NGHẸT THỞ CỨU ĐÔI MẮT CHO BÉ GÁI 5 TUỔI MẮC BỆNH TIM VÀ CÂM ĐIẾC BẨM SINH

“Cháu đã không nghe được cũng như không nói được, và đôi mắt là cửa sổ kết nối cháu với thế giới tuổi thơ của mình, chúng tôi không thể hình dung được nỗi đau khi tưởng tượng tới một thế giới màu đen hoàn toàn, không âm thanh, không màu sắc, không hy vọng, nếu số phận lấy đi nốt đôi mắt trẻ thơ kia”, bác sĩ Vũ Trường Sơn – Phó Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV hồi tưởng lại giai đoạn căng thẳng cuả cuộc hội chẩn đầu tiên.

Bé Lê Ngọc Minh Thư (5 tuổi) nặng 14kg, mắc cơ tim phì đại bẩm sinh, câm điếc và đối diện với nguy cơ mù lòa do bong võng mạc hai mắt và đục thủy tinh thể vừa được các chuyên gia hàng đầu từ 3 cơ sở y tế chạy đua với thời gian giúp bé tìm lại ánh sáng đầy cảm động và sự phục hồi đôi mắt của em được xem như một “kỳ tích”.

Số phận éo le của cô bé mắc bệnh tim, câm điếc và bị hỏng hai mắt

Chị Nhan Thị Kim Thúy (Đồng Nai) – mẹ của Thư cho biết, bé chào đời được 5 ngày thì được bác sĩ phát hiện bé bị cơ tim phì đại bẩm sinh. Không những thế, sau đó gia đình phát hiện bé không nghe được. Chính vì vậy bé mất đi cơ hội học nói như những em bé bình thường.

Hai mẹ con bé Minh Thư trong buổi khám mắt
Hai mẹ con bé Minh Thư trong buổi khám mắt

“Từ lúc mang thai đến khi sinh bé, tôi luôn lo lắng, buồn và khóc rất nhiều. Hi vọng con sinh ra khỏe mạnh. Ngày nghe bác sĩ nói con mắc bệnh tim bẩm sinh, tôi vô cùng suy sụp”, chị Thúy tâm sự.

Hành trình nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả thì với gia đình chị Thúy, việc một đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và câm điếc càng nhiều khó khăn. Khi bé 3,5 tuổi chị hi vọng bé được phẫu thuật can thiệp tim, tuy nhiên trong lần kiểm tra cuối trước khi lên bàn mổ, bác sĩ tại một bệnh viện ở TP.HCM khẳng định, cả hai thành tim của bé trước sau đều dày nên không thể xử lý được, phải chờ bé lớn.

Bất hạnh không chỉ dừng lại ở đó, cách đây 1 tháng, người mẹ phát hiện bé phải nheo mắt, phải rà chân dưới đất khi đi. Đưa bé đi khám mắt, bác sĩ chẩn đoán bé bị bong võng mạc 2 mắt và đục thủy tinh thể, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.

“Hoàn cảnh của con quá thiệt thòi nên gia đình cố gắng đi khắp các bệnh viện từ Hà Nội đến TP.HCM nhưng các bác sĩ đều nói con không thể mổ được do có bệnh tim. Lúc đó, tôi và gia đình suy sụp vì thương cho số phận của con”, chị Thúy tâm sự.

Bác sĩ nhãn khoa Jan Dirk Ferwerda khẳng định, FV đủ trang thiết bị để thực hiện cuộc phẫu thuật cho bé Thư
Bác sĩ nhãn khoa Jan Dirk Ferwerda khẳng định, FV đủ trang thiết bị để thực hiện cuộc phẫu thuật cho bé Thư

May mắn, trong một lần đi khám tại European Eyepean Center, bé Thư được thăm khám bởi bác sĩ người Hà Lan Jan Dirk Ferwerda, một chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa. Ông quyết định giới thiệu bệnh nhân qua FV vì theo ông chỉ tại đây mới đủ trang thiết bị và nhân lực cần thiết để thực hiện cuộc phẫu thuật cho bé Thư.

Mẹ bé cho biết, lúc gia đình được mời lên tham gia hội chẩn tại FV thì vừa mừng vừa lo. Lo vì bác sĩ nói đến những biến chứng mà bé có thể gặp phải trong ca phẫu thuật, lo số tiền điều trị lớn. Nhưng gia đình quyết định đặt hết niềm tin vào các bác sĩ để tìm lại ánh sáng cho con.

4 lần hội chẩn liên viện, quyết định khó khăn trước ca mổ quá nhiều rủi ro

Theo ThS. BS. Vũ Trường Sơn, Phó giám đốc Y khoa Bệnh viện FV, trường hợp của bé Thư rất đặc biệt, đây không chỉ là một ca điều trị khó mà hoàn cảnh của bé cũng rất éo le và nguy cấp. “Không mổ thì nguy cơ mù lòa vĩnh viễn, mổ thì có thể phải chấp nhận nguy cơ rủi ro tử vong vì trong quá trình gây mê do bệnh lý tim mạch bẩm sinh của cháu. Nhưng chúng tôi quyết tâm dù thế nào đi nữa cũng phải cứu cháu bé, vì vậy chúng tôi phải tiến hành hội chẩn nhiều lần để sắp xếp mọi thứ đầy đủ nhất”, bác sĩ Vũ Trường Sơn chia sẻ. Ca mổ này không chỉ hy vọng cứu được đôi mắt của bé, mà còn giữ lấy niềm tin cho gia đình để đến một ngày bé được chữa lành trái tim.

Do tính chất ca mổ rất khó khăn ở một bệnh nhi bị phì đại cơ tim, trong một tuần FV đã tổ chức 4 lần hội chẩn liên viện. Mọi nguy cơ, kế hoạch đối phó với tình huống nguy hiểm đều được tính toán kỹ lưỡng. Các chuyên gia đầu ngành tại nhiều khoa của FV và Bệnh viện Nhi đồng 1 được mời tham gia hội chẩn.

Thách thức lớn nhất đặt ra cho ekip điều trị chính là công tác gây mê-hồi sức vì thể trạng của bé quá nhẹ cân và bệnh nền tim bẩm sinh nên nguy cơ bị tụt huyết áp trong khi mổ rất lớn.

“Phẫu thuật trên bệnh nhi có tim bẩm sinh phức tạp có nhiều biến chứng tai biến. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho cháu bé, chúng tôi đã mời hai chuyên gia hàng đầu về gây mê và hồi sức cho phẫu thuật tim từ Bệnh viện Nhi đồng 1 để cùng thảo luận, thống nhất các phương án can thiệp, chuẩn bị trước, trong và sau khi phẫu thuật. Mọi thứ phải đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân”, BS.CKII Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện FV thông tin thêm.

4 giờ đồng hồ căng thẳng của gia đình và ê kíp phẫu thuật

Để thực hiện phẫu thuật cho bé Thư, bệnh viện đã tổ chức một ê kíp hùng hậu. Bác sĩ Ferwerda thực hiện ca mổ. Bác sĩ Lý Quốc Thịnh phối hợp BS.CKI Hà Văn Lượng – Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nhi Đồng 1 – trong công tác gây mê. Đồng thời, ThS.BS Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch và BS.CKII Nguyễn Thị Trân Châu, Trưởng khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp cùng ê kíp bác sĩ gây mê xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra biến chứng trong lúc phẫu thuật.

Các bác sĩ chạy đua với thời gian để thực hiện ca mổ cho bé Thư
Các bác sĩ chạy đua với thời gian để thực hiện ca mổ cho bé Thư

Cả ê-kíp thực hiện ca mổ trong tâm thế thận trọng hết mức đồng thời cũng hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian. Bác sĩ Thịnh cho hay, trong quá trình phẫu thuật, bé bị tụt huyết áp và nhịp tim, các bác sĩ phải sử dụng 3 lần thuốc để ổn định huyết áp và khống chế nhịp tim ở mức cho phép.

Cuối cùng, sau 4 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi được rút ống giúp thở, có thể tự thở hiệu quả tại phòng hồi tĩnh và tiếp tục được theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức. Một ngày sau, khi sức khỏe đã ổn định, bệnh nhi được chuyển trại và các bác sĩ cũng đã bớt đi phần nào tâm tư, lo lắng.

Bé Minh Thư được bác sĩ FV khám sức khỏe một ngày sau ca mổ
Bé Minh Thư được bác sĩ FV khám sức khỏe một ngày sau ca mổ

“Chiều hôm đó, tôi đứng ngồi không yên suốt ca mổ, lúc thì khóc lúc thì niệm Phật, từng giờ trôi qua căng thẳng, Và rồi tôi vỡ oà khi nghe tin ca phẫu thuật đại thành công, hậu phẫu bé không phải thở oxy. Vui hơn nữa là sau 1 tuần tái khám, bé đã có thể nhìn lại được gần bằng như trước kia. FV và các bác sĩ ở đây đã cho con ánh sáng để tiếp tục cuộc sống và thêm sức mạnh chiến đấu với căn bệnh tim bẩm sinh”, mẹ bé Thư xúc động nói.

Trước hoàn cảnh khó khăn của bé, Quỹ Nâng Bước Tuổi Thơ của FV cũng đã hỗ trợ một phần chi phí cho bé trong quá trình điều trị.

Sự hồi phục đôi mắt của bé Thư có thể coi là “kỳ tích”, nhờ sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ chuyên gia từ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện FV và sự phối hợp với các chuyên gia hàng đầu để điều trị cho bé. “FV luôn giữ vững hợp tác tốt với các bác sĩ chuyên gia hàng đầu bên ngoài, để bệnh nhân đến FV đảm bảo được thăm khám với những chuyên gia giỏi nhất,” bác sĩ Vũ Trường Sơn cho biết.