Bệnh viện FV vừa tổ chức thành công hội thảo Chuyên đề cấp CME với tên gọi: “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao” vào chiều ngày 22/06/2022. Chương trình diễn ra trực tiếp tại Hội trường Bệnh viện FV, song song với việc trực tuyến thông qua nền tảng MS Teams, dành cho các diễn giả nước ngoài và người tham dự từ xa. Hội thảo đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho người tham dự, thông qua các báo cáo chi tiết đến từ các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước.
Kinh nghiệm trong các mô hình quốc tế về chẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em
Khai mạc hội thảo, Đại diện Đơn vị tổ chức – Bệnh viện FV, Phó Giám đốc Y khoa, bác sĩ Henri Maries phát biểu: “chủ đề của hội thảo này rất phù hợp với tình trạng của Việt Nam hiện nay. Tôi hy vọng chúng ta sẽ học được nhiều điều hay từ các diễn giả và ứng dụng vào thực tế để giúp cho sự phát triển của trẻ em”. Bác sĩ Henri cũng gửi lời cảm ơn các diễn giả đã nhận lời tham gia báo cáo, các nhà tài trợ, các đồng nghiệp đã đăng ký tham dự và đặc biệt là THS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư (Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế – Bệnh viện FV) khi đã khởi xướng việc tổ chức buổi hội thảo này.
Bác sĩ Henri Maries (bên trái) cho biết chủ đề chương trình rất thiết thực với y tế Việt Nam
Trong bài báo cáo mở đầu chương trình, Giám đốc Khoa Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng & Chủ tịch Nhóm Hỗ trợ Dinh dưỡng, Trung tâm Y Khoa Trẻ em Kanagawa – Nhật Bản, TS.BS. Tetsuya Takamasu đã có bài báo cáo súc tích, với phong cách trình bày thú vị thông qua nền tảng MS Teams. Qua đó, TS.BS. Takamasu đã cho biết chiều cao của người Nhật đã được cải thiện như thế nào trong hơn 3 thập niên qua, thông qua các chương trình cộng đồng và đi sát với dinh dưỡng học đường, chiều cao trung bình của người Nhật hiện nay đã ở hàng đầu Châu Á.
TS.BS. Tetsuya Takamasu trả lời các thắc mắc về chương trình tăng trưởng chiều cao tại Nhật Bản
Tiếp nối chủ đề trên, phần trình bày của TS.BS. Imelda Angeles Agdeppa – Vụ trưởng – Vụ Khoa học Công nghệ – Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và Thực phẩm – Philippines, cũng mang đến cho người tham dự cái nhìn tổng quan, về cách thức một quốc gia lân cận Việt Nam đã tầm soát và quản lý trẻ em bị thấp còi. Do sự tương đồng trong nhiều mặt giữa Việt Nam và Philippines, nên các phương pháp chẩn đoán trẻ thấp còi, các chính sách cải thiện dinh dưỡng trẻ em, hay sự cộng tác với các tổ chức, chính phủ được TS. Imelda đề cập, đều có thể mang lại ích lợi cho Việt Nam.
ThS. BS CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư (đứng) có nhiều câu hỏi dành cho TS.BS. Imelda Angeles Agdeppa
Ngoài yếu tố di truyền, yếu tố dinh dưỡng, thì các bệnh lý về xương khớp cũng ảnh hưởng lớn đến sự thấp còi của trẻ. Trong phần trình bày của mình, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Y khoa Phòng khám ACC (Thành viên tập đoàn FV), BS. Wade O’brien Brackenbury đã hướng dẫn các phương pháp giúp trẻ duy trì cột sống khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi thống kê cho thấy hơn 50% trẻ Châu Á mắc bệnh lý bàn chân bẹt, BS. Wade nhấn mạnh việc tầm soát sớm bệnh lý này cho trẻ trước 6 tuổi, sẽ giúp trẻ tránh được các bệnh cột sống trong tương lai.
Bs. Wade O’brien Brackenbury trình bày phương pháp chẩn đoán bàn chân bẹt
Phương pháp điều trị bằng hormone và các mô hình dinh dưỡng hỗ trợ phát triển chiều cao
Sau phần trình bày của các diễn giả quốc tế, chương trình tiếp tục với phần trình bày được nhiều mong đợi từ người tham dự. ThS. BS. CKI. Nguyễn Thị Thư Hương (Đơn vị Nội tiết – Khoa Nội Bệnh viện FV) đã trình bày phương pháp chẩn đoán và chỉ định điều trị bằng hormone tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao. Bên cạnh đó, BS. Thư Hương cũng báo cáo kết quả đầy khả quan của một ca lâm sàng mà chị vừa thực hiện gần đây. Phần trình bày của BS. Thư Hương đã đón nhận nhiều câu hỏi từ người tham dự, vừa là đồng nghiệp cần trao đổi kiến thức, vừa là các phụ huynh đang có mối quan tâm đến trẻ ở nhà. Theo đó, nếu có các dấu hiệu chậm tăng trưởng, phụ huynh có thể cho trẻ đi khám và tiến hành điều trị hiệu quả nhất trong giai đoạn từ 4 tuổi đến trước khi dậy thì. Bác sĩ Hương cũng chia sẻ một số khó khăn khi thực hành phương pháp điều trị bằng hormone, như chẩn đoán phức tạp, thực hiện xét nghiệm nhiều lần trên trẻ, hay chi phí điều trị còn khá cao.
ThS. BS. CKI. Nguyễn Thị Thư Hương nhận được nhiều câu hỏi trong phần trình bày của mình
Trước khi trình bày nội dung báo cáo chính của mình, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết Chế – Bệnh viện FV, Phó Chủ tịch Hội Tiết Chế Dinh dưỡng Việt Nam (VDA), ThS. BS CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, đã hoạt động rất tích cực suốt hội thảo, khi dành nhiều câu hỏi cho các diễn giả khác. Trong phần trình bày ngắn gọn và dễ tiếp cận của mình, BS. Quỳnh Thư giúp người tham dự tổng hợp lại một số kiến thức từ các diễn giả trước, đồng thời đưa ra các mô hình cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em, ứng với các kiến thức trên. Qua đó, BS. Quỳnh Thư nhấn mạnh việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, phải phù hợp cho từng độ tuổi, hàm lượng cung cấp đủ và đúng, phải kết hợp với vận động và ngủ đủ giấc. Xa hơn, các cơ quan y tế cần xây dựng các chương trình theo dõi phát triển trẻ theo biểu đồ tăng trưởng, để có thể đưa ra những điều chỉnh tốt cho thế hệ tương lai.
Phát triển các mô hình quản lý dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng là dự định trong tương lai của BS. Quỳnh Thư
Phần cuối hội thảo, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, TS.BS. Nguyễn Thùy Linh đã tổng hợp lại những chia sẻ của các diễn giả dinh dưỡng trước đó, thông qua báo cáo trên các ca bệnh lâm sàng. TS.BS. Thùy Linh cũng khuyến khích việc xây dựng các mô hình đánh giá dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi. Nhờ đó mới có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng của trẻ đúng thời điểm, bổ sung đúng các chất dinh dưỡng, hay thêm vào các hoạt động cần thiết nhất cho trẻ trong suốt quá trình trị liệu.
TS.BS. Nguyễn Thùy Linh tổng hợp lại một số kiến thức thông qua các ca lâm sàng
Buổi hội thảo “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao” đã mang lại cho các bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên y tế tham dự, nhiều cách tiếp cận mới trong chẩn đoán, nhiều mô hình cung cấp dinh dưỡng và điều trị tiên tiến. Thông qua đó, Bệnh viện FV cũng mong muốn góp phần vào việc xây dựng các chương trình hỗ trợ, cho sự phát triển của trẻ em tại học đường và trong cộng đồng.