Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có đợt đánh giá chất lượng Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu, trong hai ngày 26, 27/11/2021. Lĩnh vực được đánh giá đợt này phần lớn là các xét nghiệm hóa sinh và huyết học, dựa trên tiêu chuẩn ISO 15189:2012 và ARLM 03:2020.
Trong 09 xét nghiệm mới được chứng nhận đợt này, có 05 xét nghiệm sinh hóa (gồm: Cholesterol, HDL, LDL, Triglyceride) và 04 xét nghiệm huyết học (gồm: WBC, RBC, HGB, PLT). Tổng kết cho đến nay, toàn Khoa có 16 xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012.
Tiêu chuẩn ISO 15189 tuy được điều chỉnh để phù hợp với từng quốc gia, nhưng vẫn là thước đo chính thức trên quy mô quốc tế về năng lực, chất lượng và sự chuyên nghiệp của các phòng thí nghiệm. Tại nhiều nước trên thế giới, các phòng thí nghiệm chỉ được phép cung cấp dịch vụ xét nghiệm sau khi đã chứng minh năng lực, thông qua chứng nhận ISO 15189. Mặc dù điều này chưa bắt buộc tại Việt Nam, nhưng FV muốn thông qua các chứng nhận này, các bác sĩ và bệnh nhân sẽ có thêm cơ sở để xác định chất lượng, năng lực của Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu. Độ tin cậy của các kết quả xét nghiệm có ảnh hưởng lớn đến các chỉ định của các bác sĩ, cũng như tác động đến quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Theo đó, Đoàn Chuyên gia Đánh giá từ Văn phòng Công nhận Chất lượng đã nhận xét, Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu tại FV vẫn duy trì và áp dụng tốt hệ thống quản lý chất lượng, phù hợp với yêu cầu của 2 bộ tiêu chuẩn ISO 15189:2012 và ARLM 03:2020. Nhân viên tại Khoa cũng được đánh giá tốt và được đào tạo chuyên môn đúng ngành. Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng đã đáp ứng chất lượng và đầy đủ yêu cầu mà tiêu chuẩn quy định.
Anh Friend Maviza (Trưởng Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu) chia sẻ: “Đợt đánh giá giúp chúng tôi khẳng định những cam kết của Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu về chất lượng, tiêu chuẩn trong các xét nghiệm y khoa. Đánh giá cũng đề cao giá trị của làm việc nhóm trong việc cải tiến chất lượng xét nghiệm và tôi rất tự hào khi làm việc cùng với nhóm của mình”. Bên cạnh đó, anh cho rằng sự hỗ trợ từ các khoa, phòng ban khác trong bệnh viện là yếu tố mang đến thành công trong các đợt đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.
Trong bối cảnh dịch bệnh những năm gần đây, Bộ Y tế rất chú trọng vào vấn đề kiểm tra, giám sát và khuyến khích các phòng xét nghiệm y tế trong nước theo đuổi các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là tiêu chuẩn ISO 15189. Điều này vừa giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, vừa là mấu chốt giúp phòng chống dịch COVID-19. Nhân sự toàn Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu do đó đã luôn cố gắng học hỏi và duy trì các tiêu chí chất lượng này, mặc dù nó hiện không phải là một yêu cầu bắt buộc tại Việt Nam.
Để duy trì chất lượng thì ngay từ lần đánh giá ISO 15189 đầu tiên, Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu đã cố gắng đưa các tiêu chí này vào thực hành hằng ngày. Do đó, mọi nhân viên đều thông thuộc các cách thức làm việc đúng tiêu chuẩn và luôn sẵn sàng trước mỗi cuộc đánh giá. Khi đoàn đánh giá đến, họ chỉ cần chứng minh và giải thích công việc thông thường mỗi ngày của mình.
“Hiện tại, chúng tôi là phòng xét nghiệm duy nhất tại Việt Nam hoạt động tại bệnh viện đạt chứng nhận JCI, đồng thời được công nhận theo tiêu chuẩn ISO 15189 và chứng nhận Westgard Sigma VP. Tôi cũng rất vui khi chúng tôi là phòng xét nghiệm tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được phép xác nhận kết quả COVID-19 bằng Realtime PCR”- anh Friend Maviza nhấn mạnh.
Ngoài các điểm mạnh, Đoàn Chuyên gia Đánh giá cũng đã nêu ra một số khuyến nghị để FV hoàn thiện hơn khâu xét nghiệm. Dự kiến trong đầu năm 2022, các lưu ý nhỏ này sẽ được khắc phục, để mang tới chất lượng xét nghiệm tốt nhất cho bệnh nhân. Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu cũng hướng tới mục tiêu duy trì và phát huy các tiêu chí trong hệ thống chất lượng mà họ đã được công nhận. Bên cạnh đó, Khoa Xét nghiệm hy vọng sẽ mở rộng thêm các lĩnh vực xét nghiệm khác, cũng như xây dựng được hệ thống phòng xét nghiệm tại Phòng khám Đa khoa FV Sài Gòn.