TẦM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ BIẾN CHỨNG THẬN MẠN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thận mạn là biến chứng âm thầm mà nhiều bệnh nhân đái tháo đường gặp phải. Gần 50% các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang lọc máu là bệnh nhân đái tháo đường. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường cần làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận hằng năm để phát hiện và điều trị suy thận mạn ở giai đoạn sớm.

Bất ngờ phát hiện suy thận, nguyên nhân do bệnh đái tháo đường

Trong một lần khám tổng quát tại Bệnh viện FV, bà L.Q. (59 tuổi, người Philippines) bàng khoàng khi bác sĩ cho biết bà bị suy thận. Bà L.Q có tiền sử đái tháo đường, tuy nhiên bà có dùng thuốc ổn định đường huyết và sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu nào cho thấy thận có vấn đề.

Khám cho bà Q., ThS.BSCKII Châu Thị Kim Liên (Khoa Nội – Thận, Bệnh viện FV) nhận thấy các xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân có tiểu đạm vi thể (hay còn gọi là Microalbumin niệu) ở giai đoạn 2, chức năng thận bị giảm – đây là dấu hiệu chỉ điểm sớm bệnh thận mạn do đái tháo đường gây ra.

BS Liên lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc. Bà Q. cũng được bác sĩ Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện FV hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát đường huyết. 3 tháng sau, các xét nghiệm cho thấy tiểu đạm vi thể đã biến mất hoàn toàn, các chức năng thận của bà Q. trở về bình thường, đạm niệu âm tính.

Xét nghiệm nước tiểu microalbumin để đánh giá nguy cơ suy thận do đái tháo đường
Xét nghiệm nước tiểu microalbumin để đánh giá nguy cơ suy thận do đái tháo đường

“Bệnh nhân L.Q. là một trong những trường hợp may mắn phát hiện sớm dấu hiệu suy thận do biến chứng bệnh đái tháo đường. Nhờ tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị đồng thời đáp ứng thuốc tốt nên bệnh nhân phục hồi rất nhanh. Nếu bệnh nhân không được tầm soát phát hiện kịp thời thì có thể dẫn đến nguy cơ suy thận mạn nặng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe”, bác sĩ Liên cho hay.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, do đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương động mạch thận và tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, dẫn đến chức năng thận bị suy giảm. Theo bác sĩ Liên, do suy thận diễn tiến âm thầm và hầu như không có dấu hiệu ở giai đoạn sớm nên nhiều người chủ quan không kiểm tra sức khỏe thận. Một thống kê cho thấy có đến 50% người mắc suy thận giai đoạn cuối đang lọc máu là bệnh nhân đái tháo đường.

Các phương pháp điều trị bệnh thận mạn ở bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh thận mạn là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, với các biểu hiện như tiểu ra đạm (sẫm màu), tiểu ra máu, phù nề chân tay, bệnh nhân có bất thường về cặn lắng nước tiểu, những bất thường trên siêu âm thận, sinh thiết thận. Ngoài ra, bệnh nhân còn được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn khi độ lọc cầu thận dưới 60 ml/ph.

Bệnh thận mạn có 5 giai đoạn xếp theo độ lọc cầu thận. Theo đó, với giai đoạn từ 1 đến 4, bệnh nhân được điều trị bảo tồn thông sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống hoặc những phương pháp hỗ trợ khác. Riêng giai đoạn cuối (giai đoạn 5), ngoài sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, bệnh nhân được bác sĩ xem xét chỉ định lọc máu hoặc thay thế thận. Đối với điều trị thay thế thận, có 3 cách: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận.

Điều trị cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối khó khăn và rất tốn kém. “Việc ghép thận cho người bị đái tháo đường vẫn còn nhiều hạn chế vì hệ thống mạch máu của họ đã bị xơ vữa nhiều, do vậy mà tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng”, bác sĩ Liên cho hay.

5 giai đoạn của bệnh suy thận
5 giai đoạn của bệnh suy thận

Trong điều trị bệnh thận mạn do đái tháo đường gây ra, thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể là phương pháp điều trị phổ biến có tác dụng giảm bớt đạm niệu. Cho tới năm 2023, với sự bùng nổ của nhóm ức chế SGLT2 và năm 2024 có thêm sự xuất hiện của nhóm ức chế RAS dành cho những bệnh nhân có bệnh thận mạn, việc điều trị bệnh thận hiệu quả hơn. Bệnh viện FV có nhập đầy đủ các loại thuốc điều trị bệnh thận mạn tính mới nhất theo đúng phác đồ mà trên thế giới cũng như Bộ Y tế khuyến cáo.

Làm gì để ngăn ngừa thận mạn ở bệnh nhân đái tháo đường?

ThS.BSCKII Châu Thị Kim Liên khuyên bệnh nhân đái tháo đường cần tầm soát phát hiện sớm biến chứng thận mạn
ThS.BSCKII Châu Thị Kim Liên khuyên bệnh nhân đái tháo đường cần tầm soát phát hiện sớm biến chứng thận mạn

Theo bác sĩ Liên, điều trị bệnh thận mạn do đái tháo đường mấu chốt là phát hiện sớm để điều trị và đưa chức năng thận của bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường. Nếu phát hiện trễ, bệnh nhân ở giai đoạn tiểu đạm macro, tức là tiểu đạm có thể thấy trên xét nghiệm nước tiểu thông thường hoặc độ lọc cầu thận quá thấp thì khó có thể điều chỉnh để thận hoạt động bình thường được.

Ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh nhân cần được tầm soát luôn bệnh thận mạn bằng xét nghiệm Albumin/Creatinine (ACR) và theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm 1 lần. Tuy nhiên, một số bệnh viện ở tuyến tỉnh, tuyến địa phương vẫn chưa có xét nghiệm này, khiến bệnh nhân bị bỏ qua giai đoạn vàng điều trị dứt điểm.

Chế độ ăn uống cho người bị bệnh thận mạn do đái tháo đường là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh. Nếu chức năng thận đã bị giảm, bệnh nhân nên giảm bớt lượng đạm trong chế độ ăn. “Đối với người đai tháo đường, quan trọng nhất là phải giữ được đường huyết ở mức ổn định, nên chế độ ăn của họ phải theo chế độ ăn dành cho người đái tháo đường, đồng thời sử dụng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định nhằm giữ cho đường huyết ở mức ổn định”, bác sĩ Liên khuyến cáo.

Để tìm hiểu thêm việc điều trị bệnh thận mạn do đái tháo đường gây ra, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Nội – Thận, Bệnh viện FV hoặc số điện thoại  (028) 54 11 33 33.