Bị giác mạc hình chóp nặng, Đặng Hữu Toàn tưởng chừng phải dừng việc học, dang dở tương lai do mắt gần như không còn nhìn thấy, nhưng cuối cùng em đã được chuyên gia hàng đầu thế giới – GS BS Donald Tan ghép giác mạc kịp thời tại Bệnh viện FV.
Nỗi sợ phải sống trong bóng tối suốt đời
Giữa năm 2021, Đặng Hữu Toàn (15 tuổi, Đắk Lắk) nhận thấy 2 mắt mờ dần, đọc chữ ngày càng khó khăn. Ban đầu, chị Đồng Thị Lành – mẹ bé – nghĩ rằng con bị cận thị do học online nhiều giờ liền trên máy tính. Chị đưa con đi kiểm tra mắt tại địa phương và bác sĩ chẩn đoán Toàn mắc bệnh giác mạc hình chóp.
Đặng Hữu Toàn và mẹ kể về hành trình tìm lại ánh sáng.
Bệnh giác mạc hình chóp là tình trạng giác mạc không có hình cầu như bình thường mà lồi ra ngoài thành hình chóp hoặc hình nón. Giác mạc hình chóp có thể làm thị lực mờ dần và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng. Tình trạng bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
“Khi được thông báo về tình trạng bệnh của con, đang đứng mà tôi khụy luôn xuống bàn làm việc của bác sĩ. Tôi suy sụp và mất ăn mất ngủ suốt 2 ngày trời vì tự trách mình vô tâm, thiếu kiến thức để con bị như vậy mà không phát hiện”, chị Lành kể lại.
Sau đó, chị đưa con đến một bệnh viện mắt lớn tại TPHCM để tìm cách chữa chạy. Tại đây, Toàn được phẫu thuật cross linking (nhỏ vitamin B2 và chiếu tia cực tím lên giác mạc) để làm chậm tiến triển giác mạc chóp của mắt trái. Riêng mắt phải, tình trạng đã quá nặng, chỉ có thể ghép giác mạc. Nhưng bệnh viện lại không có nguồn giác mạc để ghép cho bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm, chị Lành được biết nguồn giác mạc hiến tặng tại Việt Nam rất hạn chế. Điều này càng khiến người mẹ khổ tâm, khi nghĩ đến tương lai con phải sống trong bóng tối.
“Lúc đó, tôi chỉ mong biết được nơi nào có thể ghép giác mạc để đưa con mình đến chữa trị”, chị nói.
Sau đó, chị được một người quen cho biết Bệnh viện FV có nguồn giác mạc nhập khẩu từ ngân hàng giác mạc hiến tặng tại Mỹ và hợp tác với Giáo sư Donald Tan – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giác mạc Thế giới từ Singapore – để triển khai các ca ghép giác mạc cho bệnh nhân Việt Nam ngay tại FV. Chương trình bắt đầu từ năm 2016 và đã mang ánh sáng trở lại với hàng chục bệnh nhân, kể cả những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lành lập tức đưa con đến Bệnh viện FV.
Sự phục hồi kỳ diệu
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai – Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật Khúc xạ – Bệnh viện FV, bệnh nhân đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng. Thị lực mắt trái còn khoảng 1-2/10, riêng mắt phải gần như không thấy gì, chỉ nhận biết được ánh sáng. Hữu Toàn được chỉ định ghép giác mạc mắt phải và mang kính áp tròng điều trị giác mạc hình chóp cho mắt trái.
Ca phẫu thuật ghép giác mạc của Toàn tại bệnh viện FV thành công.
Đến tháng 5/2022, trường hợp của Toàn là 1 trong 7 ca mới nhất được bác sĩ Donald Tan ghép giác mạc tại Bệnh viện FV sau gần 3 năm chương trình ghép giác mạc của bệnh viện này gián đoạn vì Covid-19.
Chia sẻ về trường hợp trên, vị chuyên gia ghép giác mạc hàng đầu thế giới cho biết, giác mạc của Toàn đã bị tổn thương sâu, buộc phải thực hiện ghép giác mạc xuyên – tức thay toàn bộ giác mạc. Nếu được phát hiện sớm hơn, bệnh nhân chỉ cần thay lớp mô ở phần trước giác mạc và giữ nguyên lớp mô bên trong – còn gọi là ghép lớp hay ghép giác mạc phiến.
“Lợi thế chính của thủ thuật ghép giác mạc phiến là giảm đáng kể nguy cơ thải ghép giác mạc, xuống chỉ còn 1-2% so với tỷ lệ 10-15% của ghép giác mạc xuyên. Rất may là bệnh nhân đáp ứng tốt”, ông cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai – Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật Khúc xạ, bệnh viện FV – kiểm tra thị lực cho Toàn.
Tái khám sau 5 tháng, thị lực của Toàn phục hồi kỳ diệu. Mắt phải từ chỗ gần như không nhìn thấy gì, sau khi ghép giác mạc đã đạt 8/10. Bác sĩ Mai cho biết, thị lực có thể còn tăng lên sau khi cắt chỉ (khoảng 6 tháng sau). Riêng mắt trái, thị lực lên đến 10/10 khi đeo kính áp tròng điều trị giác mạc hình chóp. Sau một năm nghỉ học vì biến cố sức khỏe, Toàn đã có thể đi học lại, viết tiếp ước mơ tương lai tưởng chừng phải dang dở.
“Tôi biết ơn bác sĩ Donald Tan, bác sĩ Nguyễn Thị Mai cũng như các y tá điều dưỡng của bệnh viện FV. Cuối cùng con tôi đã tìm lại được ánh sáng”, chị Lành xúc động tâm sự.
Cơ hội tìm lại ánh sáng cho bệnh nhân Việt Nam
Sau nhiều năm hợp tác với Bệnh viện FV, giáo sư Donald Tan nhận thấy các ca bệnh về giác mạc tại Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với ở Singapore.
Nguyên nhân, theo ông, là do các bệnh lý về giác mạc bẩm sinh tại Việt Nam khá nhiều nhưng việc phát hiện bệnh lại muộn. Một phần do tâm lý bệnh nhân thường chờ đến khi bệnh tiến triển nặng rồi mới đi kiểm tra; một phần do hạn chế về trang thiết bị cũng như trình độ chuyên môn của các bác sĩ. Đơn cử như với bệnh giác mạc hình chóp, bệnh chỉ có thể phát hiện ở giai đoạn sớm bằng các máy móc tân tiến, không phải bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa nào cũng có.
Giáo sư Donald Tan tin tưởng chọn lựa Bệnh viện FV làm nơi ghép giác mạc cho bệnh nhân Việt Nam.
Nhằm mang cơ hội phục hồi thị lực cho bệnh nhân Việt Nam, nhiều năm qua, ông đã hợp tác với Bệnh viện FV, thực hiện các ca cấy ghép giác mạc cho bệnh nhân do FV gửi sang Singapore. Tuy nhiên, chi phí đi lại và nằm viện tại Singapore khá đắt đỏ. Ông đã quyết định thực hiện các ca ghép giác mạc ngay tại Bệnh viện FV, nhằm giảm tối đa chi phí cho bệnh nhân, mở ra cơ hội sáng mắt cho nhiều người dân Việt Nam hơn nữa.
“Với nguồn giác mạc sử dụng cho bệnh nhân, tôi luôn có sự chọn lọc kỹ càng. Chỉ những giác mạc mà tế bào bên trong còn tươi mới, khỏe mạnh và trong suốt được nhập khẩu từ các ngân hàng mắt lớn ở Mỹ và Singapore – những nơi xử lý và bảo quản giác mạc được hiến tặng hàng đầu thế giới – mới được chọn để cấy ghép cho bệnh nhân”, bác sĩ chia sẻ. Theo ông, chất lượng giác mạc rất quan trọng cho sự thành công của ca ghép – nếu giác mạc chất lượng thấp sẽ có nguy cơ mất một cuộc mổ mà bệnh nhân vẫn không tìm lại được ánh sáng.
Ngoài ra, bác sĩ Donald Tan chia sẻ thêm, nơi tiến hành phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu là bệnh viện FV – bệnh viện có máy móc và trang thiết bị hiện đại, tối tân; đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng lành nghề, được đào tạo tốt; nên ông cảm thấy rất yên tâm khi thực hiện các ca ghép giác mạc tại FV.