Là một trong bốn dự án quản lý chất lượng trọng tâm của Bệnh viện FV, chương trình Quản lý Sử dụng kháng sinh cập nhật đã chính thức triển khai từ tháng 7/2017 với nhiều kế hoạch mới mẻ và thiết thực.
Đầu năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Quản lý Sử dụng Kháng sinh tại bệnh viện. Đầu năm 2017, Tổ chức Giám định Chất lượng Y tế Mỹ (JCI) đã bổ sung nội dung này vào Bộ Tiêu chuẩn Chất lượng mới, theo đó quy định các bệnh viện đạt chứng nhận JCI phải xây dựng và thực hiện Chương trình Quản lý Sử dụng Kháng sinh.
Bệnh viện FV đã xây dựng Chương trình Quản lý Sử dụng Kháng sinh ngay từ năm 2015 và không ngừng điều chỉnh, cập nhật nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và tiêu chí của JCI.
Quản lý sử dụng kháng sinh tiêu chuẩn JCI
Chương trình Quản lý Sử dụng Kháng sinh (ASP) được triển khai nhằm đảm bảo việc sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện FV diễn ra thận trọng, phù hợp và tối ưu hóa.
Chương trình sẽ giúp thực hiện mục tiêu của bệnh viện trong việc đảm bảo cho bệnh nhân cần điều trị kháng sinh được sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng thời hạn, từ đó giảm khả năng kháng kháng sinh và sự lan truyền của vi khuẩn.
Các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu này bao gồm việc áp dụng các biện pháp can thiệp cụ thể để hỗ trợ tối ưu hóa kháng sinh như Tuân thủ hạn định tạm thời sử dụng kháng sinh và Chỉ dẫn bắt buộc đối với tất cả các đơn thuốc kháng sinh.
Hạn định tạm thời sử dụng kháng sinh giúp nhắc bác sĩ đánh giá lại nhu cầu tiếp tục sử dụng và lựa chọn kháng sinh khi có hình ảnh lâm sàng rõ ràng hơn và đầy đủ hơn thông tin chẩn đoán.
Thông thường, kháng sinh bắt đầu được sử dụng cho bệnh nhân nội trú khi bác sĩ đã thu thập sơ bộ thông tin chẩn đoán. Tuy nhiên, bác sĩ thường bỏ qua khâu xem lại sự phù hợp của kháng sinh sau khi có đầy đủ dữ liệu lâm sàng và các kết quả xét nghiệm.
Với can thiệp này, các bác sĩ lâm sàng được yêu cầu đánh giá lại sự phù hợp của tất cả các loại kháng sinh được sử dụng trong vòng 48 đến 72 giờ đồng hồ đầu tiên, gồm cả xem xét việc chuyển từ chích kháng sinh qua tĩnh mạch sang dùng kháng sinh qua đường uống.
Chỉ dẫn bắt buộc đối với tất cả các đơn thuốc kháng sinh yêu cầu các bác sĩ phải viết hoặc đưa ra chỉ dẫn (lý do sử dụng) cho tất cả các y lệnh sử dụng kháng sinh hoặc toa thuốc.
Tuần lễ Thế giới nhận thức về kháng sinh
Song song đó, Tuần lễ Thế giới nhận thức về kháng sinh cũng được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao ý thức và tuyên truyền rộng rãi về cách sử dụng kháng sinh đến cộng đồng. Theo đó, nếu như bác sĩ điều trị và dược sĩ tư vấn cho người bệnh không tự ý sử dụng kháng sinh thì đội ngũ nhân viên y tế nói chung cũng cần tăng cường truyền thông cho người bệnh và thân nhân về sử dụng kháng sinh hợp lý, thông qua tư vấn trực tiếp hay các phương tiện truyền thông trong bệnh viện như màn hình tivi, bảng tin, tờ rơi, website…
Tuần lễ Thế giới Nhận thức về Kháng sinh tại Bệnh viện FV năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 13 – 19/11/2017, sẽ giúp củng cố nhận thức về tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu và khuyến khích thực hành sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất trong cộng đồng, nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện và lan rộng của tình trạng này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, thực trạng sử dụng kháng sinh bất hợp lý đang là vấn đề mang tính toàn cầu, nếu không có biện pháp kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ trái đất trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
Kháng kháng sinh làm gia tăng biến cố có hại của thuốc, gia tăng tuổi thọ của vi khuẩn gây bệnh, mà hệ quả là gia tăng tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tử vong và gia tăng gánh nặng kinh tế.
Các đối tượng liên quan tham gia Chương trình Quản lý Sử dụng Kháng sinh tại Bệnh viện FV gồm có các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia dịch tễ; các dược sĩ, dược sĩ lâm sàng; các nhà vi trùng học; bộ phận điều dưỡng; bộ phận ICT; Hội đồng Quản lý Thuốc và Thiết bị y tế (DMDC) và Hội đồng Kiểm soát và Phòng chống Nhiễm khuẩn (IPCC); bệnh nhân và gia đình.
Chương trình được vận hành dưới sự điều phối của Hội đồng Giám sát Sử dụng Kháng sinh gồm 10 thành viên, trong đó đóng vai trò đồng chủ tịch là bác sĩ Phạm Thái Bình – Chủ tịch IPCC và ông Mohd Fazli Suib – Chủ tịch DMDC, với sự hỗ trợ của 2 cố vấn và 6 thành viên.