Tìm Hiểu Nguy Cơ Để Phòng Ngừa Nhồi Máu Cơ Tim

Nghiên cứu mở rộng đã xác định được các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng.

Yếu tố nguy cơ càng nhiều, mức độ của từng yếu tố nguy cơ càng lớn thì khả năng mắc bệnh tim mạch vành càng cao – đây là thuật ngữ phổ biến nói về sự tích tụ mảng bám trong động mạch có thể gây nhồi máu cơ tim.

Các yếu tố nguy cơ được chia thành ba nhóm:

  • Yếu tố nguy cơ chính: các yếu tố này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch);
  • Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: một số yếu tố nguy cơ chính có thể được cải thiện, điều trị hoặc kiểm soát bằng thuốc hoặc bằng cách thay đổi lối sống;
  • Yếu tố nguy cơ góp phần: các yếu tố này có khả năng  làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng mức độ trọng yếu và tỷ lệ mắc bệnh vẫn chưa được xác định.

Bạn nên tập trung vào việc phòng ngừa sớm bệnh tim mạch trong cuộc sống. Để bắt đầu, hãy đánh giá các yếu tố nguy cơ và nỗ lực kiểm soát để giữ chúng ở mức thấp. Nếu xác định và xử lý các yếu tố nguy cơ càng sớm, cơ hội để bạn có cuộc sống khỏe mạnh càng cao.

YẾU TỐ NGUY CƠ CHÍNH KHÔNG THỂ THAY ĐỔI

Bạn có thể được sinh ra với một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi. Các yếu tố nguy cơ này càng nhiều, cơ hội mắc bệnh tim mạch vành càng cao. Vì bạn không thể làm gì với các yếu tố nguy cơ này, nên việc xử lý các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi sẽ quan trọng hơn.

Cao tuổi 

Phần lớn những người tử vong do bệnh tim mạch vành là từ 65 tuổi trở lên. Mặc dù nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với cả đàn ông và phụ nữ lớn tuổi nhưng phụ nữ có nguy cơ tử vong cao hơn (trong vòng vài tuần). 

Nam giới 

Đàn ông có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn phụ nữ và thường mắc bệnh sớm hơn.

Cho dù phụ nữ đã đến tuổi mãn kinh, khi mà tỷ lệ tử vong do bệnh tim tăng, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới.

Di truyền (bao gồm cả chủng tộc) 

Cha mẹ mắc bệnh tim sẽ sinh con có nhiều khả năng mắc bệnh tim.

Người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á bị cao huyết áp nặng hơn người gốc châu Âu và có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Điều này một phần là do tỷ lệ béo phì và tiểu đường cao hơn.

Hầu hết những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim đáng kể đều có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ. Tương tự như việc không thể kiểm soát tuổi tác, giới tính và chủng tộc, bạn cũng không thể kiểm soát tiền sử gia đình.

Vì vậy, việc điều trị và kiểm soát bất kỳ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi mà bạn gặp phải sẽ quan trọng hơn.

YẾU TỐ NGUY CƠ CHÍNH CÓ THỂ THAY ĐỔI, ĐIỀU TRỊ HOẶC KIỂM SOÁT

Hút thuốc lá 

Người hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn nhiều so với người không hút thuốc.

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ có tác động độc lập gây đột tử do tim ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành. Hút thuốc lá còn tương tác với các yếu tố nguy cơ khác làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Hít khói thuốc lá từ người khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ngay cả với người không hút thuốc.

Cholesterol trong máu cao

Khi cholesterol trong máu tăng, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cũng tăng. Và nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (như cao huyết áp và hút thuốc lá), nguy cơ này còn cao hơn. Nồng độ cholesterol còn bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, giới tính, di truyền và chế độ ăn uống.

  • Cholesterol lipoprotein có khối lượng riêng thấp (LDL) = cholesterol “xấu”: Nồng độ cholesterol LDL thấp được xem là tốt cho sức khỏe tim mạch. Các yếu tố về lối sống, như chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng cholesterol LDL.

  • Cholesterol lipoprotein có khối lượng riêng cao (HDL) = cholesterol “tốt”: Đối với cholesterol HDL, thông thường nồng độ càng cao thì càng tốt. Nồng độ cholesterol HDL thấp làm bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Tất cả các yếu tố di truyền, tiểu đường týp 2, hút thuốc lá, thừa cân và ít vận động đều có thể làm giảm nồng độ cholesterol HDL.
  • Triglyceride: Triglyceride là loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể. Nồng độ triglyceride bình thường thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Nồng độ triglyceride cao kết hợp với cholesterol HDL thấp hoặc cholesterol LDL cao có thể liên quan đến xơ vữa động mạch, đây là sự tích tụ chất béo bên trong thành động mạch làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Cao huyết áp 

Cao huyết áp làm tăng áp lực cho tim, khiến cơ tim dày lên và cứng hơn. Tình trạng cứng cơ tim này là không bình thường và làm cho tim hoạt động bất thường. Nó còn làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận và suy tim sung huyết.

Khi tình trạng cao huyết áp xảy ra cùng với các yếu tố nguy cơ khác như béo phì, hút thuốc, nồng độ cholesterol trong máu cao hoặc tiểu đường thì nguy cơ nhồi máu tim hoặc đột quỵ thậm chí còn cao hơn.

Ít hoạt động thể chất 

Lối sống ít vận động là một yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch vành. Hoạt động thể chất thường xuyên, từ mức độ trung bình đến mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát cholesterol trong máu, tiểu đường và béo phì. Nó còn giúp giảm huyết áp ở một số người.

Béo phì và thừa cân 

Những người có mỡ thừa trong cơ thể – đặc biệt là vùng eo – có nhiều khả năng mắc bệnh tim và đột quỵ, cho dù người đó không có các yếu tố nguy cơ khác.

Người trưởng thành thừa cân và béo phì kèm theo các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như cao huyết áp, cholesterol cao hoặc đường huyết cao có thể thay đổi lối sống để giảm cân và giảm đáng kể các yếu tố nguy cơ như triglyceride, đường huyết, HbA1c và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2.

Nhiều người có thể gặp khó khăn trong việc giảm cân. Tuy nhiên, với những người có cân nặng khỏe mạnh, việc giảm cân duy trì từ 3 đến 5% trọng lượng cơ thể giúp giảm đáng kể một số yếu tố nguy cơ. Việc giảm cân duy trì nhiều hơn có thể giúp cải thiện huyết áp, cholesterol và đường huyết.

Bệnh tiểu đường 

Bệnh tiểu đường làm tăng nghiêm trọng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Cho dù đã kiểm soát nồng độ glucose, bệnh tiểu đường vẫn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Thậm chí nguy cơ còn cao hơn nếu không kiểm soát tốt đường huyết.

Nếu bạn bị tiểu đường, hãy trao đổi với bác sĩ để xử trí bệnh và kiểm soát mọi yếu tố rủi ro khác mà bạn có thể. Để kiểm soát đường huyết, bệnh nhân tiểu đường bị béo phì hoặc thừa cân nên thay đổi lối sống, như ăn uống lành mạnh hơn hoặc hoạt động thể chất thường xuyên hơn. 

CÁC YẾU TỐ KHÁC GÓP PHẦN VÀO NGUY CƠ GÂY BỆNH TIM 

CÁC YẾU TỐ KHÁC GÓP PHẦN VÀO NGUY CƠ GÂY BỆNH TIM 

Căng thẳng 

Phản ứng của cơ thể với tình trạng căng thẳng có thể là yếu tố góp phần gây nhồi máu cơ tim.

Các nhà khoa học đã ghi nhận mối liên hệ giữa nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và tình trạng căng thẳng trong cuộc sống, cùng với các hành vi sức khỏe và tình trạng kinh tế xã hội. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ đã xác định.

Ví dụ, những người bị căng thẳng có thể ăn quá nhiều, bắt đầu hút thuốc hoặc hút thuốc nhiều hơn bình thường.

Rượu bia 

Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim, đột quỵ, ung thư và các bệnh khác. Nó còn góp phần làm tăng nồng độ triglycerides và gây loạn nhịp tim. Ngoài ra, uống rượu bia quá mức còn góp phần gây béo phì, nghiện rượu, tự tử và tai nạn. Uống rượu bia vừa phải sẽ có tác dụng bảo vệ tim mạch.

Nếu có uống rượu bia, hạn chế uống không quá hai ly mỗi ngày đối với nam và không quá một ly mỗi ngày đối với nữ.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng 

Chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những vũ khí tốt nhất để phòng chống bệnh tim mạch. Loại (và số lượng) thực phẩm tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát khác, như cholesterol, huyết áp, tiểu đường và thừa cân.

Chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, trong đó có chứa vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, nhưng có lượng calo thấp hơn so với thực phẩm thiếu dinh dưỡng. Chọn chế độ ăn nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn có lợi cho tim mạch còn bao gồm các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm, cá, các loại đậu, các loại hạt và dầu thực vật không thuộc miền nhiệt đới. Đảm bảo hạn chế ăn đồ ngọt, thức uống có đường và thịt đỏ.

Để duy trì cân nặng khỏe mạnh, bạn hãy kết hợp chế độ ăn uống với hoạt động thể chất để sử dụng hết lượng calo mà bạn đã hấp thu.

PHÒNG NGỪA NHỒI MÁU CƠ TIM

Bạn nghĩ rằng mình còn quá trẻ để lo lắng về nhồi máu cơ tim? 

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bạn không bao giờ là quá trẻ để bắt đầu nghĩ đến sức khỏe tim mạch. Nếu bạn trên 40 tuổi, hoặc nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ, hãy trao đổi cẩn thận với bác sĩ để xử trí nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim là rất quan trọng và nên bắt đầu sớm bằng việc đánh giá các yếu tố nguy cơ. Sau đó, lập kế hoạch mà bạn có thể tuân thủ để duy trì nguy cơ nhồi máu cơ tim ở mức thấp.

Đối với nhiều người, nhồi máu cơ tim xảy ra lần đầu tiên có thể gây tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Vì vậy, hãy làm tất cả mọi điều mà bạn có thể để giảm nguy cơ của mình.

Tìm hiểu những điều cơ bản về sức khỏe tim mạch 

Giảm nguy cơ bắt đầu từ sự lựa chọn thông minh:

  • Nếu hút thuốc, hãy dừng lại;
  • Trao đổi với bác sĩ để xử trí các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm cao huyết áp, tăng cholesterol và bệnh tiểu đường;
  • Lối sống năng động và chế độ dinh dưỡng tốt cũng đã được chứng minh là hữu ích trong việc phòng ngừa nhồi máu cơ tim;
  • Tuân thủ bảy bước đơn giản để có cuộc sống khỏe mạnh hơn (tham khảo “Kiểm Soát Cuộc Sống – 7 Bước Để Có Cuộc Sống Tốt Đẹp Hơn”).

THỰC HIỆN TẦM SOÁT BỆNH ĐỘNG MẠCH VÀNH TẠI BỆNH VIỆN FV

 Khuyến cáo tầm soát Bệnh Động Mạch Vành cho:

  • Bệnh nhân từ 30 đến 45 tuổi có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ
  • Bệnh nhân trên 45 tuổi có 1 yếu tố nguy cơ
  • Phụ nữ sau mãn kinh. 

Chương trình tầm soát Bệnh Động Mạch Vành tại Bệnh viện FV bao gồm:

  • Chụp CT tim (MDCT) đánh giá mức độ vôi hóa và chụp CT mạch vành
  • Đo điện tâm đồ
  • Siêu âm tim
  • Khám chuyên khoa với bác sĩ tim mạch.

Chụp CT tim (MDCT) được thực hiện trong thời gian ngắn, với độ chính xác cao hơn 90% để phát hiện bệnh động mạch vành. Bệnh nhân không cần nằm viện sau khi thực hiện thủ thuật.