THÔNG CÁO BÁO CHÍ – TRƯỜNG HỢP SẢN PHỤ H.A.H KHIẾU NẠI BỆNH VIỆN FV

HỘI ĐỒNG CHUYÊN MÔN KẾT LUẬN BỆNH VIỆN FV KHÔNG CÓ SAI SÓT CHUYÊN MÔN; KHÔNG VI PHẠM QUY ĐỊNH KHÁM CHỮA BỆNH

Liên quan đến vụ việc sản phụ H.A.H (ngụ Q.7, TP.HCM) mới đây khiếu nại Bệnh viện FV về quá trình sinh con của bà tại FV (diễn ra vào tháng 5.2021), ngày 10.3.2022, FV đã tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn với sự tham dự của chuyên gia độc lập về sản khoa tại TP.HCM nhằm đưa ra những kết luận chính xác và khách quan về vụ việc trên, để giải quyết khiếu nại của bà H., đồng thời báo cáo cho Sở Y tế TP.HCM cũng như cung cấp thông tin kịp thời cho quý báo đài tường tận sự việc và đưa tin đa chiều, trung thực.

Đặc biệt, kết luận từ cuộc họp này sẽ giúp cá nhân bà H.A.H và gia đình có sự nhìn nhận đúng về chuyên môn lẫn y đức, nỗ lực và trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ FV trong vụ việc trên; qua đó giúp đội ngũ y, bác sĩ của FV an tâm công tác sau khi có nhiều bài báo đưa tin một chiều, quy chụp, gây tổn thương tinh thần không nhỏ cho đội ngũ lãnh đạo và bác sĩ, nhân viên y tế của FV trong những ngày qua.

Cuộc họp Hội đồng chuyên môn diễn ra ngày 10.3.2022 tại Bệnh viện FV với sự tham dự của Chuyên gia sản khoa độc lập tại TP.HCM, Giám đốc và phó giám đốc Y khoa Bệnh viện FV và đại diện các khoa có liên quan. Sau khi xem xét chi tiết toàn diện quy trình khám chữa bệnh và chăm sóc sản phụ H.A.H, chất vấn các bác sĩ liên quan…, Hội đồng chuyên môn kết luận như sau:

  1. Bệnh viện FV và bác sĩ Võ Triệu Đạt không có vi phạm quy định khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn.
  2. Chỉ định khởi phát chuyển dạ theo yêu cầu bệnh nhân ở sau tuần 39 là phù hợp đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
  3. Bác sĩ Võ Triệu Đạt đã chỉ định mổ lấy thai kịp thời.
  4. Bệnh viện FV đã chẩn đoán kịp thời băng huyết sau sinh và xử trí phù hợp để cứu chữa cho bệnh nhân. Đây là một biến chứng có thể xảy ra ở bất cứ ca sinh nở nào và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ngay cả ở các nước phát triển.
  5. Bác sĩ Võ Triệu Đạt đã theo dõi hậu sản cho bệnh nhân hơn 2 tháng sau sinh (6 tuần hậu sản) và bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.

Như vậy, có thể khẳng định Bệnh viện FV không có vi phạm quy định khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn trong quá trình chăm sóc bà H.A.H trong quá trình bà sinh con tại đây.

Bệnh viện FV rất mong bà H. và gia đình bình tĩnh xem xét và nhìn nhận đúng, khách quan, công tâm và chính xác trách nhiệm, nỗ lực, chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ trong quá trình chăm sóc, đảm bảo quá trình sinh con an toàn cho bà; đặc biệt các bác sĩ đã xử lý y khoa kịp thời – phù hợp để cứu được tính mạng bà H. trong cơn nguy kịch cũng như bảo tồn được tử cung của bà và nỗ lực duy trì khả năng sinh con của bà sau này. Do đó, thông tin trên một số báo cho rằng chúng tôi làm cho bà H. “mất đi khả năng sinh con” là quy chụp vội vàng và thiếu căn cứ.  

Bệnh viện FV cũng mong muốn các báo đài đã đưa tin một chiều, thiếu trung thực, thiếu khách quan, gây tổn hại uy tín của FV, gây tổn thương tinh thần và trách nhiệm nghề nghiệp – y đức của đội ngũ y bác sĩ của FV trong những ngày qua sẽ khẩn trương tháo gỡ các tin tức, bài viết nói trên xuống khỏi hệ thống website, kênh mạng xã hội của tòa soạn.

Trường hợp các báo đã đưa tin một chiều, thiếu khách quan, quy chụp vội vàng đối với Bệnh viện FV nhưng không có thái độ cầu thị, hợp tác và điều chỉnh phù hợp, FV sẽ khiếu nại lên cơ quan chủ quản của các báo, các cơ quan quản lý báo chí – truyền thông, thậm chí buộc phải thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bệnh viện cũng như của ê kip điều trị.

Để quý báo đài có thêm thông tin chi tiết khách quan về vụ việc bà H.A.H, chúng tôi trích lược vụ việc như sau:

Quá trình sinh con của bà H.A.H tại Bệnh viện FV từ ngày 14/5/2021 đến ngày 25/5/2021: Bà H. đã theo dõi toàn bộ quá trình thai kỳ với bác sĩ Võ Triệu Đạt của FV. Tuy nhiên, vào lúc bà H. nhập viện để sinh thì bác sĩ Đạt đang thực hiện một ca sinh khác. Bác sĩ Nam là bác sĩ trực Khoa Sản lúc đó đã cùng nữ hộ sinh thăm khám và chăm sóc cho bà H. Sau đó nữ hộ sinh tiếp tục theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ của bà H. theo đúng quy trình, đồng thời liên tục cập nhật diễn tiến cho bác sĩ Đạt trong phòng sinh. Việc có cơn gò tử cung đau và vỡ ối là hiện tượng thông thường sau khi đặt thuốc giục sinh và theo quy trình, nữ hộ sinh sẽ theo dõi cho đến khi cổ tử cung mở 3-4cm thì đưa vào phòng sinh để theo dõi tiếp và báo bác sĩ. Trong trường hợp của bà H., nữ hộ sinh theo dõi thấy có dấu hiệu suy thai trên biểu đồ ghi tim thai và cơn gò (CTG), cổ tử cung mới mở 2cm, nên đã báo bác sĩ Đạt và bác sĩ Đạt cho chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp cho bà H. Quá trình mổ lấy thai đã diễn ra tốt đẹp và em bé chào đời trong tình trạng khỏe mạnh.

Việc băng huyết sau sinh do cổ tử cung bị đờ là một biến chứng sản khoa có thể xảy ra sau sinh do tử cung không thể co hồi sau khi em bé ra đời, và gây băng huyết. Trường hợp của bà H. cũng vậy. Bác sĩ phải thực hiện thủ thuật thắt động mạch và truyền một lượng máu lớn cho bà H. và cứu sống tính mạng của bà, giữ được tử cung để bảo toàn khả năng sinh đẻ sau này cho bà H.. Việc bà H. phản ảnh bệnh viện làm cho bà “không thể có thêm con” là không chính xác.

Bà H. được theo dõi tại phòng Chăm sóc đặc biệt chuyên sâu (ICU) và sau đó tại phòng Chăm sóc đặc biệt (HDU). Việc mất nhiều máu đã dẫn đến tình trạng sốc xuất huyết, gây nên suy thận cấp trong những ngày bà H. nằm tại ICU và bác sĩ Đạt đã yêu cầu ý kiến chuyên khoa của Bác sĩ Bình – Chuyên Khoa Nội về vấn đề thận của bà H. Trong quá trình thăm khám, quả thực bác sĩ Bình lo ngại bà H. có thể bị viêm bể thận cấp nên có đề nghị bà H. tiếp tục nằm viện để điều trị thêm một đợt kháng sinh trong 14 ngày. Việc bác sĩ Bình lo ngại xuất phát từ tiền sử là bà H. đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu tương tự với vi khuẩn đa kháng vào khoảng 4 tháng trước đó và đã phải dùng ống thông tiểu khi nằm tại phòng ICU trong đợt nhập viện này. Tuy nhiên, bà H. đã từ chối kế hoạch điều trị này và xuất viện vào ngày hôm sau. Bác sĩ Bình đã công tác tại FV trong nhiều năm qua và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ chuyên môn và sự trung thực của bác sĩ. Bác sĩ Bình có thể đã lo ngại quá mức nhưng chúng tôi tin tưởng rằng bác sĩ hoàn toàn trung thực trong việc đề nghị kế hoạch điều trị chăm sóc cho bà H.. Chúng tôi đã viết thư giải đáp thắc mắc của bà H. và xin lỗi bà nếu lời đề nghị của bác sĩ đã khiến bà phiền lòng.

Trên thực tế, bà H. vẫn tái khám sau sinh đều đặn với bác sĩ Đạt và diễn tiến sức khỏe tốt. Sau khi sinh khoảng 4 tháng, hai vợ chồng bà H. đã đưa con đến gặp bác sĩ Đạt để cảm ơn. Khi đó bà H. có tâm sự rằng trong thời gian mới sinh, bà H. có nhận những thông tin và nhận xét thiếu tích cực về Bệnh Viện FV từ một người bạn nên bị tác động tiêu cực, bối rối và có những than phiền về dịch vụ của bệnh viện.  Sau đó bà H. đã xin lỗi bác sĩ Đạt.

Về phản ánh trường hợp điều trị bỏng bàn tay trái cho con trai của bà H:

– Vào ngày 31/12/2021, lúc 16 giờ 26 phút vợ chồng bà H. đưa con trai đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV để thăm khám vì bé bị bỏng nước nóng. Lúc 16 giờ 30 phút (chỉ 4 phút sau chứ không phải “hơn 1 tiếng sau”), bác sĩ Diệu, bác sĩ trực Khoa Nhi, đã thăm khám vết bỏng của bé, vết bỏng không có dấu hiệu nghiêm trọng và bác sĩ đã phân loại vết bỏng thuộc độ 1 với một số chỗ ở độ 2. Kế hoạch chăm sóc cho bé như sau:

  • Làm sạch vết bỏng bằng dung dịch Natrichloride isotonic 0.9%
  • Băng bó riêng từng ngón tay với gạc và bôi kem Silvirin 1% (Silver sulfadiazine)
  • Thuốc Paracetamol điều trị giảm đau
  • Thuốc Alphachymotrypsine

– Theo quy định của bệnh viện thì bất cứ bệnh nhân nhi nào dưới 3 tuổi cũng phải được bác sĩ Nhi Khoa thăm khám để phòng ngừa những vấn đề sức khỏe khác của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân bỏng thì tùy mức độ bỏng sẽ cần bác sĩ chuyên khoa bỏng hay bác sĩ ngoại khoa hay bác sĩ Cấp Cứu trực tiếp xử lý. Trong trường hợp này, bé là bệnh nhân nhi nên cần và đã được bác sĩ Khoa Nhi thăm khám, với vết bỏng nhẹ nên bác sĩ Diệu hoàn toàn có thể xử lý được.

– Bác sĩ Diệu đã tư vấn đưa bé hàng ngày đến Khoa cấp cứu để thay băng, và tái khám với bác sĩ Diệu bốn ngày sau tại Phòng khám ngoại trú. Tuy nhiên gia đình đã hoàn toàn không đưa bé quay lại bệnh viện FV cho đến ngày 25/1/2022 (sau hơn 3 tuần) khi bé được đưa đến khám bệnh với bác sĩ Xuân Anh vì bé bị nôn ói kéo dài suốt 3 tuần qua. Lúc này vết bỏng đã lành. Bác sĩ Xuân Anh đã tư vấn bà H. đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để được tầm soát chuyên sâu về vấn đề tiêu hóa của bé vì vấn đề tiêu hóa của bé không liên quan đến vết bỏng hay việc điều trị vết bỏng.

– Tuy nhiên dường như ai đó đã nói với gia đình bà H. rằng thuốc Alphachymotrypsine có thể gây loét dạ dày cho trẻ em và gia đình cho rằng đây là nguyên nhân gây ra tình trạng nôn ói kéo dài của bé cho nên bà H. đã đến bệnh viện để than phiền, cho rằng bác sĩ Diệu chỉ định sai thuốc điều trị bỏng.

– Ngày 11/2/2022, gia đình đã gặp bác sĩ Henri Maries, Phó Giám đốc Y khoa. Bác sĩ đã khẳng định thuốc này không thể là nguyên nhân gây ra vấn đề nôn ói cho bé. Thuốc này ở Việt Nam vẫn được dùng để điều trị giảm viêm, giảm sưng nề sau bỏng và không có chống chỉ định ở trẻ em.

– Ngày 15/2/2022, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp y khoa để xem xét quá trình điều trị cho bé, thành phần tham dự bao gồm Trưởng khoa nhi, 2 bác sĩ Khoa nhi, Trưởng Khoa cấp cứu, Bác sĩ Liên – bác sĩ phẫu thuật Khoa bàn tay, Giám đốc y khoa và Phó Giám đốc y khoa. Cuộc họp kết luận như sau:

  • Việc yêu cầu bác sĩ Khoa nhi thăm khám cho bệnh nhi là đúng vì quy định của bệnh viện, trẻ em dưới 3 tuổi phải được bác sĩ nhi khoa khám bệnh.
  • Bỏng độ 2 với diện tích nhỏ, như trường hợp này không cần bác sĩ chuyên khoa bỏng mà có thể được điều trị bởi bác sĩ Khoa cấp cứu, bác sĩ Khoa nhi, bác sĩ Khoa phẫu thuật bàn tay.
  • Thuốc Alphachymotrypsine được kê toa để giảm viêm vì vậy việc kê toa thuốc này để điều trị vết bỏng độ 2 không phải là một sai sót, mặc dù hiệu quả của nó có thể thấp. Thuốc này hoàn toàn không chống chỉ định ở trẻ em và chưa bao giờ là nguyên nhân của vấn đề nôn ói hoặc loét dạ dày.

– Ngày 17/2/2022, gia đình đã có cuộc gặp gỡ với bác sĩ Khanh, Giám đốc Y khoa, bác sĩ đã giải thích đến gia đình kết luận của cuộc họp. Điều quan trọng là trước đây bé đã từng có vấn đề về nôn ói và trào ngược thời gian qua: vào tháng 5 năm 2021, chẩn đoán nghi ngờ là bé bị trào ngược dạ dày-thực quản, mặc dù không có kiểm tra gì thêm vì tình trạng của bé đã cải thiện theo ghi nhận của bác sĩ trong cuộc thăm khám cho bé ngày 29 tháng 10 năm 2021. Vì vậy chúng tôi đặc biệt khuyến cáo gia đình nên cho bé thực hiện một cuộc thăm khám và khảo sát đầy đủ về vấn đề nôn ói kéo dài này.

– Tóm lại, chúng tôi rất lấy làm tiếc vì gia đình đã cảm thấy việc điều trị cho bé là không phù hợp, tuy nhiên trên thực tế việc điều trị đã được thực hiện đúng và hoàn toàn không có thiếu sót. Rất tiếc là ai đó đã cung cấp cho gia đình thông tin sai về những tác dụng của thuốc Alphachymotrypsine. Thực tế trong trường hợp của con trai bà H., việc điều trị đã có hiệu quả tốt. Việc dùng thuốc này không thể nào gây ra những tác dụng không tốt cho vấn đề tiêu hóa. Chúng tôi đã viết thư giải thích cho vợ chồng bà H. và đề nghị ông bà đưa con trai đi kiểm tra kỹ lưỡng vấn đề về tiêu hóa của bé.

Để xem xét lại việc điều trị con bà H. một cách khách quan, Bệnh Viện FV đã thành lập Hội Đồng Chuyên Môn có sự tham gia của chuyên gia bỏng và chuyên gia tiêu hóa nhi từ bệnh viện nhi đầu ngành. Ngày 08/03/2022 Hội Đồng đã họp, chất vấn các bác sĩ điều trị và kết luận:

  • Quá trình xử lý bỏng và điều trị phù hợp: việc chẩn đoán, xử lý bỏng bàn tạy độ II, diện tích 2,5% ở vị trí bàn tay của em bé theo toa thuốc của bác sĩ điều trị và cách xử lý băng tay như vậy là hoàn toàn hợp lý, chuẩn mực và đúng phác đồ
  • Chỉ định thuốc đúng loại, đúng liều lượng. Tất cả các thuốc được kê không có liên quan đến hoặc làm khởi phát cơn trào ngược dạ dày
  • Quá trình tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân không có vi phạm quy định khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn, kỹ thuật.

Như đã trình bày trên đây, một lần nữa, Bệnh viện FV khẳng định rằng bệnh viện không có sai sót chuyên môn trong cả quá trình sinh con của bà H. cũng như trong quá trình điều trị bỏng cho con trai của bà tại Bệnh viện FV.

Một lần nữa, chúng tôi mong rằng Ban biên tập các báo đã đưa tin không đúng sự thật, thiếu khách quan về vụ việc trên, sớm xử lý lại nội dung tiêu đề, nội dung các bài viết cho chính xác, trung thực, đặc biệt là đúng với kết luận của Hội đồng chuyên môn sau cuộc họp ngày 10.3.2022 tại Bệnh viện FV.

Xin chân thành cảm ơn!