Bài viết về phẫu thuật lasik tại mắt giúp cung cấp thông tin y khoa đáng tin cậy, do đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV – Bệnh viện đa khoa quốc tế (thuộc Tập đoàn Y tế Thomson) biên soạn.
LASIK LÀ GÌ?
LASIK còn gọi là Laser-Assisted in situ Keratomileusis thường được xem như phẫu thuật hay điều chỉnh thị giác bằng Laser, là một dạng phẫu thuật khúc xạ nhằm điều chỉnh các loại tật khúc xạ như Cận thị, Viễn thị, Loạn thị và gần đây là Lão thị. Phẫu thuật LASIK thường được các Bác sĩ Nhãn khoa thực hiện bằng Dao vi phẫu và một loại Laser để điều chỉnh hình dáng của Giác mạc mắt nhằm cải thiện thị lực. Đối với hầu hết bệnh nhân thì LASIK mang đến cho họ một giải pháp lâu dài hơn là kính gọng hay kính áp tròng.
PHẪU THUẬT LASIK TẠI MẮT LÀ GÌ?
Muốn nhìn một vật được rõ thì Giác mạc và Thủy tinh thể của mắt cần phải hội tụ ánh sáng một cách thích hợp sao cho ảnh của vật đó được hội tụ đúng ngay trên võng mạc mắt. Nếu không được như thế thì ảnh sẽ bị mờ.
Hiện tượng mờ này được xem là do “tật khúc xạ” gây ra. Đó là sự không tương xứng giữa độ cong của giác mạc và chiều dài của nhãn cầu.
LASIK sử dụng một loại Laser hai nguyên tử có bước sóng tử ngoại (193nm) bào mòn mô giác mạc một cách chính xác, nhằm thay đổi hình dáng giác mạc để giúp ánh sáng hội tụ đúng vào võng mạc cho ảnh rõ hơn. Việc bào mòn này làm cho giác mạc bị mỏng đi.
Là một phẫu thuật ngoại trú, LASIK chỉ mất từ 10 – 15 phút cho một cuộc mổ.
Chỉ cần nhỏ tê bề mặt tại mắt, bệnh nhân không phải gây mê nhưng có khi cần dùng một ít thuốc để bớt lo âu. Phẫu thuật Lasik có thể tiến hành một mắt hoặc lần lượt cả hai mắt trong cùng một buổi mổ.
Phẫu thuật LASIK ban đầu cần tạo một vạt giác mạc, sau đó lật vạt lên để dùng Laser excimer bào mòn nhu mô giác mạc bên dưới theo một chương trình tính sẳn từ trước. Chiếu Laser xong, bác sĩ sẽ phủ và cố định vạt lại vị trí cũ. Vạt sẽ tự dính vào Giác mạc một cách tự nhiên mà không cần khâu.
LASIK có thể điều trị được các tật khúc xạ như: Cận thị, Viễn thị và Loạn thị.
- Bệnh nhân ít nhất phải được 18 tuổi khi tiến hành mổ LASIK vì thị giác của những người dưới 18 tuổi thì có thể còn thay đổi. Một ngoại lệ hiếm gặp là khi bé bị cận thị một mắt và mắt kia bình thường, trường hợp này dùng Lasik điều chỉnh mắt có tật khúc xạ sớm có thể giúp ngăn ngừa mắt này bị nhược thị về sau.
- Không nên tiến hành phẫu thuật nếu đang có thai hoặc cho con bú vì độ của mắt có thể thay đổi trong các giai đoạn này.
- Không nên tiến hành phẫu thuật nếu đang sử dụng các loại thuốc đường uống như: thuốc trị mụn (Accutane, Isotretinoin, Isotina, Acnotin, Desactin); thuốc trị loạn nhịp tim (Miodarone, Cordarone); thuốc trị đau nửa đầu (Sumatriptan; Imitrex); hoặc thuốc kháng viêm (Prednisone)
- Mắt bệnh nhân phải khỏe mạnh và ổn định độ khúc xạ. Một số bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục tăng độ cận thị cho đến năm 25 – 27 tuổi, cho nên bệnh nhân cận thị nên chờ cho đến khi độ ổn định hãy mổ LASIK.
- Sức khỏe toàn thân tốt, bệnh nhân mắc các bệnh tiểu đường, thấp khớp, Lupus, tăng nhãn áp, nhiễm Herpes ở mắt hoặc đục thủy tinh thể… thì không nên mổ LASIK. Nếu gặp các vấn đề này bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật.
Các lưu ý khác:
- Nên cân nhắc giữa lợi và hại. Nếu mang kính mà thoải mái thì cũng không cần thiết phải mổ.
- Phải chắc chắn biết được rõ những gì mình đạt được sau phẫu thuật.
ĐIỀU TRỊ LÃO THỊ
Không ai tránh được Lão thị, thường bắt đầu xảy ra ở khoảng tuổi 40. Giải pháp cho Lão thị thường là mang kính lão thị, kính đa tiêu, đặt kính nội nhãn đa tiêu hoặc phẫu thuật LASIK.
Có 2 phương pháp điều chỉnh Lão thị bằng LASIK.
- Dùng LASIK để điều chỉnh cho một mắt nhìn xa tốt và mắt còn lại nhìn gần tốt, gọi là “thị giác từng mắt”. Nghĩa là một mắt được mổ cho trở thành chính thị để nhìn xa, mắt kia trở thành cận thị nhẹ để nhìn gần. Tuy nhiên một số bệnh nhân không thích nghi được với kiểu nhìn này do vài vấn đề như mất chiều sâu thị giác.
- LASIK đa tiêu cự: Laser Excimer bào mòn bề mặt giác mạc thành nhiều vùng với công suất khác nhau để nhìn xa, nhìn trung gian và nhìn gần. Mỗi vùng này sẽ khúc xạ ánh sáng khác nhau cho phép bệnh nhân Lão thị khôi phục được thị giác tốt ở mọi khoảng cách nhìn.
RỦI RO VÀ BIẾN CHỨNG NÀO CÓ THỂ XẢY RA TRONG PHẪU THUẬT NÀY
Một số ít bệnh nhân cần mổ lại hoặc mang thêm kính (kính gọng hay kính sát tròng) do thiếu hoặc thừa độ sau mổ.
Các biến chứng có thể xảy ra:
- Nhiễm trùng giác mạc.
- Sẹo giác mạc hoặc các thương tổn vĩnh viễn của giác mạc làm cho bệnh nhân không mang kính sát tròng được.
- Giảm độ nhạy tương phản làm cho vật thể trở nên như mờ mờ hay ngã màu xám, ngay cả khi bệnh nhân đạt được thị lực 10/10.
- Khô mắt.
- Quầng hoặc lóe sáng.
- Chói sáng.
- Khó nhìn khi lái xe ban đêm.
- Xuất hiện các mảng đỏ, hồng trong tròng trắng, thường chỉ là tạm thời.
- Giảm hoặc mất thị lực.
- Ngứa mắt.
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT
Cần khám mắt và đo các thông số trước khi mổ để chắc chắn là mắt khỏe mạnh và có thể phẫu thuật được.
Cần đọc và ký vào đơn chấp nhận phẫu thuật trước khi mổ, để hiểu rõ thông tin về các rủi ro, lợi ích của phẫu thuật, các lựa chọn thay thế và các biến chứng có thể xảy ra.
NHỮNG GÌ XẢY RA SAU PHẪU THUẬT
Bệnh nhân sẽ được phát 1 kính mát để mang nhằm bảo vệ vạt giác mạc và giúp tránh dụi hay đụng mạnh vào mắt. Nên mang suốt ngày kể cả khi đi ngủ trong 3 ngày đầu, sau đó thì chỉ khi nào đi ra ngoài trong 3 tuần kế tiếp.
KẾT QUẢ
Hầu hết thị lực của bệnh nhân đều sẽ ổn định vài ngày sau mổ, nhưng một số người cần tới 3 hay 6 tháng.
Vài bệnh nhân có thể cần mổ lại lần thứ hai để có kết quả tốt hơn. Mặc dù mổ lần thứ hai có thể giúp cải thiện thị lực, nhưng nó cũng có thể không làm giảm đi các triệu chứng như chói, quầng sáng hay những khó khăn khi lái xe ban đêm. Thường chúng chỉ bớt đi chừng 6 tháng sau mổ, tuy nhiên một số ít bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục bị chói mắt.
Nếu mổ LASIK để điều chỉnh thị lực xa thì sau này khi bệnh nhân tới tuổi 45 – 50 cũng vẫn cần mang thêm kính khi đọc sách.