KỸ THUẬT OCT TRONG CAN THIỆP TIM MẠCH: MỞ RA NHỮNG PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRỊ TỐI ƯU BỆNH ĐỘNG MẠCH VÀNH

Kỹ thuật Chụp cắt lớp quang học (Optical Coherence Tomography – OCT) đã trở thành một công cụ quan trọng trong can thiệp tim mạch, đặc biệt là trong việc điều trị đặt stent, tái thông mạch vành, khảo sát stent đã đặt và điều trị mạch vành tái hẹp. Với độ phân giải vượt trội và khả năng hiển thị chi tiết lớp mô trong động mạch vành, OCT cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ bác sĩ đưa ra các quyết định tối ưu hơn trong điều trị và mang lại lợi ích lớn cho người bệnh.

Mặc dù kỹ thuật OCT đã xuất hiện khoảng 20 năm, nhưng trong vài năm gần đây mới trở nên phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tiến bộ nhanh của công nghệ đã nâng cao độ phân giải của OCT, cho phép nhìn thấy chi tiết mô mảng xơ vữa, từ vôi đến xơ, mỡ, huyết khối và cả vỏ mảng xơ vữa dày hay mỏng. Điều này giúp bác sĩ tối ưu hóa quá trình can thiệp, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân đã từng đặt stent và bị tái hẹp mạch vành; hoặc kiểm tra sự tối ưu của thủ thuật đặt stent vừa thực hiện.

Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim, Bệnh viện FV đang thực hiện kỹ thuật OCT trong phòng Cathlab
Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim, Bệnh viện FV đang thực hiện kỹ thuật OCT trong phòng Cathlab

Trước đây, hình ảnh chụp mạch vành được thực hiện bằng kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) hoặc siêu âm trong lòng mạch (IVUS). Tuy nhiên, nhược điểm của các kỹ thuật này là sự chồng lấp hình ảnh và độ phân giải thấp, khiến cho việc đánh giá tổn thương gặp một số hạn chế. Đồng thời, người thực hiện thủ thuật có thể cần xoay trở đầu dò (catheter) nhiều góc khác nhau để có các hình ảnh cần thiết, dẫn tới việc phát tia X nhiều hơn. Sự ra đời của OCT đã lắp những khuyết điểm này, mang lại hình ảnh rõ ràng, chi tiết hơn và đã giúp giải quyết 30% trường hợp chẩn đoán sót bệnh hẹp động mạch vành.

Trong gần 2 tháng ứng dụng, Khoa Tim mạch FV đã dùng kỹ thuật OCT trong hơn 15 ca can thiệp mạch vành và đều mang lại kết quả tích cực. OCT đã giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nguyên nhân hẹp mạch vành, quyết định phương pháp can thiệp; xác định kích thước của stent, kiểm tra vị trí đặt stent, đánh giá mức độ áp sát stent vào thành mạch…. Thời gian can thiệp tim mạch bằng kỹ thuật OCT là từ 30 – 60 phút / ca, với chi phí chênh lệch không đáng kể so với siêu âm trong lòng mạch. Điều này đồng thời đã mang đến lợi ích kinh tế, song song với hiệu quả điều trị của kỹ thuật này. Khoa Tim mạch Bệnh viện FV hiện đang sử dụng một trong những hệ thống OCT tiến tiến nhất thế giới, đơn giản trong ứng dụng thường quy, hình ảnh phân giải cao hơn, đồng thời ít gây ảnh hưởng đến người bệnh hơn so với các dòng máy khác.

Cùng với những tiến bộ trong công nghệ hình ảnh y khoa, kỹ thuật OCT hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một công cụ quan trọng trong lĩnh vực can thiệp tim mạch. OCT mở ra cách hiểu rõ và điều trị hiệu quả các bệnh lý mạch vành, tăng hiệu suất của các cuộc can thiệp, đồng thời giúp nâng cao chất lượng đời sống của người bệnh.

Liên hệ đặt hẹn cùng Khoa Tim Mạch – Bệnh viện FV, vui lòng gọi số (028) 54 11 33 33 – Máy nhánh 1165, 1216