Nội Soi Dạ Dày

NỘI SOI DẠ DÀY

 

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng (còn được gọi là nội soi dạ dày) là một thủ thuật được áp dụng để thăm khám bên trong đường tiêu hóa trên nhờ một camera được gắn ở đầu ống nội soi mềm. Các bác sĩ chuyên về các bệnh lý tiêu hóa (bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa) sử dụng thủ thuật nội soi để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý về thực quản, dạ dày và tá tràng (đoạn đầu tiên của ruột non).

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là thuật ngữ y khoa được dùng để chỉ thủ thuật nội soi đường tiêu hóa trên.

Có hai phương pháp nội soi dạ dày: Nội soi dạ dày qua đường miệng thường được thực hiện để chẩn đoán và điều trị; Nội soi dạ dày qua đường mũi bằng một ống nội soi siêu nhỏ được thực hiện chủ yếu cho mục đích chẩn đoán. Bác sĩ sẽ giải thích thủ thuật nào là phù hợp đối với từng bệnh nhân.

KHI NÀO CẦN NỘI SOI DẠ DÀY?

Bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày nhằm mục đích:

  • Xác định nguyên nhân của các triệu chứng. Nội soi dạ dày giúp bác sĩ xásc định nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hoá như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, nuốt khó và chảy máu đường tiêu hóa.
  • Chẩn đoán. Thông qua nội soi, bác sĩ lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh lý như thiếu máu, xuất huyết, viêm, tiêu chảy hay ung thư đường tiêu hoá.
  • Điều trị. Bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa như xuất huyết đường tiêu hóa, nong thực quản, cắt pô-lýp hoặc lấy dị vật trong đường tiêu hóa. Nội soi dạ dày qua miệng là phương pháp được dùng phổ biến để   điều trị (trong khi nội soi dạ dày qua mũi bằng ống nội soi siêu nhỏ thường chỉ được áp dụng để chẩn đoán vì ống nội soi quá nhỏ nên không thể luồn các dụng cụ điều trị vào bên trong).

CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ CHO NỘI SOI DẠ DÀY

Trước khi nội soi, bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh nội, ngoại khoa của bệnh nhân, và cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng bất kỳ thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận để xác nhận là đã hiểu rõ những rủi ro có thể xảy ra khi nội soi và đồng ý thực hiện thủ thuật này. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sự cần thiết của nội soi, các rủi ro, cách thực hiện hoặc kết quả nội soi thì bệnh nhân nên hỏi lại bác sĩ để được giải thích thêm.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân những việc cần thực hiện:

  • Nhịn ăn và uống trước khi nội soi từ 4 đến 8 tiếng để dạ dày sạch, thuận lợi cho việc nội soi.
  • Ngưng sử dụng một số loại thuốc nhất định. Bệnh nhân cần ngưng sử dụng  thuốc kháng đông vài ngày trước khi nội soi vì thuốc kháng đông sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết trong trường hợp cần làm một số thủ thuật trong quá trình nội soi. Nếu bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch hay huyết áp cao thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân về các loại thuốc đang dùng.
Thuốc an thần

Nội soi dạ dày qua đường miệng gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân, vì vậy thuốc an thần được khuyến khích sử dụng trong trường hợp này để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Bệnh nhân chỉ cần nhập viện trong ngày để được thực hiện thủ thuật này tại phòng nội soi. Bệnh nhân nên có kế hoạch nghỉ ngơi sau khi nội soi có sử dụng thuốc an thần. Khi thuốc an thần hết tác dụng dần dần, có thể bệnh nhân cảm thấy vẫn tỉnh táo nhưng phản xạ và khả năng phán đoán của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tạm thời nên bệnh nhân cần thu xếp để có người thân đưa về nhà. Bệnh nhân cũng nên nghỉ ngơi đến hết ngày và không nên có những quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề cá nhân hay tài chính trong vòng 24 giờ sau khi nội soi.

Nội soi qua đường mũi bằng ống siêu nhỏ thường không cần sử dụng thuốc an thần, và có thể được thực hiện trong phòng nội soi tại phòng khám ngoại trú.

THỦ THUẬT NỘI SOI

  • Khi nội soi dạ dày, bệnh nhân sẽ nằm nghiêng bên trái hoặc nằm ngửa.
  • Thiết bị theo dõi sẽ được gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân. Thuốc an thần được truyền qua đường tĩnh mạch trên cánh tay để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn trong suốt quá trình nội soi.
  • Nội soi qua đường miệng:
    • Bác sĩ sẽ xịt thuốc gây tê vào họng của bệnh nhân trước khi nội soi. Bệnh nhân sẽ ngậm một dụng cụ bằng nhựa để bảo vệ răng miệng và giữ cho miệng luôn mở. Sau đó bác sĩ sẽ luồn ống nội soi qua miệng và yêu cầu bệnh nhân nuốt khi ống đi qua cổ họng. Bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy một chút áp lực bên trong họng nhưng không thấy đau.
    • Bệnh nhân sẽ không nói được khi ống nội soi được luồn xuống cổ họng nhưng bệnh nhân vẫn thở được bình thường trong quá trình nội soi.

  • Nội soi qua đường mũi:
    • Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc tê vào mũi để gây tê, và xịt thuốc tê vào miệng để gây tê cổ họng bệnh nhân.
    • Ống nội soi đã bôi thuốc gây tê (lidocaine) được luồn qua mũi xuống phần sau của miệng, và bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nuốt nhẹ xuống. Bệnh nhân vẫn có thể nói được trong suốt quá trình nội soi.
  • Khi ống nội soi đi qua thực quản và xuống dạ dày, một camera rất nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh bên trong tới một màn hình bên ngoài. Bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình để tìm các bất thường bên trong đường tiêu hóa trên. Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ có thể chụp và ghi lại để kiểm tra.
  • Có thể không khí sẽ được bơm nhẹ vào thực quản của bệnh nhân để làm căng phồng ống tiêu hoá, giúp cho ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn và bác sĩ có thể quan sát rõ hơn những nếp gấp của ống tiêu hoá. Không khí bơm vào có thể làm cho bệnh nhân có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi.
  • Khi cần, bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để̉ lấy mẫu sinh thiết hay thực hiện những thủ thuật điều trị như nong, cắt pôlíp, điều trị xuất huyết… tùy thuộc vào bệnh lý được phát hiện trong quá trình nội soi.
  • Sau khi nội soi xong, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra khỏi miệng. Tổng thời gian chuẩn bị và nội soi dạ dày thường kéo dài khoảng 20 phút, tùy vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

PHỤC HỒI SAU NỘI SOI

Bệnh nhân sẽ được chuyển sang phòng hồi tỉnh rồi về khu bệnh viện trong ngày để nghỉ ngơi và theo dõi trong một vài giờ sau khi nội soi cho đến khi thuốc an thần hết tác dụng hoàn toàn. Thời gian hồi phục sau nội soi qua đường mũi sẽ nhanh hơn nhiều.

Bệnh nhân lớn tuổi cần có người thân đưa về nhà và ở cùng với bệnh nhân nhiều giờ sau đó.

Khi về nhà, bệnh nhân có thể cảm thấy một vài dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu nhẹ như:

  • Đầy hơi và tức bụng
  • Quặn bụng
  • Rát họng

Những dấu hiệu và triệu chứng nêu trên sẽ hết từ từ. Nếu bệnh nhân lo lắng hoặc cảm thấy quá khó chịu, thì hãy gọi cho bác sĩ để xin ý kiến.

Sau khi nội soi với thuốc an thần, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi đến hết ngày. Có thể bệnh nhân thấy tỉnh táo, nhưng phản xạ và khả năng phán đoán của bệnh nhân có thể chưa hồi phục hẳn do tác dụng của thuốc an thần.

Hầu hết bệnh nhân đều có thể ăn uống bình thường sau khi nội soi.

BIẾN CHỨNG CỦA NỘI SOI DẠ DÀY

Nội soi dạ dày là một thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, biến chứng do nội soi dạ dày vẫn có thể xảy ra dù tỉ lệ là rất thấp. Các rủi ro này gồm có:

  • Hít sặc thức ăn hay dịch dạ dày vào phổi, việc nhịn ăn và nhịn uống một thời gian được khuyến cáo trước khi làm thủ thuật sẽ làm giảm tối đa nguy cơ này.
  • Rất hiếm khi xảy ra phản ứng với những thuốc được dùng trong quá trình nội soi. Để tránh xảy ra rủi ro này, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết tất cả các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng và tiền sử dị ứng với bất cứ thuốc hoặc các chất nào khác.
  • Xuất huyết: Rủi ro xuất huyết sau nội soi có thể tăng lên nếu trong quá trình nội soi bác sĩ thực hiện thủ thuật lấy mẫu sinh thiết hay điều trị bệnh lý trong đường tiêu hoá, nhưng rủi ro này thường rất thấp và có thể kiểm soát được. Rất hiếm khi phải truyền máu trong trường hợp này.
  • Nhiễm trùng: Hầu hết các trường hợp thực hiện nội soi để chẩn đoán và lấy mẫu sinh thiết có nguy cơ nhiễm trùng rất thấp. Nguy cơ này chỉ tăng lên khi có những thủ thuật can thiệp khác được thực hiện trong quá trình nội soi. Phần lớn tình trạng nhiễm trùng này thường là nhẹ và có thể điều trị với kháng sinh. Bác sĩ có thể sẽ dùng kháng sinh dự phòng trước khi tiến hành thủ thuật nếu bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm trùng cao.
  • Rách hoặc thủng đường tiêu hóa trên: Trường hợp thực quản hay một đoạn nào khác của đường tiêu hóa trên bị rách hoặc thủng thì bệnh nhân sẽ được nhập viện và bác sĩ sẽ đóng lỗ thủng lại bằng kẹp kim loại qua nội soi hoặc bệnh nhân có thể được phẫu thuật để khâu lỗ thủng. Biến chứng này rất hiếm khi xảy ra – chỉ có khoảng 3 đến 5 rủi ro trên 10.000 trường hợp nội soi chẩn đoán.

Những dấu hiệu và triệu chứng của biến chứng bao gồm:

  • Sốt
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Tiêu phân đen hoặc phân sậm màu
  • Nuốt khó
  • Đau bụng nhiều và liên tục
  • Nôn ói

Hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến khoa cấp cứu – bệnh viện FV nếu bệnh nhân có một trong những dấu hiệu và triệu chứng nêu trên.

KẾT QUẢ NỘI SOI

Kết quả nội soi sẽ có ngay sau khi nội soi.

Nếu trong quá trình nội soi có làm sinh thiết thì mẫu sinh thiết sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết sẽ có trong vòng 1 đến 2 tuần. Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về thời gian nhận kết quả nội soi và sinh thiết của mình.

Bệnh nhân sẽ được xếp lịch hẹn tái khám hoặc bệnh viện sẽ thông báo kết quả sinh thiết cho bệnh nhân qua điện thoại, email hoặc qua đường bưu điện.

Những thông tin trên đây không nhằm mục đích thay thế cho một cuộc khám bệnh với bác sĩ để được tư vấn về nội soi dạ dày. Nếu bệnh nhân có bất kỳ câu hỏi nào về thủ thuật trên hoặc các vấn đề liên quan, xin vui lòng trao đổi thêm với bác sĩ của bệnh nhân trước hoặc sau khi nội soi.