Hơn 50 nữ bác sĩ trong lĩnh vực điều trị ung thư đã góp mặt trong sự kiện ‘’Empower Women for Women – Trao nữ quyền cho phụ nữ’’ lần 2, diễn ra vào sáng 9/3/2024 tại Bệnh viện FV. Sự kiện thú vị này là tiếp nối sự thành công của lần đầu tiên diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2022.
Nâng cao nhận thức tầm soát và chuyên môn điều trị với bệnh ung thư vú
Khai mạc sự kiện, Phó Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV – ThS.BS. Vũ Trường Sơn đã gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng đến toàn thể người tham dự, đặc biệt là nữ giới nhân ngày 8/3. Bác sĩ Sơn chia sẻ: “Tôi dành một sự ngưỡng mộ lớn đối với các nữ bác sĩ, họ thường phải nỗ lực gấp đôi các đồng nghiệp nam vì vừa nhiệt huyết trong công việc, vừa phải chăm sóc gia đình chu đáo”. Bác sĩ Sơn cũng hy vọng những cập nhật trong sự kiện, sẽ góp phần làm tăng nhận thức về căn bệnh ung thư vú cho bệnh nhân, đặc biệt là trong vấn đề tầm soát sớm.
Trong vai trò “người khởi xướng” sự kiện, BS. Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, cho biết sự kiện năm nay có điểm khác biệt vì nhận được sự hưởng ứng tham gia từ các động nghiệp nam, qua đó mang đến sự cởi mở trong trao đổi và phần nào tạo ra nguồn động viên trong công việc đối với các nữ bác sĩ. “Tôi mong rằng khi rời sự kiện, mọi người sẽ có được những cập nhật vừa tiệm cận hướng dẫn quốc tế, vừa sát với thực tế bệnh nhân Việt Nam. Từ đó có thể thêm cảm hứng để phát triển sự nghiệp và đề cao vai trò phụ nữ trong lĩnh vực y tế”, bác sĩ Basma nhấn mạnh.
Chương trình được chia làm 3 phần, trong đó 2 phần đầu bao gồm các bài chia sẻ với mục tiêu cập nhật các kiến thức mới trong điều trị ung thư vú – loại ung thư đứng đầu về số lượng bệnh nhân tại Việt Nam. Trong khi phần thứ 3 của chương trình được dành để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh chủ đề “Học tập và nâng cao chuyên môn điều trị ung thư tại các cơ sở y tế quốc tế”.
Trong phần mở đầu có chủ đề “Ung thư vú trong kỷ nguyên điều trị tân hỗ trợ” và phần 2 “Ung thư vú trong thời đại của xét nghiệm gen”, chủ tọa – PGS.TS.BS. Cung Thị Tuyết Anh (Giảng viên cấp cao Đại học y Dược TPHCM) đã điểm qua các thành tựu nghiên cứu của các diễn giả trong chương trình, cũng như dẫn dắt và đặt các câu hỏi để giúp người tham gia hiểu rõ hơn về các phần chia sẻ. Bên cạnh đó, 2 chủ tọa khác gồm BS.Basma M’Barek và ThS.BS. Võ Kim Điền (Phó Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng) đã giúp tổng hợp nội dung xuyên suốt của từng phần.
Trong phần đầu tiên của chương trình, BS. Basma M’Barek đã mở ra chủ điểm “Kháng HER2 kép trong Ung thư vú” và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong điều trị tại FV. Với sự tham gia đặc biệt trùng vào chuyến làm việc tại FV, bác sĩ phẫu thuật ung bướu – Pornchanok Juvongvanic (Viện Ung bướu Quốc gia Thái Lan) đã có phần trình bày nhiều cứ liệu về phẫu thuật ung thư vú sau khi điều trị tân hỗ trợ. Phần trình bày đã mở ra nhiều góc nhìn mới từ phác đồ điều trị ung thư vú đến từ nền y học Thái Lan. Kết thúc phần này, BS. Võ Thị Phương Thảo (Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng) đã chia sẻ về ca bệnh lâm sàng tại FV. Bác sĩ Thảo nhấn mạnh việc cân nhắc nhiều yếu tố như đáp ứng điều trị, giai đoạn áp dụng, tài chính của người bệnh,… để mang lại một tổng thể điều trị phù hợp và hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân ung thư vú.
Cập nhật các phương pháp hiện đại bằng nỗ lực học tập trong môi trường quốc tế
Trong phần 2, chủ đề: “Ung thư vú trong thời đại của xét nghiệm gen” đã đem đến những kiến thức mang sức mạnh công nghệ hiện đại. Mở đầu, BS.Basma đã chia sẻ tổng quan về thực tế điều trị ung thư tại Trung tâm Hy Vọng, bằng phương pháp xét nghiệm gen. Đi sâu hơn về chủ đề này, BS. Trần Thị Phương Thảo (Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng) đã trình bày chi tiết về “Điều trị ung thư vú với Olaparib”. Bác sĩ Thảo cũng nhấn mạnh vì vấn đề chi phí nên cần đánh giá cẩn thận giai đoạn bệnh, chất lượng sống của bệnh nhân khi điều trị,… và thảo luận với người bệnh rõ ràng trước khi chỉ định các liệu pháp trúng đích như olaparib.
Tiếp nối phần này, BS. Nguyễn Huỳnh Hà Thu (Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng) đã chia sẻ về ca lâm sàng, bệnh nhân trẻ dưới 50 tuổi, mắc ung thư vú thuộc loại T3N0M0, có tiền sử gia đình trực hệ mắc ung thư vú cũng dưới 50 tuổi. Bác sĩ Thu đã cho biết chi tiết quá trình Hội chẩn liên chuyên khoa tại FV, các cân nhắc về kinh tế bệnh nhân, để quyết định điều trị chỉ bằng hóa trị và kết hợp phẫu thuật; hay bằng thuốc ức chế PARPs (như thuốc Olaparib) kết hợp hóa trị, trước khi phẫu thuật.
Kết thúc phần này, Giám đốc Y khoa thuộc Viện di truyền y học Gene Solutions – TS. BS. Nguyễn Duy Sinh, đã làm rõ hơn vai trò của DNA ung thư ngoại bào (Circulating tumor DNA-CtDNA) trong điều trị và theo dõi ung thư vú. Các trích dẫn khoa học mà Tiến sĩ Sinh đưa ra đã cho thấy lợi thế của phương pháp này, trong việc theo dõi tiến triển và đưa ra tiên lượng cho các bệnh nhân đã và có nghi ngờ mắc ung thư vú.
Trong phần cuối – rất được mong đợi – của chương trình, các diễn giả khách mời đã chia sẻ quan điểm của bản thân về vấn đề “liệu trong lĩnh vực ung thư, có nên tiếp nhận đào tạo ở nước ngoài hay không? và các nữ bác sĩ trẻ cần làm gì khi quyết định học tập tại nước bạn”. Tất cả diễn giả đều cho rằng khi có cơ hội đi học tập nước ngoài thì hãy tận dụng. PGS. Tuyết Anh và BS. Điền, với kinh nghiệm của những thế hệ bác sĩ ung bướu đầu tiên được học tập và làm việc tại Pháp, đã chia sẻ những câu chuyện quý báu về việc hiểu rõ mong muốn học tập của mình, lựa chọn chuyên ngành, tìm kiếm cơ hội và thu nhận kiến thức cần thiết khi ở nước ngoài.
Trong khi đó, với quan điểm của thế hệ trẻ hơn và từ kinh nghiệm thức tế, TS.BS Duy Sinh và BS.Basma đã gửi đến lời động viên và niềm cảm hứng cho các nữ bác sĩ, khi có quyết tâm theo đuổi chuyên môn và phát triển sự nghiệp tại các trung tâm y khoa tiên tiến trên thế giới. Sau cùng, BS. Sơn cũng khẳng định FV đang theo đuổi các chính sách đẩy mạnh đào tạo thông qua việc liên kết với các bác sĩ tại Việt Nam và quốc tế. Điều này phần nào sẽ giúp các bác sĩ tại FV và các bệnh viện khác, có cơ hội học tập với các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực y khoa khác nhau.
Sự kiện ‘’Empower Women for Women – Trao nữ quyền cho phụ nữ’’ lần 2 đã tiếp tục thành công khi mang đến những lợi ích thiết thực. Bên cạnh việc cung cấp các ứng dụng các hướng dẫn quốc tế vào thực tiễn tại Việt Nam, để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả hơn, chương trình cũng góp phần tôn vinh và ủng hộ nữ giới đang làm việc trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các nữ bác sĩ trong chuyên ngành ung bướu.