Có thể bạn đã biết về mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi, nhưng bạn có biết hút thuốc lá cũng liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các bệnh mãn tính khác? Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, họng, miệng, thận, cổ tử cung và tuyến tụy. Bạn đang suy nghĩ về việc bỏ hút thuốc? Hãy nhìn vào thực tế!
TẠI SAO BẠN NÊN BỎ HÚT THUỐC?
- Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được.
- Gần 1/3 số ca tử vong liên quan đến bệnh tim mạch vành là do hút thuốc lá và hít khói thuốc lá.
- Hút thuốc lá có liên quan đến khoảng 90% số ca ung thư phổi.
- Trung bình, người hút thuốc tử vong sớm hơn mười năm so với người không hút thuốc.
- Bạn có thể là một trong hàng triệu người bỏ hút thuốc thành công mỗi năm.
ĐIỀU GÌ LÀM CHO THUỐC LÁ TRỞ NÊN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM?
Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người.
Ví dụ như:
- 1,3-Butadiene là một hóa chất được dùng để sản xuất cao su. Nó được xem là một hóa chất gây ung thư và có thể gây ra một số bệnh ung thư máu;
- Arsenic được dùng để bảo quản gỗ. Một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang;
- Benzene được dùng để sản xuất các hóa chất khác. Nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người;
- Cadmium là kim loại được dùng để sản xuất pin. Cadmium và hợp chất cadmium có thể gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt;
- Chromium VI được dùng để chế tạo kim loại hợp kim, sơn và thuốc nhuộm. Các hợp chất Chromium VI gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư mũi và xoang mũi;
- Formaldehyde được dùng để sản xuất các hóa chất khác và nhựa. Nó còn được dùng như một chất bảo quản. Formaldehyde gây bệnh bạch cầu và ung thư ở các mô hô hấp;
- Polonium-210 là một nguyên tố phóng xạ đã được chứng minh là gây ung thư ở động vật;
- Tar được tạo ra từ một số hóa chất có trong khói thuốc lá. Nó để lại dư lượng màu nâu, dính trên phổi, răng và móng tay.
CARBON MONOXIDE VÀ NICOTINE: CẶP ĐÔI NGUY HIỂM
Carbon monoxide là một loại khí có hại mà bạn hít phải khi hút thuốc. Khi đến phổi, khí này được chuyển vào đường máu trong cơ thể. Carbon monoxide làm giảm lượng oxy dùng để vận chuyển các tế bào hồng cầu. Nó còn làm tăng lượng cholesterol tích tụ ở thành trong của động mạch, có thể làm cho các động mạch xơ cứng lại theo thời gian. Điều này dẫn đến bệnh tim, bệnh động mạch và có thể là nhồi máu cơ tim.
Nicotine là một hóa chất nguy hiểm và gây nghiện cao. Nó có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu đến tim và thu hẹp động mạch (mạch máu dẫn máu từ tim). Nicotine cũng có thể góp phần làm xơ cứng thành động mạch, từ đó, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hóa chất này có thể tồn tại trong cơ thể từ sáu đến tám giờ tùy thuộc vào tần suất hút thuốc lá. Ngoài ra, tương tự như các chất gây nghiện khác, nicotine có một số tác dụng phụ khi cai thuốc. Một số thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện gần đây cung cấp nhiều nicotine hơn thuốc lá truyền thống.
HÚT THUỐC THỤ ĐỘNG
Người hút thuốc không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Khói và hơi thuốc lá là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe của người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Người không hút thuốc bị cao huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao thậm chí có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi hít khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động góp phần gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim ở những người hít khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc cao hơn khoảng 25-30%. Hút thuốc thụ động còn thúc đẩy bệnh tật. Trẻ em sinh ra từ người hút thuốc có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ em sinh ra từ nguời không hút thuốc.
ĐIỂM MẤU CHỐT
Thuốc lá, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá chứa nhiều độc tố nguy hiểm. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình là bỏ thuốc lá hoàn toàn. Đừng dành quãng đời còn lại để nghiện nicotine. Hàng ngàn người từ bỏ thói quen này mỗi năm và bạn có thể là một trong số họ. Điều này có thể không dễ dàng, nhưng bạn có thể làm được!
Hãy đặt hẹn với Trung Tâm Cai Nghiện Thuốc Lá của Bệnh viện FV qua số điện thoại (028) 5411 3333.