Để mang đến cho gia đình FV những màn trình diễn mãn nhãn trên sâu khấu Tiệc Tất Niên hàng năm, các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” của chúng ta đã đổ mồ hôi và không ít lần “sôi nước mắt”. Những tháng ngày tập luyện trước show diễn là một thử thách không nhỏ đối với họ.
Tất cả đều không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, công việc hàng ngày của mọi người xoay quanh bệnh nhân, và không ít người còn chăm sóc gia đình nhưng rồi họ vẫn tài tình dành thời gian để biến mình thành một nghệ sĩ thực thụ. Có thể nói, khi thời gian của “những nghệ sĩ” này được nén lại, tiềm năng của họ đã được bung tỏa.
MỖI PHẦN BIỂU DIỄN, MỖI CÁI KHÓ RIÊNG
Những buổi nghỉ trưa của 2 tháng trước đêm diễn đều là thời điểm rộn ràng tại FV. Trong khi có nhiều bước chân điều dưỡng đang nhộn nhịp ở khu vực lầu 1 tòa nhà V, thì nhiều nơi cũng náo nhiệt với các nhóm khác. Một số nhóm như phòng Chăm sóc khách hàng, các nữ hộ sinh hay nhóm “bận rộn” thuộc ban tổ chức, sẽ chọn khung giờ chiều tối để tập luyện. Với đặc thù tổ hợp nhiều nhân sự thuộc nhiều phòng khác nhau, cùng kinh nghiệm lâu năm, các quán quân tại phòng Kế toán thường dành 2 ngày cuối tuần cho mọi hoạt động luyện tập.
Những buổi trưa tranh thủ tập luyện của các nhân viên tiền sảnh
Tất nhiên bệnh viện không được thiết kế phục vụ cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nên việc “tìm được địa điểm cho các bạn tập luyện ổn định cũng rất khó khăn”, chị Lan Phượng (Trưởng Bộ phận Tiền sảnh) chia sẻ. Trong lần đầu tham gia biểu diễn cho tiệc tất niên, áp lực về một tiết mục “trình làng” hoàn hảo nhất, đã thúc giục các nhân viên tiền sảnh lên một kế hoạch bài bản chỉ sau thông báo của ban tổ chức vài ngày.
Nhưng phía sau quyết tâm của nhóm múa, cách điều phối một tập thể biểu diễn – hiện đang đa nhiệm tại Bộ phận Tiền sảnh – để người đi tập nỗ lực, người ở lại choàng gánh thêm để mọi việc hài hòa, mới thật là chuyện không giản đơn. “Cũng có hôm quá nhiều việc, có bạn còn mặc nguyên bộ đồ diễn chạy đi thông dịch luôn”, chị Tuyết Phương (Trưởng nhóm Thông dịch viên) chia sẻ.
Các buổi tập của nhân viên Khoa sản thường diễn ra ở nhiều nơi khác nhau
Khác biệt đôi chút, chị Thanh Cúc (Điều dưỡng Trưởng Phòng khám ngoại trú) cảm thấy khó khăn của nhóm mình là… ai cũng muốn đóng góp cho tiết mục. Tuy nhiên sẽ có sự chọn lọc vì phải phụ thuộc vào tiết mục, cách biên đạo, sân khấu và tất nhiên là công việc chính của cả nhóm. Nhưng cứ đúng giờ, mọi điều dưỡng thuộc phòng khám ngoại trú đều có thể sắp xếp công việc và tham gia buổi tập nhảy hoặc hỗ trợ hậu cần. Dù phải làm thêm việc, hay đang chăm chỉ tập luyện, dường như họ vẫn đang cùng chuẩn bị cho sự xuất hiện đẹp nhất của tập thể trên sân khấu.
Tiết mục được chăm chút từ biểu diễn đến sắp xếp hậu cần của các điều dưỡng phòng khám ngoại trú
Trong khi đó, với ý định mang lại sự khác biệt và như một món quà dành tặng đến mọi người, tiệc tất niên vừa rồi cũng chứng kiến sự trở lại của tiết mục từ… ban tổ chức. Một nửa thành viên của nhóm Fabulous vừa là “bờ đê” để hướng dòng chảy toàn chương trình đi đúng hướng, vừa là những chiếc thuyền cùng tham gia trên dòng chảy đó. Song đó, những ngày của tháng Mười Hai, tháng Một thường trực rất nhiều sự kiện khác tại FV. Để nói một điều gì về sự tham gia của nhóm, đó có thể xem là một quyết định liều lĩnh mang đậm chất nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nhóm Fabulous với hơn nửa số thành viên trong Ban tổ chức Tiệc tất niên FV
Trong gần 10 năm liên tục tham gia các đêm diễn cho tiệc tất niên, anh Hà Ngọc Dũng (Giám sát Dịch vụ bệnh nhân) cho rằng mỗi năm là một phong vị riêng, đồng thời không khí chuyên nghiệp dường như ngày một gia tăng. Nhưng dù chuyên nghiệp hay “phong trào”, thì bất đồng quan điểm trong lúc tập luyện và dàn dựng tiết mục là chuyện thường tình của hầu hết các nhóm biểu diễn.
Thời gian tập eo hẹp, thường xuyên có tranh luận trong việc biên đạo, nhiều cách chọn trang phục tính toán chi phí hợp lý,… rất nhiều vấn đề của một nhóm nhảy “thời vụ”. “Thường anh chị em nỗ lực tập thôi, các vấn đề khác chị Hiệp xử lý hết”, anh Dũng nói.
“Nhóm quán quân” trong một buổi tập cuối tuần
Ở vị trí như một “bầu show” kiêm thành viên trong nhóm, chị Đoàn Vũ Hiệp (Trưởng phòng Tài chính) vừa phải cân đối các vấn đề trong nhóm, đồng thời phải đảm bảo công việc rất bộn bề của mình tại bệnh viện. Đặc biệt trong 2 năm gần đây khi triển khai kế hoạch mua bán & sáp nhập với Tập đoàn Y tế Thomson, với trách nhiệm quản lý tài chính, lập dự trù ngân sách cho toàn FV,… công việc của chị Hiệp gần như không còn lúc nghỉ. “Hôm ráp sân khấu xong, trưa mình phải vội về xử lý công việc rồi mới trở lại diễn vào buổi tối”, chị Hiệp cho biết.
Mong muốn được trình diễn, được thỏa sức với sở thích bằng một tinh thần vô vị lợi, đã thúc đẩy cả nhóm vượt qua những trở ngại và có được niềm vui, sự thân thiết dù đến từ nhiều phòng ban khác nhau. Từ sân khấu đến đời thường, những chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, hay các buổi hội họp định kỳ mỗi tháng của tất cả thành viên, đã tạo nên những mối liên kết đẹp mà có thể trong công việc rất khó mang lại.
Biểu diễn trên sân khấu là một nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân của nhiều anh chị
MỌI NỖ LỰC ĐỀU ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP TƯƠNG XỨNG
Trong câu chuyện của hầu hết các nhóm biểu diễn đều gặp ít nhiều trở ngại với chi phí hỗ trợ, nhưng nó cũng được nhắc đến bằng cách nhẹ nhàng. Không phải vì điều này là chuyện tế nhị. Đơn giản vì sẽ có ai đó trong nhóm quán xuyến, có những ích lợi không tên đã đến, có niềm vui, tiếng cười, sự hy sinh và cả nước mắt,.. Rất nhiều thứ đã làm cho các “trở ngại đời thường” trở nên mờ phai. Tương tự chia sẻ của những quản lý như chị Thanh Cúc, chị Lan Phượng – các chị đã tìm thấy đội nhóm khắng khít từ sàn diễn đến công việc thường ngày và nhận ra những “người mới” với niềm tin yêu vào bản thân, vào khả năng tự tìm kiếm những sáng tạo bên trong mình.
Với lần đầu tiên tham gia biểu diễn – bạn Trà Mi (Điều dưỡng Khoa Ngoại) đã trải qua nhiều sự hồi hộp, nhưng với một quyết tâm lớn. “Không chỉ cảm nhận được sự tự hào về bản thân sau phần trình diễn, thời gian tập đã cho mình sự kiên trì, được biết nhiều đồng nghiệp dễ thương và cả những kỷ niệm rất đẹp của tuổi trẻ”, Mi chia sẻ.
Hay như sự háo hức của chị Tuyết Phương khi có thể tự tin biểu diễn một điệu múa trong một chuyến đi chơi với bạn bè,… những điều ấy không dành để tỏa sáng, nhưng rõ ràng đã giúp kéo người khác lại gần hơn với mình. Sự tự tin đôi khi cần được nuôi dưỡng từ những thử thách, điều quan trọng là chúng ta có được sống trong môi trường tạo ra những sân chơi thử thách hay không và bản thân đã đón nhận nó như thế nào.
Đồng hành với các tiết mục biểu diễn từ lựa chọn tiết mục, ghép đội, tư vấn chọn bài để mang lại sự hài hòa và đa dạng cho tổng thể chương trình, đại diện Ban tổ chức – chị Thanh Trúc (Trưởng phòng Tiếp thị & Truyền thông) cho biết, suốt nhiều năm tổ chức phần biểu diễn nội bộ, chị chứng kiến sự khó khăn của đồng nghiệp khi luyện tập và không ít lần có cả những mâu thuẫn phát sinh. Nhưng mỗi khi xem các đồng nghiệp của mình trình diễn tự tin trên sân khấu, trong những tràn pháo tay cổ vũ chị đều cảm thấy ngưỡng mộ và tự hào về họ. “Mong rằng hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng có nhiều nghệ sĩ FV tham gia hơn để sân chơi nghệ thuật của chúng ta ngày càng đa dạng màu sắc”, chị Trúc chia sẻ.
Nhà soạn nhạc lãng mạn trứ danh của Đức – Robert Schumann – cho rằng, mọi người sẽ chẳng thể nào đạt được một điều gì đúng đắn trong nghệ thuật nếu thiếu đi sự nhiệt huyết. Trong cảm nhận chung của nhiều anh chị tham gia trình diễn, cũng như các thành viên của Gia đình FV, sự xuất hiện của những đồng nghiệp của mình trên sân khấu luôn tràn đầy nhiệt huyết và mang đến một cảm xúc khó tả. Đó không hẳn là giây phút thấy nhau là “ngôi sao”, thú vị hơn, ngay lúc đó chúng ta chợt nhận ra những “người nhà” của mình thật sự đáng yêu với sự tư tin mới mẻ này.