Một bệnh nhân 67 tuổi ngã chấn thương sọ não, bị hôn mê sâu và nhiễm trùng nặng, bị nhiều bệnh viện trả về… đã hồi phục ngoạn mục sau 80 ngày điều trị tại Bệnh viện FV.
Hành trình tìm lại sự sống của ông P.D.V. (67 tuổi, quê Khánh Hòa) có sự nỗ lực rất lớn của cả tập thể y bác sĩ Bệnh viện FV, cùng với niềm tin “còn nước còn tát” của vợ bệnh nhân – bà N.T.P.
Hành trình đưa chồng đi tìm hy vọng sống
Trong lúc đang leo lên mái nhà sửa điện, ông V. bất ngờ té ngã, và bị hôn mê. Tại bệnh viện địa phương, ông V. được các bác sĩ mở nắp sọ phẫu thuật não. Do chấn thương nặng, sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn trong trạng thái mê man, không còn nhận biết được gì xung quanh.
Gia đình đưa ông V. lên bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM. Từ đây, ông phải chuyển viện nhiều lần, do nhiều nơi từ chối vì không có hướng điều trị. Thậm chí có nơi còn dặn người nhà chuẩn bị lo hậu sự cho ông.
Nghĩ tới người chồng vất vả lo toan cho gia đình suốt thời gian qua, chưa được thảnh thơi tận hưởng niềm vui tuổi già, bà P. không đành lòng. Trong lúc bế tắc, bà được giới thiệu sang Bệnh viện FV điều trị với hy vọng “còn nước còn tát”.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp nội mạch thần kinh, Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân P.D.V. nhập viện trong tình trạng rất nặng. “Bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức, phải thở máy, bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Não bệnh nhân bị khuyết, não thất bị giãn – nghĩa là nước trong não bị ứ. Bênh cạnh đó, bệnh nhân bị viêm phế quản, cơ thể suy kiệt do vấn đề suy dinh dưỡng”, bác sĩ Hùng cho hay.
Với tình trạng nhiễm trùng nặng như vậy, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực để ổn định sức khỏe trước khi tiến hành các bước điều trị tiếp theo.
Sát cánh ngày đêm cùng bệnh nhân vượt lằn ranh sinh tử
Là người có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân nặng, chị Bùi Thị Na – Trưởng nhóm điều dưỡng tại khoa Ngoại, Bệnh viện FV cho biết, chị rất lo lắng khi tiếp nhận ca bệnh này vì nhận thấy cơ hội sống của ông quá mong manh.
Các điều dưỡng đã thay phiên nhau túc trực bên bệnh nhân 24/24, mỗi ca 2-3 người chăm sóc, nỗ lực cùng các bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân. “Bệnh nhân co quắp nửa tỉnh nửa mê, đờm trong cổ họng sôi thành tiếng. Nhìn vợ chú tiều tụy, suy sụp song vẫn quyết tâm và hy vọng cứu được chồng, tôi động viên ê-kíp của mình cố gắng hết sức”, chị nhớ lại.
Điều dưỡng Na cho biết chị dường như “nín thở”, theo dõi diễn biến của bệnh nhân. Chị mừng thầm trong bụng khi nhận được tin báo ông đã giảm đờm mỗi ngày, tình trạng nhiễm trùng cải thiện. Những dấu hiệu hồi phục diễn ra thật chậm, song người bệnh dần dần thoát khỏi lằn ranh sinh tử.
Sau 2 tuần bệnh nhân được chăm sóc tích cực, bác sĩ Hùng đánh giá ông đủ điều kiện để tái tạo lại hộp sọ. “Hộp sọ của bệnh nhân đã bị lấy đi trong lần phẫu thuật đầu tiên. Theo nguyên tắc sau khi não đã ổn định thì phải có hộp sọ để che, bảo vệ, nếu không chức năng não sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên do phương án bảo quản và vận chuyển nắp hộp sọ từ Khánh Hòa lên TP.HCM không đảm bảo nên ê-kíp quyết định sử dụng nắp sọ nhân tạo cho bệnh nhân”, bác sĩ Hùng cho hay.
Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não để đo chính xác hình ảnh 3D của vùng khuyết xương sọ. Các thông số này được dùng để tạo hình mảnh ghép sọ nhân tạo với kích thước và hình dáng vừa khít với vùng sọ bị khuyết của bệnh nhân.
Tiếp theo, các bác sĩ thực hiện dẫn lưu não thất ổ bụng cho bệnh nhân. “Dịch não tủy là chất lỏng bao quanh và góp phần che chở, cung cấp dinh dưỡng cho não bộ và tủy sống. Trong trường hợp này, dịch não tủy quá nhiều dẫn đến tăng áp lực lên não bộ. Do đó, ê-kíp phải tạo 1 đường dẫn lưu dịch não tủy xuống ổ bụng nhằm làm giảm áp lực của dịch não tủy lên nhu mô não”, bác sĩ Hùng phân tích.
Hồi phục ngoạn mục sau chuỗi ngày gửi trọn niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ
Sau khi được giải phóng dịch não tủy tích tụ trong não, bệnh nhân P.D.V. có tiến triển tốt. Bắt đầu có những phản xạ ý thức, ông V. dần dần lấy lại khả năng bày tỏ cảm xúc, rồi có cử động cơ thể và thậm chí có thể giao tiếp với mọi người…
Thông thường bệnh nhân nằm viện dài ngày sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như lở loét, nhiễm trùng, và nguy cơ viêm phổi rất cao. Các điều dưỡng FV đã chăm sóc kỹ cho bệnh nhân V., ông được xoay trở liên tục và đưa đi phơi nắng hằng ngày, nhờ vậy không gặp tình trạng loét người và không tái nhiễm trùng. Nhiều nhân viên trong bệnh viện đã quen với cảnh 10 giờ sáng một ê-kíp điều dưỡng Khoa Ngoại đẩy xe đẩy cho một bệnh nhân tới khu sân thượng để đi dạo. Cuộc đi dạo này luôn có đầy đủ các dụng cụ cấp cứu cần thiết như bóng bóp cấp cứu và bình oxy. “Bệnh nhân thể trạng yếu, có thể trở nặng bất kỳ lúc nào nên chúng tôi luôn có các phương án đề phòng”, chị Na giải thích.
Để hỗ trợ điều trị tích cực cho bệnh nhân, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa từ Tai mũi họng, Truyền nhiễm, Dinh dưỡng, Ngoại thần kinh, ICU, Khoa Vật lý trị liệu & Phục hồi chức năng… liên tục phối hợp, đánh giá, hội chẩn để có phương án điều trị tối ưu. Trong đó, bác sĩ Hùng đánh giá, việc chăm sóc của đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự hồi phục của ông V.
Điều dưỡng Na kể lại, do trải qua hành trình dài đưa chồng đi tìm sự sống, những ngày đầu bà P. còn chưa có nhiều niềm tin vào FV. Dần dà, bà P. đã có sự tin tưởng và gửi gắm sinh mạng của chồng mình cho tập thể y bác sĩ FV. Thậm chí, khi chồng bà được xuất viện, bà vẫn mong muốn ông tiếp tục được ở lại để được chăm sóc cho tới khi hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên bác sĩ Hùng giải thích, việc nằm viện quá lâu không tốt, bầu không khí bên ngoài và đặc biệt là môi trường gia đình là cần thiết cho sự hồi phục của bệnh nhân.
Trước giờ cùng chồng xuất viện, bà P. lưu luyến nắm chặt tay những điều dưỡng đã chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho chồng mình suốt 80 ngày qua. “Chứng kiến bệnh nhân từ giây phút vào bệnh viện tưởng chừng vô vọng cho tới khi chú có thể xuất viện với sắc mặt hồng hào, chúng tôi thật cảm động”, chị Na xúc động hồi tưởng.
Theo bác sĩ Hùng, thời điểm ra viện, bệnh nhân đã có thể đứng và di chuyển với sự hỗ trợ. Quan trọng là ông có tư duy, giao tiếp với mọi người. Tiếp theo, bệnh nhân phải tuân thủ lịch tập vật lý trị liệu, và có chế độ dinh dưỡng phù hợp để hồi phục. Bác sĩ Hùng vẫn tiếp tục hỗ trợ việc chăm sóc bệnh nhân từ xa.
“Đây là một ca rất khó và gian nan cả trong điều trị lẫn chăm sóc. Bệnh nhân khi đến với mình là một mớ hỗn độn, về mặt lịch trình điều trị, về giấy tờ, về kỹ thuật và hi vọng mong manh về sự sống. Nhưng bệnh nhân đã hồi phục được – đó là niềm hạnh phúc không chỉ với người thân mà còn với đội ngũ y bác sĩ chúng tôi”, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp nội mạch thần kinh, Bệnh viện FV chia sẻ.