Nuôi con bằng sữa Mẹ

TẠI SAO PHẢI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ?


Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho bé mà không gì có thể thay thế được.

  • Sữa mẹ chứa nhiều vi-ta-min và chất bổ dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé và giúp bé khoẻ mạnh. Sữa mẹ giúp bé hoàn thiện hệ miễn dịch và sự phát triển của não bộ.
  • Sữa mẹ dễ tiêu hoá hơn sữa công thức – giúp bé hạn chế ói hay tiêu chảy.
  • Sữa mẹ thay đổi theo sự phát triển của bé nhằm bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho bé.
  • Trẻ bú sữa mẹ thường ít có nguy cơ bị hen suyễn, viêm tai, dị ứng và đái tháo đường. Ngoài ra trẻ bú sữa mẹ cũng ít khi bị béo phì.
  • Bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.


Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho sức khỏe của bạn

Lần đầu làm mẹ thật không dễ chút nào. Cho con bú có thể giúp bạn dễ dàng vượt qua giai đoạn này.

  • Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cho cơ thể người phụ nữ hồi phục sau thai kỳ và sau sanh – tử cung co hồi trở lại và giảm nguy cơ chảy máu sau sanh.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ tiêu thụ khoảng 500 calo/ngày, như vậy mẹ sẽ mau giảm cân sau sanh.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ giúp xương của mẹ khoẻ hơn, bảo vệ mẹ khỏi nguy cơ loãng xương về sau.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ tránh bị trầm cảm, cho mẹ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Không giống như nuôi con bằng sữa công thức, sữa mẹ luôn có nhiệt độ thích hợp,,không cần đến bình sữa và khử trùng.


Tạo cảm giác gần gũi giữa mẹ và con

Cho con bú giúp mẹ và bé gắn kết tình mẫu tử.

Khi cho con bú, người mẹ cảm nhận niềm hạnh phúc đặc biệt này và tận hưởng phút giây nghỉ ngơi trong những ngày đầu bận rộn làm mẹ. Bé được mẹ ôm ấp và nâng niu, làn da bé áp sát vào bầu ngực mẹ nên bé thấy thật êm ái và được che chở.

CƠ CHẾ TIẾT SỮA

Sữa mẹ được tạo ra từ những nang sữa (tuyến tạo sữa) bên trong bầu vú. Xung quanh các nang sữa có các tế bào cơ trơn, khi co thắt sẽ đẩy sữa ra ngoài. Đây là hiện tượng tiết sữa. Sữa sẽ tiết ra nhiều khi người mẹ trong tâm trạng thoải mái và thư giãn.

Sữa non là sữa đặc màu vàng được tiết ra ngay sau khi em bé ra đời. Sữa non giúp trẻ tiêu hóa tốt và chống lại các tác nhân gây bệnh.

Sau vài ngày, sữa mẹ sẽ loãng và có màu nhạt hơn. Đây là hiện tượng bình thường.

CHO CON BÚ SỮA MẸ – ĐÚNG VÀ SAI

Có rất nhiều quan niệm sai về việc cho con bú sữa mẹ.

Sai: Tôi không biết là liệu bé có bú đủ sữa không.

Đúng: Không có thước đo nào trên bầu vú để đong đo được lượng sữa mẹ! Tuy nhiên, bé sẽ đưa ra những dấu hiệu cho mẹ biết khi bé đã bú đủ. Trong khoảng thời gian 24 giờ, nếu bé bú đầy đủ thì bé sẽ đi tiêu 3 lần và tiểu 6 lần.

Sai: Cho con bú sữa mẹ khiến mẹ béo phì.

Đúng: Mẹ thường xuyên cho con bú sẽ giảm cân nhanh hơn mẹ không cho con bú.

Sai: Cho con bú sẽ ảnh hưởng đến hình dáng bầu ngực.

Đúng: Cho con bú không làm thay đổi hình dáng bầu vú. Tuy nhiên, theo thời gian bầu ngực sẽ không giữ được dáng vẻ như trước. Nhưng để làm chậm sự thay đổi này, mẹ có thể mặc áo nâng ngực, nhất là lúc mang thai và cho con bú.

Sai: Ngực nhỏ sẽ không đủ sữa cho bé.

Đúng: Kích cỡ của bầu vú không làm ảnh hưởng đến việc cho con bú. Bé sẽ bú no thì thôi và càng cho bé bú nhiều, sữa mẹ càng tiết ra nhiều. Để chắc chắn là bé có đủ sữa, hãy cho bé bú mỗi khi bé đói.

Sai: Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ khiến bố cảm thấy bị bỏ rơi

Đúng: Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ vẫn rất khắng khít với bố như trẻ được nuôi bằng sữa công thức. Trừ việc cho con bú thì người bố có thể làm nhiều việc khác: tạo sự thoải mái cho mẹ và bé khi mẹ cho bé bú, thay tã cho bé, âu yếm bé, giúp cho bé ợ sau khi bú, tắm cho bé và chơi với bé.

Sai: Tôi không thể cho con bú khi tôi đi làm trở lại.

Đúng: Nhiều bà mẹ làm việc cả ngày vẫn có thể cho con bú. Hãy cho bé bú trước khi đi làm và ngay sau khi trở về nhà. Nếu được, vào ban ngày, mẹ có thể vắt sữa bằng tay hay bằng máy vắt sữa và sau đó để ngay vào tủ lạnh. Bảo mẫu có thể cho bé bú sữa mẹ bằng bình. Sữa mẹ vắt ra có thể để tủ lạnh đến ba ngày và nếu để vào ngăn đông lạnh thì có thể giữ được đến ba tháng. Sau khi rã đông, chỉ dùng sữa trong vòng 24 giờ.

Sai: Tôi phải ăn theo chế độ đặc biêt để có sữa cho con bú.

Đúng: Mẹ không cần phải ăn theo bất kỳ một chế độ đặc biệt nào để ”lợi sữa”. Ngay cả khi chế độ ăn của mẹ không hoàn hảo thì sữa mẹ vẫn cung cấp đầy đủ các dưỡng chất tốt nhất. Tốt nhất, hãy ăn theo một chế độ lành mạnh với ít nhất năm khẩu phần trái cây hoặc rau quả mỗi ngày và uống nhiều nước.

CHO CON BÚ

Cho con bú là việc làm tự nhiên của mẹ và bé, nhưng đó cũng là một kỹ năng người mẹ cần phải học. Những kỹ năng này không đòi hỏi thực hành nhiều – đối với mẹ cũng như đối với bé. Người mẹ nên bày tỏ mọi thắc mắc cũng như đặt câu hỏi liên quan đến cách cho con bú trước khi bé ra đời (trong những khoá học tiền sản) và khi đến khám tại bệnh viện.

Giai đoạn làm quen 

Những ngày đầu tiên

  • Cho bé bú sữa mẹ càng sớm càng tốt sau khi sinh
  • Ngay khi bé chào đời, mẹ hãy yêu cầu đặt bé nằm sát vào mẹ để da của bé tiếp xúc với da mẹ. Hãy để bé ở tư thế này cho đến khi bé bắt đầu bú mẹ. Phương pháp này giúp bé bớt khóc và ổn định thân nhiệt cũng như cân bằng nhịp thở. Đồng thời cũng giúp mẹ tiết thêm nhiều sữa.
  • Nếu thấy lạnh, người mẹ nên đắp chăn cho mình và cho bé. Thân nhiệt của mẹ sẽ sưởi ấm cho bé khi bé được đắp kín lưng. Không cần thiết phải quấn chặt khăn cho bé.
  • Cho dù sinh mổ, người mẹ vẫn có thể thực hiện phương pháp da tiếp xúc da với bé và cho bé bú sữa mẹ. Người mẹ có thể áp dụng phương pháp này trong vòng ba giờ đồng hồ đầu tiên sau khi sinh, trừ phi không được phép vì những lý do y khoa khác.
  • Mẹ vẫn có thể cho bé bú dù mẹ sinh đôi hoặc hơn. Cơ thể của người mẹ vẫn “sản xuất” đủ sữa để nuôi tất cả con mình.
  • Hãy để bé ở cùng phòng với mẹ. Bé ở cùng phòng tạo điều kiện cho hai mẹ con thực hiện phương pháp da tiếp xúc da và giúp mẹ sớm nhận ra các dấu hiệu bé muốn bú chẳng hạn như bé bắt đầu mút bàn tay.
  • Nên thông báo với nhân viên y tế rằng bạn không muốn con mình được nuôi bằng sữa công thức hoặc uống nước ngoại trừ có chỉ định y khoa. Hãy yêu cầu nhân viên y tế không cho bé ngậm vú giả hay bú bình. Chỉ cho bé ngậm vú giả hay bú bình khi bé khoảng một tháng tuổi, sau khi bé đã quen bú sữa mẹ.
  • Hãy cho bé bú trước khi bé khó chịu vì đói hay la khóc.
  • Hãy cho bé bú sữa mẹ thường xuyên. Việc cho bé bú thường xuyên giúp tạo mối quan hệ mật thiết giữa hai mẹ con, bé sẽ học cách mút sữa, bé càng bú nhiều thì sữa sẽ tiết ra càng nhiều.
  • Phải mất khoảng ba đến năm ngày thì mẹ mới có sữa. Trong khoảng thời gian đó, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra một chất gọi là sữa non – cung cấp cho bé tất cả các chất bổ dưỡng cần thiết.
  • Việc học cách cho bé bú ngay khi còn nằm viện là rất quan trọng. Người mẹ cũng nên tìm hiểu cách chăm sóc như thế nào để mẹ và bé luôn được khoẻ mạnh. Những mẹo nhỏ sau đây sẽ có ích cho mẹ:
    • Yêu cầu nữ hộ sinh giúp mẹ cho bé bú. Nữ hộ sinh sẽ quan sát nhiều lần cách mẹ cho con bú trước khi mẹ xuất viện và sẽ cho mẹ biết là bé có ngậm mút vú đúng cách không và có bú đủ sữa hay không.
    • Mẹ không nên cho bé ngậm núm vú giả vì có thể khiến lượng sữa mẹ tiết ra bị giảm. Nếu mẹ có khó khăn khi cho con bú, vui lòng hỏi nữ hộ sinh để được hướng dẫn.
    • Hãy hỏi bác sĩ hay nữ hộ sinh về chế độ ăn uống trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Để bé nằm cùng phòng với mẹ

Bệnh viện FV khuyến khích mẹ cho bé ở cùng phòng với mình trong thời gian mẹ nằm viện. Như vậy sẽ tốt cho cả mẹ và bé. Ở cùng phòng với bé giúp mẹ dễ dàng nhận biết những dấu hiệu khi bé đói để cho bé bú kịp thời, đồng thời, thiết lập được nguồn sữa dồi dào do bầu vú được tiết sữa liên tục. Có nghĩa là mẹ sẽ giảm được khó khăn khi cho con bú, giảm cương tức bầu vú, và vượt qua giai đoạn đầu nuôi con bằng sữa mẹ một cách tốt đẹp. Để bé nằm cùng phòng với mẹ giúp tạo được sự gắn bó giữa mẹ và bé, giúp mẹ tự tin hơn trong việc chăm sóc bé của mình. Các nghiên cứu cho thấy mẹ và bé cùng ở chung phòng sẽ ngủ ̣được nhiều hơn.

Những tuần tiếp theo 

  • Hãy để cho bé bú bất cứ lúc nào bé cần, ngày cũng như đêm. Mỗi lần bú thường cách nhau khoảng từ hai đến ba giờ đồng hồ – từ 8 đến 12 lần trong vòng 24 tiếng. Cho bé bú thường xuyên giúp mẹ tiết ra nhiều sữa và cũng giúp bé chóng lớn.
  • Khi bé được khoảng 4 đến 5 tuần, bé có thể giảm bớt số lần bú và bú đều đặn hơn
  • Khi tạo được cho bé thói quen bú, mẹ không cần dùng đến bình sữa nữa.

Lưu ý

  • Rửa tay mỗi khi cho bé bú hoặc trước khi vắt sữa.

Nuôi con bằng sữa mẹ trong bao lâu?

  • Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé – hãy cho bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Có nhiều mẹ cho con bú từ 12 đến 18 tháng, có người thì ít hơn. Các chuyên gia khuyến cáo cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ từ 4 đến 6 tháng đầu đời (sau đó bắt đầu cho bé ăn dặm).

NHỮNG TƯ THẾ THOẢI MÁI KHI CHO CON BÚ

Nếu có thể, mẹ nên ngồi thẳng trên ghế để cho con bú và đặt một bệ kê chân cho thoải mái. Tư thế này tốt hơn là ngồi trên giường cho con bú. Bồng em bé đến sát bầu vú thay vì kéo bầu vú đến gần em bé. Tư thế hơi khom xuống trong thời gian cho bé bú có thể gây đau thắt lưng. Nên kê gối để đỡ lưng cho mẹ và đỡ cánh tay mẹ bồng em bé. Đặt một cái gối trên đùi mẹ sẽ giúp bé nằm bú ở tư thế thoải mái hơn. Hãy kiên nhẫn! Sự nóng vội chỉ gây căng thẳng cho mẹ và bé.

Hãy thử nghiệm với các tư thế cho bé bú khác nhau:

Tư thế nằm nôi/bế ngang

Bế bé nằm ngiêng người sao cho bụng bé áp sát bụng mẹ. Tư thế này giúp mẹ cho bé bú dễ dàng mà người khác không nhận thấy.

Tư thế ôm bóng

Bé sẽ rúc vào dưới tay của mẹ, ở một tư thế nửa ngồi, trong khi mẹ đỡ đầu và vai của bé từ dưới lên. Đây là một tư thế rất tốt để áp dụng sau khi mẹ sinh mổ, hay đối với mẹ có ngực to hay đối với em bé hay ngủ.

Tư thế nằm nghiêng

Mẹ và bé đều nằm nghiêng, áp mặt vào nhau. Đây cũng là một tư thế rất thoải mái cho mẹ và bé, cũng rất tốt sau khi mẹ sinh mổ.

“CHO BÉ NGẬM VÚ” VÀ CHO BÉ BÚ

  • Chạm đầu vú vào má của bé. Bé sẽ quay về phía đầu vú mẹ vừa chạm. Khi đầu của bé đã ở vị trí đó, lấy núm vú cọ nhẹ vào môi của bé.
  • Mẹ đỡ vú của mình bằng cách đặt các ngón tay dưới bầu vú và ngón cái lên trên vú. Đây được gọi là cách đỡ vú dạng chữ C.
  • Khi bé mở to miệng, kéo bé về phía mẹ và đưa miệng của bé sát vào núm vú. Đó được gọi là “cho bé ngậm vú”. Ấn nhẹ lưng của bé. Cho bé ngậm quầng vú càng nhiều càng tốt.
  • Nếu bé chỉ ngậm đầu núm vú, mẹ đưa nhẹ một ngón tay sạch vào góc miệng của bé để bé ngưng mút tạm thời và sau đó tiếp tục chạm môi của bé vào núm vú cho đến khi bé mở miệng to trở lại.
  • Cho con bú sữa mẹ không làm mẹ bị đau! Mẹ chỉ thấy đau khi bé không ngậm vú đúng cách. Nếu mẹ bị đau, hãy dùng ngón tay làm cho trẻ ngưng mút, và kéo bé ra xa núm vú, sau đó hãy bắt đầu lại từ đầu. Đừng để bé tiếp tục bú nếu bé không bú đúng cách – nếu bé tiếp tục bú sai cách sẽ khiến cho núm vú của mẹ bị đau hay nứt nẻ.
  • Hãy cho bé bú khi bé đói và bú cho đến khi bé no – thông thường khoảng từ 10 tới 15 phút cho mỗi bên vú. Một số bé chỉ bú một bên vú trong khi các bé khác lại bú cả hai bên trong mỗi cữ bú. Hãy để bé bú cạn bên vú đầu tiên khi bé vẫn còn ngậm núm vú và nuốt sữa tốt. Như vậy có thể đảm bảo là bé bú hết những giọt sữa cuối – cũng là phần sữa béo nhất trong vú. Cho bé bú tiếp vú bên kia nếu bé còn muốn bú thêm. Mẹ không phải lo nếu bé bú vú bên này ít hơn vú bên kia. Mẹ chỉ cần đổi thứ tự bên vú cho lần bú tiếp. Bé sẽ nhả núm vú khi đã bú no và thường là sau đó bé sẽ ngủ.
  • Khi bé ngưng bú, mẹ cho bé ợ hơi bằng cách đặt bé tựa lên vai mẹ và vỗ nhẹ hoặc xoa lưng bé.

CHẾ ĐỘ ĂN KHI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Mẹ không nên ăn kiêng trong thời gian cho con bú! Cho con bú sữa mẹ giúp cho mẹ giảm cân sau khi sinh. Các bà mẹ cho con bú cần ăn theo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng. Quan trọng là mẹ không nên bỏ bữa, nhưng cần phải ăn thật nhiều trái cây và rau xanh, đậu và hạt ngũ cốc, ăn thức ăn giàu canxi và chất đạm. Mẹ có thể đói nhiều hơn khi cho con bú.

Tốt nhất là, mẹ̣ nên ăn những thực phẩm đủ chất dinh dưỡng khi đói. Không có bằng chứng cho thấy loại thức ăn nào gây khó chịu hay đầy hơi cho bé cả. Lời khuyên tốt nhất là nên ăn các loại thức ăn với lượng vừa phải, ngoại trừ yếu tố liên quan đến tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc là không dung nạp một loại thức ăn nào đó. Sự thay đổi các loại thực phẩm làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ, giúp bé chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn ăn dặm sau sáu tháng tuổi.

Mẹ đang cho con bú cần uống nhiều nước để bù nước.. Hãy uống bất cứ khi nào mẹ thấy khát . Lượng nước mẹ uống tăng lên cũng làm cho lượng sữa tiết ra nhiều hơn một chút. Mẹ đang cho con bú cũng có thể uống một lượng tối thiêu đồ uống có caffeine. Bé càng ít tháng tuổi thì thời gian để chuyển hoá caffeine trong cơ thể càng kéo dài. Uống quá nhiều cà-phê sẽ làm cho trẻ khó ngủ và quấy khóc. Nên nhớ là caffeine cũng có trong trà, cà phê, nước ngọt, nước tăng lực, vài loại thuốc, thuốc Đông y, cũng như có trong các loại thực phẩm có chứa cà phê hoặc chocolate. Trái với quan niệm của nhiều người, rượu bia không làm tăng lượng sữa mà còn làm giảm tiết sữa và lượng sữa.

Nghiên cứu gần đây khuyến cáo, các bà mẹ đang cho con bú uống rượu càng ít càng tốt, không uộ́ng quá một hoặc hai ly rượu trong một tuần. Nghiên cứu cũng khuyến cáo, sau khi uống rượu mẹ cầ̀n chờ từ hai đến ba giờ đồng hồ rồi mới cho con bú.

CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Bé sinh thiếu tháng hoặc có bệnh

Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng đặc biệt cho bé sinh thiếu tháng hoặc có bệnh, giúp trẻ mau lớn và tránh được nhiều loại bệnh. Nếu bé cần theo dõi tại phòng dưỡng nhi, mẹ có thể vắt sữa và để sữa vào ngăn đá cho đến khi bé khoẻ hơn hay khi bé sẵn sàng để bú. Điều dưỡng tại khoa Săn sóc Nhi đặc biệt (NICU) và nữ hộ sinh sẽ giúp mẹ cho con bú ngay khi có thể.

Mẹ có bệnh

Nếu mẹ bị cảm lạnh, cúm, hoặc bị nhiễm trùng, việc cho con bú bằng sữa mẹ sẽ cung cấp kháng thể cần thiết để giúp bé chống lại nhiễm trùng, do đó việc tiếp tục cho bé bú mẹ là vô cùng quan trọng. Nếu mẹ lo lắng bệnh của mình có thể gây nguy hại cho bé, hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Thuốc điều trị

Có một số thuốc không kê toa và có kê toa (kể cả vài loại thuốc tránh thai) mà mẹ đang cho con bú không nên dùng. Mẹ vẫn có thể cho con bú một cách an toàn dù uống hầu hết các loại thuốc. Bác sĩ điều trị sẽ trả lời mọi thắc mắc của mẹ loại thuốc nào an toàn hoặc không an toàn.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN KHẮC PHỤC

Với một chút nhẫn nại và kiên trì, đa phần các trở ngại gặp phải đều có thể giải quyết được. Dưới đây là các trở ngại và giải pháp.

Căng sữa

Mẹ có thể bị căng sữa hoặc bị sưng bầu vú khi tiết sữa trong thời gian từ ba đến năm ngày đầu sau sinh. Tình trạng này gọi là căng sữa và sẽ hết khi cơ thể của mẹ đã quen với quy trình tạo sữa và không cần phải trữ sữa. Trong lúc mẹ căng sữa:

  • Tắm hay chườm nước ấm (không phải nước nóng), đắp khăn ướt lên ngực trước khi cho bé bú hay chườm gạc lạnh sau khi bé đã bú xong.
  • Nếu bé gặp khó khăn khi ngậm vú, hãy xoa bóp nhẹ bầu vú và nặn chút sữa ra trước khi cho bé bú để làm vú bớt căng tức.
  • Cho bé bú sữa mẹ thường xuyên (mỗi lần cách nhau khoảng từ hai đến bốn giờ đồng hồ) và cho bú bên vú bị đau trước khi cho bé bú cả hai bên.

Đau núm vú

Nếu bé ngậm vú chưa đúng cách, núm vú của mẹ lúc đầu có thể bị đau. Mẹ cần:

  • Kiểm tra xem bé đã ngậm đủ quầng vú chưa
  • Cố gắng cho bé bú nhiều lần hơn, với các cữ bú ngắn hơn
  • Cho bé bú bên vú ít bị đau trước
  • Sau khi bé bú xong, lấy sữa mẹ bôi lên hai núm vú và để khô tự nhiên trong vòng 15 phút.

Tắc tuyến sữa

Một vùng ngực bị đau hoặc bị nổi u lên có thể là do tắc ống dẫn sữa.

  • Chắc chắn rằng mẹ mặc áo nịt ngực đúng kích cỡ, tránh nằm ngủ ở tư thế khiến ngực bị đè.
  • Cho bé bú thường xuyên, bên ngực bị đau trước
  • Uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi thật nhiều
  • Tắm và chườm gạc thấm nước ấm lên chỗ ngực bị đau
  • Xoa bóp nhẹ chỗ ngực bị đau

Viêm tuyến vú

Ngực sưng và đau kèm theo các triệu chứng giống như khi bị cúm: rét run, đau nhức, sốt, có thể do viêm tuyến vú

  • Làm theo các bước như hướng dẫn trong phần Tắc tuyến sữa (bên trên)
  • Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ
  • Hỏi ngay ý kiến bác sĩ. Có thể mẹ cần thuốc để điều trị

Cho con bú sữa mẹ là một việc làm hoàn toàn tự nhiên đối với mẹ và bé, tuy nhiên đó cũng là một kỹ năng cần phải học. Hãy trao đổi và nêu lên các câu hỏi liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ trước khi bé chào đời và trong lúc mẹ còn nằm viện. Như vậy, mẹ sẽ dễ dàng tiếp tục cho con bú sau khi xuất viện. Tài liệu hướng dẫn này giúp mẹ cho con bú đúng cách. Mẹ nên nhớ rằng, luôn luôn trao đổi với bác sĩ hay nữ hộ sinh để có được lời khuyên hay tư vấn hữu ích về sức khỏe.