Cuộc sống hiện đại cũng khiến trẻ em chịu nhiều áp lực như chạy theo thành tích, ba mẹ quá bận rộn, mâu thuẫn gia đình, li hôn,… nên trẻ dễ bị căng thẳng. Cách xử sự trong gia đình cũng ảnh hưởng rất nhiều và để lại những dấu ấn đậm, nhạt khác nhau trong tâm hồn trẻ nhỏ. Điều này tác động trực tiếp đến tâm lý của chúng và ảnh hưởng đến hành vi ăn uống tạo ra những rối loạn ăn uống nhất định. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, những rối loạn này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.
Điển hình là trường hợp của bé T.N (5 tuổi, sống tại Bến Tre) được mẹ đưa đến khoa Tâm lý Lâm Sàng FV với triệu chứng ăn tường. Hành vi này gọi là chứng ăn bậy (Pica) là một dạng rối loạn ăn uống mà người mắc phải sẽ có cảm giác ngon miệng đối với những thứ không phải thực phẩm bình thường. Họ có thể ăn ngon lành những thứ như: tóc, phân động vật, đất sét, bụi bẩn, sơn, cát, giấy, than đá…
Theo lời kể của mẹ bé T.N, khi nhận thấy bé có biểu hiện ăn tường và thường xuyên bị bạn bè trêu chọc chị vô cùng lo lắng. Biết được FV có khoa Tâm lý Lâm Sàng chuyên điều trị các vấn đề về rối loạn ăn uống, chị đã đưa con mình đến khám. Bằng các liệu pháp tâm lý để chẩn đoán và điều trị thông qua các hoạt động trung gian như cho bé vẽ tranh, trò chơi sắm vai thì Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiên đã nhận ra một số biểu hiện lo âu và các khó khăn liên quan đến tâm lý ở bé bắt nguồn từ việc bé không được gần gũi nhiều bên mẹ và cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương từ mẹ. Và biểu hiện bé ăn tường cho bé cảm giác giống như đang được tiếp tục uống sữa mẹ và được mẹ quan tâm. Sau hơn 4 tháng điều trị, bé được xây dựng lại hình ảnh cơ thể, thiết lập mối quan hệ mẹ – con, bé đã giảm ăn tường và mối quan hệ mẹ con dần được cải thiện.
Theo Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiên, những nghiên cứu về triệu chứng ăn bậy này đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt khoáng chất và những khó khăn về mặt tâm lý, tâm thần gây ra cảm giác thèm ăn. Hiện nay Pica đang được công nhận là một rối loạn tâm thần. Triệu chứng này thường thấy ở trẻ nhỏ và phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người bị mắc chứng tự kỉ và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, nguyên nhân gây ra cơn thèm ăn bất thường này còn có thể do sự kết hợp của các yếu tố sinh hóa, tâm lý và văn hóa. Trong một số nghiên cứu, pica có liên quan đến tình trạng:
- Thiếu hụt các khoáng chất như kẽm hoặc sắt (bệnh giun móc hoặc bệnh Celiac cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này)
- Gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và tâm thần phân liệt
- Tổn thương trong não
- Những khó khăn tâm lí, tâm thần
- Trẻ thiếu tình thương của cha mẹ và muốn tìm kiếm sự chú ý.
Bệnh nhân của các bệnh về tâm lý nói chung và rối loạn ăn uống nói riêng xuất phát điểm của bệnh thường là mang mặc cảm về một số vấn đề trong cuộc sống và họ gặp khó khăn trong việc tự tìm kiếm sự chia sẻ hay giúp đỡ từ người thân. Chính vì vậy, việc điều trị thường không được chú trọng và thường đi sai hướng. Đa số bệnh nhân và người thân chỉ nghĩ bị mất thiếu chất và tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng. Nhưng thực tế, việc được thăm khám với các Chuyên viên Tâm lý sẽ giúp người bệnh được lắng nghe, thấu hiểu và cảm nhận được rằng họ không hề đơn độc trong cuộc chiến với những khó khăn của bản thân và các chuyên viên luôn sẵn sàng để chia sẻ những vấn đề mà bệnh nhân đang vướng mắc từ đó tìm ra giải pháp điều trị hiệu quả.
Đến với khoa Tâm lý Lâm Sàng Lâm Sàng – Bệnh viện FV, các chuyên viên sẽ tư vấn cho từng bệnh nhân phù hợp với nhu cầu, độ tuổi và hoàn cảnh của từng người. Thấu hiểu những khó khăn và nỗi đau của người bệnh tạo nên không gian để bệnh nhân bộc lộ chính mình với một thái độ thoải mái, hoàn toàn yên tâm mà không lo bị phán xét. Thông qua các buổi tư vấn, các chuyên viên tâm lý tập trung vào việc giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn vấn đề của mình, sẻ chia nỗi đau và cải thiện sức khỏe tâm lý. Khoa Tâm lý Lâm Sàng Lâm Sàng FV có các dịch vụ dành cho trẻ từ 0 đến 12 tuổi, thiếu niên, người lớn và tâm lý tổng quát. Giúp tư vấn hoặc trị liệu tâm lý cho cá nhân, tâm lý cho cặp đôi, trị liệu nhóm bằng công cụ trung gian/trị liệu nhóm đơn thuần, nhóm chăm sóc sức khỏe tâm thần, trợ giúp và hướng dẫn cha mẹ, trắc nghiệm tâm lý cho trẻ em và người lớn (trắc nghiệm về trí tuệ và nhân cách để hỗ trợ chẩn đoán).
Đặt hẹn tại khoa Tâm lý Lâm Sàng, Bệnh viện FV, vui lòng liên hệ: 028 5411 3333 – máy nhánh 1250
Khoa Tâm lý Lâm Sàng, Lầu 3, Tòa nhà V, Bệnh viện FV, số 6 Nguyễn Lương Bằng, P.Tân Phú, Q.7, TP. HCM