Khi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện sau phẫu thuật cắt sụn chêm, các bước bên dưới có thể giúp bệnh nhân tham gia hiệu quả vào chương trình phục hồi chức năng. Sau phẫu thuật cắt sụn chêm, bệnh nhân cần thăm khám và theo đề nghị của bác sĩ phẫu thuật, trước khi tiến hành chương trình hồi phục chức năng.
BỆNH NHÂN SẼ TỰ LẬP KHI VỀ NHÀ?
Vào ngày phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ phẫu thuật cho phép đứng dậy và đi lại bằng chân được phẫu thuật với toàn bộ sức nặng mà bệnh nhân có thể chịu được. Để tránh dáng đi bị lệch và đau, chuyên viên vật lý trị liệu có thể yêu cầu bệnh nhân sử dụng nạng cho đến khi phục hồi dáng đi bình thường. Nếu bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt một phần nhỏ của sụn chêm, việc phục hồi chỉ mất vài ngày nhưng nếu cắt sụn chêm ở khớp gối bị thoái hóa thì có thể mất đến 2 tuần.
Bệnh nhân cần lưu ý lên kế hoạch nhờ người giúp đỡ để có thể trở về nhà, vì bệnh nhân không thể tự lái xe hơi hoặc xe máy ngay sau khi xuất viện. Bệnh nhân không được lái xe cho đến khi được chuyên viên vật lý trị liệu hoặc bác sĩ phẫu thuật đồng ý; việc này có thể mất từ 1 đến 3 tuần sau phẫu thuật.
KHI NÀO BỆNH NHÂN CÓ THỂ LÀM VIỆC TRỞ LẠI?
Bệnh nhân có thể quay trở lại với các việc nhẹ nhàng hoặc công việc văn phòng từ 3 đến 7 ngày sau phẫu thuật, tùy thuộc vào sự thoải mái của mình. Để có thể thực hiện chương trình phục hồi chức năng, bệnh nhân nên cân nhắc bắt đầu hoạt động lại với những động tác “nhẹ nhàng”. Bất kỳ hoạt động nào khác liên quan đến công việc, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ phẫu thuật trước khi thực hiện.
BỆNH NHÂN CÓ CẦN TIẾP TỤC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU XUẤT VIỆN?
Việc thực hiện chương trình phục hồi chức năng sớm và hợp lý là một trong những yếu tố giúp phẫu thuật cắt sụn chêm thành công. Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể tiếp tục chương trình phục hồi chức năng với sự giám sát của chuyên viên vật lý trị liệu để tối ưu hóa khả năng phục hồi và hạn chế cơn đau còn lại. Đối với việc phục hồi lại chức năng hoạt động cơ bản, bệnh nhân có thể mất từ 3 tuần đến 3 tháng:
- Giai đoạn 1: kéo dài từ 3 ngày đến 2 tuần, chương trình sẽ tập trung vào quá trình chữa lành, kiểm soát đau và sưng, kích hoạt cơ chân và phục hồi cơ chế dáng đi bình thường;
- Giai đoạn 2: từ 3 đến 6 tuần, tiếp tục thực hiện để bảo vệ quá trình chữa lành, bắt đầu cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh chuỗi động đóng, duy trì dáng đi phù hợp. Tiếp tục đạp xe từ 15 đến 30 phút mỗi ngày nhưng không được chơi thể thao;
- Giai đoạn 3: từ 6 đến 12 tuần, cải thiện sự linh hoạt, sức mạnh, cân bằng và cảm thụ bản thể. Khi có chỉ định của chuyên viên vật lý trị liệu, bắt đầu chạy bộ bước nhỏ và chạy bộ nhanh tăng dần, thực hiện bài tập thay đổi nhịp độ (nhảy qua và nhảy bật cao) và rèn luyện sự nhanh nhẹn, đổi hướng hoặc cắt ngang với tốc độ khác nhau.
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TÌNH TRẠNG ĐAU VÀ SƯNG KHỚP GỐI?
Ngay sau khi phẫu thuật, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ bắt đầu chương trình kiểm soát đau và sưng. Khi xuất viện, tiếp tục thực hiện chương trình này xen kẽ với việc nâng cao chân khi nghỉ ngơi, chườm lạnh 15-20 phút mỗi 2 giờ, đi lại bằng nạng theo hướng dẫn và thực hiện các bài tập không gây đau. Tránh các tư thế ngồi lâu hoặc đứng lâu vì nó có thể làm sưng thêm.
BỆNH NHÂN NÊN THỰC HIỆN BÀI TẬP NÀO SAU XUẤT VIỆN?
Sau khi xuất viện, điều quan trọng là thực hiện các bài tập khoảng 10 phút mỗi 2 giờ vào ban ngày. Chương trình này bao gồm:
1. Nâng thẳng chân: nâng thẳng chân khỏi giường. Giữ 6 giây sau đó hạ chân xuống và thả lỏng trong 6 giây. Lặp lại 10 lần.
2. Gập duỗi và xoay cổ chân: giúp duy trì tuần hoàn ở bắp chân và ngăn ngừa cục máu đông, trong khi nâng cao chân, gập duỗi bàn chân lên xuống 10 lần sau đó xoay cổ chân 10 vòng mỗi chiều.
3. Trượt gót chân: từ từ co khớp gối đến 90 độ, giữ 10 giây sau đó duỗi thẳng khớp gối và thư giãn trong 10 giây. Lặp lại 10 lần.
4. Gập hông-gối ở mép giường: gập luân phiên hai chân. Lặp lại 10 lần.
Lặp lại mỗi bài tập trên (1. 2. 3. 4.) tổng cộng 3 lần.
Vào buổi tập vật lý trị liệu tiếp theo, chương trình phục hồi chức năng tại nhà này sẽ được điều chỉnh.
BỆNH NHÂN NÊN TRÁNH THỰC HIỆN BÀI TẬP NÀO?
Trong vài tuần đầu tiên ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi chức năng, bệnh nhân được phép gập và duỗi khớp gối không gây đau. Để hỗ trợ quá trình chữa lành, không cố gập hoặc duỗi gối. Thực hiện các hoạt động không gây đau theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
Trong tháng đầu tiên hoặc cho đến khi được chuyên viên vật lý trị liệu đề nghị, bệnh nhân nên tránh ngồi duỗi thẳng khớp gối trong chuỗi động mở cho dù có hay không có lực kháng: nghĩa là không được ngồi đá chân.
BỆNH NHÂN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP PHỤC HỒI?
Sự phục hồi của bệnh nhân sẽ tiến triển nhanh chóng khi có sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. Đừng ngần ngại chia sẻ những mong muốn hay lo lắng để có chương trình tập luyện phù hợp nhất:
- Không tập quá sức;
- Kiểm soát sưng chân bằng cách chườm lạnh và đặt đúng tư thế;
- Duy trì chương trình tập luyện tim phổi theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu.
BỆNH NHÂN CÓ NÊN ĐEO NẸP GỐI SAU PHẪU THUẬT?
Sau khi phẫu thuật cắt sụn nêm, tình trạng đau và sưng sẽ được kiểm soát bằng chương trình vật lý trị liệu. Không mang nẹp gối trừ khi bác sĩ phẫu thuật đề nghị.
LỊCH HẸN TÁI KHÁM?
Khi xuất viện, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa giấy giới thiệu cho bệnh nhân để tiếp tục phục hồi chức năng như bệnh nhân ngoại trú. Bệnh nhân nên bắt đầu chương trình phục hồi chức năng ngoại trú từ 5 đến 10 buổi trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật theo đề nghị của bác sĩ .
KHI NÀO BỆNH NHÂN CÓ THỂ CHƠI THỂ THAO TRỞ LẠI?
Trong quá trình phục hồi chức năng, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ tăng dần mức độ hoạt động thể chất bao gồm kéo giãn, tăng sức mạnh cơ và tập luyện tim mạch.
Các hoạt động ít va chạm này bao gồm đi bộ, đạp xe, bơi tự do (khi sẹo khô), rèn luyện sự nhanh nhẹn, thay đổi nhịp độ (nhảy qua và nhảy bật cao) và chạy bộ bước nhỏ. Dựa vào đề nghị của bác sĩ phẫu thuật và mức độ đau còn lại, bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động thể thao ít va chạm trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật.