Hầu hết những vết đốt côn trùng là vô hại và sẽ tự biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, vết đốt trở nên nhiễm trùng và gây ra các biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Cô L.G.B.Langerveld (24 tuổi, quốc tịch Hà Lan) ngay cả khi chuẩn bị xuất viện, vẫn cảm thấy câu chuyện mình vừa trải qua thật sự kỳ lạ và không kém phần may mắn.
Từ những vết đốt nhỏ dẫn tới nhiễm trùng huyết
Tháng trước cô Langerveld có chuyến du lịch một mình tại đảo Koh Rong – Campuchia. Sau đó cô sang Việt Nam để tiếp tục chuyến tham quan Đông Nam Á của mình. Cô cho biết trong thời gian khám phá Koh Rong, có lần cô bị côn trùng đốt, nhưng đều rất nhỏ và không đáng lưu tâm.
Sau đó vài hôm, những vết đốt nhỏ bắt đầu xuất hiện thêm rải rác toàn thân, dưới dạng các nhọt nhỏ, tương tự phát ban. Trong đó có một vết đốt dưới cẳng chân có dấu hiệu lan rộng và bắt đầu loét sâu kèm chảy dịch. Bên cạnh đó, cô cảm thấy mệt mỏi và sốt nhẹ. Cho rằng đây vẫn là một số dấu hiệu bình thường sau các đợt du lịch nên cô cũng không chú ý. Langerveld cho biết: “Lúc đầu tôi thấy vẫn bình thường, nên có đến hiệu thuốc và mua kem thoa ngoài da, bôi vào các vết đốt. Nhưng sau đó thì không ổn nữa”. Tuy các nhọt nhỏ khác có vẻ suy giảm, nhưng duy vết loét trên chân thì lại trở nên nghiêm trọng hơn.
Thông qua quyển sách hướng dẫn du lịch của mình, cũng như được giới thiệu thực tế từ một số người bạn, cô Langerveld đến Bệnh viện FV để kiểm tra tình trạng vết thương không lành ở chân. Thăm khám ban đầu, bác sĩ đã chỉ định cắt lọc vết thương để loại bỏ những mô hoại tử, cho lấy mẫu cấy dịch, mẫu cấy máu và thực hiện xét nghiệm máu để có đánh giá chính xác hơn về tình trạng của cô.
Xét nghiệm cấy máu của cô Langerveld cho kết quả dương tính với 3 loại vi khuẩn. Điều trị trực tiếp cho ca bệnh này, Thạc sĩ, Bác sĩ – Lê Quang Huy (Khoa Chấn thương Chỉnh hình & Phẫu thuật Bàn tay – Bệnh viện FV) cho biết: “May mắn là bệnh nhân đã đến bệnh viện kiểm tra kịp thời, nếu chậm thêm 1 tuần, nhiều khả năng sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm tính mạng từ nhiễm trùng huyết như rối loạn đông máu, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy chức năng đa cơ quan”. Các tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn được tìm thấy thường gây nhiễm trùng, viêm nhẹ trên da, nhưng khi đi vào máu, nội tạng có thể dẫn đến những biến chứng rất nghiêm trọng như bác sĩ Quang Huy đề cập.
Không nên chủ quan với những vết thương lạ
Ngay sau khi có kết quả, 3h30 sáng cùng ngày, bác sĩ đã điện thoại trực tiếp đề nghị bệnh nhân nhập viện để có những bước điều trị kịp thời. Bệnh nhân được chỉ định liệu pháp kháng sinh liều cao theo kháng sinh đồ, hỗ trợ huyết động, theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra. Cô Langerveld cũng là một điều dưỡng, nên các phương án điều trị tại FV đều được cô cập nhật về Hà Lan và nhận được sự đồng tình từ các bác sĩ tại bệnh viện nơi cô làm việc.
Quá trình điều trị bao gồm sự phối hợp chặt chẽ giữa nội khoa (chọn lựa thuốc, tính toán liều lượng thuốc) và ngoại khoa (cắt lọc vết thương nhiễm trùng mỗi ngày kèm sử dụng các loại gạc thấm hút chống nhiễm khuẩn tại chỗ). Sự kết hợp hiệu quả này đã giúp các xét nghiệm của cô trở về thông số bình thường, kết quả cấy máu âm tính với các chủng vi khuẩn gây bệnh và bệnh nhân được xuất viện chỉ sau 5 ngày điều trị.
Cô Langerveld nghĩ mình thật sự may mắn khi quyết định đến FV để kiểm tra tình trạng vết thương. Điều may mắn không chỉ ở việc được điều trị khỏi bệnh, mà còn là cảm giác thân thiết, được chăm sóc, trò chuyện tiếng Anh với các điều dưỡng, giúp cô có cảm giác thân quen như ở nhà. “Tôi nghĩ các bác sĩ và điều dưỡng đã làm điều tốt nhất có thể cho tôi, mọi dịch vụ chăm sóc đều rất tuyệt tại đây”, cô Langerveld chia sẻ.
Qua trường hợp này, bác sĩ Lê Quang Huy khuyến nghị bệnh nhân không nên chủ quan với các vết đốt nhỏ của côn trùng. Triệu chứng của vết đốt thông thường là sưng nề tại chỗ và ngứa, thói quen gãi vết đốt sẽ làm tổn thương da và đưa vi khuẩn từ bàn tay vào vết thương gây ra nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, tự theo dõi tình trạng sức khỏe để phát hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau nhức, phản ứng dị ứng toàn thân, sưng đau các hạch bạch huyết lân cận hoặc viêm tế bào lan rộng nên lập tức đến các cơ sở y tế chuyên nghiệp để chẩn đoán và điều trị kịp thời và chính xác. Không nên tự ý điều trị khi không biết rõ tình trạng bệnh hoặc không có hướng dẫn, hay xác nhận từ bác sĩ, nhân viên y tế, để tránh dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng ngoài ý muốn.
Vượt qua tình huống nguy hiểm vừa rồi, cô Langerveld chia sẻ: “Tôi chưa từng trải qua điều gì như vậy trong đời. Hơn nữa tôi đến Việt Nam cũng chỉ một mình. Do vậy tôi rất cảm kích những gì mà các nhân viên y tế tại FV đã làm cho tôi”. Sau xuất viện, cô đã có thể sẵn sàng tiếp tục chuyến tham quan của mình tại miền Bắc, Việt Nam. Cô cũng rất háo hức cho hành trình phía trước, khi ấn tượng đầu tiên về Việt Nam chính là một sự chữa lành.
Ths.Bs. Lê Quang Huy hướng dẫn các bước xử trí khi bị côn trùng đốt như sau:
1/ Chườm đá vào vùng bị đốt cách mỗi 2-3 giờ trong 1-2 ngày đầu.
2/ Rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng và nước sạch.
3/ Kê cao chi nếu có sưng nề nhiều.
4/ Sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid.
5/ Cân nhắc sử dụng huyết thanh uốn ván ở cơ sở y tế gần nhất.