NGƯỜI TRẺ BỊ ĐỘT QUỴ: NHỮNG NGUYÊN NHÂN ‘LẠ’ VÀ THỜI GIAN VÀNG ĐIỀU TRỊ

Người trẻ thường khá chủ quan với sức khỏe bản thân và có xu hướng coi đột quỵ là bệnh của người lớn tuổi. Nhưng con số thực tế có thể khiến nhiều người giật mình.

Theo ghi nhận từ Bệnh viện FV, tỷ lệ người trẻ (từ 18-55 tuổi) bị đột quỵ đến cấp cứu tại đây chiếm khoảng 25% và tăng dần theo từng năm. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ cũng rất khác với người lớn tuổi.

Bất ngờ đột quỵ ở tuổi 35 tuổi

Trung tuần tháng 10, cô Jennifer (35 tuổi, người Israel) được người nhà đưa tới bệnh viện FV trong tình trạng mệt mỏi, tê tay và nửa mặt không cử động được. Nhận thấy đây là triệu chứng điển hình của một cơn đột quỵ, các bác sĩ Chuyên Khoa tim nhanh chóng tiến hành chụp phim não cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy não cô bị tổn thương do nhồi máu não cấp tính.

Bệnh nhân được điều trị tích cực và được ổn định huyết áp và nhịp tim, sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, Tiến sĩ bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng Khoa Tim, Bệnh viện FV – cho biết, để tránh nguy cơ tái phát, bệnh nhân cần nằm viện thêm 4 ngày để theo dõi và tìm nguyên nhân đột quỵ.

Tiến sĩ Bác sĩ Hồ Minh Tuấn và êkip thực hiện kỹ thuật đóng dù ngừa đột quỵ cho bệnh nhân
Tiến sĩ Bác sĩ Hồ Minh Tuấn và êkip thực hiện kỹ thuật đóng dù ngừa đột quỵ cho bệnh nhân

Trong thời gian nằm viện theo dõi, bệnh nhân được tầm soát kỹ càng: đo nhịp tim tầm soát rung nhĩ, tìm xơ vữa động mạch, siêu âm tim kỹ thuật cao với vi bóng khí tìm lỗ bầu dục trong tim, đo chỉ số huyết áp… Cuối cùng, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ xuất phát từ lỗ bầu dục. Đây là một lỗ nằm giữa hai tâm nhĩ của tim, cục máu đông đã đi qua lỗ thông này lên não.

“Mọi trẻ em sinh ra đều có lỗ bầu dục, và lỗ này sẽ đóng lại trong khoảng từ 6 tháng đến một năm sau sinh. Tuy vậy, khoảng 20% người trưởng thành vẫn còn lỗ hình bầu dục ở tim. Đây là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Những ai bị đột quỵ do nguyên nhân này thì cần phải xử lý để tránh tái phát, đặc biệt là ở đối tượng bệnh nhân trẻ”, Tiến sĩ bác sĩ Tuấn giải thích thêm.

Để bít lỗ bầu dục, trước đây bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ hở, với nhiều rủi ro cho bệnh nhân. Tuy nhiên với kỹ thuật mới, ngày nay các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp đóng dù qua đường nội mạch, không cần gây mê.

Lỗ bầu dục trong tim được bít lại bằng thủ thuật “đóng dù” để ngăn đột quỵ tái phát
Lỗ bầu dục trong tim được bít lại bằng thủ thuật “đóng dù” để ngăn đột quỵ tái phát

Với phương pháp này, thông qua vết rạch vài mm ở da, qua đường tĩnh mạch đùi, Tiến sĩ bác sĩ Hồ Minh Tuấn cùng đồng nghiệp tại FV dùng đầu dò đưa một dụng cụ nhỏ có hình dạng như chiếc dù làm bằng hợp kim đặc biệt, được xếp gọn lại, đưa đến vị trí lỗ hở, chiếc dù được bung ra để bít lỗ bầu dục này lại. Thủ thuật kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, được thực hiện trong lúc bệnh nhân tỉnh táo và được xuất viện trong ngày. Sau 1,5 tháng, kết quả tái khám cho thấy cô Jennifer đã khỏe mạnh, triệu chứng yếu chi đã hết hoàn toàn.

Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ khác với người lớn tuổi

Đột quỵ ở độ tuổi trẻ như cô Jennifer không còn hiếm. Tại FV hầu như tuần nào cũng có người đột quỵ trẻ đến cấp cứu. Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đến cấp cứu ở Bệnh viện FV chiếm khoảng 25%, tăng dần theo từng năm. Theo bác sĩ Tuấn, tỷ lệ này cũng khá gần với con số thống kê của cả nước: số ca đột quỵ ở người trẻ (tuổi từ 18 đến 55) chiếm khoảng 20% bệnh nhân bị đột quỵ trong tổng số hơn 200.000 ca đột quỵ ở Việt Nam.

Tiến sĩ Bác sĩ Hồ Minh Tuấn cho biết, lần đột quỵ thứ 2 sẽ nặng hơn lần đầu
Tiến sĩ Bác sĩ Hồ Minh Tuấn cho biết, lần đột quỵ thứ 2 sẽ nặng hơn lần đầu

Trong thực tế, tỷ lệ người bị tái đột quỵ cao gấp 5 lần so với người chưa từng bị trước đó, và lần thứ 2 bị đột quỵ sẽ nặng hơn. Do vậy, việc phòng ngừa tái đột quỵ là điều quan trọng.

Theo Tiến sĩ bác sĩ Hồ Minh Tuấn, để phòng ngừa tái đột quỵ thì phải tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ. Nguyên nhân bị đột quỵ ở người trẻ có nhiều điểm khác so với người lớn tuổi. Khoảng 20-30% các nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ đến từ tim: cục máu đông hình thành trong buồng tim hoặc khối tĩnh mạch dưới chân chạy qua lỗ thông ở tim chạy lên não. Một số người bị bệnh về đông máu, tăng đông tạo huyết khối ở tĩnh mạch não gây ra đột quỵ.

Riêng ở nữ giới, có những người bị đột quỵ do dùng thuốc ngừa thai chứa estrogen cao trong một thời gian dài. Bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất mà FV từng điều trị là một phụ nữ 22 tuổi. Bệnh nhân sử này dụng thuốc ngừa thai trong một thời gian dài, cộng với việc dùng thuốc kháng viêm gần đây – bác sĩ Tuấn cho rằng chính sự ảnh hưởng của hai loại thuốc đã gây ra chứng đột quỵ.

Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, tiền sử gia đình có người đột quỵ, bị mắc bệnh tim mạch cũng góp phần gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

“Một số người sẽ chỉ có một nguyên nhân gây đột quỵ, số khác có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, việc tầm soát kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân để từ đó ngừa nguy cơ tái đột quỵ là điều cần làm” bác sĩ Tuấn nhận định.

Bệnh nhân đột quỵ trẻ cần tận dụng thời gian vàng để điều trị

Khả năng hồi phục cho người bị đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị sớm. “Thời gian “vàng” để làm tan cục máu đông chỉ có thể trong vòng từ 4 đến 6 giờ. Nếu chậm hơn, tuần hoàn máu không lưu thông có thể dẫn đến vùng não đó bị hoại tử. Do vậy bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt”, Tiến sĩ bác sĩ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người trẻ thường khá chủ quan với sức khỏe của bản thân và có xu hướng coi đột quỵ là bệnh của người lớn tuổi, do vậy không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện khi các triệu chứng trở nặng. Tiến sĩ Bác sĩ Hồ Minh Tuấn khuyên, bất kỳ ai khi ai gặp các triệu chứng sau cần tới cơ sở y tế gấp: Mắt mờ, chỉ nhìn thấy rõ một bên; Giọng nói bị đớ, nói không ra tiếng; Mặt bị lệch sang một bên; Mất thăng bằng, đi không vững, bị ngã …