Tác Dụng Phụ Của Phương Pháp Gây Tê Ngoài Màng Cứng

Gây tê ngoài màng cứng đôi khi không đạt được hiệu quả như mong đợi. Tình trạng này có thể xảy ra khi:

  • Khó tìm thấy khoang ngoài màng cứng
  • Thuốc gây tê không lan tỏa đều khắp khoang ngoài màng cứng
  • Ống thông ngoài màng cứng rơi ra ngoài

Trường hợp gây tê ngoài màng cứng không giảm đau được cho bệnh nhân, bác sĩ gây mê có thể thay thế bằng các phương pháp giảm đau khác hoặc thực hiện lại thủ thuật này. Gây tê ngoài màng cứng thường an toàn; tuy nhiên, cũng như hầu hết các thủ thuật y khoa, tác dụng phụ đôi khi có thể xảy ra.

HẠ HUYẾT ÁP

Tác dụng phụ thường gặp nhất của gây tê ngoài màng cứng là hạ huyết áp. Nguyên nhân là do thuốc tê ảnh hưởng đến các dây thần kinh chi phối mạch máu, dẫn đến hạ huyết áp. Điều này có thể gây buồn nôn, chóng mặt và choáng váng (bệnh nhân có cảm giác như sắp ngất xỉu, cảm thấy cơ thể nặng nề trong khi đầu của mình có cảm giác như bị thiếu máu).

Huyết áp của bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ trong lúc thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Nếu cần thiết, thuốc có thể được truyền qua tĩnh mạch của bệnh nhân để ổn định huyết áp.

MẤT KIỂM SOÁT BÀNG QUANG

Sau gây tê ngoài màng cứng, bệnh nhân sẽ không có cảm giác khi bàng quang căng đầy nước tiểu vì thuốc tê đã tác động đến các dây thần kinh xung quanh.

Ống thông tiểu sẽ được đặt vào bàng quang của bệnh nhân giúp dẫn lưu nước tiểu. Khả năng kiểm soát bàng quang của bệnh nhân sẽ trở lại bình thường ngay khi hết thuốc tê.

NGỨA DA

Trong quá trình gây tê ngoài màng cứng, thuốc giảm đau kết hợp với thuốc gây tê thỉnh thoảng có thể làm cho da của bệnh nhân bị ngứa. Tình trạng này có thể được điều trị dễ dàng.

BUỒN NÔN

Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn (hoặc nôn ói) sau gây tê ngoài màng cứng. Nếu huyết áp của bệnh nhân bình thường, thuốc chống nôn sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

ĐAU LƯNG

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 cho thấy không có sự gia tăng nguy cơ gây đau lưng kéo dài khi áp dụng phương pháp gây tê ngoài mạng cứng.

Đội ngũ nhân viên y tế thực hiện gây tê ngoài màng cứng sẽ cố gắng chăm sóc để đảm bảo bệnh nhân cảm thấy thoải mái trong và sau thủ thuật, nhưng nếu bệnh nhân phải nằm cùng một tư thế trong thời gian dài có thể làm cho tình trạng đau lưng có sẵn trước đó trở nên trầm trọng hơn. Sau thủ thuật, nếu bệnh nhân bị đau lưng dữ dội, bệnh nhân nên thông báo ngay cho nhân viên y tế, giúp họ sớm tiến hành đánh giá tình trạng đau lưng của bệnh nhân.

ĐAU ĐẦU DỮ DỘI

Cơn đau đầu dữ dội thỉnh thoảng có thể xảy ra sau gây tê ngoài màng cứng – được gọi là đau đầu do thủng, rách màng cứng.

Tình trạng này xảy ra khi lớp màng tủy sống (màng cứng) của bệnh nhân vô tình bị thủng, rách.

Tình trạng đau đầu thường sẽ khỏi theo thời gian, một thủ thuật gọi là “dán máu” có thể được sử dụng sẽ giúp bịt kín chỗ thủng. Thủ thuật được thực hiện bằng cách lấy một lượng nhỏ máu của bệnh nhân để bơm vào khoang ngoài màng cứng. Khi máu đông lại (dày lên), lỗ thủng, rách sẽ được bịt kín và cơn đau đầu của bệnh nhân sẽ không còn.

Đau đầu do thủng, rách màng cứng sau gây tê ngoài màng cứng thường rất hiếm, khả năng xảy ra từ 1/100 đến 1/500 trường hợp.

NHIỄM TRÙNG

Nhiễm trùng có khả năng xảy ra tại vị trí tiêm trong một vài tuần sau gây tê ngoài màng cứng và có thể dẫn đến việc hình thành áp xe. Rất hiếm khi áp xe hình thành trong khoang ngoài màng cứng. Tình trạng này có thể gây tổn thương thần kinh, bao gồm việc mất hoàn toàn khả năng vận động của nửa dưới cơ thể (liệt chi dưới).

TỤ MÁU NGOÀI MÀNG CỨNG

Khối máu tụ ngoài màng cứng là một biến chứng rất hiếm gặp sau gây tê ngoài màng cứng. Tụ máu xảy ra là do sự tổn thương ở thành mạch máu.

Nếu tĩnh mạch bên trong khoang ngoài màng cứng bị đâm thủng, máu có thể tích tụ và hình thành khối máu tụ, gây chèn ép tủy sống của bệnh nhân.

Tình trạng này có thể gây tổn thương thần kinh như liệt chi dưới nhưng rất hiếm khi xảy ra.

CÁC BIẾN CHỨNG KHÁC

Các biến chứng khác có thể xảy ra sau gây tê ngoài màng cứng dù hiếm gặp, bao gồm:

  • Ngất xỉu (co giật)
  • Khó thở
  • Tổn thương thần kinh
  • Tử vong

Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng sau gây tê ngoài màng cứng là rất hiếm. Ước tính nguy cơ gây tổn thương vĩnh viễn từ phương pháp gây tê ngoài màng cứng khi sinh con là từ 1/80,000 đến 1/320,000 trường hợp.

Trước khi quyết định thực hiện gây tê ngoài màng cứng, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ gây mê về thủ thuật. Bác sĩ gây mê sẽ trao đổi thêm thông tin về các nguy cơ biến chứng như mô tả ở trên.