Tạo hình nâng ngực bằng túi độn

Tài liệu này đã được Hiệp hội giải phẫu thẩm mỹ và tạo hình của Pháp (Societe Francaise de Chirurgie Plastique Reconstructrice et Esthetique (SOFCPRE) thông qua, được sử dụng để bổ sung cho những thông tin mà bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ đã giải thích cho bệnh nhân trong lần khám đầu tiên, cũng như để giải đáp những câu hỏi mà bệnh nhân có thể có khi quyết định thực hiện tạo hình nâng ngực bằng túi độn.

Trong tài liệu này có tất cả những thông tin cần thiết cho quá trình ra quyết định của bệnh nhân, những thông tin liên quan đến thủ thuật phẫu thuật này. Do đó, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân nên đọc kỹ tài liệu này.

ĐỊNH NGHĨA, MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

Giảm sản vú là hiện tượng kích thước vú quá nhỏ so với cơ thể của bệnh nhân. Hiện tượng này có thể đã có từ tuổi dậy thì hoặc sau khi giảm cân đáng kể, sau khi cho con bú hoặc rối loạn hoóc môn.

Giảm sản vú có thể kèm theo hoặc không kèm theo hiện tượng chảy xệ tuyến vú, giãn da vú và núm vú thấp.

Vú quá nhỏ có thể ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý vì người có vú quá nhỏ có thể cảm thấy mình thiếu nữ tính, mất tự tin và nhận thức kém về bản thân mình dẫn đến mặc cảm. Phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn chính là giải pháp đối với các vấn đề trên.

Phẫu thuật này được thực hiện ở độ tuổi trên 18.

Bệnh nhân dưới 18 tuổi không nên thực hiện phẫu thuật này.

Phẫu thuật này hoàn toàn nhằm mục đích thẩm mỹ nên sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Chỉ một vài trường hợp hiếm hoi không có vú (vú không phát triển đầy đủ) có thể được bảo hiểm y tế thanh toán một phần với điều kiện phải có sự đồng ý trước.

Túi độn nâng ngực hiện đang được sử dụng gồm vỏ bọc và chất độn bên trong.

Vỏ bọc luôn luôn là silicon đàn hồi, chất độn bên trong có thể có nhiều loại.

Gọi là “túi độn ngực” vì chất độn được chứa sẵn bên trong vỏ bọc từ quá trình sản xuất (silicon gel và/hoặc nước muối sinh lý). Vì thế nhà sản xuất có thể sản xuất nhiều loại kích thước khác nhau.

Đối với túi độn bằng nước muối sinh lý, bác sỹ phẫu thuật có thể điều chỉnh ở một mức độ nào đó cho phù hợp với bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật.

Túi độn ngực bằng silicon thế hệ mới

Phần lớn túi ngực được sử dụng hiện nay tại Pháp và các nước khác trên thế giới là túi độn silicon.

Loại túi độn này đã được sử dụng từ hơn 40 năm nay và được chứng mình là an toàn và thích hợp nhất để nâng ngực vì nó rất giống với kết cấu tự nhiên của ngực. Túi độn ngực silicon đã có nhiều cải tiến đáng kể từ cuối những năm 1990, các nhược điểm của túi độn silicon đã được khắc phục. Hiện nay, tất cả các túi độn ngực đang được sử dụng tại Pháp đều được Châu Âu + Cơ quan Sức khỏe và An toàn của Pháp chứng nhận là an toàn.

Túi độn ngực được làm bằng silicon gel bọc trong vỏ bọc kín bằng silicon đàn hồi có bề mặt nhẵn hoặc sần sùi.

Những cải tiến về vỏ bọc silicon và bản thân chất silicon gel chứa bên trong chính là những ưu điểm của túi độn ngực thế hệ mới, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân:

  • Vỏ bọc chắc chắn hơn, không làm rỉ silicon gel ra ngoài (nguyên nhân của tình trạng hình thành nang cứng) và có độ bền cao;
  • Silicon gel dính có độ đặc cao hơn, không bị tràn ra trong trường hợp vỏ bọc bị vỡ.

Ngoài ra, túi độn ngực silicon thế hệ mới còn có nhiều hình dáng khác nhau, thích hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân. Ngoài loại túi độn có hình dáng tròn truyền thống, còn có túi độn hình giọt nước, giúp nâng ngực cao hơn, to hơn và tự nhiên hơn.

Với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, bệnh nhân có thể lựa chọn loại túi độn ngực theo hình dáng cơ thể và mong muốn của mình.

Những loại túi độn ngực khác

Vỏ bọc của túi độn ngực luôn luôn được làm bằng silicon đàn hồi, chất độn bên trong có thể khác nhau. Hiện nay, tại Pháp chỉ cho phép sử dụng hai loại silicon gel:

Nước muối sinh lýthực chất là nước muối (chiếm 70% cơ thể người). Loại túi độn này được nhà sản xuất “bơm sẵn” nước muối bên trong hoặc được bác sĩ phẫu thuật “bơm đầy” trong quá trình nâng ngực. Do chất độn bên trong túi độn là một loại chất lỏng chứ không phải chất keo nên ngực sẽ không tự nhiên, túi độn có thể tạo “nếp gấp” sờ thấy được hoặc thậm chí nhìn thấy được. Loại túi độn này còn có thể bị xẹp bất cứ lúc nào sau khi nâng ngực một thời gian ngắn.

Hydrogel: là chất mới nhất được Cơ quan Hành pháp của Pháp (French regulatory agency) phê chuẩn (năm 2005). Đây là một loại gel dạng nước có thành phần chủ yếu là nước và một loại chất có thành phần cơ bản là xen-lu-lo. Loại chất keo này có độ đặc tự nhiên hơn nước muối sinh lý và cũng có thể được hấp thụ vào trong cơ thể nếu bị rò rỉ ra khỏi vỏ bọc.

TRƯỚC KHI PHẪU THUẬT

Sau khi trao đổi với bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn và giải thích tất cả các lựa chọn khác nhau cho bệnh nhân hiểu; trong buổi khám tiền phẫu, lựa chọn phù hợp nhất cho từng trường hợp sẽ được đưa ra dựa trên các thông số liên quan (chiều cao, cân nặng, đang mang thai, đang cho con bú, hình dáng cơ thể, lượng mỡ trong cơ thể, kích thước của ngực trước khi phẫu thuật, trương lực cơ…)

Sau khi kiểm tra các thông số và các đặc điểm giải phẫu học của bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật sẽ lên kế hoạch phẫu thuật. Kế hoạch phẫu thuật được đưa ra dựa trên loại kỹ thuật ưa thích của bác sĩ, mong muốn của bệnh nhân, vị trí để lại sẹo, loại và kích thước túi độn, vị trí túi độn ở trước hay sau cơ. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám và làm xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ (tham khảo: xem thêm).

Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu theo chỉ định.

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê khám muộn nhất là 48 tiếng trước phẫu thuật.

Ngoài các xét nghiệm tiền phẫu thông thường, có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình (như chụp nhũ ảnh, siêu âm).

Không dùng thuốc chứa có aspirin trong 10 ngày trước phẫu thuật.

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn (không ăn và không uống) 6 tiếng trước phẫu thuật.

KỸ THUẬT GÂY MÊ VÀ THỜI GIAN NẰM VIỆN

Kỹ thuật gây mê: Phẫu thuật này luôn luôn được thực hiện với gây mê toàn thân, bệnh nhân sẽ ngủ suốt ca phẫu thuật. Loại gây mê “nửa tỉnh nửa mê” (gây mê tại chỗ kèm theo thuốc an thần tiêm tĩnh mạch) ít khi được áp dụng và sẽ được bác sĩ phẫu thuật trao đổi với bác sĩ gây mê.

Thời gian nằm viện: Thông thường bệnh nhân sẽ nằm lại bệnh viện 02 – 04 ngày.

Tuy nhiên, ca phẫu thuật có thể được thực hiện ngoại trú, bệnh nhân có thể ra về sau khi được bác sĩ theo dõi vài giờ.

THỦ THUẬT PHẪU THUẬT

Mỗi bác sỹ phẫu thuật đều có kỹ thuật riêng cho từng trường hợp để làm sao đem lại kết quả tốt nhất. Tuy nhiên có một số nguyên tắc chung như sau:

Đường rạch

Có thể thực hiện đường rạch ở nhiều vị trí khác nhau:

  • Quanh quầng vú: đường rạch sẽ nằm phía dưới viền núm vú hoặc nằm ngang núm vú (1 và 2);
  • Đường rạch ở nách: túi độn sẽ được đưa vào qua một đường rạch nhỏ dưới nách (3);
  • Dưới bầu ngực: đường rạch được thực hiện ở nếp gấp dưới vú (4)

Rạch ở đâu thì sẽ để lại sẹo ở đó, và như vậy, đường rạch sẽ được giấu dưới các nếp gấp tự nhiên trên da.

Vị trí đặt túi độn ngực

Với các vị trí rạch như trên, có thể đặt túi độn ngực ở một trong hai vị trí:

  • Túi độn ngực có thể được đặt trong mô ngực sau tuyến vú và trước cơ ngực; hoặc đặt sau cả tuyến vú và cơ ngực.
  • Ở đằng sau tuyến vú và trước cơ ngực to;
  • Ở đằng sau tuyến vú và sau cơ ngực to.

Phẫu thuật bổ sung

Trường hợp ngực bị sa trễ (chảy xệ, quầng vú thấp) có thể kết hợp với phẫu thuật nâng ngực; và như vậy sẽ để lại sẹo lớn hơn (xung quanh quầng vú hoặc sẹo theo chiều thẳng đứng)

Băng bó và dẫn lưu

Một ống dẫn lưu tại chỗ sẽ được gắn trong vài ngày sau khi phẫu thuật để dẫn lưu máu hoặc dịch xung quanh túi độn, nếu có.

Sau khi phẫu thuật xong, ngực bệnh nhân sẽ được băng lại bằng băng co giãn giống áo ngực.

Thời gian phẫu thuật tùy thuộc từng phẫu thuật viên và thường kéo dài hơn nếu có phẫu thuật bổ sung, nhưng nhìn chung, một ca phẫu thuật nâng ngực thường kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rưỡi.

SAU KHI PHẪU THUẬT

Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể thấy đau, nhất là khi túi độn có kích thước lớn và/hoặc được đặt sau cơ. Trong trường hợp bị đau, có thể sử dụng thuốc giảm đau trong vài ngày. Nếu không bị đau, bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy có sự căng cứng ở ngực.

Thông thường, ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ thấy ngực bị sưng, bầm và khó có thể giơ cánh tay lên được.

Bệnh nhân sẽ được thay băng sau vài ngày phẫu thuật bằng một loại băng khác nhẹ hơn, lúc này, bệnh nhân được khuyến cáo mặc một loại áo ngực có độ đàn hồi tốt cả ngày và đêm trong vòng vài tuần.

Nếu khâu bằng chỉ không tự tiêu, bệnh nhân sẽ được cắt chỉ sau phẫu thuật vài ngày.

Bệnh nhân cần nghỉ ngơi từ 5 đến 10 ngày trước khi làm việc trở lại.

Bệnh nhân chỉ nên chơi bất kỳ môn thể thao nào từ 1 đến 2 tháng sau phẫu thuật.

KẾT QUẢ PHẪU THUẬT   

Chỉ có thể thấy rõ kết quả phẫu thuật sau 2 đến 3 tháng, đây là khoảng thời gian cần thiết để ngực trở lại mềm mại và để ổn định túi độn.

Phẫu thuật nâng ngực không những giúp tăng kích thước ngực mà còn cải thiện hình dáng bầu ngực. Sẹo phẫu thuật thường khó thấy. Nâng ngực giúp cải thiện hình dáng cơ thể của bệnh nhân, nghĩa là bệnh nhân có thể tự tin diện các loại quần áo khác nhau. Ngoài tác dụng thẩm mỹ, phẫu thuật nâng ngực còn có những tác động tích cực về mặt tâm lý vì đem lại cho bệnh nhân vẻ ngoài nữ tính hơn.

Mục đích của phẫu thuật này là nhằm cải thiện chứ không hướng đến một sự hoàn hảo nào cả. Nếu mong muốn của bệnh nhân đủ thực tế, thì kết quả sẽ làm cho bệnh nhân hài lòng.

Kết quả kéo dài trong bao lâu

Túi độn có tuổi thọ riêng của nó (xem bên dưới), nhưng nếu không kể tuổi thọ của túi độn thì phẫu thuật nâng ngực nhằm tăng kích thước có tác dụng rất lâu dài.

Trường hợp ngoại lệ là khi bệnh nhân đặt lên ngực một sức nặng quá lớn. Khi đó, hình dáng và độ chắc của ngực độn, cũng giống như ngực tự nhiên, sẽ bị ảnh hưởng do tuổi tác và trọng lực, và ngực sẽ bị kéo xệ xuống sớm hay muộn tùy thuộc vào tuổi tác, chất lượng da cũng như kích thước túi độn.

Kết quả không mong muốn

Kết quả không mong muốn gồm:

  • Kích thước ngực không cân đối mặc dù đã sử dụng túi độn có kích thước khác nhau để khắc phục tình trạng này;
  • Ngực bị cứng, không mềm mại (đặc biệt là đối với túi độn lớn);
  • Ngực nhìn không tự nhiên, nhất là khi bệnh nhân quá gầy, có thể nhìn thấy viền trên của túi độn ngực;
  • Khi sờ vào ngực có thể cảm nhận được túi độn bên trong, nhất là khi vùng cơ thể phía trên túi độn đã được giảm độ dày bằng cách lấy bớt da, mỡ, và tuyến vú, và khi túi độn có kích thước lớn;
  • Ngực bị sa trễ nhiều hơn nhất là khi túi độn ngực có kích thước lớn.

Một số những kết quả không mong muốn nhất định có thể được khắc phục bằng cách phẫu thuật lại sau vài tháng kể từ phẫu thuật nâng ngực.

MỘT SỐ CÂU HỎI  THƯỜNG GẶP

Vấn đề có thai / cho con bú

Sau khi đặt túi độn ngực, bệnh nhân vẫn có thể mang thai vì không ảnh hưởng gì đến mẹ và bé, nhưng bệnh nhân chỉ nên có thai sau sáu tháng nâng ngực. Hầu hết các trường hợp nâng ngực đều vẫn có thể cho con bú được.

Các bệnh về miễn dịch

Nhiều nghiên cứu quốc tế về vấn đề mắc bệnh miễn dịch do nâng ngực đã chỉ ra rằng phụ nữ đặt túi độn ngực không có nguy cơ cao bị mắc loại bệnh hiếm gặp này hơn so với những phụ nữ khác.

Túi độn ngực và bệnh ung thư vú

Theo hiểu biết của chúng tôi, chúng tôi có thể khẳng định rằng hiện nay, túi độn ngực, kể cả túi độn ngực bằng silicon, không làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Tuy nhiên, túi độn ngực có thể làm cản trở việc thực hiện các kỹ thuật thăm dò, khám lâm sàng và sờ nắn, nhất là trong trường hợp hình thành lớp vỏ quanh silicon hoặc co rút bao sẹo quanh túi ngực. Túi ngực có thể gây khó khăn cho việc chụp và đọc kết quả chụp nhũ ảnh. Bệnh nhân nên thông báo trước khi chụp nếu có đặt túi ngực. Có thể áp dụng các kỹ thuật chụp x-quang khác như siêu âm, cộng hưởng từ… Ngoài ra, nếu nghi ngờ khi chẩn đoán ung thư vú, thì các kỹ thuật khảo sát xâm lấn có thể được áp dụng để chẩn đoán chính xác hơn.

Tuổi thọ của túi độn ngực

Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân đặt túi độn ngực mà không gặp bất kỳ vấn đề gì trong vài chục năm, tuy vậy, cũng không thể khẳng định rằng túi độn ngực, dù làm bằng silicon gel hay nước muối sinh lý có tuổi thọ trong một khoảng thời gian cụ thể, túi độn không phải là một loại vật liệu cấy ghép có thể sử dụng cả đời. Bệnh nhân đã đặt túi độn ngực nên nhớ rằng đến một lúc nào đó sẽ cần phải thay túi độn nếu muốn duy trì tác dụng nâng ngực ban đầu. Cũng không thể dự đoán tuổi thọ của một túi độn ngực, dù là loại nào, vì nó còn phụ thuộc vào độ hao mòn vốn không ổn định.

Tuy nhiên, túi độn ngực thế hệ mới lâu hao mòn hơn và đáng tin cậy hơn. Khái niệm cho rằng cần thay túi độn ngực sau 10 năm không còn đúng nữa, túi độn thế hệ mới chỉ được thay khi phát hiện có vấn đề, hoặc khi bệnh nhân muốn thay đổi kích thước, hình dáng túi độn hoặc để khắc phục tình trạng ngực chảy xệ

Theo dõi

Bệnh nhân cần đến tái khám theo đúng hẹn với bác sĩ trong những tuần và tháng đầu sau phẫu thuật. Tiếp theo sau giai đoạn này, bệnh nhân cần khám định kỳ với bác sĩ phụ khoa và chụp nhũ ảnh thường quy. Khi khám, bệnh nhân phải báo cho bác sĩ biết là mình có đặt túi độn ngực.

Bệnh nhân nên đến bác sĩ để kiểm tra túi độn ngực 2 đến 3 năm một lần. Ngoài ra, nếu thấy ngực có thay đổi hoặc gặp sự cố ảnh hưởng đến ngực, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay.

NHỮNG BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP

Phẫu thuật tạo hình nâng ngực bằng túi độn, ngay cả khi được thực hiện nhằm mục đích thẩm mỹ, cũng là một thủ thuật phẫu thuật đích thực, nên vẫn chứa những rủi ro liên quan về mặt y khoa, dù nặng nhẹ đến đâu.

Những biến chứng liên quan đến phẫu thuật hoặc những biến chứng về mặt thẩm mỹ có thể xảy ra như:

  • Rủi ro liên quan đến gây mê: bác sỹ gây mê sẽ thông báo tất cả những rủi ro liên quan đến gây mê cho bệnh nhân biết. Nên biết rằng gây mê có thể gây ra những phản ứng không lường của cơ thể và rất khó kiểm soát. Theo thống kê, một bác sỹ gây mê giàu kinh nghiệm có thể giúp hạn chế các rủi ro đó trong phẫu thuật.

Trên thực tế, các kỹ thuật, sản phẩm gây mê và phương pháp theo dõi gây mê đã phát triển đáng kể từ hơn 20 năm qua, đem lại sự an toàn tối đa, nhất là đối với những ca phẫu thuật không thuộc dạng cấp cứu và sức khoẻ của bệnh nhân tốt.

  • Rủi ro liên quan đến phẫu thuật: một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ giỏi và có kinh nghiệm thực hiện thủ thuật phẫu thuật này sẽ hạn chế được, chứ không thể hoàn toàn loại trừ, những rủi ro liên quan đến phẫu thuật.

Nói chung, quá trình hồi phục sau phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn thường không có vấn đề gì khó khăn. Tuy nhiên, cũng có thể có biến chứng xảy ra, trong đó, một vài biến chứng là do phẫu thuật ngực, một vài biến chứng khác là do cấy vật lạ vào trong cơ thể: những biến chứng đó gọi là rủi ro liên quan đến túi độn ngực.

Những biến chứng liên quan đến phẫu thuật ngực:

Tràn dịch, nhiễm trùng

  • Máu tụ: có thể có máu tụ xung quanh túi độn ngực ngay sau khi phẫu thuật. Trường hợp máu chảy nhiều, bệnh nhân có thể được đưa trở lại phòng mổ để rút máu ra và ngăn chặn tình trạng chảy máu.
  • Tràn dịch: là hiện tượng dịch bạch huyết tích tụ xung quanh túi độn. Hiện tượng này thường phổ biến và kèm theo sưng ngực. Tràn dịch làm cho kích thước ngực, ở một bên hoặc cả hai bên, tăng lên, nhưng sau đó sẽ từ từ giảm dần và hết;
  • Nhiễm trùng: phẫu thuật nâng ngực thường ít bị nhiễm trùng. Khi xảy ra nhiễm trùng, có thể điều trị bằng nhiều hơn một đợt kháng sinh và lấy túi độn ngực ra trong vài tháng sau khi dẫn lưu (sau thời gian này, có thể đặt lại túi ngực khác)

Có ba loại nhiễm trùng:

  • Tịnh nhiễm: loại nhiễm trùng này biểu hiện rất ít triệu chứng và thường xuất hiện sau vài năm phẫu thuật;
  • Vi áp-xe: gặp nhiều hơn loại tịnh nhiễm, thường xảy ra tại vết khâu và hết sau khi cắt chỉ và điều trị tại chỗ;
  • Hội chứng sốc do độc tố: loại nhiễm trùng này hiếm khi xảy ra.
  • Hoại tử da: Biến chứng này xảy ra khi mô bị thiếu oxy do máu không được cung cấp đầy đủ đến vùng phẫu thuật. Biến chứng này dễ xảy ra hơn nếu bệnh nhân bị cao huyết áp, bị tụ máu, bị nhiễm trùng hoặc hút nhiều thuốc. Mặc dù hiếm gặp, nhưng nếu nặng, biến chứng này rất đáng lo ngại vì sẽ để lộ túi độn ra ngoài, đáng chú ý là vết khâu có thể bị bung. Trong trường hợp này, thường sẽ phải phẫu thuật lại để lấy túi độn ra.
    Sẹo không bình thường: quá trình lành sẹo thường không dự đoán trước được và sẹo thường không như ý muốn. Sẹo có thể quá lớn, co rút, màu quá đậm hoặc quá nhạt, phình, hoặc hiếm khi bị sẹo lồi.
  • Thay đổi về cảm giác: biến chứng này thường xảy ra trong những tháng đầu sau phẫu thuật nhưng sẽ hết dần theo thời gian. Hiện tượng rối loạn cảm giác (tăng hoặc giảm độ nhạy cảm), mặc dù hiếm nhưng, có thể xảy ra ở xung quanh quầng vú và núm vú.
  • Tiết sữa/tràn sữa: Đã có báo cáo về các biến chứng rất hiếm gặp và chưa được giải thích này, trong đó hoóc môn bị kích thích sau phẫu thuật, làm tăng tiết sữa, đôi khi sữa còn tích tụ xung quanh túi độn ngực.
  • Tràn khí màng phổi: Rất hiếm xảy ra và có thể điều trị đặc hiệu.

Rủi ro liên quan đến túi độn ngực:

  • Tạo nếp gấp hoặc nhăn: Túi độn mềm và tự nhiên, vì thế vỏ túi độn có thể dễ dạng bị nhăn, những nếp nhăn này có thể sờ được hoặc nhìn thấy được ở một số vị trí nhất định trên da, gây hiệu ứng “gợn sóng”.
  • Co rút bao sẹo quanh túi ngực: Việc hình thành lớp vỏ xơ bọc xung quanh túi độn là một phản ứng bình thường của cơ thể. Phản ứng bình thường khi có vật lạ trong cơ thể là cô lập cơ thể với vật lạ đó bằng một màng kín xung quanh gọi là “vỏ bọc xung quanh túi độn”. Lớp màng bọc này thường mỏng, dẻo và không nhận thấy được, nhưng cơ thể có thể gia tăng mức độ phản ứng và làm dày lớp vỏ bọc này thành lớp xơ và co rút gây lực ép lên túi độn ngực, lúc này lớp vỏ bọc được gọi là “vỏ cứng”. Có 4 giai đoạn tạo thành lớp vỏ cứng này, từ giai đoạn bình thường, không phát hiện được đến các hình thức nặng hơn làm cho ngực trông cứng hơn, tròn hơn và đơ hơn, vì thế gây đau hơn.

Co rút bao sẹo quanh túi ngực thường xảy ra sau khi bị nhiễm trùng hoặc tụ máu, nhưng thường không có nguyên nhân rõ ràng, do vậy không thể dự đoán được phản ứng hữu cơ.

Trong những năm gần đây, các kỹ thuật phẫu thuật đã có những bước tiến lớn, đặc biệt là cải tiến về thiết kế và sản phẩm túi độn ngực, nghĩa là biến chứng co rút bao sẹo quanh túi độn ngực ít xảy ra hơn và ít nghiêm trọng hơn. Nếu cần, có thể cắt bỏ vỏ bọc quanh túi ngực bằng một thủ thuật phẫu thuật (thủ thuật cắt vỏ bọc).

  • Vỡ túi độn: Vì túi độn ngực có tuổi thọ giới hạn, nên túi độn có thể bị thủng và vỏ silicon đàn hồi của túi độn có thể hư hỏng. Túi độn có thể bị thủng, bị rò rỉ hoặc tràn ra ngoài. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra do tại nạn, do có vật nhọn đâm hoặc do quá trình sản xuất. Tuy nhiên, biến chứng này thường là do túi độn bị hao mòn theo thời gian.

Tất cả các trường hợp bị vỡ túi độn sẽ làm cho chất độn bên trong bị rò rỉ ra ngoài, gây nhiều hậu quả khác nhau tùy loại sản phẩm:

  • Nếu túi ngực được độn bằng nước muối sinh lý hoặc hydrogel, túi ngực sẽ bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn ngay lập tức hoặc từ từ;
  • Đối với silicon gel (không tan), chất độn này sẽ nằm lại trong màng bọc xung quanh túi độn;

Trường hợp này có thể tại vỏ bọc hoặc không phát hiện ra.

Trong một vài trường hợp hiếm gặp hơn (chủ yếu là do chất keo hiện đại có độ dính cao hơn), chất keo có thể thâm nhập từ từ vào những mô xung quanh.

Khi túi độn ngực bị rách, thường sẽ phải phẫu thuật lại để thay túi độn.

  • Đặt túi độn sai vị trí.

Việc đặt túi độn sai vị trí hoặc xê dịch túi độn làm ảnh hưởng đến hình dáng của bầu ngực và đôi khi phải phẫu thuật lại để điều chỉnh.

  • Túi độn bị xoay.

Mặc dù hiếm gặp trong thực tế, nhưng trên lý thuyết, việc túi độn bị xoay có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ.

  • Biến dạng thành ngực.

Trong những trường hợp hiếm gặp, túi độn có lớp vỏ xơ bao bọc xung quanh trong một thời gian dài có thể “hằn” lên trong mô, khi lấy ra sẽ làm biến dạng thành ngực khiến cho việc chỉnh sửa khó khăn hơn.

Hãy chia sẻ với chúng tôi những cảm nghĩ của bạn.

Những thông tin trong tài liệu này sẽ được cập nhật thường xuyên.

Chúng tôi rất mong sẽ nhận được những ý kiến đóng góp từ phía quý bệnh nhân để tài liệu này được hoàn thiện hơn.  Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Hội đồng Hướng dẫn và Giáo dục Bệnh nhân, Bệnh viện FV, số 06 Nguyễn Lương Bằng, Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), Quận 7, Tp.HCM, Việt Nam.

E-mail: patient.eduacation@fvhospital.com