Laser có thể loại bỏ các vùng lông không mong muốn một cách nhanh chóng, dễ chịu và tin cậy hơn các phương pháp khác. Dù là nam hay nữ, trẻ hay già, triệt lông bằng laser là lựa chọn thay thế cho phương pháp nhổ, cạo, dùng sáp, điện phân hoặc hóa chất.
Sự phát triển của lông?
Tuổi tác, giới tính, cân nặng, trao đổi chất, hoóc môn, di truyền, chủng tộc, thuốc, vị trí mọc lông, và biến đổi mùa đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của lông. Sự phát triển của lông gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1: Anagen
Đây là giai đoạn lông phát triển tích cực (anagen), kéo dài đến vài năm. Phần lớn lông đều tập trung phát triển ở bất kỳ thời điểm nào vào giai đoạn này . Trong giai đoạn anagen, lông chứa nhiều melanin.
Giai đoạn 2: Catagen
Đây là giai đoạn chuyển tiếp (catagen), kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Trong giai đoạn này, lông ngừng phát triển nhưng chưa rụng. Khoảng 3% đến 4% lông trên cơ thể ở giai đoạn này.
Giai đoạn 3: Telogen
Đây là giai đoạn nghỉ (telogen) khi lông rụng và bắt đầu hình thành lông mới, thường kéo dài vài tuần đến vài tháng. Ít nhất 10% đến 15% lông trên cơ thể ở giai đoạn này.
Tại một thời điểm, lông ở các vị trí khác nhau trên cơ thể sẽ ở các giai đoạn khác nhau. Chu kỳ này giúp toàn bộ lông trên cơ thể không rụng cùng lúc và cần vài tháng để mọc trở lại.
Laser hoạt động như thế nào?
Mặc dù triệt lông bằng laser thường không mang lại kết quả vĩnh viễn, nhưng nghiên cứu cho thấy các vùng đã triệt lông bằng laser thường mọc lông trở lại lâu hơn các phương pháp khác. Laser rất hiệu quả trong việc làm lông ngừng phát triển trong giai đoạn phát triển tích cực (anagen).
Laser phát ra chùm tia sáng mạnh được hấp thu bởi các sắc tố trong nang lông. Lông càng có nhiều sắc tố (sậm màu) thì càng điều trị hiệu quả. Các xung laser bắn ra trong nháy mắt, chỉ vừa đủ để làm bay hơi sắc tố trong khi giảm tổn thương cho vùng da xung quanh. Các nang lông hấp thu năng lượng laser làm suy yếu khả năng mọc lông mới.
Hệ thống laser Fotona SP Dynamis sử dụng công nghệ laser tối ưu Avalanche FRAC3® để triệt lông, giúp cải tiến hiệu quả và giảm khó chịu cho bệnh nhân.
Vùng cơ thể nào có thể điều trị?
Loại laser dùng để triệt lông có thể sử dụng cho hầu hết các bộ phận trên cơ thể. Nhiều loại laser có thể điều trị hiệu quả cho vùng da lớn. Triệt lông bằng laser có thể thực hiện cho vùng:
- Lưng
- Bikini
- Ngực
- Mặt, đặc biệt là ria mép và cằm
- Cổ
- Vai
Ai có thể điều trị?
Không phải ai cũng đáp ứng với điều trị bằng laser, và nếu có đáp ứng, thì cũng không thể xác định thời gian lông mọc trở lại.
Vì năng lượng thường được hấp thu bởi các vùng sắc tố sậm màu nên laser hoạt động hiệu quả nhất cho người da sáng có lông màu đen. Những người da sậm màu cần điều trị nhiều lần hơn còn những người có lông màu đỏ, xám, trắng và vàng không đáp ứng tốt với tia laser, vì không có sắc tố đen trong nang lông.
Tôi cần điều trị bao nhiêu lần?
Số lần điều trị cần thiết sẽ tùy thuộc màu da và màu lông, độ dày và độ cứng của lông, cũng như vùng cần điều trị.
Không phải lúc nào toàn bộ lông trong vùng điều trị đều ở giai đoạn phát triển tích cực, nên cần điều trị laser vài lần để triệt lông bước vào giai đoạn phát triển tích cực sau đó. Kết quả dự kiến sẽ khác nhau với từng người. Mặc dù các nang lông tại vùng điều trị đã được loại bỏ nhưng tuổi tác và hoóc môn có thể làm cho các nang lông khác phát triển ở vùng này. Nếu mọc lại, lông thường mỏng hơn và nhạt màu hơn.
Trung bình, sau 3-5 lần điều trị, mỗi lần cách nhau 4-6 tuần, lông sẽ mọc ít hơn khoảng 50-80%.
Tôi cần chuẩn bị gì?
- Tránh nắng trong vòng 4 tuần trước khi điều trị, bảo vệ da bằng cách sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 50 trở lên.
- Tránh thực hiện các phương pháp triệt lông khác. Nhổ, triệt lông bằng sáp và điện phân có thể ảnh hưởng đến nang lông, vì vậy nên tránh thực hiện ít nhất bốn tuần trước khi điều trị.
- Tránh dùng thuốc làm loãng máu. Trao đổi với bác sĩ để tránh những loại thuốc, như aspirin hoặc thuốc kháng viêm, hoặc sản phẩm có thể gây nhạy cảm ánh sáng trước khi điều trị.
- Cạo lông vùng điều trị. Nên cắt và cạo lông một ngày trước khi điều trị bằng laser. Việc này giúp loại bỏ phần lông trên bề mặt da, mà phần lông này có thể làm tổn thương bề mặt da khi lông bị cháy, nhưng vẫn giữ nguyên phần thân lông dưới bề mặt da.
- Không dùng isotretinoin (Accutane®) trong vòng 6 tháng trước khi bắt đầu điều trị.
- Thông báo cho bác sĩ về tiền sử nhiễm virút herpes ở vùng điều trị vì bệnh nhân có thể cần điều trị dự phòng.
Điều gì xảy ra trong quá trình triệt lông bằng laser?
Trước khi điều trị, bệnh nhân được vệ sinh vùng triệt lông. Một số bệnh nhân được thoa thuốc tê. Nếu triệt lông trên một vùng nhỏ và bệnh nhân có làn da nhạy cảm, cần gây tê vùng điều trị khoảng một giờ để thuốc tê có tác dụng.
Triệt lông bằng laser được thực hiện trong phòng dành riêng cho điều trị laser. Mọi người trong phòng phải đeo kính bảo vệ mắt trong suốt quá trình thực hiện. Để thực hiện thủ thuật, da được giữ căng rồi chiếu laser. Các bệnh nhân cho biết khi chiếu tia laser họ cảm thấy da ấm, có cảm giác châm chích, hoặc như bắn dây thun vào da.
Laser giúp triệt lông bằng cách làm bay hơi. Điều này tạo ra những đám khói nhỏ có mùi giống lưu huỳnh.
Thời gian triệt lông sẽ tùy thuộc vào kích thước vùng điều trị. Triệt ria mép thường mất khoảng vài phút. Còn triệt lông trên vùng da lớn như lưng hoặc chân, thì có thể kéo dài hơn một giờ.
Kết quả triệt lông bằng laser sẽ kéo dài trong bao lâu?
Lông không mọc trở lại trong vòng vài tháng hoặc thậm chí vài năm ở hầu hết bệnh nhân. Nếu mọc trở lại thì thường ít hơn rất nhiều so với trước đây. Lông cũng có xu hướng mỏng hơn và nhạt màu hơn.
Để giữ cho lông không mọc trở lại, bệnh nhân có thể cần điều trị duy trì.
Tác dụng phụ có thể xảy ra?
Tác dụng phụ sẽ khác nhau tùy từng loại da, màu lông, kế hoạch điều trị và việc tuân thủ trước và sau khi điều trị. Triệt lông bằng laser có tác dụng phụ thường gặp nhất là:
- Kích ứng da: da có thể bị khó chịu, đỏ và sưng trong thời gian ngắn sau khi triệt lông bằng laser. Các dấu hiệu và triệu chứng thường khỏi trong vòng vài giờ;
- Thay đổi sắc tố: triệt lông bằng laser có thể làm tăng hoặc giảm sắc tố ở vùng da điều trị, thường là tạm thời. Tình trạng giảm sắc tố chủ yếu là do bệnh nhân không tránh nắng trước hoặc sau khi điều trị và ở bệnh nhân có da sậm màu.
Triệt lông bằng laser có thể gây phồng rộp, đóng vảy, hình thành sẹo hoặc thay đổi cấu trúc da, tuy hiếm gặp. Các tác dụng phụ hiếm gặp khác bao gồm bạc lông đã điều trị hoặc lông mọc quá mức quanh vùng điều trị, đặc biệt ở bệnh nhân có da sậm màu.
Khuyến cáo không triệt lông bằng laser ở vùng mí mắt, lông mày hoặc các vùng da xung quanh, vì có nguy cơ gây chấn thương mắt nghiêm trọng.
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ da liễu
Nếu bệnh nhân triệt lông bằng laser, điều quan trọng là cần tuân thủ ngay hướng dẫn của bác sĩ da liễu vì điều này giúp giảm tác dụng phụ có thể xảy ra.
Sau khi triệt lông và giữa các lần triệt lông theo kế hoạch cho đến ít nhất 6 tuần sau khi kết thúc điều trị:
- Tránh để vùng da điều trị tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
- Không dùng máy tắm nắng nhân tạo, đèn cực tím hoặc các thiết bị khác dùng để tắm nắng trong nhà;
- Không dùng thuốc nhuộm nâu da;
- Bảo vệ da bằng cách sử dụng kem chống nắng. Nên thoa kem chống nắng mỗi ngày trước khi ra ngoài. Thoa kem chống nắng phổ rộng có SPF 50+ và chống thấm nước.
Sau khi điều trị, da sẽ bị đỏ và sưng như cháy nắng nhẹ. Chườm túi đá có thể giúp giảm khó chịu.