Bài viết thoái hóa hoàng điểm giúp cung cấp thông tin y khoa đáng tin cậy, do đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV – Bệnh viện đa khoa quốc tế (thuộc Tập đoàn Y tế Thomson) biên soạn.
HOÀNG ĐIỂM LÀ GÌ?
Hoàng điểm là một phần của võng mạc ở phía sau mắt, tuy chỉ rộng khoảng 5mm nhưng giữ chức năng làm thị lực trung tâm, giúp nhận biết màu sắc và chi tiết của hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy.
Hoàng điểm tập trung rất nhiều tế bào cảm thụ ánh sáng – là tế bào tiếp nhận ánh sáng. Các tế bào này sẽ gửi tín hiệu đến não bộ, để não bộ xử lý dưới dạng hình ảnh. Phần còn lại của võng mạc sẽ xử lý thị lực ngoại vi, hoặc thị lực hai bên.
THOÁI HÓA HOÀNG ĐIỂM DO TUỔI TÁC LÀ GÌ?
Thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác (THHĐDTT) thường ảnh hưởng đến những người trên 60 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi hơn. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng nhiều.
Ở tuổi 60, cứ 200 người thì có một người bị THHĐDTT. Tuy nhiên, đến tuổi 90, cứ 5 người thì có một người mắc bệnh. Tất cả chúng ta đang sống thọ hơn nên số người bị ảnh hưởng ngày càng tăng. THHĐDTT là nguyên nhân thường gặp nhất gây mất thị lực ở các nước phát triển.
Có hai dạng Thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác:
- THHĐDTT thể khô là tình trạng thoái hóa dần hoàng điểm do các tế bào võng mạc chết đi và không được tái tạo. THHĐDTT thể khô có diễn tiến bệnh khác nhau, nhưng bệnh thường phát triển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm ở hầu hết bệnh nhân. Bệnh nhân thường vẫn nhìn thấy như bình thường trong một thời gian. Hiện không có phương pháp điều trị cho THHĐDTT thể khô.
- THHĐDTT thể ướt xảy ra khi các mạch máu bất thường tăng trưởng bên trong hoàng điểm. Những mạch máu này rò rỉ máu hoặc dịch làm hình thành sẹo tại hoàng điểm và nhanh chóng gây mất thị lực trung tâm. THHĐDTT thể ướt có thể xảy ra rất đột ngột. Hiện nay, bệnh có thể được điều trị nếu phát hiện sớm.
Khoảng 10-15% bệnh nhân bị THHĐDTT thể khô chuyển sang THHĐDTT thể ướt, vì vậy khi được chẩn đoán bệnh ở thể khô và nhận thấy có sự thay đổi thị lực đột ngột, hãy liên hệ ngay với kỹ thuật viên đo mắt hoặc bác sĩ nhãn khoa ở bệnh viện.
Nếu bạn bị thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác ở một bên mắt, mắt còn lại có thể bị ảnh hưởng trong vòng vài năm.
TRIỆU CHỨNG THHĐ DO TUỔI TÁC
THHĐDTT ảnh hưởng đến bệnh nhân theo những cách khác nhau. Nếu bệnh nhân bị THHĐDTT thể khô thì các triệu chứng có thể xuất hiện từ từ, đặc biệt là khi chỉ xảy ra ở một bên mắt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, thị lực sẽ thay đổi rõ ràng.
- Thị lực có thể xuất hiện các vùng trống hoặc vùng tối (như vết nhòe trên kính), đặc biệt là khi nhìn vật đầu tiên vào buổi sáng.
- Hình ảnh trước mắt bạn có thể thay đổi hình dạng, kích thước hay màu sắc hoặc dường như di chuyển hay biến mất.
- Màu sắc có thể nhạt dần.
- Có thể cảm thấy chói lóa khi nhìn thấy ánh sáng và khó chịu hoặc khó thích ứng với ánh sáng khi đi từ trong tối ra ngoài sáng.
- Các chữ có thể biến mất khi đọc.
- Các đường thẳng như khung cửa và cột đèn có thể bị lượn sóng hoặc uốn cong.
CHẨN ĐOÁN
Bác sĩ nhãn khoa sẽ đặt câu hỏi để tìm hiểu về những thay đổi gần đây của thị lực trung tâm và tiến hành khám mắt toàn diện.
- Lưới Amsler, là một tờ giấy vẽ ô ca rô trông như một bàn cờ. Những thay đổi của thị lực trung tâm ở giai đoạn sớm sẽ làm cho bệnh nhân nhìn thấy các đường thẳng bị lượn sóng bên trong lưới
- Dùng thuốc nhỏ mắt để mở rộng (giãn) đồng tử. Đồng tử giãn giúp bác sĩ nhãn khoa quan sát phía sau mắt rõ ràng.
- Chụp mạch huỳnh quang đáy mắt: Thuốc nhuộm được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay để đi đến mắt, giúp hiện rõ các mạch máu ở võng mạc để có thể chụp ảnh. Bệnh nhân cần lưu ý là thuốc nhuộm sẽ làm thay đổi tạm thời màu sắc của nước tiểu.
- Chụp cắt lớp đáy mắt (OCT): là một khảo sát không xâm lấn, tương tự như siêu âm, giúp chụp lại hình ảnh cắt ngang của võng mạc và có thể phát hiện dịch bên trong hoàng điểm.
YẾU TỐ NGUY CƠ?
Nguyên nhân gây THHĐDTT chưa được xác định nhưng có một số yếu tố liên quan đến sự phát triển tình trạng này.
- Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính. Khi chúng ta lão hóa, khả năng tái tạo tế bào giảm. Điều này làm tăng nguy cơ gây bệnh.
- Tiền sử gia đình bị thoái hóa hoàng điểm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh THHĐDTT.
- Hút thuốc làm tổn thương mạch máu và cấu trúc của mắt. Những người hút thuốc có khả năng bị thoái hóa hoàng điểm cao gấp bốn lần so với những người không hút thuốc. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có mang gen đặc biệt đối với bệnh THHĐDTT thì khả năng mắc bệnh này cao gấp hai mươi lần.
- Chế độ ăn ít trái cây và rau củ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh THHĐDTT. Chất chống oxy hóa và các chất khác có trong trái cây và rau củ bảo vệ cơ thể chống lại tác động của các gốc tự do. Đây là những phân tử không ổn định có thể gây tổn thương tế bào hoặc ngăn chặn khả năng sửa chữa tế bào.
- Rượu bia tiêu hủy chất chống oxy hóa và do đó đây là một yếu tố nguy cơ.
- Béo phì và chế độ ăn có nhiều đường và chất béo hydro hóa hoặc chất béo bão hòa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh THHĐDTT.
- Bệnh nhân bị huyết áp cao có nguy cơ bị THHĐDTT cao gấp 1,5 lần so với những người có huyết áp bình thường.
- Ánh sáng mặt trời: các tế bào hoàng điểm rất nhạy cảm với tia Cực Tím (UV) và ánh sáng xanh có thể nhìn thấy được, xuất hiện tự nhiên trong ánh sáng mặt trời. Việc tổn thương tế bào do ánh sáng xanh có thể gây thoái hóa hoàng điểm.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác thể khô
Hiện không có phương pháp điều trị THHĐDTT thể khô. THHĐDTT thể khô ở giai đoạn sớm thường bằng được điều trị bằng dinh dưỡng, với chế độ ăn uống lành mạnh có nhiều chất chống oxy hóa để hỗ trợ cho các tế bào ở hoàng điểm. Nếu THHĐDTT đã tiến triển tốt hơn nhưng vẫn còn khô, thì cần chỉ định thêm thực phẩm chức năng, nhằm bổ sung nhiều hơn lượng vitamin và khoáng chất giúp tăng sắc tố khỏe mạnh và hỗ trợ cấu trúc tế bào (Vitamin C và E, beta carotene, kẽm và chất chống oxy hóa).
Thay đổi lối sống có thể giúp bảo vệ đôi mắt:
- Không hút thuốc. Đây là biện pháp quan trọng nhất mà bệnh nhân có thể tự thực hiện. Nếu muốn hỗ trợ bỏ thuốc lá, hãy đặt hẹn với Trung Tâm Cai Nghiện Thuốc Lá của Bệnh viện FV;
- Duy trì cân nặng và huyết áp khỏe mạnh;
- Có chế độ ăn ít chất béo bão hòa và giàu axit béo omega 3 (ví dụ: cá chứa dầu, quả óc chó), trái cây và rau củ tươi;
- Không uống rượu bia quá mức;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Mang kính chống tia UV và ánh sáng xanh, và giảm độ chói;
- Đội mũ có vành hoặc tấm che để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng trực tiếp từ mặt trời;
- Khám mắt thường xuyên để phát hiện vấn đề;
- Theo dõi thị lực để kiểm tra sự thay đổi.
Điều trị thoái hóa hoàng điểm thể ướt
- Liệu pháp tiêm thuốc chống tăng sinh mạch
- VEGF là từ viết tắt của Yếu Tố Tăng Trưởng Nội Mạc Mạch Máu (Vascular Endothelial Growth Factor). Hiện nay, phương pháp điều trị lâm sàng phổ biến và hiệu quả nhất cho THHĐDTT thể ướt là liệu pháp tiêm thuốc chống tăng sinh mạch – tiêm định kỳ một loại thuốc gọi là “thuốc chống VEGF” vào bên trong mắt (nội nhãn).
- Phương pháp điều trị này giúp giảm số lượng mạch máu bất thường bên trong võng mạc, đồng thời giúp làm chậm sự rò rỉ từ các mạch máu.
- Phương pháp tiêm thuốc vào mắt có thể gây khó chịu, và có thể cần thực hiện vài lần để làm quen với thủ thuật. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc thường không gây đau vì mắt đã được gây tê. Thủ tục mất khoảng mười lăm phút nhưng cần đặt lịch hẹn trong một giờ. Hiệu quả của thuốc kéo dài trong một tháng hoặc có thể lâu hơn. Bệnh nhân thường cần liệu trình tiêm hàng tháng kéo dài từ một năm trở lên.
- Phẫu thuật laser cũng có thể được áp dụng để điều trị một số loại THHĐDTT thể ướt. Bác sĩ nhãn khoa sẽ chiếu chùm tia laser vào các mạch máu bất thường để giúp làm giảm số lượng mạch máu và làm chậm sự rò rỉ của chúng.
Trên đây là bài viết 6 dấu hiệu nhận biết THHĐ DO TUỔI TÁC, được đội ngũ bác sĩ Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ Bệnh viện FV biên soạn và giới thiệu như một kênh tham khảo uy tín cho bạn. Để tư vấn thêm về chủ đề này, vui lòng liên hệ (028) 54 11 33 33 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa.