Lần thứ 5 cầm trên tay que thử thai với 2 vạch đậm, chị Chen Tsai Ling (41, tuổi, quốc tịch Trung Quốc) vừa mừng vừa lo; ký ức về hai lần sảy thai và hai lần sinh non khiến chị không yên lòng…
Song, nhờ kế hoạch chăm sóc thai kỳ đặc biệt cho thai phụ có nguy cơ sinh non tại bệnh viện FV, chị Ling đã sinh em bé đủ ngày đủ tháng, mẹ tròn con vuông.
Niềm vui của gia đình chị Chen Tsai Ling khi đón em bé thứ 3 chào đời đủ tháng khỏe mạnh .
Lên kế hoạch chăm sóc thai kỳ đặc biệt cho thai phụ có nguy cơ sinh non
Chị Ling nhớ lại, khi mang thai con đầu lòng năm 2011, mọi thông tin về sức khỏe thai kì, chế độ ăn uống đều được chị và chồng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên bước sang tháng thứ 7, khi khám thai định kỳ, bác sĩ thông báo chị có dấu hiệu dọa sinh non. Sau 1 tháng theo dõi kết hợp sử dụng thuốc, song đứa con đầu lòng của anh chị vẫn chào đời sớm. Lần đầu làm mẹ cùng chuỗi ngày chăm con sinh non với chị vô cùng vất vả và khó khăn. Và tới lần sinh con thứ 2, năm 2014, em bé cũng chào đời sớm, vào tuần thứ 34 của thai kỳ.
Từng trải qua 2 lần sảy thai, và hai lần sinh con đều thiếu tháng, do vậy đến lần thứ 5 mang thai, cả hai vợ chồng đều lo lắng. Được bạn bè giới thiệu, vợ chồng chị đã tìm đến Bệnh viện FV. Bác sĩ Ngô Trung Nam, Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện FV trực tiếp khám và tư vấn cho thị Ling khi thai được 5 tuần 5 ngày tuổi.
Qua siêu âm, bác sĩ nhận thấy cổ tử cung của người mẹ có cấu tạo bất thường, dễ có nguy cơ sinh non. Chị Ling có tiền sử sinh non và sảy thai, đồng thời tuổi cũng khá lớn, nếu không theo phác đồ điều trị đặc biệt thì sẽ rất khó giữ được bé sinh đủ tháng. May mắn là gia đình đã thăm khám sớm nên việc lập kế hoạch tầm soát sinh non được chủ động hơn.
Sau khi thống nhất với gia đình, bác sĩ Nam đã lên một phác đồ theo dõi chi tiết cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại để giúp chị Ling có một thai kì an toàn, khỏe mạnh và nỗ lực để bé chào đời đủ tháng. Thông qua biểu đồ tăng trưởng thai nhi được vẽ tự động trên phần mềm MonEcho của Pháp, bác sĩ dễ dàng lên lịch theo dõi sức khỏe thai phụ, chủ động cho các tình huống xảy ra.
“Ở tuần 21, nhận thấy thai phụ Ling có dấu hiệu dọa sinh non, chúng tôi đặt vòng chống sinh non cho chị. Vòng này được tháo ra trước ngày sinh 1 tuần. Đồng thời, chúng tôi có bổ sung thuốc và can thiệp để cố gắng hỗ trợ thai phụ. Mục tiêu ban đầu là giữ em bé đến tuần thứ 34. Sau khi vượt qua được tuần 34 thì chúng tôi lại nâng mục tiêu lên tuần thứ 37. Từng bước một, chúng tôi nâng mục tiêu dần lên, cuối cùng em được sinh ra đủ tháng đủ ngày”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Chị Ling cho biết, chính nhờ sự động viên và hỗ trợ sát sao từ bác sĩ, chị đã vượt qua mọi mệt mỏi khó chịu của thai kỳ, đón con chào đời đủ tháng, cứng cáp và khỏe mạnh.
“Trong hai lần sinh trước, lúc sinh tôi rất đau, thậm chí tôi cứ tưởng mình sẽ chết ngay lúc đó… Thật may khi lần này tại bệnh viện FV tôi sinh con dễ dàng, không có cảm giác đau đớn”, chị Ling vui vẻ chia sẻ vào ngày 13/12/2022 trước khi xuất viện.
Em bé chào đời đủ tháng
Anh Nguyễn Đình Của – chồng chị Ling – vui sướng và thở phào vì trút được nỗi lo lâu nay. “Lần thứ 5 có thai ở tuổi tứ tuần, sức khỏe vợ tôi cũng đã giảm sút, cộng thêm tiền sử 2 lần sinh non, 2 lần sảy thai, chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi tin tưởng vào sự tư vấn nhiệt tình và rõ ràng của bác sĩ Nam”, anh Của kể lại. Anh nói thêm, chính nhờ tin tưởng vào bác sĩ, gia đình anh đã đón thiên thần nhỏ chào đời đủ tháng khỏe mạnh, sức khỏe của vợ anh sau sinh cũng rất tốt.
Tầm soát sinh non: công cụ hữu ích để có thai kỳ suôn sẻ
Thông thường, một thai kỳ sẽ diễn ra trong khoảng 40 tuần. Sinh non là khi trẻ được sinh ra ở mốc 22 đến trước 37 tuần, đây được xem là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm ước tính trên toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, chiếm tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Khoa sản phụ khoa Bệnh viện FV tư vấn cho thai phụ
Sinh non cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số vấn đề phổ biến đối với trẻ sinh non bao gồm rối loạn thân nhiệt, hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thiếu máu nhiễm trùng sơ sinh… Ngoài ra, về lâu dài trẻ có nguy cơ gặp các tình trạng như chậm phát triển ngôn ngữ, các vấn đề về tăng trưởng và vận động, hệ hô hấp, thị lực…
Bác sĩ Nam cho biết, mặc dù có nhiều thuốc men, công cụ hiệu quả để hỗ trợ thai phụ nhưng sinh non đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối của sản khoa. Do đó việc tầm soát nguy cơ sinh non, thăm khám trong suốt thai kỳ để chủ động lên kế hoạch tránh sinh non là rất cần thiết .
Theo bác sĩ Nam, nguyên nhân gây sinh non có thể do cổ tử cung người mẹ có bất thường, hoặc do viêm nhiễm âm đạo, viêm nhiễm trùng tiểu không triệu chứng, tai nạn từ bên ngoài, một số trường hợp không rõ nguyên nhân…
Để đánh giá thai phụ có nguy cơ sinh non hay không, bác sĩ Bệnh viện FV sẽ theo dõi chiều dài, hình dáng cổ tử cung, kết hợp các số liệu về tuổi thai, kích thước thai,… Tất cả các số liệu này được cập nhật trên phần mềm MonEcho, từ đó cho ra kết quả nguy cơ sinh non ở tuổi thai 34, 35 tuần là bao nhiêu %. Dựa trên số liệu này, các bác sĩ Bệnh viện FV sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp thai phụ.
Nhờ có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện FV tư vấn tầm soát sinh non cho thai phụ, giảm thiểu tình trạng sinh non bằng việc thăm khám, theo dõi kịp thời, từ đó có kế hoạch sẵn sàng cho mọi tình huống, với mục đích giúp thai phụ sinh con đủ tháng, mẹ tròn con vuông.
Để được tư vấn thêm, bạn đọc có thể liên hệ Bệnh viện FV qua số máy: (028) 54113333