Phong bế thần kinh ngoại biên

PHONG BẾ THẦN KINH NGOẠI BIÊN LÀ GÌ?

Phong bế thần kinh (gây tê vùng) là tiêm thuốc gây tê gần dây thần kinh hoặc nhóm dây thần kinh chi phối vùng cơ thể cần phẫu thuật. Phương pháp này giúp giảm đau kéo dài, trong và sau phẫu thuật, có thể kéo dài từ 2 đến 18 giờ phụ thuộc vào vị trí tiêm và loại thuốc được sử dụng, và có thể cần lặp lại.

Phong bế thần kinh có thể được sử dụng trong phẫu thuật vai, khuỷu tay, cẳng tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay, khớp gối, chân, cổ chân hoặc bàn chân và cũng có thể được sử dụng cho một số phẫu thuật ở vùng ngực và bụng. Phong bế thần kinh thường được thực hiện trước phẫu thuật nhưng cũng có thể thực hiện sau phẫu thuật để kiểm soát đau sau phẫu thuật.

Bác sĩ gây mê sẽ giải thích cụ thể về phương pháp phong bế thần kinh được lựa chọn để phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong một số phẫu thuật, phong bế thần kinh sẽ được kết hợp với an thần và/hoặc gây mê toàn thân.

CÁC LOẠI PHONG BẾ THẦN KINH KHÁC NHAU?

Phong bế thần kinh ngoại biên hiện là phương pháp giảm đau phổ biến cho các phẫu thuật ở cả chi trên và chi dưới:

  • Phong bế thần kinh đùi, cho phẫu thuật khớp gối và mặt trước đùi
  • Phong bế thần kinh tọa, cho phẫu thuật khớp gối, cổ chân hoặc bàn chân
  • Phong bế thần kinh hố khoeo, cho phẫu thuật chi dưới hoặc bàn chân
  • Phong bế gian cơ bậc thang, cho phẫu thuật vai, cánh tay hoặc khuỷu tay
  • Phong bế đám rối thần kinh cánh tay, cho phẫu thuật cánh tay, khuỷu tay hoặc bàn tay

Ngoài ra phong bế thần kinh còn được sử dụng cho phẫu thuật ngực và bụng:

  • Phong bế mặt phẳng cơ dựng sống cho phẫu thuật gãy xương sườn, phẫu thuật lưng và thành ngực, phẫu thuật vú, phẫu thuật bụng như cắt gan, phẫu thuật mở bụng và nhiều phẫu thuật khác
  • Phong bế thần kinh ngực I và II để phẫu thuật vú và các phẫu thuật khác liên quan đến thành ngực trước
  • Phong bế mặt phẳng cơ ngang bụng để phẫu thuật ở vùng bụng và vùng chậu bao gồm mổ lấy thai.

LỢI ÍCH CỦA PHONG BẾ THẦN KINH NGOẠI BIÊN?

Ngoài gây mê toàn thân, phong bế thần kinh có thể được thực hiện để giảm đau sau phẫu thuật hoặc để tránh gây mê toàn thân. Trong trường hợp đó, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và nhận biết được xung quanh, trừ khi có dùng thuốc an thần. Nếu dùng thuốc an thần, bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn ngủ và thư giãn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể biết được những điều diễn ra xung quanh. Bệnh nhân sẽ không thể quan sát quá trình phẫu thuật vì luôn có một tấm khăn vô trùng lớn đặt giữa bệnh và bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ gây mê luôn ở cạnh bệnh nhân, vì vậy bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ gây mê khi cần.

Phong bế thần kinh cho hiệu quả giảm đau tốt hơn các phương pháp khác, giúp bệnh nhân đi lại sớm hơn và đôi khi có thể tập vật lý trị liệu ngay trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật.

Bệnh nhân có thể không cần dùng nhiều thuốc giảm đau mạnh, như morphine: điều này giúp giảm các tác dụng phụ do các thuốc này gây ra như buồn nôn, ngủ gà và táo bón, và bệnh nhân có thể tỉnh táo hơn.

Những lợi ích nêu trên có thể giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện.

NGUY CƠ CỦA PHONG BẾ THẦN KINH?

Mỗi loại thuốc gây tê đều có nguy cơ gây tác dụng phụ và biến chứng. Những tác dụng phụ và biến chứng này thường tạm thời, nhưng một số khác có thể gây ra các vấn đề lâu dài.

Tác dụng phụ và biến chứng thường gặp: 

  • Đau tại chỗ tiêm
  • Vết bầm (tụ máu) tại chỗ tiêm

Tác dụng phụ và biến chứng ít gặp: 

  • Phong bế thất bại (1/100 số trường hợp): cần tiêm thêm thuốc tê hoặc sử dụng phương pháp vô cảm khác
  • Tổn thương thần kinh tạm thời (1/100 số trường hợp) sẽ phục hồi trong vài ngày đến vài tháng, tổn thương có thể gây yếu và/hoặc tê phần cơ thể mà dây thần kinh chi phối
  • Quá liều thuốc tê
  • Phản ứng dị ứng
  • Xẹp phổi (chỉ xảy ra với một số trường hợp phong bế)
  • Tổn thương các cấu trúc xung quanh như mạch máu, dây thần kinh và cơ.

Nguy cơ và biến chứng hiếm gặp: 

  • Tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn, rất hiếm gặp (1/5000 đến 1/30.000 số trường hợp).
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
  • Nhiễm trùng tại chỗ tiêm: có thể cần dùng kháng sinh và điều trị chuyên sâu

BỆNH NHÂN CÓ QUYỀN TỪ CHỐI PHONG BẾ THẦN KINH KHÔNG?

Bệnh nhân có quyền. Bác sĩ chỉ cung cấp các lựa chọn cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân thực hiện phẫu thuật với phương pháp phong bế thần kinh mà bác sĩ cho là tốt nhất và ít tác dụng phụ nhất.

Nếu không phong bế thần kinh, bác sĩ sẽ dùng thuốc nhóm á phiện (các thuốc tương tự như morphin) qua đường tĩnh mạch để kiểm soát đau trong và sau phẫu thuật. Loại thuốc này có tác dụng phụ và có thể mang lại hoặc không mang lại hiệu quả như phong bế thần kinh.

CÓ PHẢI TẤT CẢ BỆNH NHÂN ĐỀU CÓ THỂ PHONG BẾ THẦN KINH NGOẠI BIÊN?

Không phải vậy. Một số bệnh nhân không thể thực hiện phương pháp này. Bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ gây mê nếu:

  • Đang dùng thuốc làm loãng máu, ví dụ warfarin;
  • Có vấn đề về đông máu;
  • Dị ứng với thuốc tê;
  • Có nhiễm trùng tại chỗ thực hiện phong bế;
  • Có vấn đề trong lần phong bế thần kinh trước đây.

PHONG BẾ THẦN KINH NGOẠI BIÊN THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Bác sĩ sẽ thực hiện phong bế thần kinh ở khu vực tiền phẫu trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân. Điều này giúp bệnh nhân được phong bế thần kinh ở một nơi yên tĩnh trước khi chuyển đến phòng mổ để phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được tiến hành khi bệnh nhân và bác sĩ gây mê chắc chắn rằng vùng phẫu thuật đã được phong bế hiệu quả.

Phong bế thần kinh chủ yếu được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy hướng kim và tiêm thuốc tê theo “thời gian thực”.

Bệnh nhân được đặt một ống thông vào tĩnh mạch ở cánh tay để truyền dịch, sau đó vùng da chỗ chích được tiêm thuốc để gây tê. Máy siêu âm được dùng để định vị thần kinh cần phong bế; bác sĩ sẽ dùng kim để đặt một ống thông nhựa mỏng gần sát các dây thần kinh có liên quan; sau đó rút kim và chỉ lưu lại ống thông nhựa này.

Đôi khi bác sĩ gây mê còn sử dụng một máy cầm tay nhỏ gọi là máy kích thích thần kinh. Máy này sẽ truyền xung điện cường độ thấp dưới da của bệnh nhân để xác định chính xác vị trí của dây thần kinh. Các tín hiệu dẫn truyền có thể làm co giật cơ, tạo cảm giác châm chích nhưng không gây đau.

BỆNH NHÂN SẼ CẢM THẤY NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh nhân sẽ có cảm giác rát buốt ngắn khi tiêm thuốc tê vào da. Sau đó, sẽ có cảm giác luồn kim, nhưng thường không quá khó chịu khi đưa kim tiêm và ố́ng thông nhỏ vào. Đôi khi, bệnh nhân có cảm giác như điện giật. Nếu điều này xảy ra, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ gây mê. Bác sĩ có thể hỏi vị trí mà bệnh nhân có cảm giác đó. Khi được tiêm thuốc tê, một cảm giác ấm và tê rần sẽ dần dần xuất hiện. Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân đều không cảm thấy khó chịu mà chỉ thấy hơi khác thường. Vùng phong bế thần kinh sẽ có cảm giác tê, châm chích hoặc hơi nặng khi phong bế thần kinh bắt đầu tác dụng. Bệnh nhân có thể vẫn có cảm giác ở vùng phong bế, đặc biệt là khi bắt đầu phẫu thuật nhưng không cảm thấy đau.

Khi phong bế thần kinh có hiệu quả, bệnh nhân sẽ không có cảm giác ở vùng đã phong bế, vì vậy bệnh nhân cần cẩn thận để tránh bị tổn thương. Vì sự an toàn của chính mình, bệnh nhân cần:

  • Chú ý không làm tổn thương hoặc va chạm vào vùng đã gây tê vì bệnh nhân không cảm thấy đau
  • Không đặt những thứ quá nóng hoặc quá lạnh lên vùng đã gây tê vì có thể gây bỏng
  • Nếu “chân bị yếu”, không nên đi lại mà không có người trợ giúp 

Điều quan trọng là phải dùng thuốc giảm đau mà bác sĩ gây mê đã kê đơn ngay khi bệnh nhân bắt đầu có cảm giác trở lại, vì lúc này phong bế thần kinh đang bắt đầu hết tác dụng.