“Nhìn vào từ “Responsibility – trách nhiệm” vốn được ghép bởi hai từ “response – phản hồi” và “ability – khả năng”; điều đó đồng nghĩa với khả năng lựa chọn để đưa ra phản hồi của bạn. Những người có tính chủ động cao luôn nhận ra điều đó trong “trách nhiệm” của mình. Họ không đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện hoặc các tác nhân cho hành vi của mình.”
Stephen R. Covey, tác giả của quyển 7 thói quen của người thành đạt
Tại FV, bệnh nhân là trọng tâm của các dịch vụ, mọi nhân viên đều phải có trách nhiệm để đảm bảo an toàn, cũng như hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho người bệnh. Để làm được việc này, Bộ phận Quản lý Rủi ro và An toàn Bệnh nhân tại FV đã phải làm việc chặt chẽ, với các khoa phòng trong bệnh viện, để nhận diện và quản lý mọi rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, họ còn phải thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ nhiều khía cạnh trong việc quản lý trên.
Quản lý rủi ro tại FV áp dụng cho cả hệ thống lâm sàng và hành chính. Các quy trình, các báo cáo được sử dụng để phát hiện, giám sát, đánh giá, giảm thiểu và ngăn ngừa các rủi ro. Mục tiêu của quá trình này là đảm bảo tất cả những rủi ro đều được nhận diện sớm, được đánh giá theo cách tốt nhất. Bên cạnh đó, các nhân viên có vai trò nhận diện và báo cáo sớm những vấn đề về an toàn, nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm soát được đưa ra kịp thời, giảm thiểu rủi ro xảy ra hay lặp lại. Mục đích chung là tìm ra các yếu tố gây cản trở bệnh viện, trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng, an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Có 2 cách quản lý rủi ro: Quản lý rủi ro thụ động và chủ động.
- Quản lý rủi ro thụ động là hoạt động phản hồi dựa vào việc đánh giá và điều tra sự cố đã xảy ra;
- Quản lý rủi ro chủ động là chiến lược thích ứng dựa trên việc đo lường và quan sát.
Cụ thể hơn, quản lý rủi ro chủ động là sự kết hợp việc đánh giá cả quá khứ, hiện tại và tương lai của một sự cố rủi ro nhằm tìm ra phương pháp phòng tránh. FV luôn hướng đến văn hóa an toàn, do vậy việc quản lý rủi ro chủ động luôn được thực hiện nhiều hơn, thay vì chỉ quản lý những rủi ro trên các sự cố đã xảy ra.
Thế nhưng, để chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động là một thách thức. Nhiều bệnh viện mặc dù đã có nỗ lực đánh giá và cải tiến các quy trình, nhưng vẫn có không ít bệnh nhân phải chịu những rủi ro, dù có thể phòng tránh được. Thực tế, các bệnh viện nhận thấy hoạt động cải tiến rất khó duy trì, họ còn phải đối mặt với chuyện quá tải hoặc có nhiều vấn đề khác cần được chú tâm hơn. Do vậy, hầu như không có bệnh viện hay hệ thống chăm sóc sức khỏe nào, duy trì được sự xuất sắc trên toàn bộ máy hoạt động của họ.
Khái niệm “ý thức tập thể” được xem là mô hình lý tưởng nhất, để các tổ chức uy tín dùng đảm bảo vấn đề an toàn. Một môi trường có “ý thức tập thể” là nơi mà tất cả nhân viên luôn tìm kiếm và báo cáo những vấn đề, cũng như những điều kiện không an toàn (dù nhỏ) trước khi chúng có thể gây ra rủi ro đáng kể cho tổ chức.
Sự ý thức dựa trên 2 yếu tố: ý thức cá nhân và ý thức tập thể. Ý thức cá nhân được định nghĩa là một người thực sự hiểu về các phương thức hoạt động và được trang bị kỹ năng thuần thục để xác định các lỗi và quy trình cần cải thiện. Ý thức tập thể được mở rộng từ các cá nhân đến đội nhóm. Đó là khi tổ chức, hay bệnh viện đang vận hành một cách cẩn trọng, luôn có những điều chỉnh quan trọng, kịp thời để quản lý những sự việc đột xuất trong một môi trường đầy thử thách.
“Ý thức tập thể” cũng cung cấp một định hướng tư duy, thúc đẩy việc học hỏi và đánh giá liên tục từ các cấp quản lý. Qua đó họ có thể chủ động xác định các sai lỗi tiềm ẩn, hoặc các điều kiện không an toàn, trước khi chúng gây ra các rủi ro đáng kể.
Tại các bệnh viện, sự nhạy bén và có nhận thức chung về các vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra, là điều cần thiết. Đồng thời, việc xem nhẹ bất kỳ điều gì đều có thể gây ra rủi ro. Do đó, trong các hoạt động của mình, FV luôn hướng tới việc dự đoán những sự cố có thể xảy ra, cũng như đề ra những kết quả mong đợi. Từ đó chúng tôi đề xuất các hành động nhằm ngăn chặn, thúc đẩy và tạo mạng lưới phản hồi, với mục tiêu mang lại an toàn cao nhất cho bệnh nhân.