“PHẪU THUẬT KHÔNG DAO” ĐIỀU TRỊ CƯỜNG GIÁP HIỆU QUẢ VÀ AN TOÀN

Liệu pháp y học hạt nhân có thể ứng dụng để điều trị cường giáp trong trường hợp bướu giáp tương đối lớn và cơ thể không đáp ứng với thuốc kháng giáp. Đây được coi là phương pháp “phẫu thuật không dao” mang lại hiệu quả cao, an toàn và ít tác dụng phụ so với phẫu thuật.

Triệu chứng của cường giáp dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Chị NTL (ngụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu) gặp tình trạng mệt mỏi, sụt cân dù ăn nhiều hơn bình thường và mất ngủ kéo dài. Chị đi khám tại nhiều cơ sở y tế tuy nhiên không phát hiện ra được bệnh. Theo thời gian, các vấn đề sức khỏe ngày càng xấu đi. Suốt nhiều tháng trời chị phải ngủ ở tư thế ngồi vì mỗi khi ngả lưng xuống giường chị lại bị khó thở, tim đập nhanh. Cho tới khi chị đến khám tại Bệnh viện FV, các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm và chẩn đoán chị bị cường giáp – một căn bệnh mà triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Đây cũng chính là lý do nhiều người không phát hiện ra bệnh từ giai đoạn sớm để được điều trị kịp thời. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, có thể xuất hiện nhiều biến chứng nặng khiến điều trị phức tạp hơn.

Bệnh cường giáp là căn bệnh với các triệu chứng dễ bị lầm lẫn với các bệnh lý khác
Bệnh cường giáp là căn bệnh với các triệu chứng dễ bị lầm lẫn với các bệnh lý khác

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tế, Trưởng Khoa Y Học Hạt Nhân, Bệnh viện FV, cường giáp là hội chứng tuyến giáp hoạt động quá mức, làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu. Tình trạng này làm tăng chuyển hóa tế bào, gây ra sự phát sinh nhiệt lớn, khiến người bệnh cảm thấy nóng bức và sụt cân dù ăn nhiều. “Có nhiều người ăn một lúc 2 tô phở vẫn thấy đói và 1 tháng có thể sụt tới 8kg,” bác sĩ Tế cho biết. Cường giáp ảnh thưởng tới hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, run tay, dễ nổi nóng và thay đổi tính tình. Cường giáp có thể dẫn đến kinh nguyệt ít hoặc mất kinh ở nữ giới. Bệnh có thể gây ra các biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim và khó thở do suy tim, đặc biệt với đối tượng người cao tuổi, tổn thương gan.

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến cường giáp như: tăng sinh mạch máu trong tuyến giáp do kháng thể tấn công vào thụ thể TSH (là hormone kích thích tuyến giáp), kích thích sản sinh nhiều hormone và mạch máu; viêm tuyến giáp cấp do vi trùng hoặc bán cấp – thường do virus đường hô hấp gây ra; dùng thuốc hormone tuyến giáp quá liều; chế độ ăn thừa i-ốt hoặc dùng thuốc chứa nhiều i-ốt trong một thời gian dài.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng tim mạch: Nhịp tim nhanh, rung nhĩ, có thể dẫn đến suy tim; Cơn bão giáp (nhiễm độc giáp cấp): Hormone tăng cao đột ngột, đe dọa tính mạng; tổn thương gan; ngoài ra bệnh có thể kèm lồi mắt ác tính: Lồi mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

Chẩn đoán và điều trị bệnh cường giáp bằng y học hạt nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh cường giáp, người bệnh cần gặp bác sĩ để được thăm khám. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra định lượng hormone tuyến giáp, định lượng kháng thụ thể TSH của bệnh nhân, siêu âm cổ để phát hiện rối loạn cấu trúc tuyến giáp, như kích thước tuyến giáp lớn và tăng sinh mạch máu, có nhân cứng trong mô giáp…

Trong trường hợp cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây cường giáp, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp xạ hình tuyến giáp. Người bệnh được tiêm một lượng nhỏ thuốc phóng xạ 99mTc vào tĩnh mạch. Khi vào máu, thuốc phóng xạ sẽ đi tới các mô và cho hình ảnh của tuyến giáp trên thiết bị gamma camera, nhờ vậy bác sĩ có thể đánh giá được chính xác chức năng tuyến giáp, phát hiện các bệnh lý tuyến giáp ở giai đoạn sớm để xử lý kịp thời. Lượng phóng xạ sử dụng trong chụp xạ hình rất nhỏ, không gây hại cho cơ thể, và sẽ tự đào thải khỏi cơ thể qua các dịch tiết.

BS Nguyễn Văn Tế, Trưởng Khoa Y Học Hạt Nhân, Bệnh viện FV chụp xạ hình tuyến giáp cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Văn Tế, Trưởng Khoa Y Học Hạt Nhân, Bệnh viện FV chụp xạ hình tuyến giáp cho bệnh nhân.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp (Basedow), bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng giáp trong vòng 18-24 tháng, liều lượng được cá thể hóa. Bệnh nhân được ngưng thuốc khi tình trạng cường giáp được kiểm soát.

Trong trường hợp bướu giáp quá to hoặc tình trạng bệnh nhân không đáp ứng thuốc, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân hoặc phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp hoặc sử phương pháp y học hạt nhân – dùng thuốc phóng xạ i-ốt 131 (I-131) để điều trị.

Quy trình điều trị bệnh cường giáp bằng thuốc phóng xạ I-131 tương đối đơn giản: bệnh nhân được bác sĩ kê toa và uống thuốc. Thuốc I-131 sẽ tập trung vào chủ mô tuyến giáp để phá hủy các tế bào. Phương pháp này được ví như “phẫu thuật không dao”, dễ áp dụng, mang lại hiệu quả cao, ít tác hại, chi phí thấp, và người bệnh không cần nhập viện (chỉ cần hạn chế tiếp xúc gần với người chung quanh bằng cách giữ khoảng cách hơn 1 mét, thường là trong một tuần). Quan trọng là người bệnh không được mang thai trước khi điều trị và 6-12 tháng sau khi uống dược chất phóng xạ.

Thuốc phóng xạ i-ốt 131 (I-131) dùng trong điều trị cường giáp.
Thuốc phóng xạ i-ốt 131 (I-131) dùng trong điều trị cường giáp.

Trong y học hạt nhân, I-131 còn được chỉ định để điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp do ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, mục đích là tiêu diệt tế bào tuyến giáp, di căn ung thư giáp và ngăn tái phát. Bệnh nhân cần cách ly tại nhà hoặc bệnh viện tùy liều dùng. Phương pháp này cho tỷ lệ thành công lên tới 90%.

Cũng theo BS. Nguyễn Văn Tế, người bệnh sau khi điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật hay phương pháp y học hạt nhân có thể bị suy giáp. Tuy nhiên chỉ cần bổ sung thêm hormone giáp bằng đường uống theo chỉ định của bác sĩ là bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

 Thuốc phóng xạ trị cường giáp có ảnh hưởng tới khả năng sinh con?

Các bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trong đó, cường giáp làm tăng nồng độ hormone giáp, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và tăng nguy cơ vô sinh tạm thời. Do đó, nữ giới được bác sĩ khuyên nên điều trị ổn định bệnh cường giáp để tăng cơ hội mang thai. Tuy vậy, nhiều bệnh nhân trẻ tỏ ra băn khoăn: dùng thuốc phóng xạ điều trị cường giáp có làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản?

Điều trị bệnh bằng y học hạt nhân tại Bệnh viện FV được thực hiện theo một quy trình an toàn cao
Điều trị bệnh bằng y học hạt nhân tại Bệnh viện FV được thực hiện theo một quy trình an toàn cao

“Từng có một nữ bệnh nhân trẻ trong tuổi sinh sản điều trị cường giáp nhiều năm bằng thuốc nhưng không thành công. Bệnh nhân đã lập gia đình nhưng chưa từng sinh con, nên quyết tâm điều trị dứt điểm để có cơ hội mang thai. Chị đến FV khám và được chỉ định điều trị cường giáp bằng liệu pháp y học hạt nhân. Do kích thước bướu giáp khá to, chị phải điều trị 2 lần trong vòng 6 tháng. Sau đó chị được chỉ định bổ sung hormone tuyến giáp. Vài năm sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định, chị có thai, rồi sinh con khỏe mạnh. Đợt tái khám định kỳ gần đây tại FV cho thấy sức khỏe của chị ấy rất tốt”, bác sĩ Tế kể về một trường hợp điều trị cường giáp bằng y học hạt nhân thành công và sau đó mang thai mẹ tròn con vuông”.

Bác sĩ Tế giải thích, sau khi được điều trị khỏi bằng phương pháp y học hạt nhân, phụ nữ ở tuổi sinh sản có thể mang thai bình thường. Tại Khoa Y Học Hạt Nhân, Bệnh viện FV, quy trình dùng y học hạt nhân điều trị bệnh được tiến hành với các biện pháp an toàn cao do vậy không ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung, tuy nhiên biện pháp này chống chỉ định cho thai phụ.

Để biết thêm về điều trị cường giáp bằng liệu pháp y học hạt nhân tại Bệnh viện FV, bạn đọc có thể liên hệ qua số (028) 54 11 33 33.