Nếu bệnh nhân có kế hoạch phẫu thuật thay khớp gối hoặc đã trải qua phẫu thuật thay khớp gối, tài liệu này giúp bệnh nhân hiểu rõ chương trình phục hồi chức năng để chuẩn bị phẫu thuật cũng như hướng dẫn trong quá trình phục hồi để có thể trở lại một cuộc sống năng động, độc lập nhanh nhất có thể.
1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG THỂ CHẤT TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI?
Việc cải thiện tình trạng thể chất trước khi phẫu thuật rất quan trọng vì nó giúp đảm bảo quy trình phẫu thuật và phục hồi thành công hơn. Để đảm bảo bệnh nhân ở tình trạng tốt nhất, bác sĩ phẫu thuật đưa ra lời khuyên:
- Ngưng hút thuốc và uống rượu bia;
- Tiếp tục hoạt động để duy trì sức bền tim mạch;
- Tập luyện với chuyên viên vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng, sức mạnh cơ, độ dẻo dai, giảm đau và giúp bệnh nhân học cách sử dụng dụng cụ trợ giúp đi;
- Giảm cân nếu bệnh nhân thừa cân từ lời khuyên của chuyên viên dinh dưỡng và có chế độ ăn uống hợp lý.
2. VAI TRÒ CỦA CHUYÊN VIÊN VẬT LÝ TRỊ LIỆU TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI?
Trước khi phẫu thuật, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ bệnh nhân thiết lập một chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu cụ thể của bệnh nhân bằng các bài tập an toàn và hiệu quả. Chương trình này được thiết kế nhằm giúp cải thiện tầm vận động khớp và thư giãn cơ chân, tăng khả năng hoạt động thể chất cũng như luyện tập bài tập đầu tiên ngay sau phẫu thuật.
Khi thực hiện bài tập, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ phối hợp cùng với bệnh nhân từng bước. Bệnh nhân sẽ bắt đầu một cách chậm rãi trong vài phút vài lần trong ngày, sau đó tăng dần lên 20 hoặc 30 phút mỗi ngày. Những bài tập này có ích cho hệ tim mạch, hô hấp, hệ tuần hoàn và cơ, được áp dụng sao cho bệnh nhân không cảm thấy đau. Ví dụ như đi bộ trên mặt đất hoặc dưới nước, đạp xe đạp tại chỗ hoặc bơi lội.
Ngoài ra, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng dụng cụ trợ giúp đi và chuẩn bị môi trường an toàn tại nhà sau phẫu thuật.
3. BỆNH NHÂN CÓ CẦN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI?
Có, phục hồi chức năng là một phần quan trọng giúp phẫu thuật thay khớp gối thành công. Ngay sau phẫu thuật, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thực hiện một chương trình giúp bệnh nhân kiểm soát đau hiệu quả, phục hồi độ dẻo dai của khớp gối, kích hoạt lại cơ chân, phục hồi dáng đi và lấy lại khả năng thực hiện các công việc hàng ngày. Tất cả chương trình được thiết kế để giúp bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể.
4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BỆNH NHÂN BẮT ĐẦU CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT?
Sau phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bệnh nhân về việc bắt đầu chương trình phục hồi chức năng hàng ngày dành cho bệnh nhân nội trú với chuyên viên vật lý trị liệu. Các bước đầu tiên của chương trình phục hồi chức năng sẽ bắt đầu vào ngày phẫu thuật và thường bao gồm:
- Đặt tư thế an toàn và thoải mái;
- Kiểm soát đau và sưng;
- Tăng cường vận động khớp và tăng sức mạnh cơ;
- Tập thay đổi tư thế với sự trợ giúp hoặc tự thực hiện;
- Tập đứng dậy và bắt đầu đi với dụng cụ trợ giúp đi;
- Hướng dẫn đi và lên-xuống cầu thang bằng dụng cụ trợ giúp đi để chuẩn bị trở về nhà.
5. BỆNH NHÂN CÓ CẦN DỤNG CỤ TRỢ GIÚP ĐI SAU PHẪU THUẬT KHÔNG?
Dựa vào tình trạng thể chất của từng bệnh nhân, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ cung cấp các dụng cụ trợ giúp đi an toàn và phù hợp, như cặp nạng hoặc khung tập đi để giúp bệnh nhân tự đi lại. Sau đó, bệnh nhân sẽ sử dụng dụng cụ trợ giúp đi trong vài tuần cho đến khi đi lại bình thường.
6. BỆNH NHÂN CÓ CẦN CHUẨN BỊ MÔI TRƯỜNG Ở NHÀ ĐỂ TRỞ VỀ SAU PHẪU THUẬT?
Trước khi nhập viện, bệnh nhân sẽ được tư vấn để chuẩn bị môi trường tại nhà an toàn và thoải mái để trở về sau phẫu thuật. Việc chuẩn bị đó bao gồm:
- Có phòng ngủ, phòng tắm và phòng khách ở cùng một tầng. Trong trường hợp không có, bệnh nhân có thể đặt giường cùng tầng với các tiện nghi nêu trên trong thời gian này;
- Loại bỏ các mối nguy hiểm như thảm, dây điện để tránh vấp ngã;
- Đảm bảo nhà phải có ghế ngồi cao, chắc chắn và có chỗ gác tay;
- Lắp đặt các dụng cụ chuyên môn cần thiết để các sinh hoạt hằng ngày thoải mái như bệ ngồi vệ sinh cao, nhà vệ sinh có tay vịn an toàn, ghế tắm dùng trong bồn tắm hoặc phòng tắm.
Dựa vào sự tiến triển của việc phục hồi chức năng, bệnh nhân được trở lại các hoạt động hằng ngày.
7. CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI CƠN ĐAU PHÁT SINH?
Bí quyết để kiểm soát đau là phải giữ tình trạng dưới mức độ đau. Do đó, trước và sau khi phẫu thuật, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát đau bằng các kỹ thuật không dùng thuốc như:
- Chương trình chườm lạnh và chườm lạnh có áp lực
- Cách đặt tư thế chân và các bài tập
- Vận động khớp chủ động
- Máy tập khớp gối thụ động liên tục để tăng vận động khớp
- Máy kích thích thần kinh qua da (TENS) để giúp kiểm soát đau.
8. TÔI CÓ THỂ THỰC HIỆN NHỮNG BƯỚC GÌ ĐỂ PHỤC HỒI NHANH HƠN?
Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ tìm cách hướng dẫn bệnh nhân thực hiện từng bước của quá trình phục hồi chức năng để giúp bệnh nhân phục hồi nhanh nhất có thể. Bệnh nhân có thể thực hiện những điều sau để hỗ trợ quá trình phục hồi:
- Tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu, đảm bảo không tập quá sức;
- Kiểm soát đau trước và sau khi tập bằng cách sử dụng túi chườm đá không quá 20 phút từ 4 đến 6 lần một ngày;
- Kiểm soát sưng bằng cách nâng cao chân;
- Thay đổi tư thế khớp gối thường xuyên, luân phiên gập gối tối đa và duỗi gối hoàn toàn;
- Đi lại theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu để tránh cứng khớp;
- Mang vớ áp lực theo lời khuyên của bác sĩ.
9. BỆNH NHÂN NÊN THỰC HIỆN BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA NÀO SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI?
Thông thường, điều quan trọng là tuân thủ tất cả các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu. Các hướng dẫn như sau:
- Không để chân phẫu thuật chịu sức nặng nhiều hơn lời khuyên của bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu;
- Đặt tư thế khớp gối thẳng hoàn toàn hoặc gập hoàn toàn. Hạn chế đặt tư thế khớp gối gập ở biên độ giữa và xoay ra ngoài trong thời gian dài;
- Không vặn xoắn khớp gối khi xoay người. Khi nằm ngủ ở bên khỏe, đặt gối bên dưới chân phẫu thuật;
- Không ngồi bắt chéo chân;
- Đi cầu thang theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu;
- Không nâng vật nặng;
- Luôn sử dụng dụng cụ trợ giúp đi cho đến khi chuyên viên vật lý trị liệu xác nhận sự tiến bộ của bệnh nhân. Không nên ngưng sử dụng các dụng cụ này trừ khi có đề nghị khác của chuyên viên vật lý trị liệu.
10. BỆNH NHÂN CÓ NGUY CƠ TÉ NGÃ SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI KHÔNG?
Có, bệnh nhân có nhiều nguy cơ té ngã sau phẫu thuật cho đến khi phục hồi dáng đi hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân được khuyên không nên thực hiện bất kỳ hoạt động nào một mình như ra khỏi giường và lên xuống cầu thang trừ khi được đề nghị thực hiện. Để hạn chế nguy cơ té ngã, bệnh nhân cũng nên:
- Sử dụng dụng cụ trợ giúp đi theo đề nghị;
- Tránh sàn nhà ướt;
- Mang giày cao su vừa chân;
- Đảm bảo có đủ ánh sáng trong phòng tắm, hành lang, phòng ngủ, v.v;
- Thay đổi tư thế thường xuyên để tránh cứng khớp;
- Đảm bảo điện thoại luôn trong tầm tay bệnh nhân;
- Yêu cầu hỗ trợ nếu bệnh nhân cảm thấy chóng mặt hoặc mệt;
- Tuân thủ các hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
11. BỆNH NHÂN CẦN TIẾP TỤC CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU KHI XUẤT VIỆN KHÔNG?
Khi bệnh nhân xuất viện, bác sĩ phẫu thuật sẽ giới thiệu bệnh nhân đến chuyên viên vật lý trị liệu để tiếp tục chương trình phục hồi chức năng dành cho bệnh nhân ngoại trú.
Chương trình này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của bệnh nhân, theo đó thông thường sẽ mất vài tuần để phục hồi khả năng vận động không đau, hoạt động chức năng và sức mạnh cơ. Bệnh nhân đừng ngần ngại trao đổi với chuyên viên vật lý trị liệu để thực hiện chương trình tốt nhất phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân.
12. CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGOẠI TRÚ THƯỜNG KÉO DÀI TRONG BAO LÂU?
Hầu hết bệnh nhân thường cần từ bốn đến sáu tuần để hoàn thành chương trình phục hồi chức năng, tùy thuộc vào công việc hoặc mức độ hoạt động mà bệnh nhân thực hiện. Đối với từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân sẽ trao đổi trực tiếp với bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu nhằm đảm bảo thời gian và tình trạng tốt nhất để trở lại với công việc hoặc hoạt động hằng ngày.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được khuyến khích tham gia các hoạt động thể chất nhẹ như đi bộ, bơi lội, đạp xe, thái cực quyền, đánh gôn, thể thao dưới nước, bóng bàn, và các môn khác. Đề nghị không thực hiện các hoạt động thể chất nặng như chạy bộ, quần vợt, bóng rổ, bóng đá, thể dục nhịp điệu, v.v.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được khuyên không nên lái xe hơi hoặc xe máy trong khi dùng thuốc giảm đau hoặc sử dụng nạng. Thông thường, bệnh nhân có thể bắt đầu lái xe trở lại từ bốn đến sáu tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật trước khi lái xe trở lại. Khi bệnh nhân cảm thấy mình đã có thể tự lái xe, nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
13. KHI NÀO BỆNH NHÂN NÊN LIÊN LẠC VỚI CHUYÊN VIÊN VẬT LÝ TRỊ LIỆU?
Tại bất kỳ thời điểm nào trong hoặc sau chương trình phục hồi chức năng, bệnh nhân nên liên hệ với chuyên viên vật lý trị liệu khi cần thiết. Nguyên nhân thường bao gồm:
- Đau khớp gối sau khi tập luyện;
- Dấu hiệu sưng hoặc cứng khớp gối hơn bình thường;
- Không thể tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu;
- Cần tư vấn về việc tăng cường chương trình tập luyện;
- Cần tư vấn thêm về việc thực hiện các hoạt động thường ngày;
- Lập kế hoạch để bắt đầu các hoạt động thể chất mới.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
KHOA VẬT LÝ TRỊ LIỆU & PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Bệnh viện FV, tầng 1, tòa nhà F
ĐT (028) 54 11 33 40
Hoặc (028) 54 11 33 33 – Số máy nhánh: 1085 or 1485