Có một người miền Tây chân chất lại viết một bức thư như “truy tìm tung tích” vị bác sĩ đã trị ung thư cho mình.
Đó là một bức thư chỉ hơn 200 chữ nhưng đầy xúc động, bởi chính là lời cảm ơn của bệnh nhân này gửi tới vị bác sĩ Đỗ Minh Hùng, người đã phẫu thuật cho ông ấy. Các con chữ sát liền nhau với rất ít dấu chấm phẩy, thậm chí nhiều chỗ sai chính tả. Nhưng nếu bức thư được viết bởi một nam bệnh nhân khoảng 60 tuổi từ một vùng quê miền Tây, điều ấy không thành vấn đề.
Cách đây chưa lâu, TS – BS Đỗ Minh Hùng – Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV nhận được một bức thư điện tử không có tiêu đề. Ban đầu, ông định bỏ qua bởi thư viết sai chính tả, ít dấu câu, các câu dính liền tù tì. Lướt hết thư, ông nhận ra một bệnh nhân gửi cho mình.
Qua đó, BS Hùng biết bệnh nhân đã từ quê nhà tìm đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) nơi bác sĩ làm trước đây, cũng là nơi ca mổ cho bệnh nhân được thực hiện. Không gặp được vì BS Hùng đã chuyển công tác đến FV, bệnh nhân, hỏi thăm và xin được địa chỉ email cá nhân của bác sĩ, và bức thư đã đến được chỗ cần đến. Nếu được bỏ dấu đầy đủ, một đoạn viết như sau: “Có một trường hợp ung thư điều trị thành công ở Viện K Trung Ương sống được hơn 5 năm. Còn bác sĩ mổ cho tôi, tới nay đã 7 năm 6 tháng, tôi vẫn sống tốt. Bác sĩ chuyển về đâu vui lòng cho xin địa chỉ để tôi còn tái khám…”
Đọc những dòng chữ từ đáy lòng người viết, BS Hùng liền nhớ ra nam bệnh nhân này. Đó là ông T. Cách đây gần 8 năm, ông T. tới bệnh viện Bình Dân khám vì thấy đau bụng vùng thượng vị, rối loạn tiêu hoá. Bệnh nhân đã sụt khoảng 10kg từ khi mắc bệnh, tinh thần xuống khá rõ. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ông T. bị ung thư bao tử giai đoạn muộn (3 A). Chính bác sĩ Hùng là người phẫu thuật nội soi, cắt bán phần bao tử cho bệnh nhân. Bác sĩ Hùng kể thêm: “Trong lúc mổ, tôi phát hiện bệnh nhân có thêm khối u ở ruột non, tiện thể xử lý luôn. Với những trường hợp thế này, thông thường bệnh nhân sẽ được mổ hở. Người bệnh và gia đình rất ngạc nhiên, không nghĩ bệnh tình như thế mà mổ nội soi được”.
BS Hùng trầm ngâm:“Bức thư gợi nhớ lại một trong những bệnh nhân mà tôi đã giúp họ tiếp tục sống nhưng cũng gợi khơi lại trong tâm trí tôi những người không may mắn bằng nên đã ra đi!”
BS Hùng cũng khuyên những người từ 40 tuổi trở lên phải chú ý đi bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Bác sĩ cho biết tầm soát ung thư tiêu hóa nhằm chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh, và khi được phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi”.