Tiêm Khớp Đốt Sống trong Điều trị đau

TIÊM KHỚP ĐỐT SỐNG LÀ GÌ?

Tiêm khớp đốt sống là tiêm xung quanh hoặc vào trong khớp nối 2 đốt sống. Thủ thuật này giúp xác định xem cơn đau có phải bắt nguồn từ khớp giữa 2 đốt sống hay không.

Thông thường, bệnh nhân cần tiêm một vài nơi trong cùng một thủ thuật. Thủ thuật này được áp dụng cho tình trạng đau cột sống cục bộ ở những nơi mà các phương pháp đơn giản không thể điều trị hiệu quả. Nó giúp giảm đau bằng cách giảm các tín hiệu đau từ khớp, và tuy chỉ giảm đau trong thời gian ngắn, nhưng ở một số người lại có thể giảm đau đáng kể và lâu dài.

Khớp đốt sống là các khớp nhỏ nối các đốt sống lại với nhau. Các khớp này giúp cột sống cử động và ổn định cột sống. Tình trạng mòn và rách, viêm và tổn thương khớp đốt sống có thể gây đau ở một số người. Tùy thuộc vào vị trí đau mà bệnh nhân có thể cần phải tiêm nhiều khớp đốt sống khác nhau.

Thuốc tiêm thường chứa thuốc tê cùng với một lượng nhỏ steroid. Tiêm thuốc thường được thực hiện cùng với các phương pháp điều trị khác như vật lý trị liệu.

VIỆC ĐIỀU TRỊ NÀY CÓ PHÙ HỢP VỚI BỆNH NHÂN KHÔNG?

Bệnh nhân sẽ được thảo luận với Bác sĩ về các lựa chọn điều trị khác trước khi quyết định tiêm khớp và ký giấy chấp thuận. Quyết định tiêm khớp đốt sống là quyết định chung giữa bệnh nhân và Bác sĩ. Bác sĩ sẽ cập nhật cho bệnh nhân những thông tin mới nhất về khả năng điều trị thành công và cách thức điều trị phù hợp để đạt chất lượng chăm sóc tốt nhất.
Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ:

  • Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng trong cơ thể hoặc vùng da lưng, vì bác sĩ phải trì hoãn việc điều trị cho đến khi hết nhiễm trùng;
  • Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu có tác dụng làm loãng máu, như aspirin, warfarin (Coumadine®), heparin (Lovenox®), ticlopidine (Ticlid®) hoặc Clopidogrel (Plavix®) hoặc nếu bệnh nhân đang dùng thuốc kháng viêm (như ibuprofen, diclofenac, piroxicam, v.v.), thì có thể cần thêm thời gian chuẩn bị;
  • Nếu bệnh nhân bị tiểu đường, vì việc sử dụng steroid trong khi tiêm có thể làm thay đổi lượng đường huyết nên cần theo dõi và điều chỉnh thuốc điều trị về tiểu đường;
  • Nếu bệnh nhân có dị ứng.

Bệnh nhân cũng phải thông báo cho bác sĩ nếu có khả năng đang mang thai.

Cuối cùng, nếu bệnh nhân dự định đi máy bay hoặc du lịch nước ngoài trong vòng hai tuần sau khi tiêm, vui lòng thông báo cho bác sĩ để thay đổi lịch tiêm.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ?

Trước khi tiêm, bác sĩ sẽ trao đổi về thủ thuật và phải nhận được sự chấp thuận của bệnh nhân. Việc điều trị sẽ được thực hiện trong khu vực dành riêng với nhân viên y tế đã qua đào tạo. Máy X-quang (hoặc thiết bị hình ảnh khác để hướng dẫn kim) sẽ được sử dụng để giúp tiêm chính xác. Thủ thuật mất khoảng 20 đến 30 phút. Không phải tất cả các bác sĩ đều thực hiện thủ thuật này giống nhau nhưng thường bao gồm:

  • Theo dõi bệnh nhân (như huyết áp và mạch);
  • Bệnh nhân nằm sấp trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật;
  • Đặt một cây kim nhỏ (kim luồn) ở mu bàn tay;
  • Bệnh nhân sẽ được ổn định tư thế cẩn thận và được vệ sinh vùng da xung quanh (các) vị trí tiêm bằng dung dịch hoặc thuốc xịt sát khuẩn; việc này có thể làm bệnh nhân cảm thấy rất lạnh;
  • Sử dụng máy X-quang (hoặc thiết bị hình ảnh khác để hướng dẫn kim);
  • Bệnh nhân sẽ có cảm giác châm chích khi tiêm thuốc tê để làm tê vùng da và các mô xung quanh. Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về điều này trước khi thực hiện;
  • Bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp vào (các) vị trí nghi ngờ là nguồn gốc gây đau;
  • Khi tiêm thuốc, bệnh nhân có thể có cảm giác căng, bó chặt hoặc đẩy ngược. Nếu cảm thấy khó chịu, vui lòng thông báo cho bác sĩ.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA SAU KHI TIÊM?

Sau khi tiêm, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi tỉnh hoặc khu điều trị nội trú, nơi đó có điều dưỡng theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu nằm thẳng trong khoảng 30 phút hoặc lâu hơn. Bệnh nhân được hỗ trợ ngồi dậy cũng như theo dõi huyết áp và mạch. Bệnh nhân được hướng dẫn khi nào có thể thay trang phục và hỗ trợ để đảm bảo có thể đứng dậy an toàn sau thủ thuật.

Cơn đau sẽ được đánh giá khi nghỉ ngơi và trong các hoạt động hàng ngày như đi bộ và cử động lưng. Bệnh nhân sẽ được tư vấn thêm khi đã sẵn sàng để về nhà.

KHI NÀO BỆNH NHÂN CÓ THỂ XUẤT VIỆN SAU KHI TIÊM?

Bệnh nhân thường về nhà trong vòng vài giờ sau khi tiêm hoặc sớm hơn trong một số trường hợp, tùy thuộc vào thời gian bác sĩ hoặc điều dưỡng yêu cầu bệnh nhân ở lại chờ hồi phục. Bệnh nhân phải đảm bảo sắp xếp có người thân đưa về nhà sau thủ thuật. Nếu không, thủ thuật có thể bị hủy. Bệnh nhân sẽ không an toàn khi lái xe về nhà ngay sau khi làm thủ thuật.

BỆNH NHÂN CÓ THỂ LÀM GÌ SAU THỦ THUẬT?

  • Không lái xe hoặc vận hành máy móc trong ít nhất 24 giờ sau thủ thuật.
  • Có thể ăn uống theo chế độ bình thường.
  • Không tham gia vào các hoạt động gắng sức trong ngày thực hiện thủ thuật.
  • Có thể tháo băng vào buổi sáng hôm sau thủ thuật.
  • Có thể tắm vòi sen nhưng không được tắm bồn hoặc ngồi trong bồn nước nóng trong vòng 24 giờ.
  • Tiếp tục dùng thuốc làm loãng máu, nếu có.

KHI NÀO BỆNH NHÂN CÓ THỂ TRỞ LẠI LÀM VIỆC SAU THỦ THUẬT?

Điều này sẽ khác nhau giữa các bệnh nhân và phụ thuộc vào tính chất công việc. Thật khó để đưa ra lời khuyên chung, vì vậy bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ.

BỆNH NHÂN CÓ GẶP TÁC DỤNG PHỤ KHÔNG?

Tương tự như tất cả các thủ thuật khác, tác dụng phụ vẫn có thể xảy ra. Thủ thuật này có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nhưng thường nhẹ, bao gồm:

  • Đau nhẹ tại chỗ và/hoặc có vết bầm tím nhẹ tại vị trí tiêm, thường khỏi sau vài ngày;
  • Thuốc tê hiếm khi lan rộng làm tê và/hoặc yếu ở chân và các vùng khác. Nếu có xảy ra, tác dụng này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh khỏi trong vài phút hoặc vài giờ (hiếm gặp);
  • Nhiễm trùng. Tình trạng này hiếm gặp. Bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ khi vị trí tiêm bị ấm, đỏ, và đau hoặc bệnh nhân cảm thấy sốt và không khỏe. Tình trạng này có thể cần điều trị bằng kháng sinh;
  • Tuy cột sống chứa các dây thần kinh quan trọng, nhưng trường hợp chấn thương dây thần kinh nghiêm trọng là cực kỳ hiếm gặp (dưới 1/10.000 số trường hợp);
  • Không phải lúc nào tiêm khớp cũng hiệu quả và giúp giảm đau.

BỆNH NHÂN MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ SAU ĐÓ?

Bệnh nhân có thể bị đau nhức tại vị trí tiêm. Cần giữ khô quanh vị trí tiêm trong vòng 24 giờ sau thủ thuật. Đừng lo lắng nếu bệnh nhân cảm thấy đau nhiều hơn trong vài ngày vì tình trạng này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Dùng thuốc giảm đau và thuốc điều trị đều đặn như bình thường sẽ giúp ổn định tình trạng này. Cố gắng vận động trong nhà nhưng tránh quá sức.

Nếu bệnh nhân bị sốt, ớn lạnh, đau tăng thêm, hoặc nếu có triệu chứng mới, vui lòng liên hệ với bác sĩ.

BỆNH NHÂN NÊN LÀM GÌ TRONG VÀI TUẦN SAU KHI TIÊM?

Khi tình trạng đau đã giảm, bệnh nhân nên cố gắng tăng cường tập luyện một cách nhẹ nhàng. Các hoạt động đơn giản như đi bộ hàng ngày, sử dụng xe đạp tập thể dục tại chỗ hoặc bơi ngửa sẽ giúp cải thiện trương lực cơ. Tốt nhất là tăng mức độ hoạt động từ từ. Không cố gắng làm quá nhiều việc trong một ngày vì bệnh nhân có thể đau nhiều hơn vào ngày hôm sau.