PHÌNH ĐỘNG MẠCH CHỦ BỤNG (AAA) LÀ GÌ?
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể bạn, dẫn máu có chứa nhiều oxy được bơm ra từ tim hoặc đưa máu đi xa khỏi tim của bạn. Động mạch chủ chạy xuyên qua ngực bạn, ở đó nó được gọi là động mạch chủ ngực. Khi động mạch chủ đi đến bụng của bạn, nó được gọi là động mạch chủ bụng. Động mạch chủ bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể. Trong bụng, ngay phía dưới rốn, động mạch chủ chia thành hai nhánh, được gọi là những nhánh động mạch chậu, mang máu đến cho từng chân.
Khi một vùng bị yếu của động mạch chủ bụng giãn nở ra hoặc phình ra, nó được gọi là phình động mạch chủ bụng (AAA). Áp lực của máu chảy qua động mạch chủ bụng có thể khiến cho phần bị yếu của động mạch chủ phình ra, giống như một quả bóng. Động mạch chủ bình thường có đường kính
khoảng 1 inch (hoặc khoảng 2 cm). Tuy nhiên, một phình động mạch chủ bụng có thể có động mạch chủ giãn vượt quá mức an toàn khi nó phình ra. Túi phình là một nguy cơ cho sức khỏe vì nó có thể bị vỡ. Một túi phình bị vỡ có thể gây chảy máu trong nghiêm trọng, có thể dẫn đến sốc hoặc thậm chí tử vong.
Trường hợp ít gặp hơn, AAA có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng được gọi là tắc mạch. Những cục máu đông hoặc mảnh vụn có thể hình thành bên trong túi phình và đi đến những mạch máu dẫn đến những cơ quan khác trong cơ thể bạn. Nếu một trong những mạch máu này bị nghẽn, có thể gây đau dữ dội hoặc thậm chí gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như mất chi.
Mỗi năm, các bác sĩ chẩn đoán khoảng 200.000 người ở Hoa Kỳ bị phình động mạch chủ bụng. Trong số 200.000 người này, có khoảng 15.000 người có thể bị phình động mạch chủ bụng nguy hiểm đến mức gây tử vong do bị vỡ nếu không được điều trị.
Nhưng may mắn thay, nhất là khi được chẩn đoán sớm trước khi gây ra những triệu chứng, thì phình động mạch chủ bụng có thể điều trị hoặc ngay cả chữa lành bằng những phương pháp điều trị hiệu quả cao và an toàn.
AAA CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG NÀO?
Lúc đầu có thể bạn không cảm thấy bất cứ triệu chứng nào khi bị phình động mạch chủ bụng, nhưng nếu triệu chứng xuất hiện, bạn có thể có một hoặc nhiều điều sau đây:
- Cảm thấy mạch đập trong bụng của bạn, giống với nhịp đập của tim
- Đau nhiều, xuất hiện đột ngột trong vùng bụng hoặc đau ở dưới lưng. Nếu điều này xảy ra, túi phình của bạn có thể sắp bị vỡ
- Trong những trường hợp hiếm, bạn có thể bị đau nhức, bị tím tái ở các ngón chân hoặc bàn chân vì những mãnh vỡ từ túi phình gây tắc mạch máu nhỏ ở bàn chân và các ngón chân.
- Nếu túi phình của bạn bị vỡ, bạn có thể đột ngột cảm thấy mệt lả, chóng mặt hoặc đau hoặc bạn thậm chí có thể mất ý thức. Đây là một tình huống nguy hiểm tính mạng và bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức.
- Nếu túi phình của bạn bị vỡ, bạn có thể đột ngột cảm thấy mệt lả, chóng mặt hoặc đau hoặc bạn thậm chí có thể mất ý thức. Đây là một tình huống nguy hiểm tính mạng và bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức.
ĐIỀU GÌ GÂY RA AAA?
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu không hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng ở một số người. Người ta n túi phình có thể gây ra do động mạch chủ bị viêm, điều này có thể khiến cho thành động mạch chủ bị yếu hoặc vỡ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự viêm sưng này có thể gắn liền với chứng xơ vữa động mạch ( hay còn gọi là xơ cứng mạch) hoặc những yếu tố nguy cơ góp phần gây ra xơ vữa động mạch, chẳng hạn như huyết áp cao và hút thuốc. Trong xơ vữa động mạch, có hiện tượng tích tụ mỡ, được gọi là mảng xơ vữa, xảy ra trong thành động mạch. Theo thời gian mảng bám này làm cho động mạch bị hẹp, trở nên cứng hơn và có khả năng bị yếu đi. Bên cạnh xơ cứng động mạch, những yếu tố khác có thể gia tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng gồm có:
- Nam giới trên 60 tuổi
- Có một người thân trực hệ, chẳng hạn như mẹ hoặc anh em trai bị phình động mạch chủ bụng
- Bị cao huyết áp
- Hút thuốc
Càng lớn tuổi thì nguy cơ bị phình động mạch chủ bụng càng cao hơn, và bệnh thường gặp ở nam hơn là nữ.
TÔI CẦN NHỮNG XÉT NGHIỆM NÀO?
Phình động mạch chủ bụng chưa gây ra triệu chứng hầu hết thường được phát hiện khi bác sĩ xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính vì lý do khác. Đôi khi bác sĩ của bạn có thể sờ thấy trong bụng của bạn có một khối to có mạch đập trong một lần khám sức khỏe thường quy. Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ bạn bị phình động mạch chủ bụng thì bác sĩ này có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm dưới đây để xác định nghi ngờ này:
- Siêu âm bụng
- Chụp quét cắt lớp điện toán (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
PHÌNH MẠCH ĐỘNG MẠCH CHỦ BỤNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Thận trọng chờ đợi Nếu phình động mạch chủ bụng của bạn nhỏ thì bác sĩ có thể đề nghị “ thận trọng chờ đợi”. Có nghĩa là bạn sẽ được theo dõi mỗi 6-12 tháng để tìm thấy những dấu hiệu thay đổi kích thước của túi phình. Bác sĩ có thể lên lịch cho bạn chụp CT scan hoặc siêu âm thường xuyên để theo dõi túi phình. Phương pháp này thường được sử dụng cho những túi phình có đường kính nhỏ hơn 2 inches (khoảng 5 đến 5,5 cen-ti-mét). Nếu bạn cũng bị cao huyết áp, bác sĩ có thể cho thuốc hạ huyết áp để làm giảm áp lực ở vùng bị yếu của túi phình. Nếu nghiện hút thuốc, bạn cần được hỗ trợ để ngưng hút. Túi phình không tự biến mất. Điều vô cùng quan trọng là bạn cần phải tiếp tục được theo dõi sát bởi bác sĩ bởi vì túi phình có thể lớn lên theo thời gian và đạt đến kích thước nguy hiểm. Cuối cùng thì nó có thể vỡ ra nếu không được phát hiện và điều trị.
Mổ hở sữa chữa túi phinh. Bác sĩ phẫu thuật mạch mạch có thể đề nghị để bạn được thực hiện phương pháp phẫu thuật được gọi là mổ hở sửa chữa túi phinh nếu túi phình của bạn gây ra triệu chứng hoặc túi phình lớn hơn khoảng 2 inches (khoảng từ 5 đến 5,5 cen-ti-mét), hoặc quan sát thấy đang to ra.
Trong cuộc mổ hở sửa chữa túi phình, cũng còn được gọi là phẫu thuật sửa chữa túi phình, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường mổ trên bụng của bệnh nhân và thay thế phần động mạch chủ bị phình bằng một ống ghép mạch máu nhân tạo. Ống ghép này được làm bằng chất liệu nhân tạo bền vững, chẳng hạn như Dacron®, theo hình dạng và kích thước của động mạch chủ bình thường. Ống ghép bền vững này thế chỗ cho đoạn bị phình của động mạch chủ và cho phép máu chảy dễ dàng xuyên qua ống này. Sau phẫu thuật bạn có thể ở lại bệnh viện từ 4 đến 7 ngày. Tùy theo tình hình của bạn, có thể bạn cần phải có từ 6 tuần đến 3 tháng để phục hồi hoàn toàn. Hơn 90 phần trăm những mổ hở sửa chữa động mạch chủ có kết quả tốt lâu dài.
Đặt stent ghép nội mạc Thay vì mổ hở sửa chữa túi phình động mạch chủ thì bác sĩ phẫu thuật mạch máu có thể xem xét một phương pháp mới hơn được gọi là đặt stent phủ nội mạch. Gọi là “nội mạch” là vì điều trị được thực hiện bên trong lòng động mạch bằng cách dùng những ống nhỏ dài và mỏng được gọi là catheters để luồn qua những động mạch. Phương pháp này ít xâm lấn hơn vì bác sĩ phẫu thuật thường sẽ chỉ cần thực hiện những đường rạch nhỏ ở vùng đùi để luồn những catheters vào đó. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ nhìn vào những hình ảnh X quang trực tiếp, được chiếu trên một màn hình video để đưa một ống bằng kim loại hoặc bằng vải, được gọi là stent phủ nội mạch (hoặc endograft) vào vị trí của túi phình động mạch chủ. Giống như ống ghép trong mổ hở, stent phủ nội mạch cũng làm cho động mạch chủ được vững chắc hơn. Thời gian phục hồi của stent phủ nội mạch thường ngắn hơn so với mổ hở và thời gian nằm viện của bạn có thể giảm xuống còn từ 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải thường xuyên kiểm tra sau mổ bằng những chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan sau khi stent phủ nội mạch để bảo đảm stent phủ tiếp tục hoạt động tốt. Stent phủ nội mạch cũng có thể cần nhiều thủ thuật để chỉnh sửa hơn phương pháp mổ hở. Hơn nữa, một số phình động mạch chủ có thể có hình dạng không phù hợp cho phương pháp này do mức độ lan rộng của túi phình, hoặc do liên quan của túi phình với động mạch thận hoặc do những vấn đề khác. Trong khi stent phủ nội mạch có thể là lựa chọn tốt đối với một số bệnh nhân có đặc điểm giải phẫu của túi phình thích hợp hay ở những bệnh nhân có những vấn đề sức khỏe làm gia tăng nguy cơ khi phẫu thuật, thì ở những trường hợp khác mổ hở sửa chữa túi phình động mạch chủ vẫn là cách tốt nhất để chữa AAA. Bác sĩ phẫu thuật mạch máu của bạn sẽ giúp bạn quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất đối với trường hợp riêng của bạn.