Tại Việt Nam hiện nay, đa phần bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối là do tai nạn, trong khi ở các nước phát triển thì có đến 80% bệnh nhân bị tổn thương dây chằng là do chơi thể thao. Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện FV áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng trước giúp bệnh nhân tránh biến chứng và phục hồi nhanh
Gặp anh Jean – Benoit Lanca, 44 tuổi, một giáo viên người Canada ở trường CIS, trong một lần anh đến Bệnh viện FV tập vật lý trị liệu. Jean-Benoit đang trong quá trình hồi phục sau khi được phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối tại Bệnh viện FV. Hiện giờ, anh Jean-Benoit phục hồi tốt và có thể đi lại nhanh nhẹn gần như trước. Anh chỉ còn phải hoàn tất vài buổi tập vật lý trị liệu nữa kết thúc giai đoạn hồi phục. Sau đó, anh hoàn toàn có thể trở lại với cuộc sống năng động thường nhật của mình.
Cách đây khoảng 2 tháng, anh Jean-Benoit đến Bệnh viện FV trong tình trạng đau, mất vững khớp gối bị chấn thương dẫn đến tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối. Những tổn thương này khiến anh không thể tập thể dục và chơi những môn thể thao ưa thích.
Bác sĩ Lê Trọng Phát, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện FV, quyết định tiến hành phẫu thuật cho anh Jean-Benoit, phục hồi dây chằng chéo bằng phương pháp nội soi. Ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong khoảng 45 phút.
Dây chằng chéo trước khớp gối là dây chằng chính có chức năng ổn định khớp gối, giữ cho khớp gối không bị lệch ra phía trước khi di chuyển, hoạt động. Có hai loại dây chằng chéo nằm ở trung tâm của khớp gối: dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau đều có chức năng chính là giữ cho khớp gối ổn định. Nếu một trong hai dây chằng này bị tổn thương nặng thì đầu gối sẽ mất vững. Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, bị rách hoặc bị đứt, đa số bệnh nhân có triệu chứng sưng khớp gối, còn lại thường đau khớp gối, hoặc cảm giác mất ổn định ở khớp gối khi vận động, đi lại thấy lỏng gối.
Ban đầu, có thể điều trị tổn thương dây chằng chéo trước cấp tính bằng cách chườm đá, dùng thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu nhằm khôi phục chức năng vận động của khớp gối bị tổn thương. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu dây chằng chéo trước bị rách thì thường phải điều trị bằng phẫu thuật nội soi để tái tạo dây chằng bị tổn thương. Bác sĩ Phát cho biết thêm: “Mặc dù bác sĩ có thể dùng một số loại gân để tái tạo dây chằng chéo trước nhưng loại gân phổ biến nhất là gân semitendinosus. Sau khi kiểm tra khớp gối bằng nội soi chẩn đoán, bác sĩ sẽ lấy lớp gân. Sau đó, dùng hướng dẫn khoan để tạo đường hầm xương chày (xương dưới đầu gối) và xương đùi (xương phía trên đầu gối). Bằng cách đặt các lỗ khoan tại các vị trí gắn kết của dây chằng ban đầu, miếng ghép gân được kéo qua lỗ khoan vào khớp gối và được đặt ở vị trí của dây chằng chéo ban đầu. Thắt chặt miếng ghép gân theo cách này cho phép các mạch máu mới có thể phát triển trên gân mới ghép và mau lành hơn”.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần sử dụng nạng trong vòng 14 ngày đầu tiên cho đến khi cảm thấy thoải mái. Bệnh nhân thường phải tập vật lý trị liệu từ ngày đầu sau phẫu thuật.
Sau khoảng thời gian từ 6-10 tuần tập vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể tham gia một chương trình tự định hướng trong các câu lạc bộ sức khỏe. Thông thường, phải mất 4 – 6 tháng để khớp gối hoàn toàn hồi phục. Nếu không được bác sĩ cho phép thì nên tránh chơi các môn thể thao như quần vợt, võ thuật, và các môn thể thao đòi hỏi phải thay đổi hướng nhanh chóng trong vòng 6 tháng sau khi phẫu thuật.