SIÊU ÂM LÀ GÌ?
Siêu âm chẩn đoán là một phương pháp khảo sát hình ảnh dùng sóng âm tần số cao để tạo ra các hình ảnh của cấu trúc bên trong cơ thể. Sóng âm được thu nhận và hiển thị bằng hình ảnh trực quan theo thời gian thực. Siêu âm không sử dụng các bức xạ ion hóa (như X-quang).
Trong hầu hết các khảo sát siêu âm, đầu dò – là một thiết bị có trọng lượng nhẹ dùng để tạo ra sóng âm – được đặt trên da bệnh nhân. Ngoài ra còn có các đầu dò đặc biệt mà có thể đưa vào âm đạo hoặc trực tràng để tạo hình ảnh cho các vùng này trong cơ thể.
CÁC TRƯỜNG HỢP THƯỜNG SỬ DỤNG SIÊU ÂM?
Siêu âm được sử dụng để:
- Khảo sát các cơ quan vùng bụng (gan, túi mật, lá lách, tụy, thận, bàng quang), cơ quan vùng chậu (tuyến tiền liệt, tinh hoàn, tử cung và buồng trứng) và các cơ quan nông (vú, tuyến giáp, khớp vai hoặc mắt cá chân);
- Hướng dẫn các thủ thuật can thiệp như sinh thiết bằng kim, chọc hút bằng kim nhỏ (FNA), trong đó kim được dùng để lấy các mẫu tế bào từ cơ quan cần khảo sát để tiến hành xét nghiệm;
- Quan sát tử cung và buồng trứng ở phụ nữ mang thai và đánh giá tình trạng của thai nhi.
Siêu âm Doppler là một kỹ thuật đặc biệt dùng để khảo sát dòng chảy của mạch máu. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ quan sát và đánh giá tình trạng tắc nghẽn, như hình thành cục máu đông và sự tích tụ mảng bám trong lòng mạch máu.
LỢI ÍCH, RỦI RO VÀ HẠN CHẾ GÌ?
Lợi ích
- Siêu âm là một thủ thuật không xâm lấn (không dùng kim hoặc tiêm thuốc trong hầu hết các trường hợp) và thường không gây đau.
- Siêu âm được sử dụng rộng rãi và dễ dàng.
- Siêu âm không sử dụng bức xạ ion hóa và là phương pháp chẩn đoán hình ảnh ưu tiên dùng cho phụ nữ mang thai.
- Siêu âm cung cấp hình ảnh theo thời gian thực nên trở thành một công cụ hữu hiệu để hướng dẫn cho các thủ thuật ít xâm lấn, như sinh thiết bằng kim.
- Siêu âm có thể cung cấp các hình ảnh của cấu trúc, sự chuyển động và chức năng thận trong các mạch máu và cơ quan bên trong cơ thể.
Nguy cơ
Đối với siêu âm chẩn đoán cơ bản thì chưa tìm thấy những tác dụng có hại cho con người.
Giới hạn
Dù là một công cụ chẩn đoán có giá trị, nhưng siêu âm không mang lại hiệu quả khi khảo sát ở các cơ quan:
- Bị khí hoặc xương che khuất, làm cản trở sóng siêu âm;
- Có lớp mỡ dưới da quá mức, làm giảm chất lượng hình ảnh tối ưu;
- Nằm sâu trong cơ thể.
Để khắc phục các hạn chế này, bác sĩ có thể chỉ định các khảo sát chẩn đoán hình ảnh khác, như chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp Cộng Hưởng Từ (CHT) hoặc chụp X-quang.
BẠN NÊN CHUẨN BỊ GÌ CHO KHẢO SÁT?
Hầu hết các khảo sát siêu âm đều không cần chuẩn bị. Khi siêu âm túi mật, và thông thường hơn là siêu âm bụng, cần nhịn ăn uống trong 4-6 giờ để giúp dễ quan sát túi mật và giảm khí trong đường ruột; các trường hợp khác không cần nhịn ăn uống, trừ khi có chỉ định vào thời điểm đặt hẹn.
Không để bàng quang rỗng khi siêu âm vùng bụng chậu. Khi siêu âm vùng chậu, bạn có thể được yêu cầu uống lên đến sáu ly nước trước khi khảo sát và tránh đi tiểu, để làm đầy bàng quang trước khi bắt đầu siêu âm.
KHẢO SÁT ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Bạn cần tháo nữ trang và thay áo choàng, sau đó nằm trên bàn siêu âm. Một loại gel trong suốt được bôi lên vùng cơ thể cần khảo sát, để giúp đầu dò tiếp xúc với da an toàn. Vì sóng âm tạo ra từ đầu dò không thể đi qua không khí, nên loại gel này giúp loại bỏ sự hình thành túi khí giữa đầu dò và da bệnh nhân. Gel tan trong nước, an toàn và không gây hại đồng thời có thể lau sạch dễ dàng bằng khăn giấy sau khi siêu âm.
Bác sĩ ấn đầu dò vào da bệnh nhân và di chuyển qua lại để tạo hình ảnh cho vùng cần khảo sát.
Khi siêu âm qua ngã âm đạo và trực tràng, đầu dò được bọc bằng bao cao su và bôi trơn bằng một ít gel, sau đó đưa vào âm đạo hoặc trực tràng. Các hình ảnh thu được từ các hướng khác nhau sẽ cung cấp hình ảnh tốt nhất của tử cung và buồng trứng hoặc của tuyến tiền liệt.
Siêu âm chậu có thể được thực hiện qua ngã bụng hoặc ngã âm đạo để giúp quan sát tử cung và buồng trứng. Để quan sát tuyến tiền liệt, siêu âm thường được thực hiện qua ngã trực tràng, nhưng trong một số trường hợp có thể thực hiện qua ngã bụng.
BẠN SẼ CÓ TRẢI NGHIỆM GÌ TRONG QUÁ TRÌNH KHẢO SÁT?
Siêu âm không gây đau, thực hiện nhanh chóng và dễ dàng. Khi bác sĩ di chuyển đầu dò trên vùng bụng, bạn có thể cảm thấy khó chịu với các mức độ khác nhau, đặc biệt là khi bạn được yêu cầu làm đầy bàng quang.
Thời gian siêu âm thường kéo dài từ bảy đến 15 phút. Đối với siêu âm khảo sát dòng chảy mạch máu hoặc hướng dẫn các thủ thuật can thiệp thì thời gian siêu âm có thể kéo dài từ 20 đến 45 phút.
KHI NÀO BẠN CÓ THỂ NHẬN KẾT QUẢ?
Bác sĩ thực hiện siêu âm sẽ quan sát và phân tích kết quả, sau đó gửi báo cáo cho bác sĩ chỉ định để giải thích kết quả cho bạn. Trong trường hợp cấp cứu, kết quả siêu âm có thể gửi đến bác sĩ chỉ định chỉ trong vài phút.