Theo WHO, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người trên toàn thế giới. Mỗi năm người chết do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, lao, sốt rét và HIV cộng lại. Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội tim mạch học đã chỉ ra rằng, cứ 3 người Việt Nam trưởng thành sẽ có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chủ yếu là bệnh suy tim. Và tỉ lệ tử vong ước lượng sau 1 và 5 năm của bệnh nhân suy tim là 30-50%.
Vậy suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng cơ tim suy giảm khả năng bơm máu dẫn đến cung cấp không đủ máu và oxy cho nhu cầu cơ thể. Nó gây ra những triệu chứng khó chịu khiến bệnh nhân phải nhập viện, không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà nguy cơ tử vong khá cao. Tại Hoa Kì, có đến 6 triệu người sống chung với suy tim và hằng năm có hơn 900.000 trường hợp suy tim được chẩn đoán.
Những triệu chứng nào nhận biết bệnh suy tim?
Nếu bạn đang mắc phải một bệnh lý nào đó, hãy chú ý xem có những dấu hiệu cảnh báo nào sau đây không? Nếu phát hiện và điều trị suy tim sớm sẽ giúp bạn cải thiện được triệu chứng, giảm số lần nhập viện và làm giảm tỉ lệ tử vong. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của người bệnh suy tim:
– Cảm thấy khó thở khi vận động, khi ngồi nghỉ, thậm chí khi nằm.
– Ho dai dẳng, khò khè có thể kèm theo khạc đàm trắng hoặc hồng.
– Xuất hiện phù chân, mắt cá, cẳng chân và tăng cân đột ngột.
– Cảm thấy mệt thường xuyên kể cả trong những công việc hàng ngày như: đi siêu thị, leo cầu thang, đi bộ,…
– Cảm giác lúc nào cũng no bụng, chán ăn.
– Giảm sút trí nhớ, giảm định hướng, lú lẫn, không tập trung.
– Tim đập mạnh thường xuyên, cảm giác đánh trống ngực.
Nguyên nhân từ đâu gây ra bệnh suy tim?
Các bệnh lý về tim mạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu nó được phát triển từ những bệnh như: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh lý cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, bệnh phổi, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, thiếu máu, cường giáp.
Sau khi nghe bệnh nhân than phiền về những triệu chứng vừa kể trên. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như: Xét nghiệm máu, chụp X quang phổi thẳng, điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp mạch vành cản quang, cộng hưởng từ tim…. Từ đó đưa ra những kết luận và phương pháp điều trị chính xác nhất cho từng bệnh nhân.
Vậy bệnh suy tim có điều trị dứt điểm được không? Những phương pháp phòng ngừa và điều trị như thế nào được áp dụng hiệu quả nhất?