THỦ THUẬT BÀO MÔ QUA NỘI SOI Ổ BỤNG LÀ GÌ?
Nội soi ổ bụng là một thủ thuật ít xâm lấn được thực hiện bằng cách tạo các đường rạch nhỏ trên thành bụng để đưa ống nội soi mỏng có gắn nguồn sáng kèm máy thu hình và các dụng cụ khác vào. Bằng cách này, bác sĩ có thể thực hiện một số phẫu thuật mà không cần rạch vết mổ lớn.
Bào mô là một thủ thuật phân chia mô để lấy mẫu mô lớn qua một đường rạch nhỏ, bằng cách bào khối mô cần lấy thành các mảnh nhỏ với một “máy bào’ được thiết kế có các lưỡi dao tròn xoay liên tục.
CHỈ ĐỊNH THỦ THUẬT BÀO MÔ QUA NỘI SOI Ổ BỤNG?
Thông thường, thủ thuật bào mô chỉ được cân nhắc sử dụng trong phẫu thuật cắt tử cung toàn phần qua nội soi ổ bụng vì tử cung của bệnh nhân quá lớn nên không thể lấy qua đường âm đạo, hoặc trong phẫu thuật cắt tử cung bán phần qua nội soi ổ bụng (có bảo tồn cổ tử cung) hoặc trong phẫu thuật bóc u xơ tử cung qua nội soi ổ bụng.
LỢI ÍCH CỦA PHẪU THUẬT NỘI SOI Ổ BỤNG?
Phẫu thuật nội soi ổ bụng mang lại kết quả tốt hơn so với phẫu thuật mở bụng với nhiều ưu điểm:
- Ít nguy cơ và biến chứng:
- Vết mổ nhỏ còn giúp giảm khả năng nhiễm trùng, vì các cơ quan bên trong cơ thể không tiếp xúc với không khí có thể đã nhiễm bẩn trong phòng mổ suốt thời gian dài như khi phẫu thuật mở bụng;
- Bệnh nhân có ít tác dụng không mong muốn vì ít dùng thuốc giảm đau;
- Vết mổ cần ít chỉ khâu. Điều này giúp giảm khả năng vết thương gây biến chứng, vốn thường gặp trong phẫu thuật mở bụng.
- Phục hồi nhanh: thời gian nằm viện cần thiết sau phẫu thuật nội soi ổ bụng ngắn hơn rất nhiều do quá trình lành vết thương nhanh hơn;
- Ít đau: phẫu thuật nội soi ổ bụng có vết mổ nhỏ nên bệnh nhân hầu như cảm thấy ít đau hơn nhiều trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Điều này có nghĩa là bệnh nhân ít phụ thuộc vào thuốc giảm đau và sẽ có thể đi lại sớm hơn;
- Tính thẩm mỹ cao: vết mổ nhỏ hơn sẽ để lại vết sẹo nhỏ hơn nhiều so với vết mổ của phẫu thuật thông thường.
NGUY CƠ CỦA THỦ THUẬT BÀO MÔ QUA NỘI SOI Ổ BỤNG?
Đây là một thủ thuật an toàn nếu được chỉ định cho đúng bệnh nhân, có khảo sát đầy đủ trước phẫu thuật, và do bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm thực hiện.
Các biến chứng có thể bao gồm:
- Các mảnh nhỏ của khối u xơ hoặc mô tử cung lành tính (không ung thư) còn sót lại trong ổ bụng và có thể cần phẫu thuật bổ sung để loại bỏ chúng. Nguy cơ của biến chứng này là từ 0,1 đến 0,8%.
- Khối u xơ hoặc mô tử cung bị bào có thể là ung thư chưa được chẩn đoán, gọi là sarcôm tử cung:
- Loại ung thư ngoài dự kiến này rất hiếm gặp, nguy cơ tăng theo tuổi và thường cao hơn ở giai đoạn trong và sau mãn kinh (tỷ lệ ước tính là dưới 0,5% ở phụ nữ dưới 50 tuổi và khoảng 1% ở phụ nữ trên 60 tuổi);
- Các yếu tố nguy cơ của sarcôm tử cung được liệt kê bên dưới;
- Nếu thực hiện thủ thuật bào mô trên khối mô chứa sarcôm tử cung ngoài dự kiến, thì có khả năng làm ung thư lan rộng hơn, đồng thời làm giảm tỷ lệ chữa khỏi và thời gian sống sót.
YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGUY CƠ MẮC SARCÔM TỬ CUNG?
Các yếu tố sau đây cho thấy bệnh nhân có nguy cơ cao mắc sarcôm tử cung. Bác sĩ sẽ kiểm tra những yếu tố này và thảo luận với bệnh nhân trước khi cân nhắc thực hiện thủ thuật bào mô:
- U xơ phát triển nhanh;
- Phát hiện nghi ngờ sarcôm tử cung khi khảo sát hình ảnh;
- Tiền sử gia đình có ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc ung thư ruột (như đột biến gen BRCA hoặc hội chứng Lynch);
- Độ tuổi của bệnh nhân, vì bệnh nhân có nguy cơ cao hơn ở giai đoạn tiền và hậu mãn kinh;
- Dân tộc – u xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ da đen và nguy cơ mắc sarcôm tử cung cũng cao hơn;
- Tiền sử dùng thuốc Tamoxifen;
- U xơ tiếp tục phát triển dù đã điều trị nội khoa;
- Tiền sử xạ trị vùng chậu;
- Chảy máu sau mãn kinh hoặc chảy máu âm đạo bất thường.
NHỮNG KHẢO SÁT CẦN THỰC HIỆN TRƯỚC THỦ THUẬT?
Trước khi cân nhắc sử dụng thủ thuật bào mô, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các khảo sát như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), sinh thiết nội mạc tử cung (sinh thiết niêm mạc tử cung) và xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Tuy nhiên, hiện không có xét nghiệm nào đáng tin để có thể chẩn đoán sarcôm tử cung trước phẫu thuật.
Nhìn chung, nguy cơ ung thư ngoài dự kiến bên trong u xơ là cực kỳ thấp khi bệnh nhân đã được kiểm tra đầy đủ và không nghi ngờ ung thư, đồng thời các nguy cơ này phải được cân nhắc với lợi ích của việc sử dụng thủ thuật bào mô.
NHỮNG LỰA CHỌN THAY THẾ CHO THỦ THUẬT BÀO MÔ?
Bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về các lựa chọn thay thế bao gồm không điều trị, ‘chờ đợi và theo dõi’, và phẫu thuật mở bụng bằng vết mổ lớn trên thành bụng để lấy nguyên toàn bộ u xơ hoặc tử cung.
THAI KỲ TIẾP THEO VÀ NGUY CƠ VỠ TỬ CUNG?
Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung qua nội soi ổ bụng là một kỹ thuật an toàn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn nếu bệnh nhân có chỉ định mổ lấy thai chủ động (theo chương trình) hay có thể sinh thường.
HỒI PHỤC NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh nhân sẽ nằm viện trong 48-72 giờ tùy thuộc vào mức độ hồi phục. Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu, đặc biệt là khi di chuyển, nhưng điều này sẽ được kiểm soát tốt bằng thuốc giảm đau. Bệnh nhân có thể bị chảy máu âm đạo ít và đau vai nhẹ. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt, nhưng có thể ăn uống bình thường, di chuyển và đi vệ sinh. Bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 48-72 giờ.
Trong ba ngày đầu tiên sau xuất viện, bệnh nhân nên dùng thuốc giảm đau đều đặn. Bệnh nhân có thể đi bộ ngắn, tắm rửa bình thường và tránh mang vác nặng. Bệnh nhân cũng nên nghỉ ngơi nhiều (8 giờ vào ban đêm, 2 giờ vào ban ngày). Bệnh nhân sẽ đến tái khám vào cuối tuần đầu tiên để kiểm tra sau phẫu thuật và cắt chỉ.
Bệnh nhân nên tăng dần mức độ hoạt động và có thể trở lại làm việc sau bốn tuần.