Phẫu thuật tuyến thượng thận là một loại phẫu thuật Niệu khoa khó vì cơ quan này nằm sâu sau phúc mạc và trên thận sát với cơ hoành. Trong nhiều năm qua, các bác sĩ phẫu thuật tại khoa Niệu – Bệnh viện FV đã thực hiện nội soi sau phúc mạc cắt bướu tuyến thượng thận mang lại hiệu quả điều trị cao
Phẫu thuật nội soi cắt bướu tuyến thượng thận hiện nay là cách điều trị tiêu chuẩn cho hầu hết các trường hợp bướu lành tính và khối bướu nhỏ, cục bộ. Phẫu thuật nội soi cắt bướu tuyến thượng thận một bên và hai bên đã được sử dụng thành công để điều trị các bệnh lý liên quan đến nội tiết và hội chứng Cushing. Bệnh nhân mắc hội chứng Cushing có xu hướng khó lành vết thương và tỉ lệ tai biến sau mổ cao hơn so với cắt bướu tuyến thượng thận qua mổ hở. Do đó, phẫu thuật nội soi có lợi hơn nhiều cho những bệnh nhân loại này.
Anh P.H., 28 tuổi, người Lào, phát hiện có một khối bướu nhỏ nằm trong tuyến thượng thận bên trái sau một lần siêu âm khám tổng quát định kỳ. Anh H. không có triệu chứng gì biểu hiện rõ rệt ngoài huyết áp cao khá thường xuyên. Sau khi được chuyển sang điều trị tại khoa Niệu – Bệnh viện FV, anh H. được bác sĩ Đỗ Quang Minh, Trưởng khoa Niệu, thăm khám và cho thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu và chức năng nội tiết tuyến thượng thận, điện giải đồ, siêu âm hệ tiết niệu, chụp X-quang điện toán cắt lớp, chụp cộng hưởng từ. Kết quả xét nghiệm cho thấy khối bướu tuyến thượng thận trái không chức năng, đường kính 4,5cm. Bác sĩ Quang Minh chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi qua ngả sau phúc mạc cắt khối bướu cho anh H.
Trong phòng Mổ, anh H. được đặt ở tư thế nằm nghiêng một góc 90 độ trên bàn mổ. Bác sĩ Quang Minh rạch một đường trên da góc sườn lưng dài 1,5cm và cho ống nội soi vào, tạo khoang kín bằng ngón tay găng. Sau đó, bác sĩ đặt tiếp 2 trocar còn lại ở đường nách giữa và trước dưới hướng dẫn của ống soi qua trocar đầu tiên. Sau khi bóc tách và cắt hết lớp mỡ quanh thận bộc lộ ranh giới giữa cực trên thận và tuyến thượng thận, bác sĩ Quanh Minh xác định vị trí khối bướu và tìm tĩnh mạch tuyến thượng thận. Khối bướu bị dính nên bác sĩ sử dụng dao siêu âm Harmonic Scalpel bóc tách quanh khối bướu rồi mới cầm máu các cuống mạch. Khối bướu được đưa ra ngoài qua vết mổ nối liền giữa chân lỗ trocar đường nách sau và đường nách giữa.
Ca phẫu thuật cắt bướu tuyến thượng thận bên trái cho bệnh nhân H. kéo dài chỉ hơn một tiếng đồng hồ, không có biến chứng, số lượng máu mất không đáng kể, bệnh nhân không phải truyền máu và nằm viện ba ngày.
Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt bướu tuyến thượng thận có thể tiếp cận được đến tuyến thượng thận nằm sâu dễ dàng, phẫu trường được nhìn rõ trên nội soi nhờ phương tiện hiện đại (dao cắt đốt siêu âm), tránh được tai biến nguy hiểm là chảy máu.
Có hai kỹ thuật đáng lưu ý trong phẫu thuật này là kỹ thuật tạo khoang và kỹ thuật bóc tách khối bướu. Tạo khoang vùng sau phúc mạc bằng cách đặt bóng ngón tay găng. Bác sĩ Ngô Xuân Thái, khoa Niệu – Bệnh viện FV, người cũng đã dày công nghiên cứu và thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật này, cho biết, trong một số trường hợp, ông tạo khoang bằng cách sử dụng ngón tay trỏ. Kỹ thuật này có ưu điểm là tránh bóc tách không cần thiết khoang sau phúc mạc, chủ động tách lên trên về phía tuyến thượng thận nên tiếp cận nhanh mặt sau mô tuyến, do đó rút ngắn thời gian phẫu thuật.
Tiếp theo, kỹ thuật khống chế tĩnh mạch tuyến thượng thận khi bóc tách khối bướu được thực hiện hiệu quả hơn nhờ dao cắt đốt siêu âm Harmonic Scalpel. Các bác sĩ phẫu thuật thực hiện bóc tách xung quanh khối bướu rồi sau đó xử lý kẹp tĩnh mạch đều bằng loại dao này giúp bệnh nhân cầm máu tốt.