NÚT ĐỘNG MẠCH TUYẾN TIỀN LIỆT – KHÔNG CẦN PHẢI “CẮT BỎ” KHI MẮC TĂNG SINH TUYẾN TIỀN LIỆT

Thủ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt (Prostate Artery Embolisation – PAE) – Giải pháp ít xâm lấn cho bệnh nhân tăng sinh tiền liệt tuyến lớn tuổi.

Trong những năm gần đây, thủ thuật này ngày càng khẳng định vai trò của mình giúp bệnh nhân hạn chế phải cắt bỏ tuyền liệt tuyến và đã được ứng dụng tại Bệnh viện FV.

PAE là phương pháp điều trị phổ biến cho tăng sản lành tính tiền liệt tuyến, thay thế cho phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt (TURP) hoặc các phương pháp phẫu thuật khác như phẫu thuật bằng tia laser. Thủ thuật PAE được tiến hành tại phòng Cathlab, dưới gây tê tại chỗ, không cần gây mê toàn thân.

Điển hình nhất gần đây, là ca thủ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt được BS.CKI. Huỳnh Hữu Danh (Khoa Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang can thiệp) thực hiện trên một cụ ông (87 tuổi, mắc tăng sinh tiền liệt tuyến nhiều năm). Đặc biệt hơn, ca thủ thuật này thực hiện dưới sự quan sát, hướng dẫn của Giáo sư Mark Ryan (*) – một chuyên gia về điện quang can thiệp ở Châu Âu, hiện đang làm việc tại Trinity College Dublin và Bệnh viện Beacon (Ireland).

Sau can thiệp, sức khỏe của nam bệnh nhân ổn định và không ghi nhận biến chứng. Bệnh nhân được xuất viện sau 1 đêm theo dõi. Sau 1 tuần thực hiện PAE, BS. Danh đánh giá các triệu chứng của bệnh nhân và điểm chất lượng cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể là bệnh nhân đã giảm số lần đi tiểu trong ngày, ít tiểu đêm, dòng tiểu mạnh hơn, điểm IPSS (International Prostate Symptom Score – Điểm triệu chứng tuyến tiền liệt quốc tế) từ 17 trước can thiệp, sau giảm còn 10.

BS. Huỳnh Hữu Danh thực hiện thủ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Giáo sư Mark Ryan
BS. Huỳnh Hữu Danh thực hiện thủ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Giáo sư Mark Ryan

Để thực hiện thủ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt (Prostate Artery Embolisation – PAE), bác sĩ điện quang can thiệp sẽ đặt dụng cụ mở đường ở động mạch đùi phải, sau đó đưa ống thông vào động mạch chậu trong 2 bên. Dưới hướng dẫn của hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền – DSA, thủ thuật viên sẽ luồn vi ống thông trong lòng ống thông, đưa đến 2 động mạch tiền liệt tuyến. Khi vi ống thông vào đúng vị trí, thủ thuật viên sẽ bơm chất tắc mạch để làm tắc các mạch máu này, cắt nguồn máu nuôi dưỡng tuyến tiền liệt.

Khối tăng sinh tiền liệt tuyến sẽ teo nhỏ trong vòng 2-3 tuần, triệu chứng đường tiểu dưới sẽ cải thiện trong khoảng 2 tuần.

Thủ thuật tắc mạch thực hiện dưới hỗ trợ của hệ thống DSA
Thủ thuật tắc mạch thực hiện dưới hỗ trợ của hệ thống DSA

Khoa Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp tại Bệnh viện FV với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế đã mang lại hiệu quả điều trị vượt trội cho nhiều bệnh nhân thông qua các kỹ thuật tiên tiến. Ngoài thủ thuật can thiệp tắc mạch điều trị tăng sinh tuyến tiền liệt, Đơn vị cũng đã điều trị thành công các bệnh lý phức tạp bằng kỹ thuật điện quang can thiệp như: nút mạch hóa chất động mạch điều trị ung thư gan (TACE); u nguyên bào võng mạc; theo dõi và can thiệp điều trị phình động mạch não, dị dạng mạch máu não; can thiệp mạch máu điều trị u xơ tử cung, thuyên tắc động mạch tử cung dự phòng băng huyết sau sinh; xơ hóa trị liệu trong điều trị dị dạng tĩnh mạch,v.v..

Đơn vị Điện quang can thiệp sẽ tiếp tục nỗ lực để trở thành đối tác đáng tin cậy trong việc chăm sóc sức khỏe, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức và chuyên gia y tế nhằm cùng nhau nâng tầm chuyên môn và hiệu quả điều trị.

(*) Giáo sư Mark Ryan là chuyên gia trong điều trị ung thư và các bệnh lý mạch máu bằng phương pháp ít xâm lấn như hóa trị tắc mạch và đốt u. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy, đã công bố hơn 170 bài báo khoa học với hơn 2.650 lượt trích dẫn. Ông đã thuyết giảng tại nhiều hội nghị quốc tế như CIRSE, ECR và WCIO đồng thời là thành viên ban tổ chức, đánh giá khoa học và cố vấn chuyên môn cho nhiều tổ chức Điện quang can thiệp tại Châu Âu