Phẫu Thuật Cắt Amiđan Và Một Số Lưu Ý Cần Biết

PHẪU THUẬT CẮT AMIĐAN LÀ GÌ?

Phẫu thuật này là phẫu thuật cắt bỏ amiđan. Amiđan là hai hạch bạch huyết hình quả hạnh nhân nhỏ nằm hai bên phía sau họng. Đây là một phần của hệ thống chống nhiễm khuẩn trong cơ thể và chỉ giữ vai trò quan trọng trong vài năm đầu đời. Khi chúng ta lớn lên, amiđan thường nhỏ lại đáng kể.

Phẫu thuật này thường được thực hiện trong ngày, tức là bệnh nhân sẽ đến bệnh viện để làm phẫu thuật và rời bệnh viện trong cùng một ngày. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân, nghĩa là bệnh nhân sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật cắt amiđan thường ít nhất là mười ngày đến hai tuần.

TẠI SAO CẦN THỰC HIỆN PHẪU THUẬT?

Phẫu thuật cắt amiđan được áp dụng để điều trị:

  • Viêm amiđan tái phát, mạn tính hoặc nặng
  • Biến chứng của amiđan phì đại
  • Các bệnh hiếm gặp khác của amiđan.
Viêm amiđan

Amiđan sản sinh một số loại tế bào bạch cầu chống bệnh tật. Do đó, amiđan hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch để chống lại vi khuẩn và vi rút xâm nhập vào miệng. Chức năng này có thể làm cho amiđan đặc biệt dễ bị viêm và nhiễm khuẩn. Viêm amiđan thường gặp hơn ở trẻ em vì chức năng miễn dịch của amiđan hoạt động mạnh nhất trước tuổi dậy thì. Ngoài ra, không giống như người trưởng thành, hệ thống miễn dịch của trẻ em ít tiếp xúc với vi khuẩn và vi rút và vẫn chưa phát triển khả năng miễn dịch đối với chúng.

Phẫu thuật cắt amiđan có thể được chỉ định để phòng ngừa các đợt viêm amiđan thường xuyên hoặc tái phát.

Viêm ami đan thường xuyên được định nghĩa là:

  • Hơn bảy đợt mỗi năm
  • Hơn năm đợt mỗi năm trong mỗi hai năm trước đó
  • Hơn ba đợt mỗi năm trong mỗi ba năm trước đó.

Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định nếu:

  • Nhiễm khuẩn gây viêm amiđan không cải thiện sau khi điều trị bằng kháng sinh;
  • Nhiễm khuẩn gây tụ mủ sau amiđan (áp xe amiđan) không cải thiện khi điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật dẫn lưu.
Biến chứng của amiđan phì đại

Amiđan có thể bị phì đại sau khi nhiễm khuẩn thường xuyên hoặc kéo dài, hoặc có thể phì đại tự nhiên. Phẫu thuật cắt amiđan có thể được áp dụng để điều trị các vấn đề sau do amiđan phì đại gây ra hoặc biến chứng:

Các bệnh lý khác về amiđan

Phẫu thuật cắt amiđan cũng có thể được áp dụng để điều trị các bệnh hoặc tình trạng hiếm gặp khác của amiđan, như:

  • Ung thư mô ở một hoặc cả hai amiđan
  • Chảy máu tái phát từ các mạch máu gần bề mặt amiđan.

NHỮNG NGUY CƠ KHI PHẪU THUẬT CẮT AMIĐAN LÀ GÌ?

Tương tự như các phẫu thuật khác, cắt amiđan cũng có một số nguy cơ:

  • Phản ứng với thuốc mê: thuốc gây ngủ trong quá trình phẫu thuật thường dẫn đến các nguy cơ nhẹ và ngắn hạn, như đau đầu, buồn nôn, nôn ói hoặc đau cơ. Bác sĩ gây mê sẽ giải thích chi tiết về các nguy cơ do gây mê;
  • Sưng: sưng lưỡi và vòm miệng mềm (khẩu cái mềm) có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là trong vài giờ đầu sau phẫu thuật;
  • Chảy máu trong phẫu thuật: trong các trường hợp hiếm gặp, có thể xảy ra tình trạng chảy máu nặng trong phẫu thuật, cần điều trị bổ sung và kéo dài thời gian nằm viện;
  • Chảy máu trong quá trình phục hồi: chảy máu có thể xảy ra trong quá trình phục hồi và kéo dài lên đến hai tuần sau phẫu thuật;
  • Nhiễm trùng: tuy hiếm gặp nhưng phẫu thuật có thể dẫn đến nhiễm trùng và cần phải điều trị thêm.

BỆNH NHÂN NÊN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tại bệnh viện về cách chuẩn bị để phẫu thuật cắt amiđan.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin bao gồm:

  • Tất cả các loại thuốc dùng thường xuyên, bao gồm thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình về tác dụng không mong muốn với thuốc gây mê
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình về rối loạn chảy máu
  • Dị ứng hoặc các phản ứng tiêu cực khác với thuốc đã biết, như kháng sinh.

Hướng dẫn chuẩn bị bao gồm những điều sau:

  • Không dùng aspirin hoặc các loại thuốc khác có chứa aspirin trong vòng hai tuần trước phẫu thuật;
  • Không ăn/nhai kẹo cao su hoặc uống sữa/nước ép trái cây còn nguyên bã trong  vòng sáu giờ trước phẫu thuật, nhưng có thể uống nước lọc, trà, cà phê có hoặc không có đường lên đến hai giờ trước phẫu thuật;
  • Không hút thuốc hoặc uống rượu trong vòng 24 giờ trước phẫu thuật;
  • Sắp xếp người thân đưa về nhà;
  • Lập kế hoạch cho thời gian hồi phục từ mười ngày đến hai tuần hoặc lâu hơn. Người lớn có thể cần nhiều thời gian hơn trẻ em.

BỆNH NHÂN CÓ THỂ MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ?

Phẫu thuật cắt amiđan thường được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú, nghĩa là bệnh nhân có thể về nhà trong ngày phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ cần nằm viện trong sáu giờ sau phẫu thuật để có thể theo dõi tình trạng chảy máu.

Bệnh nhân có thể phải nằm viện qua đêm nếu có phát sinh biến chứng, hoặc đối tượng phẫu thuật là trẻ nhỏ, hoặc bệnh nhân có tình trạng sức khỏe phức tạp.

Trong quá trình phẫu thuật

Do phẫu thuật cắt amiđan được thực hiện dưới gây mê toàn thân nên bệnh nhân sẽ không nhận thức được quy trình diễn ra hoặc cảm nhận được cơn đau trong khi phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt amiđan bằng lưỡi dao (dao mổ) hoặc dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng sử dụng nhiệt hoặc nhiệt năng lượng cao (đốt điện/bóc ​​tách bằng nhiệt điện) để loại bỏ hoặc phá hủy các mô và cầm máu. Một kỹ thuật khác goi là “coblation”, có nghĩa là cắt bỏ có kiểm soát, sử dụng tần số vô tuyến ở nhiệt độ thấp hoạt động trong môi trường nước muối để cắt nhẹ nhàng và chính xác amidan của bệnh nhân bằng cách phá hủy các mô xung quanh. Coblation giúp giảm đau và giúp bệnh nhân trở lại chế độ ăn uống, hoạt động hàng ngày sớm hơn.

Phẫu thuật thường mất khoảng 30 đến 45 phút.

Trong quá trình phục hồi

Đề nghị bệnh nhân nghỉ học hoặc nghỉ làm hai tuần sau khi cắt amiđan.

Hầu như tất cả bệnh nhân đều cảm thấy đau sau khi cắt amiđan. Bệnh nhân sẽ bị đau họng khi thức dậy, tình trạng này có thể kéo dài trong vài ngày và cũng có thể nặng hơn trong vài ngày đầu tiên. Bệnh nhân có thể mất 10-12 ngày để khỏi đau hoàn toàn. Một số bệnh nhân bị đau tai sau phẫu thuật do amiđan có cùng một số dây thần kinh với tai. Điều này là bình thường và sẽ khỏi trong khoảng hai đến ba ngày.

Các bước có thể thực hiện để giúp giảm đau, thúc đẩy phục hồi và phòng ngừa các biến chứng bao gồm:

  • Thuốc: dùng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật hoặc nhân viên bệnh viện;
  • Chất lỏng: điều quan trọng là phải uống nhiều nước sau phẫu thuật để tránh mất nước. Nước và kem cây là những lựa chọn tốt;
  • Thực phẩm: thực phẩm nhạt giúp dễ nuốt, như sốt táo hoặc nước luộc là lựa chọn tốt nhất ngay sau phẫu thuật. Các thực phẩm như kem và bánh pudding có thể được bổ sung vào chế độ ăn nếu có thể dung nạp. Nên bổ sung thực phẩm dễ nhai và nuốt vào chế độ ăn càng sớm càng tốt. Tránh các thực phẩm axit, cay, cứng hoặc giòn vì chúng có thể gây đau hoặc chảy máu;
  • Nghỉ ngơi: nghỉ ngơi tại giường trong vài ngày sau phẫu thuật là rất quan trọng,  nên tránh các hoạt động gắng sức – như chạy bộ và đạp xe – trong hai tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể làm việc hoặc đi học trở lại sau khi tiếp tục chế độ ăn bình thường, ngủ bình thường suốt đêm mà không cần dùng thuốc giảm đau. Hãy trao đổi với bác sĩ về các hoạt động nên phòng tránh.
Khi nào cần liên hệ bác sĩ hoặc đến Khoa cấp cứu

Theo dõi các biến chứng cần chăm sóc kịp thời sau đây:

  • Chảy máu: bệnh nhân có thể thấy những đốm máu nhỏ màu đỏ sẫm từ mũi hoặc trong nước bọt. Nhưng nếu bệnh nhân ho, nôn ói, hoặc khạc ra máu đỏ tươi hoặc máu đông thì phải đến Khoa cấp cứu để được đánh giá và điều trị kịp thời. Tuy hiếm gặp, nhưng tình trạng chảy máu này có thể kéo dài lên đến hai tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để cầm máu (khoảng 5/100 người lớn sẽ quay lại bệnh viện với tình trạng chảy máu có thể cần nhập viện để theo dõi hoặc điều trị. Chỉ có 1/100 người cần phẫu thuật lại để cầm máu);
  • Sốt: liên hệ bác sĩ nếu bệnh nhân bị sốt từ 38°C trở lên;
  • Mất nước: liên hệ bác sĩ nếu thấy có dấu hiệu mất nước như giảm đi tiểu, khát nước, yếu, đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng. Các dấu hiệu mất nước thường gặp ở trẻ em bao gồm mắt trũng, môi khô và dính, không đi tiểu trong hơn tám giờ, và khóc không có nước mắt;
  • Vấn đề hô hấp: ngáy hoặc thở ra tiếng là thường gặp trong vài tuần đầu của quá trình hồi phục. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị khó thở, cần đến Khoa cấp cứu.