tư vấn phong bế thần kinh cho bệnh nhân (Ảnh: FV).
Tại FV, thủ thuật phong bế thần kinh được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên về điều trị đau, được đào tạo tại nước ngoài với sự dẫn dắt của Trưởng Trung tâm Điều trị Đau – bác sĩ Louis Brasseur – chuyên gia quốc tế đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Các thủ thuật được tiến hành trong các phòng phẫu thuật vô khuẩn đạt chuẩn y tế JCI – một trong những tiêu chuẩn y khoa uy tín nhất thế giới.
Thao tác phong bế thần kinh được thực hiện dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm hoặc những máy móc, thiết bị cao cấp hơn như máy X-quang cong (C-arm), CT-scan… Máy móc tiên tiến giúp xác định chính xác vị trí của thần kinh cần phong bế, tránh những tai biến khi bơm thuốc hoặc biến chứng như chảy máu, cắt đứt dây thần kinh…
Không phải trường hợp nào cũng được chỉ định phong bế thần kinh. Dựa trên đánh giá toàn diện nhiều mặt về lâm sàng, bệnh sử, quá trình diễn tiến của bệnh cũng như những chẩn đoán hình ảnh; bác sĩ sẽ quyết định sử dụng phong bế thần kinh để hỗ trợ điều trị nhanh, cấp tính cho bệnh nhân hay cần trì hoãn, sử dụng thuốc hoặc các liệu pháp khác.
Bạn có thể liên hệ hotline Bệnh viện FV (028) 54 11 33 33 để được tư vấn thăm khám và điều trị đau mạn tính bằng phương pháp phong bế thần kinh